Nhân tin nghe được trên YouTube, nói về một linh mục thuộc Giáo Phận kia bên Việt Nam đã bị vạ tuyệt thông tiền kết do Giáo quyền ở đây tuyên phạt đã 4 năm nay mà không cho đương sự biết lý do của hình phạt này, tôi thấy cần phải nói thêm một lần nữa về hình phạt này theo giáo luật hiện hành của Giáo Hội Công Giáo như sau:
Trước hết, căn cứ vào lời phát ngôn của chính linh mục bị vạ tuyệt thông với một linh mục khác đến thăm và hứa sẽ khiếu nại thay cho linh mục nạn nhân với giáo quyền ở đây, tôi thấy đây là một trường hợp rất khó hiểu về lý do mà giáo quyền địa phương kia đã tuyên phạt vạ tuyệt thông tiền kết cho linh mục nạn nhân.
Trong Giáo Hội Công Giáo, căn cứ theo giáo luật , thì vạ tuyệt thông tiền kết hay hậu kết là hình phạt nặng nhất mà Giáo Hội bất đắc dĩ phải áp dụng cho một hay nhiều thành viên của Giáo Hội đã vi phạm một trong những điều ngăn cấm không được làm..Bị vạ tiền kết (latae sententiae) nếu vi phạm một trong những lỗi nặng được liệt kê trong giáo luật.
Thí dụ : hành hung Đức Thánh Cha, công khai chối Đạo ( apostasy) tà Đạo hay chối bỏ một trong những tín điều của đức tin (heresy) hay ly giáo ( schism) tức từ bỏ Giáo Hội Công Giáo để gia nhập hay thiết lập một giáo phái khác. Tất cả đây là những tội đương nhiên mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Đức Thánh Cha quyền tháo gỡ. ( x giáo luật số 1364&1 )
Như thế, khi ai mắc phạm một trong những điều bị cấm thì đương nhiên hay tự động mắc vạ tuyệt thông tiền kết ( automatically incurred) và hình phạt này phải được thẩm quyền của Giáo Hội địa phương hay hoàn vũ tuyên bố cho bị cáo với lý do xác đáng. Áp dụng vào trường hợp của linh mục trên, giáo quyền địa phương ( thẩm quyền của địa phận) chỉ gửi thư tuyên phạt mà không cho bị cáo biết rõ lý do phạt vạ.!!!. Nếu quả như vậy, thì giáo quyền kia đã không áp dụng đúng giáo luật khi tuyên phạt nạn nhân bị cáo. Đây không phải là vạ tuyệt thông tiền kết là vạ đương nhiên mắc phải khi vi phạm một trong những điều nghiêm cấm , và chỉ dành cho Tòa Thánh ( Đức Thánh Cha) quyền tháo gỡ mà thôi.
Tuy nhiên, riêng trường hợp phá thai hoặc giúp người khác phá thai có kết quả là tội bị phạt vạ tuyệt thông tiền kết,(x. giáo luật số 1398) trước đây chỉ dành cho Đức Thánh Cha quyền tháo gỡ. Nhưng nay Đức Thánh Cha đương kim Phanxicô đã cho phép các linh mục trong toàn Giáo Hội cũng được tha vạ này.
Trở lại trường hợp phạm pháp của linh mục kia, Giáo quyền địa phương chỉ có thể tuyên phạt vạ tuyệt thông hậu kết (ferendae sententiae) mà thôi. Nghĩa là nếu linh mục kia quả đã mắc phạm điều gì sai trái về đức tin,về việc rao giảng và dạy dỗ đức tin và luân lý, thì giáo quyền địa phương có bổn phận phải nói rõ cho đương sự biết về sự sai trái đó và cho đương sự quyền bào chữa hay giải thích việc làm của mình, và tỏ thiện chí muốn nhận lỗi ( nếu quả thật có lỗi) và hứa sửa đổi. Nhưng nếu đương sự ngoan cố không chịu nhìn nhận lỗi phạm, dù đã được cảnh cáo nhiều lần , thì cuối cùng mới phải áp dụng vạ tuyệt thông hậu kết cho đương sự. Đây phải là vạ hậu kết chứ không thể là tiền kết được, vì vạ tiền kết là vạ tự động hay đương nhiên thành vạ ( automatically incurred) khi vi phạm một trong những điều Giáo Hội nghiêm cấm trong giáo luật như đã nói ở trên.
