Con kính chào Cha!
Hôm nay con có chút thắc mắc muốn hỏi Cha về đạo Công giáo của mình. Xin làm phiền Cha vui lòng chỉ bảo cho con biết. Chả là một thằng bạn của con nó không có đạo, nó đọc Kinh Thánh. Nó biết con có đạo thế là nó bắt bí con ba câu hỏi mà con thật sự bó tay không trả lời nổi.
Một là: Các nhà khoa học chứng minh rằng con người từ vượn mà ra, vậy thuở ban đầu không có Ađam và Evà gì cả, thế thì làm gì có Tội Nguyên tổ (nó nói thế), vậy thì Chúa Giêsu chịu chết thật tình cờ mà thôi chứ chẳng phải là cứu chuộc gì hết? Các Tông đồ sau đó vì quá cuồng nhiệt nên tự nghĩ ra vậy thôi? Thật sự con không thể bắt bẻ nổi vì đúng là con người xưa kia đâu phải bắt nguồn từ hai người đâu? Xin Cha vui lòng giải thích.
Hai là: Nó hỏi thế ở ngoài đạo thì có được cứu không. Con bảo “Có, nếu biết sống theo lương tâm”. Thế là nó cười và bảo: Vậy thì theo đạo còn dễ xuống Hỏa Ngục hơn, vì theo đạo con phải đi lễ, mà không đi lễ thì có tội. Còn nó không có đạo chỉ việc sống theo lương tâm là lên Thiên Đàng. Con lại bó tay luôn?
Ba là: Những người sống ngay thẳng thì lên Thiên Đàng, vậy còn những người mắc bệnh thần kinh không điều khiển được hành vi mà làm điều xấu ác thì sao? Và những đứa trẻ sơ sinh chết sớm nữa. Những người ấy Chúa xử thế nào?
Nghe bạn con nói mà chính con cũng cảm thấy rất hoang mang, và lung lay đức tin khi nghe nó lý luận thế. Nghe chết đức tin mất, khéo con thành tên rã đạo hay Giuđa mất?
Con xin Cha trả lời con với. Cảm phiền Cha nhiều!
Câu trả lời
Chào con (Cha chưa biết con tên là gì!),
Những thắc mắc của con có lẽ cũng là những điều mà rất nhiều người Công giáo đã từng bị chất vấn và cũng đã bị “bí” như con. Những kiến thức về đạo nếu chỉ gói ghém trong những điều đã học được từ lúc xưng tội Rước lễ Lần đầu hay Thêm sức cũng không đủ để trả lời những câu hỏi “hóc búa” mà con phải chịu “bó tay”. Cha hy vọng rằng những gì đã từng làm cho con khó xử cũng sẽ thúc đẩy con tìm hiểu về giáo lý của đạo mình nhiều hơn. Sách vở và phương tiện ngày nay cũng dễ dàng nên con cần trang bị cho chính mình những kiến thức dồi dào hơn về giáo lý. Điều này sẽ làm cho con vững vàng hơn trong đời sống đức tin.
Câu hỏi thứ nhất liên quan đến Tội Nguyên tổ. Con cho biết rằng bạn con có đọc Thánh Kinh và cho rằng khoa học ngày nay đã không chấp nhận Ađam và Evà là thủy tổ loài người nên không có Tội Nguyên tổ.
Điều đầu tiên cần nêu ra ở đây là cách bạn con đọc Kinh Thánh với cái nhìn của nhà khoa học. Sách Kinh Thánh không phải là quyển sách khoa học hay sách về lịch sử của tiến hóa. Kinh Thánh là quyển sách tôn giáo nên cần phải biết cách đọc với tinh thần tôn giáo. Những chân lý được trình bày trong sách là chân lý đức tin chứ không phải chân lý khoa học nên không thể dùng lăng kính khoa học để phân định. Một thí dụ đơn giản mà con có thể nhận ra được đó là khi xem những bức tranh của Picasso. Nếu một nhà khoa học lấy hiểu biết về cơ thể mà phê bình rằng ông Picasso đã vẽ không đúng vì mắt thì ở một nơi, còn mũi là ở một chỗ không phải vị trí của nó, thì người ta sẽ cho rằng nhà khoa học không hiểu gì về nghệ thuật cả. Hay trong đời thường chúng ta vẫn nói và dạy cho trẻ em: “Buổi sáng ta thấy mặt trời mọc ở hướng Đông”. Điều này chẳng phù hợp chút nào với chân lý khoa học vì mặt trời có mọc đâu, trái đất quay đấy chứ! Đó chỉ là một cách nói nhưng ta vẫn hiểu được chân lý tiềm ẩn phía sau. Vì thế để hiểu được Thánh Kinh cần phải biết cách đọc và hiểu được ý của tác giả muốn nói điều gì qua cách trình bày và thể loại văn được sử dụng.
