Sống Đức Tin và chu toàn mọi giới răn của Chúa quan trọng ra sao cho phần rỗi của người tín hữu chúng ta

Đối với người tín hữu Kitô Giáo thì vấn đề cứu rỗi là vấn đề quan trọng nhất, vì được cứu rỗi có nghĩa là được vào Thiên Đàng vui hưởng Thánh Nhan Chúa đời đời trong Vương Quốc tình yêu, an bình và hạnh phúc của Chúa, sau khi hoàn tất hành trình con người trên trần thế này.

Thiên Chúa là tình yêu  là “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý.”(  1Tm 2:4) như Thánh Phaolô đã quả quyết không sai lầm.

Nhưng  muốn được cứu rỗi, con người phải cộng tác với ơn Chúa bao lâu còn sống trên trần gian này, vì con người có tự do mà Thiên Chúa đã ban và tôn trọng  cho con người xử dụng để  hoặc chọn Chúa và sống theo đường lối của Chúa hay khước từ Chúa để sống theo bản năng tội lỗi, chiều  theo thế gian vô luân vô đạo  và đầu hàng ma quỉ để làm những sự dữ, sự tội như oán thù, chia rẽ,  giết người, giết thai nhi, dâm ô, thay chồng đổi vợ, ngoại tình, gian tham, trộm cướp, bất công bóc lột người khác, nhất là chế tạo ra Covid 19 để giết hàng nửa triệu dân lành trên khắp thế giới, đặc biệt ở Mỹ nơi đã có trên một trăm sáu mươi ngàn người đã bị giết vì tai họa dich vũ hán  xuất phát từ Trung cộng ! Thiên Chúa chí công vô tư chắc chắn sẽ trừng phạt kẻ gian ác đã chế ra Virus độc hại này khiến cho biết bao người vô tội đã bị giết oan ở khắp nơi trên thế giới,..

Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem..

Trước những thực tế  trên đây, người tín hữu chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa có nghĩa là sống đức tin có chiều sâu thực sự và thể hiện đức tin đó cách cụ thể qua quyết tâm thực hành những giới răn, lề luật  của Chúa về công bình, bác ái, thương yêu tha thứ như Chúa yêu thương  và tha thứ cho chúng ta. Đó là điều kiện cho ta được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng phúc Thiên Đàng đời đời với Chúa sau khi hoàn tất hành trình đức tin trên trần thế này.

Đức Thánh Cha Phanxicô I, sau khi lên ngôi, đã cho công bố Tông Thư đầu tiên của ngài nhan đề: Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei) để nhắc nhở mọi tín hữu trong Giáo Hội  suy niệm  thêm nữa về quà tặng  đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để giúp chúng ta vững tin có Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo dựng mọi loài vô hình và hữu hình, tin Chúa Kitô đã xuống thế làm Con Người để –  qua khổ hình thập giá – cứu chuộc cho nhân loại khỏi  bị án phạt đời đời  vì tội.

Ánh sáng Đức Tin là ngọn đuốc soi sáng cho chúng ta vững chắc bước đi theo Chúa Kitô  là “Con Đường, là sự Thật và là sự Sống.” (Ga 14: 6). Chúa Giêsu-Kitô chính là Ánh Sáng  đã đến trong trần gian để soi sáng và  giải phóng đúng nghĩa  cho những ai đang ngồi trong bóng tối của tử thần, của  tội lỗi và sự dữ,  như Người đã nói với với các môn đệ và dân Do Thái xưa như sau:

       “Ta là ánh Sáng đến thế gian

            Để bất cứ ai tin vào Ta

         Thì không ở lại trong bóng tối.” (Ga 12: 46)

Tin vào Chúa  để không ở lại trong bóng tối, có nghĩa là đoạn tuyệt với tội lỗi vì “tội lỗi gây nên sự chết, như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người vì một người đã phạm tội”  như Thánh Phaolô đã quả quyết. (Rm  5: 12).  Bóng tối là  nơi trú ẩn của mọi sự dữ, sự gian tà, dâm đãng  ô uế,  vì  ma quỷ, kẻ thù của chúng ta,  đang ẩn mình ở các nơi này để  không ngừng cám dỗ, để  lôi kéo con người  ra khỏi tình thương của Chúa  để làm nô lệ cho chúng  khiến mất  hy vọng được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, “Đấng đã hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20 : 28).