Nhưng căn cứ vào lời phân trần công khai trên mạng của chính đương sự, thì giáo quyền địa phương kia đã không hề cho đương sự biết việc sai trái mình đã làm, và cũng không cho đương sự cơ hội để trả lời cáo buộc hay giải thích việc sai trái đó ( nếu quả thật có sự sai trái theo giáo quyền), mà chỉ gửi văn thư ra vạ một cách độc đoán !. Như vậy giáo quyền kia đã không áp dụng đúng giáo luật về việc ra vạ tuyệt thông hậu kết cho linh mục kia từ 4 năm nay.( x.giáo luật số 1347&1)
Nếu quả đúng như vậy,thì đây là việc làm hết sức độc đoán và lạm quyền, vì khi áp dụng hình phạt vạ tuyệt thông hậu kết cho ai, thì giáo quyền phải cho đương sự biết việc sai trái đương sự đã làm cũng như cho đương sự quyền biện minh và thiện chí muốn sửa lỗi. Chỉ khi nào đương sự ngoan cố không chịu nhận lỗi dù đã được cảnh cáo nhiều lần, thì khi đó mới có thể áp dụng hình phạt vạ tuyệt thông hậu kết mà thôi.(giáo luật số 1347& 1)
Còn nhớ cách nay trên 20 năm, nhân vụ “lộn xộn” ở San Jose,bắc California, giáo quyền ở đây đã ngăm đe phạt vạ tuyệt thông hậu kết cho một số người bị coi là chủ chốt trong vụ lộn xộn đó, nếu các đương sự không chấm dứt hành động của mình.Nhưng sau đó, vụ rắc rối này đã được giải quyết êm đẹp nên giáo quyền ở đây đã không thi hành ý đinh ra vạ tuyệt thông hậu kết cho các đương sự kia.
Như thế, không cho linh mục kia biết việc sai trái của mình và cũng không cho đương sự cơ hội biện minh hay tỏ thiện chí muốn sửa đổi mà đã ra hình phạt thì đây quả thật là điều quá nghiêm khắc và độc đoán, nếu không muốn nói là sai giáo luật.. Điều này cũng trái với lòng thương xót của Chúa mà Giáo Hội phải tuyên xưng và sống cân xứng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc biệt chú trọng và cổ võ. Trong tinh thần đó, vạ nào cũng có thể được tháo gỡ và tội nào cũng có thể được tha, nếu ta còn cậy trông nơi lòng thương xót, tha thứ của Chúa.
Giáo Hội là phương tiện, là cơ năng Chúa dùng để thể hiện lòng thương xót của Chúa khi tha thứ cho con người mọi lỗi phạm. Chỉ có tội không thể tha thứ được : đó là tội hoàn toàn tuyệt vọng nơi vào lòng thương xót của Chúa để không còn chạy đến xin Người tha thứ nữa. Đây chính là tội phạm đến Đức Chúa Thánh Thần, và tội này mới không thể tha thứ được theo lời dạy của chính Chúa Giêsu ( Mk 3:29)
Tóm lại, giáo quyền địa phương không thể tự ý ra vạ tuyết thông tiền hay hậu kết cho ai mà không cho đương sự biết lý do và cơ hội để biện minh hay thiện chí muốn sửa lỗi. Nếu lỗi đó không là một trong những lỗi nặng đương nhiên mắc vạ tiền kết theo giáo luật , thì giáo quyền địa phương không thể ra vạ này cho ai một cách vô căn cớ được . Chỉ có thể ra vạ tuyệt thông hậu kết cho ai có lỗi mà không chịu nhìn nhận và cam kết sửa lỗi, dù đã được khuyến cáo ít là một lần mà vẫn không hối lỗi , thì khi đó mới có thể ra vạ hậu kết được.
Ước mong các vị có trách nhiệm trong giáo quyền địa phương kia làm sáng tỏ việc này để công lý được tôn trọng và tránh bất công cho ai bị coi là đã phạm lỗi.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn (Houston, Texas, USA)