Thưa cha con có chuyện này nhờ cha giúp con! Con vượt biên sang Mỹ năm 1978. Trong ghe tất cả 78 người, đi cùng chuyến trong đó có một người mất một số đồ quý! Năm 1980, bà Hòa gọi phone cho con chửi con rất là thậm tệ! Ðây con viết vắn tắt bà chửi con! mầy ăn cắp của người ta! đời cha đời con mầy ăn không hết! mầy chết đi mầy phải trối lại cho đời con mầy trả! sống từ năm 1978 cho đến bây giờ! bà nhai đi nhai lại! Tiểu bang con ở đa số họ biết về chuyện này! do miệng của bà Hòa vu khống con đủ điều! Nhưng lương tâm con lúc nào cũng bình an vì con không biết cái của đó. Ðau đớn nhất mới đây bà Hòa nhờ bà Bình dịp về Việt Nam đến nhà ba mẹ chồng con nói : “Ông bà là ba mẹ. Con ông bà ăn cắp số của đó! ông bà phải lo mà trả cho người ta. Bằng không, chết cũng không nhắm mắt được!” Không may, ông đang lâm bệnh nặng, đang hấp hối trên gường bệnh. Ba ngày sau thì ba chồng con mất! Thưa cha, đau lòng lắm vì ba mẹ chồng và vợ chồng con không biết cái của đó là gì!!!
a) Bà Hoà cứ rước lễ như vậy có được ơn ích gì không?
b) Bà Hòa chưa làm hòa với mẹ chồng con ở Việt Nam và vợ chồng con ở đây và bà cứ rước lễ như vậy, trước mặt Chúa có phạm tội gì không? Vì Phúc Âm của Chúa có dạy rõ ràng nếu con đang làm mất lòng ai, con phải để của lễ đó về làm hòa với người ta trước đã! sau đó hãy trở lại dưng của lễ. Ngược lại bà Hòa thấy con là tránh. Xin cha giúp! Con thành thực cám ơn cha. (An, CA)
Chị An thân mến,
Trước hết xin thông cảm với chị về những “đau đớn” chị trải qua. Tôi nghĩ chị còn đang cảm thấy nỗi đau do bà Hòa tạo ra. Bà ấy giỏi lắm cũng chỉ chửi chị, xỉ vả chị một lúc. Còn chị, chị lại ban cho bà ấy khả năng làm khổ chị suốt mấy chục năm nay.
Chị thừa hiểu rằng “Một mất, mười ngờ” Mất của, ra đường nhìn ai cũng hồ nghi họ lấy trộm. Ðó là tâm trạng anh chàng “mất búa”: nhìn người nào cũng thấy đủ lý: đúng tên này ăn cắp búa của mình. Chị cũng thừa hiểu: của đau, con xót. Chị cũng thông cảm với bà ấy. Thôi cũng là dịp để mỗi người chúng ta nhớ lại Lời Chúa: gắng tìm của báu trên trời, nơi mối mọt, trộm cắp không làm gì được. Nói thế, tôi nhớ lại một lời khuyên của sách Mỹ: Những gì tôi tiêu sài đã không còn’ những gì tôi giữ chắc sẽ mất’ những gì tôi cho đi mãi mãi là của tôi. Năm 1978 Việt nam đang đói khổ, nếu bà Hòa dùng của ấy chia sẻ, nuôi những người nghèo đói. Chắc Bà không phải khổ vì mất của mà mãi mãi giầu có trước mặt Chúa.
Chị An thân mến, cám ơn chị đã đặt câu hỏi và tỏ ý muốn giải hoà trong năm thánh này. Vâng, con người hay tránh vấn đề để rồi giải quyết một cách vá víu khiến cho vấn đề nên phức tạp hơn. Tôi nghĩ đó cũng là trường hợp của bà Hòa. Tại sao vậy? Bác sĩ Kubler-Ross khi nghiên cứu về chết và hấp hối, nhận thấy một người phải đau khổ về thể lý hay tâm lý phải trải qua năm giai đoạn trước khi được lành mạnh:
1. chối bỏ (denial) “Tôi không tin là tôi bị mất! Chắc tôi để lộn!” “Tôi không tin là có bà chửi tôi vô lý thế! Chắc họ lầm!”
2. Tức giận (anger) vì con kia ăn cắp! vì bà này vu vạ tầm bậy!
3. Mặc cả (bargaining): Nếu nó đến xin, ta sẽ cho luôn! Nếu bà đến xin lỗi sẽ tha!
4. Buồn chán (depression): Tại mình quá tin họ ngay lành! Tại mình hiền quá, không cãi lại! không chửi lại!
5. Chấp nhận (acceptance): nhìn thấy điều tốt trong cái rủi ro này. Chẳng hạn, qua cái đau vì mất của, bà cảm rõ ràng là của trên trời mới quan trọng và cần phải có hơn, Qua đau khổ dễ thông cảm với người khác hơn. Qua đau khổ, tin vào Chúa hơn tin vào người đời.
