Chúa Giêsu đã thực sự sinh ra cho chúng ta chưa?

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2017 TẠI LẠI ÂN 

Kính thưa Quý Ông Bà và Anh Chị Em,

Cám ơn Chúa Giáng Sinh đang qui tụ chúng ta hôm nay về Lại Ân với bầu khí từng bừng này. Và đêm nay, mọi người khắp nơi trên thế giới cũng đều vui đón lễ Giáng Sinh, chứ không chỉ riêng người Công giáo mà thôi. Nhưng cách thức và tinh thần mừng lễ lại rất khác nhau: có rất nhiều người chỉ coi đây là một lễ hội, một dịp để vui chơi, văn nghệ, hát xướng, tiệc tùng, tặng quà, hẹn hò yêu đương… chứ chẳng có một chút tinh thần tôn giáo, chẳng một sẻ chia nào với đồng bào và đồng loại như Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm khi mang lấy nhục thể làm người ở giữa loài người và chia sẻ phận người với chúng ta. Vì thế, xin cho phép tôi dừng lại ít phút để cùng quý Ông Bà Anh Chị Em suy niệm về đề tài CHÚA GIÊSU ĐÃ THỰC SỰ SINH RA CHO CHÚNG TA CHƯA? 

1. Chúa Giêsu đã giáng sinh mà nhiều người không nhận ra và đón tiếp Ngài:

Phúc Âm vừa cho chúng ta biết “Bà Maria lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. Nhà trọ là để đón tiếp khách lữ hành, người lỡ đường lỡ sá… Thế tại sao Ông Giuse và Bà Maria không được đỗ nhờ qua đêm trong nhà trọ? Không phải vì nhà trọ hết chỗ cho bằng vì lòng chủ quán chật hẹp, chỉ biết tính toán trên túi tiền, nên không có chỗ cho Ông Giuse và Bà Maria nghèo khó, bụng mang dạ chửa, khiến hai ông bà đành phải lủi thủi ra ngoài đồng vắng trú ngụ trong hang chiên bò và sinh con tại đó.  

Như thế, Chúa Giêsu đã không sinh ra với những người giàu có quyền quý, những chủ quán chỉ biết tính toán thu nhập kinh tế, mà chỉ được sinh ra cho các mục đồng. Hơn 2000 năm trước, Chúa Giêsu đã sinh ra làm người như vậy đó. Và chúng ta ngày nay, dù công giáo hay không công giáo, dù hữu thần hay vô thần, đều lấy  Ngài làm mốc lịch sử để ghi thời gian trước Công nguyên và sau Công nguyên, mà hôm nay là ngày 24/12/2017. 

Nhưng liệu chúng ta có nhận ra và tiếp đón Ngài không? Nếu Ngài tỏ mình ra là Chúa Quyền Uy Cao Cả, chắc không ai trong chúng ta từ khước Ngài. Có lẽ chúng ta dễ nhận ra và đón tiếp Chúa trong những người có quyền có của mà chúng ta lệ thuộc, nhờ cậy hay trân trọng. Song vì Ngài ẩn mình, bị biến dạng và bị che khuất trong người nghèo khó bần hèn bất hạnh nên chúng ta khó nhận ra và đón tiếp Ngài hơn trong những người bé nhỏ, nghèo khổ cùng cực, bị áp bức, bị bỏ rơi bên lề Xã Hội và Giáo Hội, những người sa cơ thất thế, những người bị tước đoạt bất công, những người không có quyền lực và tiếng nói, những người mắc phải các chứng bệnh thời đại nguy hiểm, những người chúng ta ác cảm, có định kiến, hay coi như  thù nghịch. 

2. Có những người không thể mừng lễ Chúa Giáng Sinh như chúng ta hôm nay:

Quả vậy, nhiều người trong số các nạn nhân thiên tai bão lụt, hay nhân tai xả lũ cuốn trôi sinh mạng và tài sản, thảm họa môi trường Formosa, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông, tai nạn xây dựng, sập hầm mõ, thuốc giả, hóa chất độc hại, nạn nhân bạo hành và tù nhân đủ loại cùng gia đình của họ. Những người chết đã đành phận, còn những cha già mẹ yếu, vợ góa và con côi của họ cũng không thể vui hưởng được lễ Chúa Giáng Sinh như chúng ta hôm nay. Và chúng ta đã làm gì hay sẽ làm gì để giúp đỡ họ? 

Tiếp đến, bao nhiêu thai nhi không được mở mắt chào đời để đón nhận ngày sinh, sự sống, ánh sáng và bình an, yêu thương mà Chúa Giáng Sinh mang đến cho mọi người, vì sự yếu đuối của con người, vì những toan tính và kế hoạch ích kỷ của những con người khác, cũng như của các cơ cấu bất nhân của xã hội, và ngay cả bởi những cha mẹ nhẫn tâm vô trách nhiệm của các thai nhi ấy. Nếu chúng ta đã tích cực hơn trong việc bảo vệ sự sống và giúp đỡ những người lầm lỡ, khó nghèo, thì hằng triệu thai nhi có thể đã được sinh ra và vui hưởng Lễ Giáng Sinh này.  

Đau thương thay nhiều trẻ nít và vị thành niên bị lạm dụng tình dục và hãm hiếp phải phá thai để khỏi phải làm mẹ khi tuổi đời còn quá non nớt, hay vì không thể đủ khả năng nuôi con, đành phải bỏ rơi con trong bệnh viện, bên cạnh thùng rác, ngoài xó chợ, khiến có nhiều trẻ em sống lây lất bụi đời, gánh chịu không biết bao nhiêu cơ cực cay đắng trên tâm hồn và trên thân xác, vì không có được một mái ấm gia đình, không biết cha mẹ mình là ai và giờ này đang ở nơi đâu! Nhiều bệnh viện sản khoa tổng kết mỗi năm có hàng triệu vụ phá thai mà hết 60, 70% là người trẻ, học sinh sinh viên! Người ta ước tính chỉ riêng tại Việt Nam mỗi năm có hơn 2 triệu vụ phá thai. Đó là chưa kể đến những vụ phá thai lén lút gây tử vong cho chính cả những người mẹ phá thai nữa. 

