Ông ta là Hòang Ðế vĩ đại nhất trong thiên hạ thời đó. Sánh với ông, các vương tước chỉ xếp ngang hàng với xã trưởng. Mỗi chiếc cột trong sân cung điện của ông là một di tích lịch sử mang dấu kinh đô của các cường quốc trên thế giới.
Lũ bầy tôi mỗi lần đến phục dịch đều sấp mặt sát đất khi tới gần ông ta. Và họ làm một cách tự phát chứ không do ai cưỡng bách cả, bởi vì họ thấy bị đè bẹp trước vẻ oai phong lẫm liệt của ông.
Bên cạnh vẻ uy nghi giàu sang như vậy, chắc hẳn ông hạnh phúc lắm. Ðến nỗi thần dân không hề dám nói “sướng như đức vua” bởi vì sợ làm giảm giá hạnh phúc của ông khi mang so sánh với các vật phàm khác. Nhân dân xem ra hãnh diện vì được một ông vua như vậy. Người ta nói rằng chỉ cần thấy vua hạnh phúc là mình cũng đủ sướng rồi.
Thế nhưng từ ít lâu nay trời có vẻ tối sầm lại. Mặt trời hình như đã bớt sáng, nhân dân cũng bớt vui. Nhưng không ai dám hỏi xem phải chăng đã có làn mây nào đã thóang qua vầng trán của nhà vua chăng. Thật vậy, trên vầng trán của nhà vua một làn mây đã cả gan dám bay qua.
Thường thường nhà vua ít khi xuất hiện lắm. Ông ngủ tận trong thâm cung. Ông chỉ tiếp những cận thần nào mà ông ngỏ ý muốn thấy mặt. Ai vô lễ dám nhìn vua mà không được chính thức được triệu đến hay ban phép thì sẽ bị xử tử tức khắc.
Một bữa kia, vua triệu tập các quan đại thần và các học sĩ và hỏi: “Tâm thần ta đang bị một đòi hỏi mới ám ảnh và dày vò. Danh giá của ta là một gánh nặng; việc cai trị đối với ta đã nhàm chán. Ta muốn biết Thượng đế ở đâu. Ta muốn biết danh tánh của Ngài”.
Mỗi quan đại thần và học sĩ lần lượt nêu lên một danh tánh. Ðang giữa buổi triều yết trang nghiêm như vậy bỗng có tiếng xôn xao náo động ngòai sân đình. Nhà vua hỏi : – Cái gì vậy?
– Tâu thánh thượng, xin Ngài đừng bận tâm. Ðó là một con chó mà hạ thần muốn đuổi đi đấy thôi !
Nhưng thực ra đâu phải là một con chó, mà là một người hành khất. Duy có điều là cả nước đều biết tên hành khất đó. Người ta gọi hắn là Thằng Chó, vì thấy hắn khốn nạn lắm. Sánh với hắn, các người hành khất khác xứng với hàng quan lại. Người ta nói rằng hắn đi bốn cẳng giống như con chó vậy. Vì thế không biết có phải là người hay là con chó hiện thân nữa !
Buổi triều yết cứ tiếp diễn. Cuộc thỉnh vấn kéo dài khá lâu, vì nhiều bậc thông thái góp ý đôi khi dài như một bài diễn văn vậy.
Thế rồi từ sau buổi họp đó, vầng trán của đức vua càng ngày càng tối sầm, làn mây trở thành dày đặc hơn. Thật ra buổi tối hôm nọ, trong hòang cung người ta cũng cảm thấy đôi phút giải trí. Ðó là khi thắng Chó đến xin yết kiến đức vua, mà như ai cũng đã biết, ngài là Hòang đế oai phong nhất thiên hạ. Quả là một ý tưởng không ai dám mơ đến. Hơn thế nữa, hắn lại lựa vào lúc đức vua bận rộn nhất để bày tỏ ý nghĩ ngông cuồng ấy mới tức cười chứ!
Trong khi ấy, vầng trán đức vua cứ tối sầm mãi. Ông triệu tập lần thứ hai tất cả các đại thần, học sĩ, và truyền gọi thêm các nhà chiêm tinh chuyên nghiên cứu các tinh tú trên trời. Khi bá quan đã tề tựu đông đủ, nhà vua đứng lên và thổ lộ cách thảm đạm rằng : – Ta vẫn không được bằng an. Ai trong các ngươi biết Danh của Thượng đế Thiên hòang ra sao không?
Mỗi người lần lượt lên tiếng. Họ trổ hết tài uyên bác của mình để dọn các bài diễn văn kỹ lưỡng hơn lần trước. Họ tự nhủ thầm: “Giả như mình mách được cho đức vua biết tên của Chúa Tể Thiên Hòang thì ắt chỉ có Chúa với đức vua biết được khối gia tài đồ sộ sẽ rơi vào tay ta, và thêm biết bao ngai báu nữa!”
Ðang khi ấy, lại có tiếng xôn xao trong dinh. Thằng Chó lại đến. Và người ta lại phải xua đuổi nó lần nữa. Những tiếng cười đắc chí pha lẫn lời sỉ vả mắng nhiếc. Hắn nằng nặc cứ đòi yết kiến đức vua cho kỳ được. Những tiếng chửi rủa cùng với những hòn gạch thi nhau rơi vào mặt hắn, để đáp lại lời van xin điên rồ của hắn. Nhà vua từ trên cửa sổ nhìn thấy cảnh tượng ấy. Vầng trán của vua thóat chốc trở nên bớt căng thẳng hơn khi thấy một vật, không hiểu là người hay là chó nữa, dám đòi yết kiến ông. Ông bật lên cười. Bá quan và các nhà chiêm tinh nãy giờ theo dõi sự việc nhưng không dám hé răng, bây giờ thấy nhà vua bật cười, thì họ coi như được phép để bộc lộ tất cả nỗi khóai trá của mình thành trận cười dòn dã.
Nhưng sự hả hê chỉ kéo dài chốt lát. Nỗi buồn kế tiếp tang thương đến mỗi mọi ngôn từ tắt ngụm trên môi bá quan học sĩ. Họ lần lượt ra vềm trong lòng chất nặng nỗi kinh hãi cũng ngang với niềm kiêu hãnh khi họ được triệu đến, bởi vì họ lo sợ nhà vua có thể nổi cơn thịnh nộ trước sự bất tài của họ.
Rồi từ đó, ai ai đi ngang hòang cung đều cảm thấy như có một tấm màn đen viền vàng treo trước cổng. Cái chết của nhà vua trở thành đầu đề cho các cuộc bàn tán mỗi ngày. Giấc ngủ đã lánh khỏi chăn nệm của nhà vua, cũng tựa như nụ cười đã trốn thóat đôi môi của ông. Ðức Vua cũng truyền lấy một tấm mành che giấu bức chân dung của mình. Nhìn mình đã mệt, nhà vua cũng chán nhìn bức hình của mình.
Một buổi triều yết lần thứ ba được triệu tập. Lần này quan Tể tướng dùng hết mọi biện pháp để cái trò của Thằng Chó không tái diễn. Trong khi đó, người tâ cho mời các chiêm tinh từ khắp năm châu đến. Mỗi quốc gia cử đến những đại biểu cừ khôi nhất. Các nhà bác học, các nhà thông thái từ khắp bốn phương lũ lượt kéo về. Khi đã đến giờ hội kiến, tất cả các quân vương, nhân tài đều sấp mặt xuống đất bởi vì họ đang giáp mặt với Hòang đế vua các vua cơ mà!
Thế nhưng khuôn mặt của đức vua xanh xao tệ. Giấc ngủ không thuộc vào sổ thần dân của ông nữa; giấc ngủ cũng không tuân hành lệnh của ông. Khi vua truyền nó đến, nó không chịu đến. Ai ai cũng tùng phục vua, chỉ trừ giấc ngủ, khiến vua tức giận hết chịu nổi: dụ nạt nộ, dù van lơn, nó vẫn cứ trơ trơ ra đấy thôi.