Ánh sáng đức tin không những soi đường cho người có niềm tin vững chắc bước đi trong chân lý, trong đường  ngay lành, lương thiện  mà còn chỉ cho ta biết những gì trái nghịch với đức tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi để từ đó thêm quyết tâm sống theo đường lối của Người, xa tránh mọi sự dữ, sự tội để sống xứng đáng là người có niềm tin và thể hiện niềm tin ấy từ trong tâm hồn ra ngoài hành động cụ thể trước mặt bao người không có hay chưa có đức tin để:

  “Thiên hạ thấy những việc tốt đẹp anh  em làm mà tôn vinh Cha của anh  em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5: 16).

Thật vậy, cứ nhìn vào thực trạng con người đang sống ở khắp nơi trên thế giới ngày nay cũng đủ cho ta thấy lằn ranh của ánh sáng đức tin và bóng tối của sự dữ, sự chết đang bao phủ biết bao con người sống trong đó, ở khắp nơi trong thế giới tục hóa ngày nay.,

Nếu ánh sáng đức tin đã soi dẫn cho những nhà truyền giáo quên thân mình để hy sinh đi mở mang Nước Chúa  ở các nơi xa xôi  và nguy hiểm bên Phi  Châu, Nam Mỹ và Á Châu, thì ngược lại bóng đen của sự dữ đang che mắt  và lèo lái biết bao người khiến họ mù lòa không còn nhìn rõ làn ranh giữa sự thiện và sự dữ nữa.

Đó là những kẻ đang giết người vì tiền, vì tin tưởng cuồng tín, như bọn Hồi giáo quá khích (ISIS) đang giết hại các Kitô hữu thiểu số, ở Afganishtan, Pakistan, Ấn Độ, Iran, Iraq, Ai cập, Syria và Công Hòa Trung Phi. Hay vì muốn bám lấy địa vi cai trị độc ác của mình nên đã  ra tay sát hại bao trăm ngàn người đang đòi  hỏi công  lý, dân chủ và tự do ở nhiều nơi trên thế giới.

Đó là những kẻ đang giết chết hàng triệu thai nhi mỗi ngày trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Trung Hoa lục địa, nơi trẻ nữ đã bị sát hại từ bao thế kỷ trước kia vì quan niệm trọng nam khinh nữ và nay vì chính sách “một hay hai con cho mỗi gia đình” của nhà cầm quyền cộng sản.

Đặc biệt, đó là những kẻ đang buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ mãi  dâm và ấu dâm (child prostitution) rất khốn nạn và tội lỗi ở khắp nơi trên thế giới tục hóa ngày nay. Sau cùng, đó là những kẻ gian manh, trộm cướp, mở sòng cờ bạc,  nhà điếm, sản xuất phim ảnh khiêu dâm đồi trụy, trồng và  bán các loại cần sa ma túy để làm giầu nhờ buôn bán  các sản phẩm nguy hại cho thể xác và đồi trụy  tinh thần con người, đặc biệt là giới trẻ ở khắp nơi.

Tất cả những loại người trên đây đã và đang sống trong bóng đêm của sự chết, sự hư mất đời đời nên cần được ánh sáng đức tin và Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô soi chiếu và giải thoát cho ra  khỏi bóng đêm đáng ghê sợ đó..

Nhưng bằng cách nào?