Dù dưới bất cứ lý do gì (vì yếu đuối, bị lừa gạt, bị lạm dụng, vì khó khăn kinh tế, vì sự nghiệp và công ăn việc làm), ý nghĩ phá thai là giết người, và giết chính con của mình sẽ làm cho những người mẹ ấy phải ray rứt đau khổ tâm lý trong suốt cả cuộc sống vì luôn bị ám ảnh dằn vặt. Nhiều nghiên cứu tâm lý và xã hội kết luận rằng đa số người phá thai có nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao. 

Bên cạnh đó, có những đôi vợ chồng ích kỷ chỉ nghĩ đến tự ái, đau khổ hay vui sướng của bản thân, mà không nghĩ đến những hậu quả đau thương cho con cái, làm cho gia đình đổ vỡ, ly dị khiến các em trở nên mồ côi cha mẹ, dù cha mẹ các em đang còn sống đó, và nhiều em bị đẩy ra đường phố tự kiếm sống, làm cho bao nhiêu em bị hành hạ và giết chết hằng ngày trên khắp nẻo đường thế giới, dưới đủ mọi hình thức và lý do lợi nhuận trong tay những thế lực tội phạm: nghèo đói, bệnh tật, mại dâm, ma túy, buôn người, mua bán nội tạng. Các em không chỉ bị giết chết về thân xác, mà còn bị giết chết dần mòn về tâm hồn và đức tin, khiến các em đánh mất niềm tin và hy vọng vào con người, vào cuộc đời, lắm khi cả vào Thiên Chúa nữa. Hỏi đâu là ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh cho những hạng người ấy?

Vì thế, năm 2018 nầy, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta có kế hoạch mục vụ đồng hành với các gia đình trẻ, như một giải pháp phòng ngừa và thăng tiến hôn nhân gia đình, để họ xa tránh và đừng để mình rơi vào những trạng huống đau buồn ấy. Chúng ta sẽ nỗ lực cộng tác đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch mục vụ năm nay về hôn nhân gia đình. 

3. Lễ Giáng sinh mời gọi chúng ta làm gì?

Lễ Giáng Sinh thường là thời gian của niềm vui, và Năm Mới tới còn mang thêm nhiều hy vọng. Chúng ta vui hưởng cuộc sống hạnh phúc và hy vọng khi trao đổi cho nhau quà Giáng sinh, quà Năm Mới và quà tặng trong nhiều dịp khác nữa. Chớ gì chúng ta đừng quên những người không có các cơ may ấy, cũng như những nạn nhân bảo lụt, tai nạn lao động, khủng bố, bạo lực và lạm dụng, các bệnh tật nan y, hậu quả chất độc da cam, thảm họa môi trường Formosa, ngộ độc thực phẩm, nghiện ngập ma túy, HIV… Chúng ta cũng hãy nhớ đến những người già cả neo đơn, những góa phụ nghèo khổ và trẻ em mồ côi, và thử suy nghĩ chúng ta có thể làm một cái gì cho họ.  

Chúa giáng sinh đã làm gương cho chúng ta. Ngài là Thiên Chúa đã mặc lấy thịt xương máu huyết con người sinh ra trong hình hài bé thơ để ở với chúng ta, chia sẻ thân phận người của chúng ta, đau khổ với chúng ta, đau khổ vì chúng ta và đau khổ cho chúng ta, cho đến chết và chết tất tưởi trên thập giá, để cứu độ chúng ta. Ngài hiến ban mạng sống của Ngài trong Bí Tích Thánh Thể để cho chúng ta được sống và sống dồi dào sự sống vĩnh cửu của Ngài. 

Đây là cơ hội tốt cho chúng ta để nói với người nghèo, các nạn nhân, những kẻ bên lề xã hội, tù đày, những người đau ốm, cô đơn rằng Chúa luôn rất gần gũi đứng về phía họ. Ngài không đến cất đi đau khổ hay giải thích đau khổ, nhưng Ngài đến để chia sẻ đau khổ với con người và mời gọi con người chia sẻ với những con người khác, vốn là đồng bào, đồng loại và anh chị em của mình. Đó là sứ điệp và lời mời gọi giáng sinh cho chúng ta. Đó là khía cạnh có thể được khám phá mỗi ngày của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh: Thiên Chúa làm người mở ra cho chúng ta những cái nhìn mới, những con đường mới để suy tư và hành động, cảm nghĩ và nói năng, để sống và yêu thương, để trao ban và lãnh nhận. Chúng ta tin, chúng ta hy vọng và chúng ta sẽ cố gắng làm một cái gì đó cho những người kém may mắn hơn chúng ta. Chúng ta cố gắng hết sức mình để mang hy vọng và tình thương cho tha nhân, để làm cho Chúa Giêsu được sinh ra trong tâm hồn và cuộc đời của những người chưa biết Chúa, cũng như để làm cho Chúa Giêsu được sinh ra lại và lớn lên trong tâm hồn và cuộc sống của những tín hữu khước từ Chúa vì tội lỗi của họ. Cùng nhau chúng ta hãy sống và chuyển giao sứ điệp Giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” Amen. 

               Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

Chia sẻ Bài này:

Related posts