Hỏi: Trong Tin Mừng Thánh Marcô, Chúa Giêsu nói: “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Thiên Đàng”. Như vậy có phải Chúa lên án những người giầu không?
Trả lời:
Sống đức tin Công Giáo cách sâu sắc và trưởng thành không những đòi hỏi phải có can đảm để tuyên xưng đức tin ấy bằng hành động cụ thể bên ngoài qua việc chu toàn những bổn phận thiêng liêng của người tín hữu sống trong Giáo Hội, như siêng năng việc thờ phượng Chúa, học hỏi lời Chúa, năng lãnh nhận các bí tích ban ơn cứu độ như Thánh Thể và hòa giải, và làm nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người đời -mà hơn nữa- còn phải ý thức sâu xa về những nguy cơ đe dọa đức tin và hy vọng được cứu rỗi nữa.
Đe dọa không phải chỉ đến từ phía các chế độ chính trị thù ghét mọi niềm tin của con người, mà đặc biệt nguy hiểm không kém sự bách hại niềm tin đó là những nguy cơ như tội lỗi, các chủ nghĩa vô thần ( atheism) tục hóa ( vulgarism) tương đối ( relativism) tôn thờ vật chất và khoái lạc ( materialism and hedonism) và làm nô lệ cho tiền của là trọng tâm của bài viết này.
Thật vậy, tiền của là một trở ngại lớn lao cho con người muốn sống công bình, lương thiện, bác ái, và là nguyên nhân chính gây ra những sự dữ, sự gian ác bất công, bóc lột người như ta thấy đầy rẫy ở khắp nơi trên thế giới ngày nay. Do đó, không thể sống đức tin cách đich thực mà không quyết tâm xa tránh nguy cơ này, vì nó là cạm bẫy xô đẩy người tín hữu vào con đường làm nô lệ cho tiền của đến chỗ chối bỏ hay sống mâu thuẫn với niềm tin có Thiên Chúa là Đấng cực tốt cực lành, công minh, chính trực giữa bao người vô tín ngưỡng ở thời đại tục hóa ( vulgarism) vô luân vô đạo ngày nay.
Ngoài tội lỗi, là nguy cơ thường xuyên đe dọa do ma quỷ, ví như “ sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” mà Thánh Phêrô đã cảnh giác,( 1 Pr 5: 6) còn có gương xấu dịp tội đẫy rẫy trong trần gian cộng với bản chất yếu đuối của con người, là hậu quả của tội nguyên tổ còn để lại trong mỗi người chúng ta cho chúng ta phải chiến đấu để sống niềm tin có Chúa, có hạnh phúc vinh cửu và cũng có hỏa ngục là nơi dành cho những kẻ hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ tiền của và mọi thú vui của “văn hóa sự chết” đang lộng hành trong trần gian ngày nay.
Trên bình diện quốc tế, chính lòng ham mê tiền của và mọi của cải vật chất như dầu hỏa, khí đốt, quặng mỏ, hải sản,lâm sản… đã và đang là nguyên nhân gây ra chiến tranh giữa những quốc gia có tài nguyên thiên nhiên và những quốc gia muốn chiếm đoạt những nguồn tài nguyên đó. Hậu quả là hàng triệu người dân vô tội đã bị giết vì những kẻ tham mê của cải trần gian cách bất lương đã tìm mọi cách để chiếm hữu, dù phải gây ra chiến tranh – khéo che đậy, nguy tạo với những chiêu bài giả dối, phỉnh gạt dư luận như giải phóng, bảo vệ tự do, dân chủ và quyền sống của con người. Nhưng thực chất chỉ là muốn vơ vét của cải của người khác để làm giầu cho quốc gia hay tập đoàn đế quốc của mình mà thôi.
Lại nữa, cũng chính vì lòng ham mê tiền của và quyền lực chính trị nên có biết bao kẻ độc tài, độc đảng đã cố bám lấy địa vị cai trị sắt máu của mình để vơ vét tiền của, núp bóng dưới chiêu bài giải phóng cho giai cấp vô sản bị bóc lột, nhưng thực tế chính họ lại trở thành những đại gia, đại tư bản xanh đỏ đang bóc lột dân nghèo, ăn cắp của công để làm giầu cho cá nhân và tập thể cai trị, gửi tiền ra nước ngoài để kinh doanh và phòng thân, trong khi nhắm mắt, bịt tai trước sự nghèo đói cùng cực của người dân, nạn nhân của mọi bất công xã hội, hậu quả hiển nhiên của chế độ cai trị phi nhân vô đạo như mọi người đã nhìn rõ mà chưa biết phải làm gì để thay đổi bộ mặt của lừa dối phỉnh gạt đó..