Điểm thứ hai cần phải nêu lên đó là sự khẳng định “Các nhà khoa học chứng minh rằng con người từ vượn mà ra” của bạn con quả là chưa chuẩn xác. Cho đến nay thì sự tiến hóa của con người vẫn còn là một giả thuyết chứ chưa phải là một chân lý khoa học chắc chắn và tuyên bố rằng con người từ vượn mà ra thì là một sự khẳng định không có tính khoa học. ĐGH Gioan Phaolô II trong bài giáo lý về sáng tạo vào năm 1986 nói về trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế như sau: “Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng giả thuyết này chỉ đề xuất một khả năng chắc chắn (cái nhiên), chứ không phải là một sự chắc chắn khoa học”. Cha trích dẫn ở đây một đoạn của bài viết trên mạng Wikipedia Bách Khoa về lịch sử tiến hóa:
Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng tổ tiên của loài người tiến hóa từ loài vượn ở châu Phi, nhưng từ những hóa thạch khai quật ở Myanmar, nhà nhân chủng học Chris Beard lại cho rằng quá trình này xảy ra tại châu Á. Với sự phát hiện bộ xương hóa thạch cách đây 3,2 triệu năm được đặt tên là Lucy, Lucy được xem là “mẹ của loài người” và là mối liên lạc đứt đoạn giữa loài người và loài tinh tinh. Trong lúc đó, một giả thuyết cho rằng loài người không thể tiến hóa từ tinh tinh, tổ tiên xa xưa nhất của loài người là cá, chính các loài cá thời tiền sử đã lát đường cho quá trình tiến hóa hiện nay.
Theo nhiều nhà khoa học con người không phải từ loài vượn trong sở thú sau một thời gian (nhiều triệu năm…) sẽ thành con người (loài vượn hiện nay sẽ vẫn mãi là vượn) mà có thể từ một loài linh trưởng (primates) là gốc chung của họ người (hominidae) sau nhiều lần tách ra và sau cùng tách ra đười ươi (gorilla) rồi sau đó tách ra là loài tinh tinh (pan). Từ phân tông (homini) ra phân chi người (hominina) trong đó có chi Homo và chi Australopithecus nay chỉ còn chi Homo (loài người). Người ta cho rằng loài người có cùng một tổ tiên chung với tinh tinh và gorilla vào giai đoạn bốn tới bảy triệu năm trước.
Như trong bảng phân chia này cho thấy, tiến trình không đơn giản như bạn con nói.
Cây phát sinh các loài còn sinh tồn trong họ Người
Con người, theo phân loại học là Homo sapiens, tiếng Latinh nghĩa là “người thông thái” hay “người thông minh”, là một loài còn sống duy nhất của chi Homo, thuộc loài động vật có vú. Con người là một loài sinh vật có bộ não tiến hóa rất cao cho phép thực hiện các suy luận trừu tượng, ngôn ngữ và xem xét nội tâm. Điều trên kết hợp với một cơ thể đứng thẳng cho phép giải phóng hai chi trước khỏi việc di chuyển và được dùng vào việc cầm nắm, cho phép con người dùng nhiều công cụ hơn tất cả những loài khác (theo Wikipedia Encyclopedia) http://vi.wikipedia.org/wiki/Lo%C3%A0i_ng%C6%B0%E1%BB%9Di.
Theo như thuyết tiến hóa thì con người qua nhiều giai đoạn phân chia đã tiến lên thành một sinh vật cao cấp với những khả năng về trí tuệ, tinh thần và thể lý. Thế nhưng chính xác là khi nào sinh vật cao cấp này được gọi là người? Điều này hẳn là không ai khẳng định được. Quan niệm khoa học về con người lại không trùng khớp hoàn toàn với quan điểm Kitô giáo về con người. Theo Thánh Kinh, Ađam và Evà là những con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có xác có hồn, có ý thức và tự do chọn lựa. Với những yếu tố con người như vậy thì lại không ở trong phạm vi xác định của khoa học.
Về sự tiến hóa con người, Giáo Hội vẫn cho phép chúng ta nghĩ là thân xác con người phát triển từ các dạng sinh vật học có từ trước (dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa), nhưng Giáo Hội nhấn mạnh đến sự tạo dựng đặc biệt của linh hồn. ĐGH Piô XII tuyên bố, “phù hợp với tình trạng hiện nay của khoa học nhân văn và thần học thánh, thẩm quyền giảng dạy của Giáo Hội không cấm sự nghiên cứu và thảo luận… được tổ chức đối với vấn đề tiến hóa, một khi trong đó bàn bạc về nguồn gốc của thể xác con người xuất phát từ một vật thể sống động và có trước đó – [nhưng] đức tin Công giáo buộc chúng ta phải tin rằng linh hồn được tạo dựng trực tiếp bởi Thiên Chúa” (Humani Generis, 36). Đức tin Công giáo buộc chúng ta phải tin rằng linh hồn được tạo dựng cách đặc biệt; nó không tiến hóa, và linh hồn không được thừa hưởng từ cha mẹ như thân xác chúng ta.
Một số nhà khoa học tự nhiên cho rằng đã có những con người không thuộc con cháu của Ađam và Evà và như thế, tổ tông loài người là đa tổ chứ không phải là độc tổ. Khi chấp nhận thuyết tiến hóa, người ta cho rằng Giáo Hội cũng chấp nhận thuyết đa tổ. Nhưng trong Thông điệp Humani Generis, số 37, Đức Piô XII đã xác định rõ rằng tín hữu không thể chia sẻ quan điểm về thuyết đa tổ. Giáo lý về tổ tông loài người và tội nguyên tổ vẫn không có gì thay đổi.
Cho dù nhiều người ngày nay nghiêng về thuyết đa tổ thì ý nghĩa Tội Nguyên tổ vẫn có thể hiểu như là lần đầu tiên sự tội đã đột nhập vào trần gian và làm hoen ố sự tốt lành của tạo dựng để rồi sự dữ từ đó lan tràn. Có thể nhấn đến chiều kích liên đới tập thể của tội lỗi. Ta có thể hiểu điều này khi nhận thấy có những trẻ em không tội lỗi gì nhưng nếu sinh ra trong một xã hội băng hoại, một gia đình tội lỗi thì nó không được hưởng bầu khí bình an, lành mạnh mà phải gánh chịu ảnh hưởng của sự độc hại chất chứa trong môi trường sống.
Như vậy chúng ta chấp nhận thuyết tiến hóa thể xác con người xuất phát từ một sinh vật cao cấp (primates) nhưng vào những thời điểm quyết định nào đó đã tiến hóa thành con người dưới sự tác động của Thiên Chúa và vào một lúc nào đó trong lịch sử nhân loại, những con người đầu tiên này đã sa ngã và tội lỗi đã xâm nhập trần gian gây ra nhiều hậu quả đáng buồn. “Tội Tổ tông” là một biến cố lịch sử đánh dấu khúc quanh khốn khổ của toàn gia đình nhân loại, nhưng đồng thời cũng là một dữ kiện minh chứng tình yêu thương Thiên Chúa dành cho con người. Bởi vì nó khai mào cho chương trình cứu độ. Vì thế trong bài ca công bố Tin Mừng đêm Vọng Phục Sinh Giáo Hội gọi Tội Tổ tông là Tội Hồng phúc (felix culpa).
Chúa Giêsu đến cứu chuộc nhân loại không chỉ giải thoát con người khỏi sự tăm tối của Tội Nguyên tổ mà còn giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi mà chính họ gây ra cho mình và cho người khác nữa như trong Thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma:
Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội (Rm 5,12).
Thánh Phaolô khẳng định rằng tất cả mọi người đều đã phạm tội. Qua đó hình như Thánh nhân có ý nói rằng cuộc sống nô lệ cái chết, và tội lỗi không chỉ do lỗi lầm riêng của một người gây ra, mà còn do lỗi lầm của mọi người. Nghĩa là Thánh Phaolô khẳng định rằng tội lỗi mang cả chiều kích cá nhân lẫn tập thể nữa.
Với câu hỏi “ở ngoài đạo có được cứu không” vừa được trả lời lần trước nên lần này Cha trình bày cách vắn tắt thôi.
Để trả lời câu hỏi này cần phân biệt hai trường hợp:
– Một là “Những người không biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Hội Thánh Người mà không do lỗi của họ, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ân sủng, cố gắng chu toàn thánh ý của Ngài bằng các công việc theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời” (CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16).
– Hai là “Những ai biết rằng Giáo Hội Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi” (LG 14).
Vậy thì ở ngoài đạo sẽ không được Ơn Cứu Rỗi nếu họ không gia nhập đạo vì cứng lòng dù đã được ơn soi sáng để biết rõ đạo Công giáo là đạo thật hay họ đã không thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và sống trái với lương tâm. Mà sống theo đúng lương tâm đâu phải chuyện dễ dàng trước biết bao nhiêu cám dỗ, thử thách của trần gian hôm nay! Trong khi đó Giáo Hội luôn cung cấp những sự trợ giúp cần thiết để người ta có thể dễ dàng sống theo những đòi hỏi của lương tâm.
