Chúa đang chờ đợi chúng ta trong mùa Giáng sinh, và chúng ta có thể bước ra khỏi nhà mình và gặp gỡ Ngài.
Nếu chúng ta đã từng cần một “lời mời” để gặp gỡ Thiên Chúa, thì lễ Giáng sinh chính là lời mời đó. Đó là thời điểm trong năm không chỉ dành để nhớ đến sự xuất hiện của Chúa Giêsu vào Ngày Giáng sinh, mà còn mong đợi khi Ngài sẽ trở lại để mời chúng ta vào vòng tay vĩnh cửu đó.
Thánh Gioan Phaolô II đã suy tư về thực tế này trong một bài giảng năm 1998, tập trung vào thánh vịnh đáp ca, “Chúng ta hãy vui mừng ra đi để gặp Chúa ”.
Trong Mùa Vọng, chúng ta chờ đợi một sự kiện xảy ra trong lịch sử và đồng thời vượt qua lịch sử đó. Như mọi năm, sự kiện này sẽ diễn ra vào đêm Chúa ra đời. Những người chăn cừu sẽ nhanh chóng đến chuồng bò lừa ở Bêlem; sau đó các đạo sĩ sẽ đến từ phương Đông. Cả cái này và cái kia theo một nghĩa nào đó đều tượng trưng cho toàn thể gia đình nhân loại. Lời hô hào vang lên trong phụng vụ hôm nay: “Chúng ta hãy vui mừng ra đi để gặp Chúa” lan tỏa đến mọi nước, mọi lục địa, mọi dân tộc và mọi quốc gia.
Mối tương quan của chúng ta với Chúa luôn là một con đường hai chiều. Chúa mở rộng vòng tay với chúng ta và chờ đợi chúng ta. Chúng ta cần chủ động và vui vẻ chạy đến gặp Ngài và để Ngài ôm vào lòng.
“Chúng ta hãy vui vẻ đi gặp Chúa” nghe rất thích hợp. Chúng ta có thể gặp Chúa, bởi vì Ngài đã tìm đến chúng ta. Ngài đã làm như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,11-32), vì Ngài giàu lòng thương xót, lặn lội trong khổ ải, muốn gặp chúng ta từ bất cứ chúng ta đến từ nơi nào và bất cứ cuộc hành trình của chúng ta đang đi ở đâu. Thiên Chúa đến với chúng ta cho dù chúng ta đã không tìm kiếm Ngài, phớt lờ Ngài và thậm chí tránh Ngài. Ngàiy đưa tay về phía chúng ta trước, vòng tay Ngài mở rộng như một người cha nhân từ và nhân hậu.
Nếu Thiên Chúa cảm động tìm đến chúng ta, liệu chúng ta có thể quay lưng lại với Ngài không?
Theo một nghĩa nào đó, mùa Giáng sinh có thể làm cho điều này trở nên dễ dàng hơn đối với chúng ta, vì Ngài xuất hiện như một đứa trẻ với đôi tay dang rộng. Ai có thể từ chối lời mời của một đứa trẻ đáng yêu?
Khi chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh, xin cho chúng ta chủ động và quảng đại đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, chạy đến với Chúa và để Ngài ôm lấy chúng ta. Những người chăn cừu và các đạo sĩ đã đến gặp Chúa – chúng ta cũng vậy chứ? Giáng sinh làm nổi bật tình yêu cá nhân của Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúa Giêsu yêu chúng ta đến nỗi đã đến thế gian này trong thân phận một đứa trẻ.
Tại sao Chúa Giêsu đến thế gian này? Có bao giờ bạn nghĩ rằng Ngài đến thế giới này vì tôi, cho riêng tôi, rằng Ngài đã nghĩ đến tôi trong tâm tư của Ngài?
Chúng ta không phải lúc nào cũng nhớ được rằng Chúa Giêsu không chỉ đến thế giới này cho tất cả chúng ta theo cách chung chung, mà quan trọng hơn, Ngài được sinh ra trong chuồng bò lừa cho riêng mỗi người chúng ta. Ngài biết chúng ta và chọn đau khổ để chúng ta có sự sống.
Thánh Phanxicô de Sales đã suy niệm về tình yêu riêng có này trong cuốn sách Ngài viết Dẫn nhập vào Đời sống đạo.