Đây là câu hỏi đặt ra cho mỗi người tín hữu chúng ta, những người có diễm phúc đã được biết Chúa Kitô  là chính Tin Mừng và là Ánh Sáng  chiếu soi,  nên có bổn phận và  trách nhiệm đem ánh sáng ấy chiếu vào những nơi tối tăm, sình lầy, nhơ uế của tục hóa, vô thần và vô luân đang bao phủ và mê hoặc biết bao triệu người ở khắp nơi trên thế giới ngày nay.

Đây chính là trách nhiệm “phúc âm hóa môi trường sống” của người tín hữu Chúa Kitô bằng đời sống chứng nhân của mình ở giữa những người chưa biết Chúa và đang bị bóng đêm của sự chết bao phủ.

Thi hành vai trò chứng nhân nói trên đòi hỏi mọi tín hữu trong Giáo Hội – từ hàng Giáo Phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân – trước hết  phải thực sự sống Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô, để minh chứng  đức tin thực sự của mình. Ngược lại, nếu sống phản chứng hay mâu thuẫn với niềm tin,  thì  sẽ không thuyết phục được ai tin những gì  mình muốn rao giảng cho họ, vì không ai có thể cho người khác cái mà chính mình không có.

Cụ thể, nếu mình rao giảng tinh thần nghèo khó, và khinh chê hư danh trần thế của Phúc Âm, nhưng chính bản thân mình lại chạy theo thế quyền, ham mê tiền của, hơn là hăng say rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng  thì làm sao có thể thuyết phục được ai  tin và sống điều mình giảng dạy nữa?

Nếu lời nói không đi đôi với việc làm thì không thể làm nhân chứng cho bất cứ điều gì được, vì

     “Ai tin vào Con Thiên Chúa, thì có lời chứng ấy nơi mình

       Ai không tin Thiên Chúa, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối

       Vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa

        Để làm chứng về Con của Người.”  (1 Ga: 5: 10)

Như thế, thật vô cùng cần thiết phải sống đức tin cách cụ thể  để mời gọi  người chưa có đức tin  được nhận biết có Chúa Kitô đang sống và hoạt động  nơi mình  để từ đó đời sống và  lời rao giảng của mình  sẽ  có sức thuyết phục người khác.

Cụ thể, nếu người Công giáo, người Tin hữu Chúa Kitô mà cũng ăn gian nói dối, lường đảo, hận thù, thay chồng đổi vợ, bất công và thờ ơ với người nghèo khó, thì làm sao có thể thuyết phục được ai tin có Chúa là Đấng  nhân từ, công chính, yêu thương, nhịn nhục  và tha thứ?  Đó là lý do tại sao Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ đã khuyên dạy như sau:

“Thưa anh  em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động thì nào có ích gì?

    ….Thật thế, một thân xác không hơi thở là một  xác chết. Cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.’ (Gc  2:  14, 26)

Hành động mà thánh Gia-cô-bê nói trên đây  là chính đời sống nhân chứng của  người có niềm tin nơi Chúa trước mặt ngưởi khác để họ thấy  chiếu sáng qua đời sống của mình những giá trị của  Tin Mừng về  công bằng, nhân ái, lương thiện,  nhịn nhục  và  tha thứ đối nghịch với  bất công, gian ác, bất lương, dâm ô, thù hận, vô nhân đạo, vô luân vô đạo của  thế gian tục hóa, trống vắng niềm tin này.

Trong bối cảnh ấy, nếu người có niềm tin vững mạnh và sống niềm tin của mình cách  cụ thể  trước mặt người đời, thì “anh  em sẽ trở nên những con người  vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian  tà sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh  em phải chiếu sáng như những vì sao  trên vòm trời.”  như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ  các tín hữu Phi-lip-Phê (Pl 2: 15) xưa kia.

Mặt khác, sống trong ánh sáng đức tin, người tín hữu không thể coi nhẹ việc cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích tối cần như Thánh Thể và hòa giải, và tuân giữ những giới răn của Thiên Chúa như  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông Thư “Ánh Sáng Đức Tin, số 40-46”.

