Lễ Giáng Sinh hiển nhiên là Lễ của những tín đồ Thiên Chúa Giáo, nhưng sinh hoạt Giáng Sinh lại mang tính toàn cầu. Trong dịp này, những tín đồ Thiên Chúa Giáo thì vui mừng đón Chúa đến, trong khi những người khác cũng tìm thấy niềm vui, sự thông cảm, sự cởi mở, qua hình ảnh của một ông già Noel thân thương.
Trong cuộc đời tôi, có hai Lễ Giáng Sinh mà có lẽ chẳng bao giờ tôi quên được, lần đầu tiên khi tôi mới bắt đầu có trí nhớ, với tất cả những kỷ niệm ấu thơ, và lần thứ hai cách đây đúng mười năm, với những suy tư thời cuộc, trong một xã hội vẫn còn chưa mở lắm của quê hương Việt Nam chúng ta.
Vào buổi tối 25-12-1993, tôi đang ngồi coi truyền hình thì kìa, tôi thật sững sờ, ông già Noel xuất hiện trên màn hình, đang phân phát những gói quà cho những người nghèo khổ, không nhà cửa, sống lang thang, đang nằm ngồi la liệt trên các vỉa hè đường phố, ở những nơi chờ mua vé bên ngoài những cánh cửa sắt của ga xe lửa Hoà Hưng. Tại sao thế nhỉ? Tại sao Nhà Nước lại cho phép một hoạt động có tính cách tôn giáo như vậy ở nơi công cộng? Ðể tỏ thiện chí? Ðể tuyên truyền? Hay vì sự nghèo khổ đã đến mức quá tải? Ông già Noel xuất phát từ giáo xứ nào, từ tập thể nào, hay từ cá nhân nào? Ai cung cấp quà? Tôi không có dịp tìm hiểu. Mấy tháng sau tôi rời khỏi đất nước và, mười năm đã qua đi, tôi không biết những năm sau đó ông già Noel có còn xuất hiện để phát quà cho những người nghèo khổ nữa không.
Phải thú thực rằng từ trước tới nay, tôi chưa từng được thấy ông già Noel xuất hiện một cách có ý nghĩa như vậy. Ông đã mang tin mừng của Chúa một cách cụ thể, không phải bằng lời nói xuông, đến với những người anh em xấu số đang phải sống trong một xã hội mà hầu như họ không có cơ may để thoát ra khỏi cảnh sống tủi nhục của mình. Ở những xã hội giàu có, ông già Noel dường như không phải bận tâm đến những người nghèo. Ngoài việc đem niềm vui đến với các em nhỏ qua cái huyền thoại ông chui qua ống khói, nhét quà vào các chiếc vớ treo quanh giường các em, ông còn được các nhà làm thương mại chiếu cố mời làm quảng cáo cho họ. Trong mùa Noel, đó đây khắp các cửa tiệm, các khu buôn bán, chúng ta thấy những ông già Noel, người máy có, người thực có, đang niềm nở mời chào khách hàng.Tôi được biết ở trong nước những năm gần đây, ông già Noel cũng xuất hiện đều khắp trong cái mục đích này. Hình ảnh ông ngồi trên những chiếc xe gắn máy, ôm những gói quà, đem giao tận các gia đình, thật là thân thương, vui mắt, nhưng đó là những gói quà đặt mua, chứ không phải là được trao tặng cho những người nghèo.