Từ khi quan Tể tướng ra lệnh ngăn cấm Thằng Chó không được lai vãng khu vực hòang cung, ra như người ta sợ nó làm mất giấc ngủ của nhà vua, thì cũng từ hôm ấy giấc ngủ đã trốn khỏi cung điện của vua. Giấc ngủ, tiếng cười và quên lãng: ra như ba tên lính đào ngũ, trốn vượt khỏi hàng rào của dinh, và lần lẫn cũng ra khỏi các mái nhà của nhân dân nữa. Bệnh mất ngủ, buồn rầu và ưu tư đến trấn đóng trên thềm các dinh thự, và sai bầy tôi đến xâm nhập cả các mái nhà tranh vách đất. Chính vì vậy mà nhà vua trở nên xanh xao khi các quân vương và bác học từ năm châu đến, mang theo đòan tùy tùng cùng với vàng bạc châu báu. Nhưng mặt mày nhà vua hốc hác, liếc nhìn các phẩm vật cống hiến cách mệt mỏi, ra như muốn hỏi: “Thế có ai mang đến cho ta giấc ngủ hay không? Có ai biết danh tánh của Thượng đế là gì không?”
Các nhà bác học và chiêm tinh được dịp dốc hết kho tàng kiến thức của họ và trổ tài uyên bác hùng biện trong chính cung điện của Hòang đế Vua các vua. Sau đó họ nhìn lên vầng trán của vua và nhìn nhau cách kiêu hãnh. Ai nấy hy vọng rằng giải đáp của mình là tuyệt hảo nhất, vì vậy mà mỗi người đều muốn đọc thấy vẻ đắc thắng trên trán của nhà vua.
Tuy nhiên Hoàng đế đứng dậy không nói một lời nào. Ông cũng chẳng tha thiết đảo mắt nhìn họ nữa, dù chỉ là một cái nhìn khinh bỉ cũng không. Hòang đế đứng lên và biến mất. Cánh cửa đóng sập lại và không ai dám theo ông. Sau giây lát ngỡ ngàng, người ta bắt đầu hỏi nhau: “Ðức Vua đâu rồi?”, và thay vì câu trả lời họ chỉ thấy câu hỏi được truyền đi từ miệng này sang miệng khác: Ðức Vua đâu rồi?”.
Ðêm đã về như thường lệ, nhưng không thấy đức vua đâu cả. Ðến lượt bọn gia nhân cũng đâm hoang mang. Ai biết được vua đi đâu rồi. Người ta bắt đầu lục lọi, khám xét, từ các hành lang, cầu thang, các ngóc ngách trong vườn, kể cả những nơi kín đáo nhất chưa hề có ai đặt chân tới. Thế nhưng vẫn không thấy đức vua đâu cả. Suốt đêm hôm đó, người ta đi tìm kiếm nhưng vô ích. Bao nhiêu giả thuyết, lý lẽ được đặt ra. Kẻ chạy xuôi, người chạy ngược. Triều đình thật không khác một nhà thương điên.
Trong khi đó một đòan lữ hành lên đường hướng về phương Ðông. Từng đòan xe ngựa và lạc đà chở khách trên mình. Các lữ hành chuyện trò vui vẻ, kể cho nhau mục tiêu chuyến đi của mình. Duy một người cứ thinh lặng. Tướng mạo người đo hơi khác thường: y phục lộng lẫy, với một lũ gia nhân không cùng một xứ sở. Mặc dù họ phục dịch ông ta từ chặng khởi hành nhưng không ai biết tên của ông, bởi vì ông không tiết lộ cho ai hết. Vầng trán của ông có vẻ hào hùng; gậy của ông giống như vương trượng. Ông bảo người ta cứ kêu ông là kẻ lữ hành. Ai hỏi ông đi đâu thì ông trả lời: “Tôi cũng chẳng biết nữa”.
Ðến đâu có tên một vĩ nhân để lại một dấu vết gì đó thì kẻ lữ hành dừng lại. Ông ta trải qua hằng giờ, nghiên cứu địa hình, dò hỏi dân cư, lục lọi bút tích. Hoặc giả như một vĩ nhân đã lưu vết trên bãi cát nào đó thì kẻ lữ hành ra ngòai bãi biển, ngồi trên mỏm đá, chống tay lên trán. Khi mặt trời lặn chìm xuống đáy nước, hoặc khi mặt trăng nhô lên từ cuối chân trời, kẻ lữ hành ngồi đó, trơ trơ như bức tượng đá, ôn lại những gì đã nghe, đã thấy, đã tìm, đã học.
Chẳng mấy chốc kẻ lữ hành đã viếng hết các lăng tẩm, các đền thờ, các bia đá kỷ niệm các bậc hiền nhân quân tử. Kẻ lữ hành trầm ngâm, suy tư, ra như muốn thấm nhập với linh hồn của các vị cao minh ấy.
Tuy nhiên trong suốt cuộc tìm kiếm, kẻ lữ hành không bao giờ dành lấy một phút cho người nghèo, kể cả trong các giấc mơ của mình. Quả vậy, kẻ lữ hành đã mơ màng đến nhiều chuyện và nhiều người: các đại đế, võ vương, những phong cảnh hùng vĩ, những kiến trúc đồ sộ. Ðôi lúc kẻ lữ hành mơ thấy chính mình: Hòang đế vua muôn vua. Chỉ có người dư thừa quyền lực và tiền của mới có thể chu du tìm kiếm như ông. Ông ta đi lục lọi, khảo cứu khắp hang cùng ngõ hẻm, chất vấn hết mọi thức giả. Nhưng ông không hề băn khoăn thăm hỏi các bà vợ chạy ngược chạy xuôi để kiếm bát cháo cho người chồng hấp hối. Ông cũng chẳng buồn nhớ tới bao thần dân tất tưởi đói rách trong chính vương quốc của ông.
Cuộc hành trình có dài mấy thì cũng tới lúc chấm dứt. Chẳng bao lâu ông ta đi hết vòng địa cầu và trở về chính hòang cung của mình.
Một bữa kia, người ta thấy nhà vua trở lại cung điện. Thật là khó tả nổi tâm trạng của triều đình lúc ấy. Kẻ rối rít lăng xăng, người thất kinh run rẩy. Dĩ nhiên là có nhiều người phải trốn núp vì quá sợ hãi. Ai biết được cuộc hành trình của nhà vua đã mang lại điều hay hoặc điều dở? Và dĩ nhiên, ông là Hòang đế Vua muôn vua, bá chủ hòan cầu cơ mà. Ông đâu cần hỏi ý kiến của ai, và ai dám mở miệng phê bình ông?
Nhà vua băng qua vườn ngự uyển, tiến vào hành lang tráng lệ, và sau cùng đi vào hậu cung. Lũ quần thần nhìn nhau yên lặng và sợ sệt. Họ mong được thấy nở trên môi nhà vua một nụ cười.
Nhà vua bước lên lầu, ngả người xuống. Mọi người trố mắt quan sát từng cử chỉ của nhà vua. Tóc ông đã bạc. Vầng trán ngạo nghễ đã điểm những làn nhăn. Cặp mắt lạnh lùng, bất động. Một niềm kiêu hãnh còn ín vết trên nét mặt: kiêu hãnh vì vừa thực hiện một cuộc tìm kiếm, tuy là hòan tòan vô ích; kiêu hãnh vì một Ðại vương lớn nhất hòan cầu, dám coi đời không ra gì hết, tuy một nỗi tuyệt vọng đang lớn dần trong tâm can của ông.
Môi nhà vua vẫn không nở nụ cười. Làn mép của vua chỉ hơi xếch đi một tí. Ra như vua nhìn thấy sự trống rỗng của mọi vẻ huy hòang vây quanh mình, hoặc như vua muốn nói với quần thần rằng :- Ta vẫn chưa tìm thấy danh tánh của Thượng đế. Giả như có thể được, tasẽ bắt đầu đi tìm kiếm lần nữa !
Bỗng nhiên vua buông ra một tiếng thở dài, rồi gục đầu xuống, lăn nhào xuống tấm thảm ở dưới ngai.
Triều thần đứng yên bất động. Duy có quan Thái y dám tới gần, rờ vào mạch và tuyên bố: “Ðức Vua đã băng hà”.
Các vua chúa khắp nơi cùng với đòan xa giá kéo nhau về dự lễ an táng Hòang đế vua muôn vua. Thằng Chóa được lệnh quan Tể tướng không được lai vãng tới hòang cung. Hắn ra ngồi ngòai cửa nghĩa trang.
Khi đòan linh cữu đã qua rồi, người thấy Thằng Chó còn quỳ gối ở cửa nghĩa trang.
Hắn chìa ra một cái đĩa bằng gỗ, trên mặt có viết hàng chữ : DANH TÁNH THƯỢNG ÐẾ.
Ernest Hello
Lm Phan Tấn Thành sưu tầm