Cần cầu nguyện để nói lên niềm tin có Chúa và tin thác vào ơn Chúa để có đủ sức vươn lên trong mọi chiều kích của đức tin và lòng mến yêu Chúa đích thực. Cầu nguyện cũng đem ta đến gần Chúa là nguồn ban phát mọi ơn cần thiết giúp ta luôn sống trong tình yêu của Chúa và có đủ sức để chống lại mọi cám dỗ của ma quỷ tinh quái, xác thịt yêu đuối và gương xấu, dịp tội đầy rẫy trong mọi môi trường sống ngày nay.

Mặt khác, tuân giữ các Giới Răn của Chúa trong Bản Thâp Điều (Decaloque) cũng mạnh  mẽ nói lên niềm tin và lòng yêu mến Chúa cách cụ thể, như  chính lời Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ xưa:

           “Ai yêu mến Thầy  thì sẽ giữ lời Thầy

              Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy

            Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với  người ấy” (Ga 14: 23)

Mười  điều Răn của Chúa không phải là những đòi hỏi có tính tiêu cực mà là những chỉ dẫn cụ thể  để giúp ta  đáp trả tình yêu  vô biên của Thiên Chúa, thể hiện qua Chúa Kitô, Đấng cũng vì yêu thương loài người mà đã “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người. (Mt 20 : 8).

Nói khác đi, thực thi Mười Điều Răn của Chúa, được đúc kết trong hai điều răn quan trọng nhất mà Chúa Kitô đã nói với một kinh sư kia (Mc 12:  29-31) là cách biểu lộ cụ thể niềm tin và biết ơn của chúng ta đối với Chúa, là Đấng đã tạo dựng  và cứu độ chúng ta, chỉ vì Người  yêu thương chúng ta  quá vô vị lợi, chứ tuyệt đối  Người không  được lợi lộc  gì mà phải làm như vậy. Do đó, yêu mến Chúa và tuân thủ các giới răn của Người chỉ có lợi cho chúng ta mà thôi, đúng như lời ông Mô-sê đã nói với dân Do Thái xưa:

Anh  em hãy lo thực hành như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh  em đã truyền cho anh  em, không đi trệch bên phải, bên trái. Anh  em hãy đi đúng con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh  em đã truyền cho anh  em, để anh  em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh  em sẽ chiếm hữu.” (Đnl  5: 32-33)

Như thế rõ rệt cho thấy là đức tin phải được thể hiện cụ thể bằng việc làm mới có giá trị cứu độ để  được hưởng hạnh phúc Nước Trời, hạnh phúc mà  “mắt chưa  hề  thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa  chưa hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến  Người. (1 Cor 2: 9) như Thánh Phaolô đã nhắc lại cho tín hữu Cô-rin-tô xưa kia.

Tóm lại, nhờ ánh sáng đức tin chiếu soi, chúng ta được biết Chúa và tin có Người, dù chưa từng trông thấy Người bằng con mắt xác thịt. Lai nữa, nhờ ánh sáng đức tin, ta  được nhìn rõ lằn ranh giữa sự thiện và sự dữ, sự gian tà và nhơ uế để từ đó quyết tâm chọn lựa con đường dẫn đến gặp Chúa, là nguồn an vui, hạnh phúc bất diệt.

Tuy nhiên, chúng ta phải có thiện chí muốn cho ánh sáng đức tin soi dẫn và có can đảm để bước đi trong ánh sáng đó thì mới mong tới được cùng đích hay chính đối tượng của đức tin là Thiên Chúa, Cha  rất nhân từ đang ngự trên trời cao và muốn “đến cư ngụ trong những ai yêu mến Chúa Kitô và tuân giữ lời Chúa”, như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ  trong diễn từ cáo biệt trước khi thọ nạn thập giá. (x Ga  14:  23)

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra. Amen

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, Dmin = Doctor of Ministry = Tiến sĩ Sứ Vụ

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts