Ngày Chúa Giêsu ra đời, ở một xứ xa xăm kia có một nông dân kia tên là May. Vợ bác đã mất, để lại cho bác một bầy con nheo nhóc.
Hôm ấy là ngày áp lễ Chúa Giáng sinh. Bác May đứng ở thềm cửa, mắt đăm chiêu với bao mối ưu tư. Tiền không có, việc làm cũng không: biết lấy gì nuôi đàn con nhỏ dại đây ?
Bỗng nhiên bác nghe thấy một tiếng thét trong nhà: bọn trẻ rú lên. Bác định chạy vào xem có chuyện gì xảy ra thì thấy một kẻ vô danh đứng cản trước mặt: “Này bác May, bác đang nghĩ cái gì đó ? Sao vẻ mặt buồn thế ?”
Bác May ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của người lạ mặt. Nhưng bác đã sớm định thần lại và đáp: “Thưa ông, tôi buồn đâu phải không có lý do. Mấy đứa con tôi đang đói mà trong nhà không còn một mẩu bánh. Tôi thì thất nghiệp. Biết làm sao đây”
– Nếu bác chịu làm việc cho tôi, tôi sẽ trả lương bội hậu cho bác.
– Thế thì còn gì hơn nữa!
– Ðược rồi, ngày mai bác lên trên đồi phát hết đám cỏ tranh kia, rồi tới chiều tôi sẽ trả công cho.
– Nhưng mai là lễ Chúa Giáng sinh, lễ trọng nhất trong năm. Ông quên rồi sao ? Ðể tới sau ngày lễ tôi sẽ bắt đầu.
– Như vậy là bác đâu có thiếu tiền như bác đã than đâu ?
– Này, có Chúa làm chứng, tôi đang chết đói đây nè !
– Vậy bác cứ làm theo như tôi đã chỉ.
Lúc ấy bác May nghe tiếng khóc rên của lũ trẻ từ bên trong nhà ra như hối thúc ông quyết định mau lẹ.
– Thôi được. Tôi sẽ làm như ông bảo, bởi vì mấy đứa con nhỏ. Chúa thấy hết mọi sự. Chắc Ngài sẽ tha thứ cho tôi.
– Rồi nhé ? Sáng mai ra gặp tôi trên đồi, và đến chiều tôi sẽ trả tiền công.
Nói xong người lạ mặt biến mất.
Sáng hôm sau, bác May dậy rất sớm. Sau khi đọc kinh sáng như thường lệ, bác chấm tay vào nước thánh làm dấu thánh giá. Bác còn dừng lại ở cửa, ngần ngừ đôi chút. Sau cùng, bác xách liềm lên ngọn đồi, và bắt đầu phát cỏ.
Bác làm việc suốt ngày. Thỉnh thoảng luồng gió thổi đến, mang theo tiếng ngân của hồi chuông giáo đường giục giã báo tin ngày đại lễ.
Bác May tiếp tục phát cỏ, miệng lâm râm mấy câu kinh, và thỉnh thỏang lẩm nhẩm: “Chúa thấy rõ mọi sự. Ngài sẽ tha thứ cho tôi”.
Vào mùa đông, mặt trời sớm lặn. Bác May ngừng tay lại, ngồi nghỉ giây lát trên một phiến đá, thấp thỏm chờ đợi. Sao người lạ mặt không thấy tới nhỉ ?
Bỗng nhiên bác nghe tiếng lách tách. Quay mặt lại, bác thấy tất cả đám tranh bốc lửa cháy hết. Trong phút chốc chỉ còn đám tro tàn. Bác May òa lên khóc.
– Thôi thế là công toi rồi. Tôi đã làm việc suốt ngày, bụng đói. Bây giờ thì chỉ còn lại bàn tay trắng. Ôi, tội cho tôi quá !
– Kìa, bác May. Có gì mà khóc lóc om sòm vậy ?
Bác May dụi mắt ngẩng đầu lên và thấy lờ mờ bóng của một người lạ mặt khác. Bác kể lể sự tình : – Tôi biết là tôi có tội vì đã lỗi ngày lễ trọng. Nhưng đàn con tôi đang đói nheo nhóc… biết làm sao được ?
Người lạ mặt tiến lại gần, cầm tay bác, ôn tồn an ủi: “Ðừng lo gì. Bác May ạ. Tôi sẽ trả công cho bác bội hậu. Bác về nhà đi và sẽ thấy phần thưởng. Nhưng bác phải sử dụng khôn khéo gia tài của bạn nhé. Bác đừng bao giờ đóng cửa nhà hay đóng túi tiền trước mặt người bất hạnh”.
Rồi người lạ mặt biến mất.
Bác May vội vã trở về nhà. Bác dụi mắt mấy lần vì cứ tưởng mình đang mơ. Căn nhà tồi tàn không còn nữa. Giữa một lùm cây cổ thụ hiện ra một ngôi biệt thự với cửa sổ sáng choang của buổi dạ hội. Các con cái đứng chờ bác ở cửa, mặt mày hớn hở, xúng xính trong bộ đồ mới. Chúng níu tay bác, lôi vào nhà, tới trước bàn tiệc thịnh sọan. Bức tường dơ bẩn trước kia giờ đây đã được sơn quét lại. Màng nhện, mồ hóng biến đi hết. Trên tường chỉ còn lại cây thánh giá: cây gỗ thánh giá xưa nay dùng làm bàn thờ cầu nguyện. Bác May xúc động quỳ gối trước cây thánh giá, nghẹn ngào không tả nổi hết sự sung sướng.
Kể từ đó, bác May thay đổi nếp sống. Bác tậu thêm những mẩu ruộng của người láng giềng. Dần dần cơ nghiệp của bác cứ nới rộng cho đến tận chân trời. Thiên hạ đều sửng sốt trước sự giàu sang của bác, và đóan rằng bác mới đào được một kho tàng ẩn giấu đâu đó.
Về phần bác May, bác giữ lời hứa với người ân nhân vô danh. Khong kẻ bạc phước nào đến gõ cửa nhà bác mà không nhận được một lời an ủi và ít tiền độ đường.
Nhưng rồi tính tình bác dần dần thay đổi. Tiền bạc khiến con tim thành chai đá. Bác quên thân phận long đong trước đây. Chung quanh bác chỉ còn những đứa nịnh bợ, tâng bốc. Bác cũng chỉ muốn làm quen với người quyền thế. Bác May đại-phú-gia không mấy chốc biến thành kiêu căng ngạo nghễ.
Thóat chốc một năm trôi qua. Lễ Giáng sinh đã đến, ngày lễ trọng đại đã làm thay đổi cuộc đời bác từ năm ngoái. Bác May mở tiệc thịnh sọan, mời hết các phú gia và thân hào trong xứ. Trên tường phòng ăn, bác ra lệnh cất cây thánh giá đi. Bác cùng ra lệnh cho gia nhân không được để tên hành khất nào lai vãng đến lâu đài. Hai võ sĩ lực lưỡng được đặt ở cổng để ngăn cản những ai không có thiệp mời khỏi bén mảng tới buổi hội.
Tuy vậy, khi các thực hành sắp sửa ngồi vào bàn tiệc, không hiểu bằng cách nào mà một lão hành khất lọt được vào sân. Bọn gia nhân tức tối, xúm lại lôi xếch lão ra cổng: “Ai cho mày vào đây, cút đi!”
Và họ còn giơ gậy lên để dọa nạt lão, bất chấp tiếng van lơn: – Vì lòng Chúa nhân từ, xin ngài hãy cứu giúp kẻ bất hạnh này!
– Không được. Hôm nay là ngày lễ. Mai trở lại, người ta sẽ cho.
Nhưng lão cứ năn nỉ, la lớn tiếng ra như muốn cho những thực khách cũng nghe thấy. Quả vậy, bác May đã nghe thấy. Bác mở cửa sổ, tức giận vì những tiếng om sòm đã làm khuấy động bữa tiệc đang vui. Bác quát: “Tao đã bảo là phải ngăn cản hết những tên ăn mày. Ðuổi thằng đó ra. Nếu nó không chịu nghe, thì sổ chó dữ ra đuổi”.
Bọn gia nhân thả bầy chó bẹc-giê ra. Nhưng mấy con chó chỉ liếm tay lão. Lão buồn rầu, lắc đầu và rút lui.
Bác May trở vào bàn tiệc, tiếp tục ăn uống, cười nói hả hê.
Một lát sau, một cỗ xe lộng lẫy với bốn con bạch mã tiến vào sân lâu đài. Nhìn qua cửa, người ta thấy một ông hòang với bộ y phục óng ánh kim cương.
Lũ gia nhân đến báo cho ông chủ. Bác May rời bàn tiệc, tiến ra cửa để đón tiếp thượng khách. Bác May cúi rạp mình xuống đất, miệng ấp úng vì được ông hòang chiếu cố đến thăm bác. Nhưng ông hòang từ chối.
– Cám ơn, tôi không vào. Hồi nãy tôi tới đây như một kẻ hành khất, các người xịt chó đuổi tôi. Bây giờ tôi đến trong y phục một ông hòang thì các người cúi rạp xuống đất. Mời ông lên xe đi với tôi một lát, vì tôi có chuyện cần phải nói.
Bác May theo ông hòang đến tận chân đồi, nơi mà năm ngóai ông đi phát cỏ tranh.
– Này bác May. Bác quên lời hứa cách đây một năm rồi ư? Một năm giàu sang phú quý đã đủ để biến một con người đạo đức thành một tên kiêu căng. Tài sản đã làm con tim thành chai đá. Ðã thế thì sự khó nghèo sẽ làm con người trở lại đạo hạnh.
Người lạ mặt biến mất. Bác May quay trở lại lâu đài. Nhưng lâu đài không còn nữa. Tuyết phủ đầy cảnh vật. Ðàng sau lùm cây, bác thấy một mái nhà điêu tàn như hồi xưa, với ngọn đèn dầu leo lét. Về gần tới nhà, bác nghe tiếng mấy đứa nhỏ khóc vì bụng đói.
Lâu đài, gia nhân, bàn tiệc biến đâu hết rồi. Bác May cảm thấy sự xúc động trở lại trong con tim. Thế là bác trở về với cuộc đời khó nghèo, cuộc đời tìm sự cứu độ.
Ngày lễ Giáng sinh. Chúa Giêsu xuống thế dưới những bộ mặt khác nhau để răn bảo người đời.
Guido Gozzano
Lm. Phan Tấn Thành sưu tầm