“Hỡi con gái, hãy chắc chắn rằng Trái tim của Chúa yêu dấu nhất của chúng ta đã trông thấy con… và yêu thương con, và bởi Tình yêu đó, Ngài đã giành cho con mọi điều tốt lành mà con từng có, và trong số đó là những quyết tâm tốt lành của con.”
Chúa Giêsu đã biết chúng ta trước khi chúng ta được sinh ra, gọi tên chúng ta và thực hiện tất cả mọi thứ trên trần gian để cứu rỗi chúng ta.
Thật vậy, chúng ta có đủ mọi lý do như Giêrêmia để thú nhận rằng Thiên Chúa đã biết chúng ta và gọi chúng ta bằng tên của chúng ta ngay từ khi chúng ta được sinh ra, là điều càng khiến cho lòng nhân từ của Thiên Chúa, Tình yêu và Lòng thương xót của Ngài sẵn sàng làm mọi sự để cứu độ chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn.
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa yêu thương từng cá nhân chúng ta, vì mỗi chúng ta không chỉ đơn giản là một thành phần của một khối người đông đảo.
Chúng ta nên ghi nhớ chắc chắn điều này và nhiệt thành hỏi: Phải chăng tôi đã được Đấng Cứu Độ yêu thương và yêu thương dịu dàng đến nỗi Ngài đã nghĩ đến riêng tôi, và ngay cả trong tất cả những điều nhỏ nhặt, Ngài đã lôi kéo tôi đến với chính Ngài? Tôi có nên sử dụng tất cả những gì Ngài đã ban cho tôi với tình yêu và lòng biết ơn không?
Mùa Giáng Sinh này, chúng ta hãy nghĩ về nét đẹp của việc Chúa Giêsu đến trong máng cỏ vì chúng ta, Ngài đưa đôi tay nhỏ bé của Ngài ra để có thể chạm vào trái tim chúng ta.
Hãy lấp đầy ngôi nhà và trái tim của chúng ta với ánh sáng Giáng sinh.
Chúa Kitô là ánh sáng của chúng ta, và ân sủng của Ngài cũng có thể biến đổi chúng ta trở thành những người mang ánh sáng.
Ánh sáng có thể tạo ra tất cả sự khác biệt trong bất kỳ môi trường nào. Thông qua cường độ và âm sắc của nó, ánh sáng giúp chúng ta hiểu được không gian và nó ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn và liên hệ với môi trường. Hơn nữa, ánh sáng là công cụ giúp chúng ta khơi gợi và thúc đẩy những cảm giác khác nhau. Ánh sáng mang lại đặc điểm cho một địa điểm và góp phần xác định địa điểm đó.
Chắc chắn ánh sáng ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về thế giới. Ánh sáng là nguồn cung cấp năng lượng cho mọi sinh vật. Ánh sáng mặt trời rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, trong khi ánh sáng nhân tạo là không thể thiếu trong nhà của chúng ta.
Ánh sáng cũng có ý nghĩa văn hóa và tôn giáo. Trong mùa Giáng sinh, các đường phố chính của các thị trấn và thành phố được trang trí bằng ánh sáng ngoạn mục. Cũng trong suốt những tuần này, nhiều loại ánh sáng đặc biệt khác nhau sẽ tràn ngập phòng khách, hiên nhà, trung tâm mua sắm và mặt tiền của ngôi nhà và nơi làm việc của chúng ta. Trong mỗi không gian, ánh sáng và bóng tối thu hút ánh nhìn và truyền cảm hứng cho chúng ta.
Nhưng loại ánh sáng nào đủ mạnh để xuyên qua lối suy nghĩ và cách sống vị kỷ của chúng ta? Loại ánh sáng nào có thể mang lại sự sống đích thực cho những người chung quanh chúng ta? Loại ánh sáng nào có khả năng soi sáng và hướng dẫn những người đi trong bóng tối?
Ánh sáng hy vọng
Chúng ta đã cử hành Mùa Vọng, một thời điểm đặc biệt dẫn đến Giáng sinh. Đó là thời điểm mời gọi chúng ta hy vọng, thời điểm kỷ niệm Ánh sáng thực sự đã đến trên thế giới. Chúng ta được kêu gọi trở thành ánh sáng mang lại sự sống cho những người xung quanh.
“Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là mặt trời đã vượt lên trên mọi bóng tối của lịch sử. Nhưng để đến được với Ngài, chúng ta cũng cần có những ngọn đèn ở gần — những người chiếu sáng bằng ánh sáng của Ngài và vì vậy sẽ dẫn đường cho chúng ta” (ĐTC Bênêđictô XVI)
Với câu nói này từ thông điệp Spe Salvi –Hy vọng Cứu độ, Đức Bênêđíctô XVI giúp chúng ta hiểu rằng ánh sáng mà chúng ta nên chiếu sáng không phải của chúng ta, mà đến từ một ánh sáng khác. Vì vậy, chúng ta phải “tiếp xúc” với Ánh sáng, để chúng ta có thể hấp thụ và truyền nó cho người khác.
Càng tràn đầy Ánh sáng, chúng ta càng dễ dàng nói như Thánh Phaolô rằng: “Không còn phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Galát 2:20).
Những ngôi nhà tràn ngập ánh sáng
Một môi trường đủ ánh sáng sẽ thu hút và thâm nhập sự chú ý của chúng ta mà chúng ta không nhận ra. Vì vậy, đặc biệt trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta phải để cho ân sủng của Thiên Chúa biến đổi chúng ta thành một điều gì đó khác biệt và hấp dẫn, để chúng ta trở thành nơi cư ngụ của Chúa Kitô.
Được biến đổi như vậy, chúng ta có thể trở thành một phương tiện mà qua đó bất kỳ ai cũng có thể trực giác khám phá ra một lối sống mới, một lối sống sẽ nạp lại năng lượng cho cuộc sống hàng ngày của họ trong hy vọng, có mục đích và phẩm giá. Nếu chúng ta để cho mình được Thiên Chúa soi sáng, những người chung quanh chúng ta sẽ có thể gặp được Đấng giải đáp những nhu cầu sâu xa nhất của trái tim con người.
Tóm lại, bản thân chúng ta phải là “ngôi nhà tràn ngập ánh sáng”. Có nhiều cách mà chúng ta có thể đạt được điều này, cả ở cấp độ “bên trong” và “bên ngoài”.
Làm thế nào để tràn ngập ánh sáng
Ở cấp độ bên trong, trong thâm tâm, chúng ta và gia đình chúng ta nên nuôi dưỡng sự mong muốn trở thành người bạn tốt cho những người chung quanh. Chúng ta phải cố gắng cung cấp lòng nhân ái và kiên nhẫn hơn, quan tâm hơn đến nhu cầu sâu sắc hơn của các thành viên trong gia đình và hàng xóm của chúng ta.
Thiên Chúa trở thành một trẻ thơ để nên giống chúng ta, để làm cho chúng ta giống như Ngài. Chúng ta phải mở rộng cửa tâm hồn mình để ánh sáng của Ngài có thể vào và hành động trong chúng ta. Bằng cách này, chúng ta có thể sống mãnh liệt và có ý thức hơn.
Ở cấp độ bên ngoài, những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Chúa đến là “máng cỏ và cây Giáng Sinh”, “nhờ đó mang lại thông điệp về ánh sáng, về hy vọng và về tình yêu,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như thế vào năm 2014.
Nhiều gia đình chọn trưng bày cảnh Chúa giáng sinh và cây thông Noel cùng với các đồ trang trí khác trong và chung quanh nhà của họ. Những đồ trang hoàngnày giúp chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào mầu nhiệm cao cả mà chúng ta đang chuẩn bị cử hành. Chúng cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về một thời điểm đặc biệt trong năm.
Chúng ta đừng quên rằng ánh sáng của Chúa là điều quan trọng nhất và ánh sáng đó tồn tại mãi mãi, ngay cả sau khi chúng ta gỡ bỏ đồ trang hoàng Giáng sinh bên ngoài của mình:
“Ánh sáng ban ngày của ngươi không còn là mặt trời nữa,
và ban đêm, ngươi chẳng cần đến ánh trăng soi:
Thiên Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi,
ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ.”
(Isaia 60:19)
Nhiệm vụ của chúng ta là chiếu ánh sáng của Chúa Kitô vào đêm đen của thế giới.
Bạn sẽ chấp nhận thử thách cùng với chúng tôi chứ?
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập,
dựa theo Aleteia.com.