Về mặt luân lý, đạo đức, có biết bao kẻ đã vì ham mê tiền của mà dã tâm làm những việc vô cùng xấu xa, tội lỗi như mở sòng bạc casino, nhà điếm, buôn bán phụ nữ, nhất là trẻ em, cho kỹ nghệ mãi dâm để kiếm tiền cách vô luân và đầy tội ác. Còn gì ghê tởm và gian ác hơn khi bắt cóc hay mua bán trẻ em cho bọn người đã trở thành thú vật đi tìm thú ấu dâm rất khốn nạn này ( child prostitution) vì đã gây đau khổ, thương tật cho biết bao trẻ em bị bán cho bọn thú vật này hành hạ thân xác. Đây chính là bộ mặt, là hình ảnh rõ nét nhất của hỏa ngục trên trần gian này hiện nay.
Chưa hết, cũng vì tham tiền mà có những kẻ đã bán rẻ lương tâm để làm tay sai cho ngoại bang, giết hại đồng bào ruột thịt của mình, phản bội chính nghĩa của dân tộc khi ra tay sát hại cách giã man người khác để giúp cho quan thầy ngoại bang thi hành mục đích thống trị theo sách lược thâm độc của chúng..Cụ thể, đó là những tướng tá đã nhận tiền thuê mướn của CIA Mỹ để lật đổ và giết hại rất dã man anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 02 tháng 11 năm 1963 ở Saigon, và một số nạn nhân khác với danh nghĩa “cách mạng”.Nhưng thực chất đó chỉ vì lòng tham mê tiền bạc đã đưa họ mù quáng đi vào con đường gian ác, phản bội, tàn nhẫn không hơn không kém.Những kẻ gian ác, phản bội này chắc chắn sẽ không thể ăn ngon, ngủ yên, và vui sống được vì tội ác nung đốt lương tâm, dù đã bị băng hoại của chúng.Nếu ta tin có một Thiên Chúa yêu thương nhưng rất công minh và chê ghét mọi tội lỗi và sự dữ , thì những kẻ gian ác đó sẽ phải chịu phán xét đích đáng về những việc làm độc ác, dã man của chúng.
Như thế, tiền bạc , mặc dù cần thiết cho con người sống ở trần gian này, nhưng lại là một nguy cơ to lớn cho con người muốn sống lương thiện nói chung và cách riêng cho người tín hữu muốn sống đức tin thực sự vào Chúa Kitô, Đấng đã “chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” ( Mt 5: 3)
Thật vậy, Tin Mừng của Chúa Kitô đã cho ta biết bao lời khuyên phải tránh cạm bẫy của tiền bạc để được cứu rỗi và vui hưởng hạnh phúc giầu sang, phú quý với Chúa trên Nước Trời.
Trước hết, là câu truyện người thanh niên giầu có trong Phúc Âm Thánh Mac cô. Anh ta đến hỏi Chúa Giêsu xem anh phải làm gì “để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.Anh ta tự khoe đã tuân giữ mọi giới răn của Chúa cách hoàn hảo từ bé.Nhưng có một điều anh còn thiếu và không thể làm được, đó là về bán hết tài sản, lấy tiền cho người nghèo, rồi đi theo Chúa như Chúa Giêsu đã đòi hỏi anh ta.
Trước đòi hỏi này, anh đã buồn rầu bỏ đi, không thể thực hành được vì anh có quá nhiều của cải !( Mc 10 : 17-22)
Như vậy, rõ rệt cho thấy là lòng ham mê tiền của trần thế đã là trở ngại lớn lao nhất cho anh thanh niên kia vào Nước Trời. Vì thế, Chúa Giêsu đã kết luận với các môn đệ như sau :
“ Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn cho người giầu vào Nước Thiên Chúa.” ( Mc 10:17-23; Lc 18: 18-24)
Con lạc đà to lớn như vậy làm sao chui qua được lỗ kím quá nhỏ như thế ? Thật là điều không tưởng, nhưng lại giúp nói lên điều không tưởng lớn lao hơn nữa đó là người giầu có khó có thể vào được Nước Trời. Khó vào được vì có những người giầu đã làm nô lệ cho tiền của đến mức không thể hy sinh được của cải phù vân ở đời này cho hạnh phúc Nước Trời mai sau như trường hợp chàng thanh niên giầu có trên đây.
Chính vì muốn cho các môn dệ xưa và mọi người tín hữu chúng ta ngày nay phải ý thức sâu xa về nguy hại của tiền bạc, của cải vật chất trong khi sống đức tin ở giuwaxntraafngan này mà Chúa Giêsu “ Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.” ( 2 Cr 8: 9),
Chúa đã nên gương nghèo khó cùng cực khi chọn sinh ra trong hang bò, lừa giữa mùa đông lạnh lẽo, khiến phải nhờ hơi ấm của chiên, bò, lừa ngựa, sưởi cho đỡ lạnh trong đêm Người giáng trần.Lớn lên, đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa đã sống lang thang như kẻ vô gia cư, đúng với ý nghĩa câu trả lời của Chúa cho một kinh sư kia ngỏ ý muốn đi theo Người.nói :
“ Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8:20)
Như vậy, Chúa đã thực sự sống khó nghèo từ khi sinh ra cho đến ngày chết trần trụi trên thập giá. Suốt đời sống nghèo khó đến nỗi khi chết cũng không có chỗ để chôn, khiến môn đệ phải mượn ngôi mộ trống của ông Giô-xép cho Chúa nằm tạm 3 ngày chờ sống lại.( Mt 27: 57-60; Ga 19: 41-42)
Như thế ai có thể ngờ vực được gương khó nghèo của Chúa Kitô ???
Người sống và chết khó nghèo để dạy cho tất cả chúng ta, những người muốn đi theo Chúa vào Nước Trời , một điều rất quan trọng là không được tôn thờ hay yêu mến tiền của đến mức làm nô lệ cho nó mà quên mất hay coi nhẹ việc tối quan trọng hơn là phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, phải tìm kiếm sự sang giầu của Nước Trời trên mọi phú quý sang giầu ở đời này. Trên trần gian này, không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ được, cho nên “ anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” ( Lc 16: 13) như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa.
Vì nếu làm tôi tiền của thì sẽ dễ trở thành bất lương, độc dữ, gian ác và lãnh cảm trước sự nghèo đói của người khác. những người mà Chúa Kitô đang hiện diện nơi họ để thách đố chúng ta biết cảm thông và chia sẻ cơm áo với những anh chị em kém may mắn đó.
Nói thế không có nghĩa là cứ phải nghèo đói, rách rưới và ốm đau bệnh tật mới được vào Nước Trời. Ngược lại, lo cho mình và cho người thân của mình được có của ăn, áo mặc, có tiền mua thuốc chữa bệnh , có phương tiện di chuyển cần thiết thì lại là điều tốt đẹp phải làm và không có gì nguy hại cho mục đích sống đức tin có Chúa. Chỉ khi nào ham mê tiền của đến mức làm nô lệ cho nó khiến có thể mù quáng làm những việc bất lương, bất công và vô luân để có tiền thì mới là điều đáng chê trách và phải xa tránh mà thôi.
Chính vì giá trị chính đáng của những nhu cầu cần thiết cho con người như của ăn nuôi sác, được khỏe mạnh để làm việc và sống vui ở trần gian này, mà xưa Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi hàng ngàn người đi theo Chúa nghe Người giảng dạy và không có của ăn trong ngày. ( Mc 6 : 35-44) . Chúa cũng chữa lành biết bao người bệnh tật, câm điếc, đui mù què, phong cùi và bị quỷ ám để minh chứng Người là Thiên Chúa giầu lòng xót thương và cảm thông nỗi đau khổ của con người và dạy chúng ta phải biết yêu thương, chia sẻ với người khác nghèo khó vật chất hơn mình.
Chúa không lên án những người giầu có chỉ vì họ có nhiều tiền của mà vì họ mê tiền của hơn yêu mến Chúa và hạnh phúc Nước trời. Có tiền của mà biết dùng vào việc bác ái đích thực để chía sẻ với người khác kém may mắn hơn mình những gì mình có thì đó lại là việc tốt đẹp phải làm. Nghĩa là nếu người giầu có biết dùng tiền của để xoa dịu nỗi thống khổ của người nghèo đói, bệnh tật không có tiền chữa trị, hay giúp cho các cô nhi viện, trẻ em khuyết tật , và các nhà truyền giáo có phương tiện vật chất để đi mở mang Nước Chúa thì đã “ mua sắm những túi tiền không bao giờ cũ rách , một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời , nơi trộm cắp không bén bảng , mối mọt cũng không đục phá..” ( Lc 12 : 33).
Đó là sự khôn ngoan biết dùng tiền của chóng qua ở đời này để mua sự sang giầu, phú quí vĩnh viễn trên Nước Trời, như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa và cho tất cả chúng ta ngày nay.
Đó cũng là thái độ khinh chê, không làm nô lệ cho tiền của mà chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 62 :
“ Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở
Lòng chẳng nên gắn bó làm chi.”( Tv 62 : 11)
Chính vì hiểu rõ giá trị của sự sang giầu trên Nước Trời và niềm vui sướng được biết Chúa Kitô hơn mọi lợi lãi vinh quang ở đời này mà Thánh Phaolô đã thốt lên những lời đáng ca ngợi sau đây:
“ Những gì xưa kia tôi coi là có lợi, thì nay , vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki Tô-Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết , và tôi coi tất cả như rơm rác để được Đức KiTô.” ( Pl 3: 7-8)
Lời Thánh Phaolô trên đây quả là khuôn vàng thước ngọc cho mọi người tín hữu chúng ta suy nghĩ và noi theo, vì được biết Chúa Kitô nhờ đức tin quả thực là mối lợi lớn lao mà không có bất cứ cái gì, của gì trên trần gian này như tiền bạc, kim cương đá quí hay danh vọng có thể sánh hay đổi chác được. .
Do đó, nếu nhờ Đức Tin, ta nhận biết có Thiên Chúa là chính sự sang giầu và hạnh phúc tuyệt vời nhất thì nhiên hậu, lời mời gọi sẽ là phải yêu mến Chúa và Vương Quốc của Người trên hết mọi sự , nhất là trên tiền bạc và của cải ở trần gian này để không làm nô lệ cho tiền của, hay say mê đi tìm tiền của hơn tha thiết tìm Chúa và hạnh phúc được chiêm ngắm Thánh Nhan Người trên cõi vinh hằng mai sau.
Lời mời gọi này không những chỉ dành cho các tín hữu sống ơn gọi gia đình hay độc thân giữa đời mà còn dành riêng cho các giáo sĩ và tu sĩ là những người được mong đợi sống “cái nghèo của Chúa Kitô” để làm nhân chứng cho Chúa và nêu gương sáng cho người khác. Do đó, người tông đồ của Chúa không nên để lòng dính bén của cải ,tiền bạc ở trần gian này.Cụ thể, . không nên thích tiền để chỉ nhận dâng lễ với bổng lễ cao, đi đồng tế cho đông để nhận phong bì và coi trọng người giầu có, khinh thường người nghèo, chê hay không nhận dâng lễ cho người không có tiền xin lễ hậu hĩ như các người giầu có ! Đó là thực trạng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi và gây tai tiếng không ít cho ơn gọi và tinh thần phục vụ của người tông đồ ngày nay.Dĩ nhiên, đây không phải là cách sống của đa số người tông đồ của Chúa nhưng dù chỉ là thiểu số nhỏ thì cũng mang tiếng chung cho đa số vì” con xâu làm rầu nồi canh” như tục ngữ Viêt Nam đã nói.
Tóm lại, là Tông đồ lớn nhỏ của Chúa ,tất cả đều được mong đợi sống tinh thần khó nghèo của Phúc Âm để làm chứng cho Chúa Kitô, Người “ vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được trở nên giầu có” như Thánh Phaolô đã dạy ( 2 Cor 8:9)
Nếu giảng sự khó nghèo của Chúa cho người khác mà chính mình lại ham thích tiền của, chậy theo tiền của, thì lời giảng dạy của mình có thuyết phục được ai tin và thực hành không ?
Sự thật thì dễ mất lòng nhưng vẵn cần thiết phải nói ra để “ Ai có tai nghe thì nghe.” Đó là lời Chúa. Giêsu đã nói với các môn đệ xưa. ( Mt 13: 43; Mc 4: 23; Lc 8: 8)
Tóm lại, là người may mắn có đức tin, chúng ta phải quyết tâm sống đức tin cách sâu đậm không những bằng đời sống thiêng liêng mật thiết với Chúa mà còn phải lưu tâm đến những nguy cơ đe dọa đức tin như tội lỗi, gương xấu và cám dỗ của tiền bạc của cải vật chất, là những trở ngại rất lớn cho chúng ta sống đạo đức, lương thiện, công bằng và bác ái như đức tin đòi hỏi.
Đó chính là điều chúng ta cần suy nghĩ và thực hành trong đời sống đức tin của mối người tín hữu chúng ta mỗi ngày trước mặt người đời..Amen.
Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.
Lm. Phanxicô xaviê Ngô Tôn Huấn