Sự xuất hiện của ông già Noel tại Việt Nam năm 1993 với những gói quà phân phát cho những người nghèo khổ mang thật nhiều ý nghĩa. Về vật chất, đó là cái ý nghĩa làm giảm cơn đau của những cái dạ dày xẹp lép, dù chỉ trong một thời gian ngắn, dù chỉ trong chốc lát. Về tinh thần, người nghèo khổ có thể cảm nhận được một chút an ủi là họ vẫn chưa hoàn toàn bị quên lãng. Về mặt tôn giáo thì đây là một khía cạnh thật tích cưc. Ai trong chúng ta cũng nhớ một đoạn trong Thánh kinh thuật lại mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người đạo đức giả khi Chúa hỏi đại ý: “Các ngươi nói thương yêu ta? Vậy mà ta đói các ngươi không cho ta ăn, ta rét các ngươi không cho ta mặc”. Những người đạo đức giả bèn thưa: “Lạy Chúa. Chúng tôi có thấy Chúa đói rét bao giờ”. Và Chúa phán: “Nếu trong các anh em ta có người đói mà các ngươi cho họ ăn chính là các ngươi cho ta ăn, có người rét mà các ngươi cho họ mặc chính là các ngươi cho ta mặc”. Và tại quê hương Việt Nam còn nhiều khó khăn của chúng ta, ở cái thời điểm năm 1993, sự xuất hiện của ông già Noel, với những gói quà cho những người nghèo khổ, phải chăng đã mang ý nghĩa thực hiện lời Chúa một cách cụ thể, dù chỉ mới là một phần nhỏ nhoi.
Lạy Chúa. Xin cho chúng con có khả năng nhân cái phần nhỏ nhoi trên thành những phần to lớn hơn. Xin cho chúng con không chỉ yêu Chúa bằng lời, bằng những bài kinh cầu nguyện, bằng những câu ca vinh danh, mà còn bằng những việc làm cụ thể theo lời Chúa dạy. Xin cho chúng con mạnh dạn đem tin mừng của Chúa đến với anh em, nhất là những người xấu số, không phải chỉ bằng những lời nói đầu môi chót lưỡi. Xin cho chúng con biết đau cái đau của anh em, biết đói cái đói của anh em, biết rét cái rét của anh em. Xin cho chúng con biết mở lòng, cụ thể là biết mở cái nắp túi của chúng con, để có những ông già Noel với những gói quà hằng năm đến với các anh em xấu số của chúng con.
Tôi có đòi hỏi nhiều quá không? Làm thế nào để tất cả các nắp túi được mở ra để những đồng tiền, dù nhỏ, được chuyển qua tay ông già Noel? Chúng ta có thể thực hiện được hai chữ ngắn ngủi “hằng năm” không? Viết đến đây đầu óc tôi rối beng, thật là bí. Tôi ngồi xuống chiếc sôfa, ngả người, mắt lim dim, thì chợt nghe tiếng xe đậu bên ngoài. Tôi nhìn ra và chạy vội ra đón bạn tôi. Anh xuất hiện thật là đúng lúc. Hai mươi hai năm kể từ ngày được tha ra từ trại cải tạo, giờ này chhúng tôi mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, biết bao nhiêu chuyện để kể cho nhau nghe. Bạn tôi là dân “tu xuất”, kém tôi hai tuổi, nên thường gọi tôi là bác. Ðể tỏ lòng kính trọng bạn tôi, tôi thường gọi bạn tôi bằng ông.
Sau khi thăm hỏi nhau, bạn tôi nhìn thấy cái computer đang nhảy múa, bèn hỏi tôi:
-Bác đang làm gì dở dang mà không tắt computer đi?
Ðược dịp, tôi bèn kể cho bạn tôi nghe những gì tôi đang viết và cái “bí” của tôi. Anh cười dí dỏm:
-Bác tính làm chuyện khác người đấy à? Nhưng thôi, tôi với bác có nhiều điểm giống nhau. Có điều tôi làm việc này được nhiều năm rồi.
“Ðược lời như cởi tấm lòng”, tôi bèn vồ lấy ngay:
-Vậy thì ông giúp tôi kinh nghiệm.
Bạn tôi nhìn tôi, chậm rãi… Phải thú thực, trong suốt thời gian chúng tôi sống với nhau trong cùng trại cải tạo, cái chậm rãi của bạn tôi nhiều lúc làm tôi bực mình. Anh có một cái tài là khiến cho người đối diện phải háo hức, phải nôn nóng để nghe ý kiến của anh, trong lúc anh cứ tà tà. Có điều là anh gỡ rối rất hay. Thời gian này, nếu anh em nào xuống tinh thần, hay có vấn đề gì rắc rối, thường đến với anh để được nghe những lời giải thích hoặc khuyên giải hợp tình, hợp lý. Biết vậy nên tôi ráng kiên nhẫn.
