“CHÚA ĐANG ĐẾN… LẶNG LẼ…”

Bài suy niệm Giáng sinh của Cha François Boëdec, Giám tỉnh Dòng Tên.

Vào dịp Giáng sinh, Cha François Boëdec, Giám tỉnh Dòng Tên, đề ra cho chúng ta một bài suy niệm dựa trên một cách nói được sử dụng nhiều lần trong năm nay: “ít tiếng ồn.” Cha François viết: “Có những khoảng lặng vây kín như những bức tường, khống chế hoặc nuốt chửng”; sự im lặng của vi rút đang lây lan, của các vụ vi phạm lạm dụng tình dục hoặc của những người di cư chết đuối. Nhưng “có những khoảng lặng khác […]  chất chứa đầy lời hứa và đem đến niềm hy vọng”: đó là khoảng lặng của lễ Giáng sinh, chính khi  “ít tiếng ồn thì Chúa đến”.

Một năm trước, chúng ta đã kết thúc một năm rất khó khăn, và chúng ta đã cầu chúc cho một năm an bình và nhẹ nhàng hơn. Năm 2021 sắp kết thúc và chúng ta có thể có cái cảm giác như đang ở cùng một thời điểm như vậy, mệt mỏi và chán chường khi đối mặt với một làn sóng đại dịch khác, và đối mặt với các thực tế xã hội, văn hóa và giáo hội đang ảnh hưởng đến chúng ta, làm chúng ta bối rối, xói mòn năng động của chúng ta, thậm chí làm suy yếu chúng ta.

Một cách nói vẫn còn in trong trí nhớ của tôi vào cuối năm nay: “ít tiếng ồn”. Cụm từ trạng ngữ kỳ lạ và khá hay này có nghĩa bóng là “một cách kín đáo, một cách ẩn giấu, không gây ồn ào…” đã được sử dụng rất nhiều trong năm nay. Ví dụ, để nói về sự lây lan của loại virút này tự xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta mà không cần báo trước. Tại Pháp, báo cáo của CIASE cũng nói về những vụ lạm dụng vi phạm một cách “lặng lẽ”: khi tiếng kêu bị bóp nghẹt, sự đau khổ không được nghe thấy hoặc không được nhận ra; khi chúng ta không muốn nhìn thấy hoặc không muốn nghe thấy những gì lẽ ra đừng xẩy ra, thế mà lại đã xảy ra. Cũng ít ồn ào như thế, tất cả những người di cư đã chết đuối trong Biển Bắc hoặc Địa Trung Hải, những người biến mất chỉ trong tiếng sóng dồn bao trùm trên họ. 

Nhưng nếu có những khoảng lặng khống chế, vây kín như những bức tường, hoặc nuốt chửng, thì có những khoảng lặng khác, những khoảng lặng tốt lành đó, là dấu hiệu của sự chín chắn, chất chứa đầy lời hứa và đem đến niềm hy vọng.

Vào lễ Giáng sinh, chính khi “ít tiếng ồn thì Chúa đến”… Xa các cung điện và ánh đèn hào nhoáng, xa những náo động và những thóa mạ, trong tĩnh lặng của màn đêm, mời gọi những người chăn cừu và những nhà thông thái đến chiêm ngưỡng trong sững sờ an lành. Cũng trong trong lặng lẽ mà suốt ba mươi năm sống ẩn dật, Chúa Giêsu để tai lắng nghe con tim mình trước khi dấn thân vào những nẻo đường mà Cha Ngài đã sai Ngài đến. Và từ sự im lặng của ngôi mộ mở ra, một tin đồn sẽ lặng lẽ phát sinh mà không ai có thể khiến im lặng được vì nó đáp ứng được sự mong đợi của cả nhân loại.

Một cách lặng lẽ, “như giọt nước thấm vào miếng bọt biển” (Linh Thao 335), Thiên Chúa tiếp tục công trình của Ngài hôm nay, trong tất cả những gì tốt lành đangđược làm ra, trong từng niềm tin được trao ban lại, trong sự lựa chọn chân lý, trong nhiệm vụ không mệt mỏi, nơi mà tương lai đang được xây lên một cách nhẫn nại . Chúng ta đừng nghi ngờ tác động của Lời của Ngài, từ Giáng sinh đến Phục sinh, là Lời cho phép tất cả mọi sự vấp ngã được nâng dậy  trong lịch sử cuộc sống của chúng ta và lịch sử của thế giới. Và lên đường trở lại. Như Inhaxiô, người hành hương. 

Ước mong chúng ta, một lần nữa trong năm nay, có thể cảm nhận được “một tiếng thì thào êm nhẹ” của Thần Khí Thiên Chúa, kết thúc sự im lặng (1 Các Vua 19,12), là Thần Khí không ngừng nói giữa chúng ta, và là Đấng sẽ đồng hành với chúng ta trong suốt các mùa lễ của chúng ta.

Cầu chúc mọi người một Lễ Giáng sinh vui tươi và một Năm tràn đầy Hy vọng.

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,

từ jesuites.com.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts