Ở một làng kia, có một người làm nghề vá giày tên là bác An. Xưởng làm việc của bác là một cái hầm ở dưới mặt đường. Chỉ có cái cửa sổ để lọt ánh sáng từ ngòai đường vào. Qua khung cửa sổ ấy, bác chỉ thấy những bước đi và nhìn vào những đôi giày, bác có thể đóan được những người ấy là ai. Thật vậy, hầu như người nào trong làng cũng đã từng một hai lần đem cho bác các đôi giày của họ để nhờ bác khâu lại chỗ giày há mõm hoặc thay đế. Chính vì thế mà bác chỉ cần nhìn đôi giày là biết chủ nó là ai. Bác An nay đã già. Bác cảm thấy đời đã xế chiều và sắp đến ngày về với Chúa. Vợ của bác đã qua đời.
Các con của bác cũng lần lượt bỏ bác theo mẹ khi còn trẻ măng. Bác còn nhớ ngày đứa út chết, bác đã nguyền rủa trời đất và bỏ không thèm đi nhà thờ nữa. Bác hòan tòan tuyệt vọng. May thay một bữa nọ, bác gặp một nhà đạo sĩ đi ngang qua làng. Bác chặn lại và kể lể tâm sư : – Thầy coi, tôi không còn muốn sống nữa! Tôi mất hết hy vọng rồi. Tôichỉ còn muốn chết thôi.
Ðạo sĩ trả lời: – Sao bác lại nói thế? Chúng ta là ai mà dám đóan xét việc Thiên Chúa làm. Duy có Chúa mới biết được việc Ngài. Nếu Ngài định cho con bác phải chết mà bác còn sống thì ắt là bởi vì Ngài xét điều này là tốt cho bác. Sở dĩ bác thất vọng là tại vì bác muốn sống cho bác, tìm thỏa mãn cho bản thân mình mà thôi.
Bác An ngắt lời : – Thế thì người ta sống để làm gì?
Ðạo sĩ đáp : – Chúng ta sống cho Thiên Chúa. Ngài đã ban cho ta sự sống thì chúng ta hãy sống cho Ngài. Chừng nào bác bắt đầu sống cho Chúa thì bác sẽ không còn biết sầu muộn là gì nữa, hoặc là bác sẽ dễ dàng chấp nhận nó.
Trầm ngâm một lát, bác An hỏi tiếp : – Làm thế nào để sống cho Chúa?
Ðạo sĩ trả lời : – Làm thế nào để sống cho Chúa ư? Ðó là điều mà Chúa dạy cho chúng ta. Bác có biết đọc sách không? Bác hãy tìm Phúc âm mà đọc, rồi bác sẽ biết làm thế nào để sống cho Chúa.
Những lời đó thấm nhập vào tận thâm tâm bác An. Ngay hôm ấy bác đi tìm mua ngay một quyển Tân ước. Thế rồi mỗi tối, sau khi đóng cửa, bác mở Sách Thánh ra đọc. Dần dần bác không còn than van khi nhớ đến đứa con út nữa. Thay vào đó, bác thốt lên: “Lạy Chúa, vinh danh Chúa, bởi vì ý Chúa đã muốn như vậy”.
Dần dần bác bỏ thói quen la cà các quán rượu vào các ngày Chúa nhật và dành thời giờ nhàn rỗi vào việc đọc Sách Thánh. Một hôm, bác mở cuốn Phúc âm theo thánh Luca, đọc đến đọan kể lại Chúa Giêsu sinh ra ở Belem trong một hang bò lừa vì các quán trọ từ chối. Bác thầm nghĩ: “Tội nghiệp Chúa vì không ai đón tiếp Ngài khi giáng trần. Nhưng liệu tôi có tiếp Ngài hay không?” Mãi ngẫm nghĩ một hồi lâu, bác An ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng một tiếng kêu làm bác giật mình thức dậy : – Bác An, bác An.
– Ai đấy ?
Quay ngang quay dọc, bác không thấy ai cả. Sau một chặp, bác ngủ tiếp. Ðược một lát, bác lại nghe một tiếng rõ ràng hơn: “Bác An, bác An, này, ngày mai tôi đến thăm bác đất”.
Bác hòang hồn đứng dậy, dụi mắt, không biết là mơ hay thực. Sau cùng, bác tắt đèn và đi ngủ tiếp.