Nhiều người không tới được giai đoạn chấp nhận. Người ta phải ngạc nhiên đến kinh hãi nhìn thấy gánh nặng của những bất bình mà nhiều người, ngay cả trong giới tu hành, ôm ãm suốt đời: bất bình với các bề trên vì những bất công đủ loại có thật hay tưởng tượng. Họ không ý thức những tai hại bất mãn gây cho đời thiêng liêng, cho hiệu quả việc tông đồ, và ngay cho sức khỏe của họ.
Những cảm tình cay đắng, ghen ghér, căm tức đầu độc vào chúng ta và làm chúng ta khổ sở. Nhưng điều lạ lùng là ta bám chặt lấy chúng. Ðôi khi ta sẵn lòng mất bất cứ báu vật nào miễn sao được nuôi dưỡng ác cảm với người nào đó. Ta đơn giản là từ chối thứ tha. Giáo huấn Chúa rất minh bạch về chuyện này: nếu anh em không tha thứ, anh em không còn liên hệ gì với thầy nữa!
Tiến sĩ Kubler-Ross nhận thấy ai có thể bày tỏ và được một người đáng tin nào lắng nghe sẽ tới giai đoạn chấp nhận mau hơn. Áp dụng của nhận xét này là chúng ta cần những người bạn để chia sẻ và tâm sự cho tan đi những niềm đau vô ích. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện, nói chuyện với Chúa như nói với người bạn. Người ta có thể viết nhật ký, làm thơ, viết văn để không bị những cảm tình đau khổ dày xéo. Người ta bảo Hàn Mạc Tử làm nhiều thơ về trăng vì khi trăng tròn nước thủy triều dâng và bệnh cùi làm ông đau đớn vô cùng.
“Phúc Âm Chúa dạy rõ ràng” hơn cả những gì chị nói. Thật thế, trong Phúc Âm thánh Marcô, Chúa Giêsu nói “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mc 11:25-26).
Còn trong thánh Mattheo, Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn, “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5:23-24).
Không chỉ tôi bất bình với ai, nhưng ai đó bất bình với tôi chuyện gì đó! Ðây là lý do chính mà lời cầu xin của nhiều người thiếu thế lực: họ nuôi dưỡng những bất bình trong lòng. Dù cách nào, chị cần vượt qua cơn đau kéo dài quá lâu rồi. Chị có thể nói chuyện với một người mà chị biết bà Hòa tin tưởng để làm cầu nối. Chẳng hạn, chị nói với một người đạo đức nào đó hay ngay cả cha xứ và bày tỏ ý muốn hòa giải trong năm thánh.
Dù cách nào, chị cần vượt qua cơn đau kéo dài quá lâu rồi. Chị may mắn nhìn thấy rõ nhưng đây cũng là một cảm tình bị dồn ép nơi nhiều người. Người ta không thấy mình buồn bực ai cả nhưng sự thực không phải vậy? Người khác có thể thấy nó qua cách cư xử và phản ứng của tôi. Phải làm thế nào đây? tôi nghĩ ta cần làm ngay lúc này lục lọi tìm ra bất cứ bất mãn khó chịu loại nào và tống cổ chúng khỏi ta. Bằng không, chúng ta cầu nguyện chẳng được gì. Ðừng ngại mất nhiều ngày giờ với chúng. Chẳng hạn, ta có thể lấy một hai tờ giấy liệt kê hết những ai chúng ta ác cảm, khó chịu, bực bội hay từ chối làm quen và tha thứ. Với một số người liệt kê thế không dễ chút nào. Họ nói với tất cả sự chân thành là họ không ghét ai mà yêu tất cả mọi người. Nhưng một cách vô tình, họ lại phản ảnh những bất mãn và cay đắng trong cách ăn nói và hành động. Tại vì ai cũng biết những cảm xúc ghen ghét không tốt nên những cảm xúc này thường bị dẹp bỏ nên dồn nén vào vô thức. Ta có thể dễ hơn liệt kê những người ta có khuynh hướng tiêu cực … hay liệt kê những người không được ta coi trọng lắm, hay những người không được ta ưa thích lắm hay những người không thích ta mấy. Bảng liệt kê có thể làm sáng tỏ vài bực tức hay ác cảm không ngờ. Chúc Chị thành công.
L.m. Francis Lương Minh Tri,CMC
Chi Dòng Đồng Công