Anh nhìn tôi, tủm tỉm cười. Tôi đã bắt đầu thấy “dễ ghét”.
-Bác nói đúng. Trước hết, chúng ta phải làm thế nào để những cái nắp túi sẵn sàng và vui vẻ mở ra đã. Giới răn của Chúa tóm gọn trong hai vế, bốn chữ: Kính Chúa – Yêu Người. Cái vế đầu thì chúng ta làm tương đối tốt, hoặc rất tốt; nhưng cái vế thứ hai thì còn nhiều trục trặc. Tôi nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng có lòng thương người. Lòng thương người nó bàng bạc, nó nằm dưới đáy con tim mỗi người. Vấn đề là chúng ta phải khéo léo kích thích cái lòng thương người kia để biến nó thành việc làm cụ thể. Con người với ‘bản tính người’ không muốn bị ai ra lệnh. Lòng thương người đến một cách tự nguyện, Chúng ta không thể bắt ai phải thương người cả. Nếu chúng ta nói ‘Các vị dư dả. Tại sao các vị không chịu giúp người nghèo’ thì những cái nắp túi sẽ chẳng sẵn sàng và vui vẻ mở ra đâu…
Tôi đã bắt đầu sốt ruột với cái bài học bất đắc dĩ về lòng thương người mà bạn tôi dành cho tôi, nên ngồi không yên trên chiếc ghế. Anh nhận biết nhưng cứ tỉnh bơ, tà tà tiếp, và tôi phải cố gắng nhẫn nại để nghe tiếp:
-Nhưng nếu chúng ta nhẹ nhàng và hơi dí dỏm một chút khi chúng ta nói rằng mọi người, kể cả người giàu, đều biết đến cái đói. Này nhé, người giàu đi chơi và mải chơi, về nhà hơi quá bữa – bụng đói meo. Này nhé, người giàu đi ăn nhà hàng, vì kẹt xe hay đi lạc đường, đến nhà hàng hơi trễ – bụng đói meo. Nhưng cái đói của người giàu chỉ thoảng qua trong chốc lát. Nó còn giúp người giàu ăn ngon hơn, ăn nhiều hơn. Ngược lại, cái đói của người nghèo thì khiếp lắm. Nó dai dẳng, nó cù cưa, nó đeo đuổi có khi cả một kiếp người. Tương tự như vậy, người giàu đi chơi mà ăn mặc theo kiểu ‘nhà nghèo thiếu vải’, hoặc mỏng manh, chợt mưa xuống, chợt thời tiết thay đổi đột ngột – rét. Nhưng người giàu chỉ cần một ly sữa nóng, hay một ly rượu mạnh, là cái rét biến nhanh. Ðối với người nghèo thì đói và rét là hai cái gì gắn bó keo sơn, chúng là hai điểm nổi bật trong những xã hội còn nhiều vấn đề.
Bạn tôi nói tới đây, tôi hết muốn kiên nhẫn, bèn xen vào:
-Vậy chúng ta phải thương nhau. Ðúng không? Ông nói hay quá. Này, tôi hỏi ông đừng giận. Tôi nghe nói ngày xưa ông có đi tu. Tại sao không đi nốt quãng đường tu hành cho thành chánh quả, mà lại phá giới?
-Gớm, cái nhà bác này mới thật là rắc rối. Có muốn nghe tiếp không thì bảo.
-Ấy, đừng có bắt bí chứ. Công đức lắm đấy. Nói tiếp đi.
Bạn tôi sửa lại vị thế ngồi, rồi nhẩn nha tiếp:
-Bác nói đúng. Tôi chỉ được cái lỗ miệng. Tôi chỉ đưa ra ý kiến và người khác thực hiện. Người khác đây chính là các em thiếu nhi và các anh chị trưởng của chúng. Lại nữa, tất cả chỉ bắt đầu bằng những đồng xu.
Tôi thực sự sốt ruột:
-Ông dài dòng quá. Xin đi thẳng vào vấn đề ngay cho. Làm sao mà mấy đứa con nít và mấy người thanh niên không kinh nghiệm đó, cùng với mấy đồng xu, mà lại có thể làm được một công việc có ý nghĩa lớn lao như vậy.
Bạn tôi được thể, cười thích thú:
-Ấy đấy. Cái dở của người lớn chúng ta là coi thường sự đóng góp của các bạn trẻ, của con nít. Lúc nào chúng ta cũng cho là phải có mình mới làm được việc, không ai giỏi hơn mình. Bác có nhớ một tiểu bang ở Mỹ đã thu được vài triệu đô la tiền xu, tiền cắc, do lựa rác trong một năm ở bang đó không?
-Ông tính cho con em chúng ta đi lựa rác à?
-Nhà bác này lẩm cẩm thật rồi. Ai cho mình lựa. Những đồng xu, đồng cắc ở ngay trong nhà và ở chung quanh nhà chúng ta chứ cần đi đâu xa.
Tôi vỗ trán:
-Thôi, tôi hiểu ra rồi. Ðể tôi nói tiếp nhé. Thay vì bỏ lại những đồng xu khi đi mua sắm, đi chợ búa, thì các bậc cha mẹ, các anh chị, bỏ túi mang về nhà, vất quanh quẩn đâu đó, và các em lượm bỏ vào một cái hộp, hoặc một cái chai, cuối năm đổ ra đếm. Khối tiền ra đấy.
-Thế còn quanh nhà?
-Quanh nhà thì chỉ có ở trong mấy cái xe ô tô chứ còn ở đâu nữa.
-Khá lắm. Bác sáng ra rồi đấy. Bác thử tính xem, trung bình mỗi ngày một em lượm được ba xu, thì cuối năm được bao nhiêu tiền.
Tôi lẩm nhẩm:
-Một năm 365 ngày nhân 3… 1095 xu… mười đô la 95 xu.
-Ðúng. Một cộng đồng có 200 gia đình thì một năm đã có hơn hai ngàn đô la rồi phải không?
Tôi gật gù, mừng rỡ:
-Và nếu các em lượm được những đồng 5 xu, đồng một cắc, ngay cả đồng 25 xu, thì số tiền sẽ nhân lên nhiều lần. Ông làm kinh tế thật tuyệt. Phục tài ông.
-Chưa hết đâu. Vị linh mục quản hạt tôi thấy các em, với sự tổ chức khéo léo của các anh chị trưởng của chúng, ăn nên làm ra, bèn cho phép đặt các bình có miệng lớn, hoặc các hộp, có hình ông già Noel ở cuối nhà thờ. Khi đi lễ, người lớn bỏ tiền vào rổ, con nít bỏ tiền vào bình, hay vào hộp, tiền kêu leng keng nghe vui tai, chúng khoái lắm. Nhiều khi con nít không có tiền xu nhưng nhớ cái bình, cái hộp, cha mẹ bèn cho chúng tiền giấy để nhét vào. Khá lắm bác ạ. Các vi phụ huyng có bị ‘móc túi’ kiểu này cũng rất ư là ‘dui dẻ’.
-Phục ông sát đất. Con đường lên thiên đàng của ông thênh thang lắm rồi đấy. Có lên nhớ kéo tôi theo với.
Bạn tôi cười:
-Bác muốn tôi kéo theo thì từ nay ăn nói phải giữ mồm giữ miệng. Ðừng bao giờ nhảy xổ vào đời tư của tôi nữa nhé.
Chúng tôi cùng cười lớn. Bạn tôi đứng dậy, bước đến trước mặt tôi, nắm vai tôi lắc lắc. Tôi ngước nhìn anh, định hỏi xem anh ở giáo xứ nào, thì… ô kìa… người đang đứng trước mặt tôi không phải là bạn tôi… Tôi dụi mắt… Thế ra nãy giờ…
Vợ tôi lắc vai tôi, tủm tỉm cười, nhẹ nhàng bảo tôi:
-Bãi cỏ vườn sau nhà mình khá cao rồi đấy, Honey….
Trần Bảo Kỳ
VietCatholic News