Hôm sau, khi thức dậy, bác đọc kinh sáng. Kế đó, bác nhóm lửa, đặt nồi cháo lên bếp và bắt đầu làm việc. Trong khi đôi tay bận bịu với kim chỉ thì đầu óc của bác cứ bị giấc mơ đêm qua ám ảnh. Bác cứ phân vân không biết đó là mơ hay thực. Dù sao, thỉnh thỏang bác vẫn đưa mắt nhìn qua cửa sổ để xem có ai đến thăm hay không. Bác đã thấy nhiều đôi giày qua lại: một người lính đi ngang, rồi mấy người xác nước, và rồi đến ông lão Hiếu tiến chậm chạp từng bước, tay cầm chổi quét đường. Bác An nghĩ thầm: “Hơi đâu mà ngắm người qua kẻ lại. Thôi, chú ý mà làm việc đi chứ”.
Nhưng khâu được độ mười lăm mũ kim thì bác lại ngẩng đầu lên ngó qua cửa sổ. Ông lão Hiếu không còn quét đường nữa. Ông dựng cây chổi vào tường và đứng thở hổn hển. Bác An tự nhủ: Tội nghiệp ông lão già. Chắc là hết sức rồi. Trời lạnh thế này, hẳn là đôi tay run lắm đây”. Nghĩ thế, bác An liền đến bếp, rót ly trà nóng rồi ghé đến bên cửa sổ mời ông Hiếu: – Mời ông uống ly nước trà cho ấm bụng. Ông lạnh lắm phải không?
– “Chúa ôi, lạnh tới thấu xương”. Ông Hiếu đáp.
Và ông lão lập cập phủi chân, cố gắng gạt bớt lớp tuyết bám ở đôi giày kẻo làm dơ nhà. Nhưng bác An nói : – Ông đừng lo, cứ vào nhà đi. Lát nữa tôi sẽ quét. Ngồi nghỉ một tí đi.
Ông Hiếu bước vào nhà, cầm ly trà nóng hổi, uống một hơi đến hết. Thấy vậy bác An rót tiếp mời : – Bác dùng thêm nữa đi.
Bác An vừa rót nước mời khách, vừa nói chuyện, nhưng cặp mắt vẫn cứ đảo qua cửa sổ. Thấy vậy ông Hiếu hỏi: – Bác đang chờ ai đấy?
– Chờ ai hả? Nói ra thì cảm thấy thẹn. Không biết có nên chờ hay không, nhưng có một tiếng nói cứ văng vẳng bên tai tôi… không rõ là mơ hay thực nữa. Thú thực với ông, số là hôm qua, tôi đọc Phúc âm và thấy Chúa Giêsu khi đến cõi thế này, sinh ra ở Belem nơi hang lừa vì không ai tiếp. Và tôi nghĩ: giả như Ngài tới nhà tôi thì không hiểu tôi sẽ tiếp Ngài thế nào. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Thế rồi bỗng dưng một tiếng nói đánh thức tôi dậy và gọi đích danh tôi: “Này bác An, ngày mai tôi sẽ tới thăm bác”. Tiếng đó còn lặp lại hai lần nữa, và cho đến lúc này vẫn còn ám ảnh tôi.
Ông Hiếu trầm ngâm không nói gì. Bác An rót thêm ly nữa cho khác và nói : – Uống thêm miếng nước nữa cho ấm bụng. Tôi nghĩ rằng Chúa đến trần gian, Ngài không bỏ ai hết. Ngài luôn đến với người nghèo, kẻ khiêm tốn, những người tội lỗi, những người lao động như chúng ta. Ngài đã rửa chân cho các môn đệ, và nói: “Ai là kẻ lớn nhất thì phải phục vụ mọi người”.
Ông Hiếu ngẹn ngào ứa nước mắt. Uống hết ly thứ ba, ông đứng dậy và nói: – Cám ơn lòng tốt của ông đã sưởi ấm cả hồn lẫn xác của tôi.
– Không dám. Tôi rất vui mừng khi có người đến thăm.
Khi ông Hiếu đi rồi, bác An uống nốt phần trà còn lại trong ấm và tiếp tục làm việc. Tay bác xỏ kim kéo thoăn thoắt nhưng mắt thì cứ gắn chặt ở khung cửa sổ, đăm đăm chờ xem chừng nào Chúa đến. Hai người lính đi ngang qua, rồi đến người bán bánh. Lát sau, một thiếu phụ bồng đứa con nhỏ đi ngang qua cửa sổ. Bà đứng nép vào tường, cố che cho đứa bé bồng trên tay khỏi gió, tuy dù trên thân mình chỉ có tấm áo mỏng. Bác An nghe rõ tiếng khóc của đứa bé và lời dỗ dành của bà mẹ. Bác mở cửa nhà và nói : – Này bà, vào đây. Sao đứng ngòai gió lạnh như vậy?
Người thiếu phụ quay lại, thấy một ông già đeo kính ngoắt tay vẫy gọi. Bà bồng con theo ông lão vào nhà. Ông đưa bà xuống hầm, kế bên lò sưởi: – Bà sưởi cho ấm, rồi cho con bú nhé.
Nhưng người mẹ buồn bã nói: – Tôi không còn sữa nữa. Vả lại tôi chưa ăn uống gì.
Bác An lắc đầu ngẫm nghĩ. Bác đi lấy khúc bánh mì và múc một bát cháo đặt lên bàn: – Bà ăn đi. Ðưa cháu đây tôi bế cho. Tôi cũng đã từng có con và biết cả cách giữ trẻ nữa, bà ạ.
Trong khi thiếu phụ ăn nghiến ngấu, bác An bồng đứa bé. Lúc đầu nó cứ khóc mặc dù bác dọa nó với cặp mắt nghiêm nghị. Nhưng khi bác dơ ngón tay đùa với nó thì thằng bé nín bặt và bắt đầu cười giỡn với bác, khiến bác cũng vui lây.
Người đàn bà lạ mặt bắt đầu kể: – Chồng tôi đi lính đã tám tháng nay và tôi không được tin tức gì nữa. Tôi đi làm bếp cho người ta. Nhưng tới khi sinh con thì họ không nhận tôi nữa. Khi tiêu hết những gì đã dành dụm được, tôi xin đi làm vú nuôi, nhưng lại bị chê là quá gầy ốm. Tôi xin một chân bán hàng, người ta hứa sẽ nhận nhưng bảo tôi phải chờ đợi. Ngày nào tôi cũng phải lê lết đi tìm việc làm, khiến tôi kiệt sức.
Bác An thở dài : – Sao trời lạnh thế này mà bà mặc đồ mỏng như vậy?
– Dạ đâu có. Hôm qua tôi đã đi cầm chiếc khăn san cuối cùng với giá hai chục đồng.
Bà ta tới cạnh giường và ẵm lấy đứa bé, toan bước ra cửa. Bác An lục lọi trong rương, lôi ra một áo chòang và trao cho người mẹ: – Bà cầm lấy đi. Tuy không đẹp lắm nhưng sẽ che cho bà đỡ gió.
Bà rụt rè cầm chiếc áo và nói: – Xin Chúa chúc lành cho cụ. Ðúng là Chúa đã đưa cháu tới cửa sổ của cụ. Giả như không có cụ, chắc là mẹ con cháu đã chết cóng rồi. Chúa đã thương và dun dủi để cụ nhìn thấy cháu qua cửa sổ.
Bác An mỉm cười : – Ðúng thế đấy, chính Chúa đã soi sáng cho tôi. Không phải vì lơ đãng mà tôi nhìn ra cửa sổ đâu.
Thế rồi bác An kể lại giấc mơ của mình. Người đàn bà theo dõi câu chuyện cách chăm chú và kết luận :- Mọi sự đều có thể xảy tới, cụ ạ! Thôi, cám ơn cụ rất nhiều.
Bà bồng con ra đi, Bác An dúi vào tay bà tấm giấy 20 đồng để chuộc lại chiếc khăn san. Sau đó, bác An tiếp tục làm việc. Tay làm mà mắt cứ nhìn qua khung cửa sổ. Một bà già đi ngang, tay xách một giỏ táo. Chắc là bà đã bán gần hết rồi. Bà đeo trên lưng một bó củi mà có lẽ bà mót được ở xóm nào gần đây. Ði ngang qua cửa sổ nhà bác An, bà dừng lại, thả bó củi xuống đất để nghỉ ngơi đôi phút và để đổi tay.
Bỗng nhiên một thằng nhỏ không biết từ đâu chạy lại, giật ngay trái táo và định vụt thóat. Không may cho nó, bà lão níu được tay nó. Thằng nhỏ cố vũng vẫy gỡ ra nhưng bà nắm nó thật chặt. Bác An vội bỏ kim chỉ qua một bên, mở cửa chạy ra. Bà lão vẫn còn níu chặt thằng bé, vừa mắng vừa dọa sẽ dẫn ra công an. Thằng nhỏ phân bua : – Ơ hay, cái bà này. Tôi làm gì mà bà đánh tôi.
Bác An can thiệp với bà già: – Tôi xin bà tha cho nó, vì lòng mến Chúa.
– Không có tha với thứ gì hết. Tôi đưa nó tới công an để họ trị nó. Như thế nó mới chừa.
– Thôi mà, bà tha cho nó đi. Nó không dám tái phạm nữa đâu. Tha cho nó đi, nhân danh Chúa.
Bà lão nới tay. Thằng bé toan chạy, nhưng bác An tóm nó lại: – Xin lỗi bà đi, và đừng bao giờ làm như vậy nữa. Ta thấy mi ăn cắp trái táo mà.
Thằng bé òa lên khóc và xin lỗi bà già. Bác An lấy một trái tráo trong giỏ và trao thằng bé. Ông nói với bà: – Tôi sẽ đưa tiền cho bà.
Bà già lẩm bẩm:- Ông chỉ làm hư thằng nhỏ mà thôi. Lũ đó cần phải trừng trị thẳng tay mới được.
– Thôi mà bà. Chúng ta xét đóan như vậy, nhưng Chúa nghĩ khác. Nếu chúng ta thẳng tay trừng trị nó vì đã ăn cắp một trái táo, thì Chúa sẽ trừng trị chúng ta như thế nào vì những tội lỗi của chúng ta?
Bà lão không nói gì. Bác An kể lại cho bà nghe dụ ngôn ông chủ nợ tha cho kẻ thiếu nợ, và sau đó y đã đến giết chết vị ân nhân của mình. Bà ta đứng yên và nghe. Cả thằng nhỏ cũng chăm chú theo dõi nữa. Bác An tiếp: – Chúa đã dạy chúng ta phải tha thứ, nếu không thì Chúa sẽ không tha cho chúng ta. Phải tha thứ cho hết mọi người, nhất là những người không biết việc họ làm.
Bà lão gật đầu: -Ðúng thế, nhưng phải sửa dạy tụi trẻ, bởi vì chúng dễ làm bậy lắm.
– Ðó là bổn phận của chúng ta, phải chỉ vẽ cho chúng thấy điều tốt lành.
– Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi sinh được bảy đứa con, nhưng chỉ còn một đứa gái còn sống …
Thế là bà bắt đầu kể chuyện con gái bà, nó ngoan như thế nào, nó săn sóc bà ra sao mỗi lần bà đi bán hàng về. Và bà quay lại nhìn thằng nhỏ: – Thôi cháu dại dột. Xin Chúa gìn giữ cháu.
Bà ta đặt bó củi lên vai để đi về nhà. Nhưng thằng nhỏ vội vàng thưa : – Bà để cháu xách cho, cháu cũng về đường này.
Bà già gật đầu, đồng ý cho nó xách giỏ. Hai bà cháu đi song đôi với nhau. Bà ta quên cả việc đòi tiền trái táo. Bác An nhìn họ đi một quãng đường xa, rồi trở vào nhà. Làm việc thêm một chặp nữa thì trời đã tối. Bác đứng lên đốt đèn. Khâu xong chiếc giày, bác thu dọn đồ đạc, và rút quyển Phúc âm ra đọc. Vừa mở sách ra, bác nhớ lại giấc mơ hôm trước. Bác tưởng chừng như có bóng người và có ai kêu bác: – Bác An, bác An, bác không nhận ra tôi ư?
– Ai đấy, bác An hỏi.
– Tôi đây mà. Ông Hiếu từ trong bóng tối bước ra mỉm cười rồi biến đi.
– Cả tôi nữa. Một thiếu phụ bồng con nhỏ tiến tới, mỉm cười rồi biến mất.
– Còn tôi nữa. Một bà già xuất hiện với thằng nhỏ cầm trái táo. Cả hai cùng cười rồi biến đi.
Bác An cảm thấy niềm vui dạt dào trong lòng. Bác làm dấu Thánh giá, đeo cặp kính vào đọc Phúc âm ở trang đã lật: “Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn. Ta khát các ngươi đã cho uống. Ta là người xa lạ, các ngươi đã đón tiếp Ta … Ðiều gì các ngươi làm cho kẻ bé nhỏ nhất của Ta là các người làm cho Ta vậy”.
Bác An hiểu rằng giấc mơ đã không lừa gạt bác. Chính Chúa Cứu thế đã đến với bác ngày hôm nay. Và chính bác đã đón tiếp Ngài.
Leon Tolstoi
Lm Phan Tấn Thành sưu tầm