Khi đề cập đến đạo, bạn con chỉ thấy có chuyện đi lễ và không đi lễ để lên Thiên Đàng và xuống Hỏa Ngục thôi thì quả là một sự hiểu biết quá nghèo nàn! Đạo là con đường dẫn ta đến gặp Thiên Chúa mà ta được gọi là Cha. Ngài yêu thương ta đến nỗi ban cho ta chính Con của Ngài. Đấng đến trần gian ôm lấy tất cả những đau khổ của ta để rồi cầm tay dắt ta đến với Cha và đưa ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu bằng sự hiến dâng mạng sống của Ngài cho ta. Nếu có một tôn giáo nào cho ta thấy tốt hơn về một Thiên Chúa đi tìm kiếm con người, theo đuổi con người bằng một tình âu yếm mang tên là Giêsu Kitô thì ta vẫn có thể tin theo tôn giáo ấy. Còn nhiều điều kỳ diệu hơn nữa về đạo mà Cha không thể trả lời nhiều trong mục giải đáp này.
Về số phận đời đời của những trẻ em chết khi chưa được rửa tội thì trước đây Giáo Hội cho rằng các trẻ nhỏ chết mà chưa được rửa tội vì chưa hiểu biết nên không thể phạm tội đến nỗi phải xa cách Chúa nhưng cũng không có công nghiệp để được hưởng ơn phúc kiến nên được vào một nơi gọi là lâm-bô (limbus infantium). Nơi đây các em không phải chịu bất cứ hình phạt nào nhưng chưa được khỏi Tội Tổ tông nên không được vào Thiên Đàng.
Nhưng gần đây vào ngày 19 tháng 4 năm 2007, Ủy ban Thần học Quốc tế đã đệ trình một văn kiện được ĐTC Bênêđitô XVI phê chuẩn nhan đề: “Niềm hy vọng Ơn Cứu Độ cho các trẻ em chết không được rửa tội”.
Bản văn đã xác định “Những trẻ nhỏ đã không hề tạo ra một chướng ngại cá nhân nào cho con đường cứu độ”, vì vậy “Thiên Chúa ban ơn rửa tội mà không cần chịu Bí tích Rửa Tội, và điều này cũng cần phải được nhắc nhở cách đặc biệt là ở trong trường hợp không thể ban Bí tích Rửa Tội được”.
Văn kiện cũng lấy lại và triển khai những gì mà Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã nói đến ở số 1261 như sau: “Về phần các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, Hội Thánh chỉ còn biết trao phó các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa từ bi, như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ An táng dành cho các em”. Thực vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4) và Chúa Giêsu đã trìu mến các em nên đã nói: “Hãy để trẻ em đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng” (Mc 10,14).
Tóm kết văn kiện tuyên bố: “Kết luận của chúng tôi là nhiều nhân tố sau khi được xem xét đã cung cấp nền tảng Thần học và Phụng vụ cho phép hy vọng các trẻ em chết mà không được rửa tội sẽ được cứu rỗi và được hưởng niềm vinh phúc”.
Vì thế, chúng ta hy vọng có một con đường cứu độ dành cho những trẻ em chết mà chưa được rửa tội. Tuy nhiên, Hội Thánh vẫn mời gọi các bậc cha mẹ phải lo cho con cái mình được rửa tội sớm nhất sau khi sinh và được chuẩn bị chu đáo để lãnh nhận ơn Bí tích Rửa Tội vì “Ngoài Bí tích Thánh Tẩy, Hội Thánh không biết đến phương thế nào khác để bảo đảm cho con người được vào vinh phúc vĩnh cửu (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1257).
Với những người mắc bệnh tâm thần không có khả năng điều khiển các hành vi mà làm điều xấu, điều ác thì họ không thể chịu trách nhiệm về những hành vi họ làm. Ngay trong xã hội, người ta cũng không hề quy trách cho những ai vì tâm bệnh không làm chủ được mình mà có những hành vi phạm pháp huống nữa là Thiên Chúa Đấng thấu suốt tận tâm can những gì chúng ta hành động thì với lòng nhân từ chắc chắn sẽ xét xử cách rất khoan dung với họ. Để phạm tội cần phải có sự nhận thức về tội và tự do ưng thuận. Thiếu những yếu tố đó thì không thể quy trách được.
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R
Trung Tâm Mục Vụ DCCT