DỌN HANG ĐÁ TÂM HỒN

Thưa quý vị và các bạn, hằng năm, khi mùa xuân về, trăm hoa đua nở, vạn vật tốt tươi, nhờ thời tiết ấm áp, ôn hòa, mát mẻ.

Nhưng, khi mùa đông đến, mọi cây cối,vạn vật dường như se lại, trốn tránh cái lạnh của mùa đông. Tuyết rơi phủ trắng cả không gian, phủ lên một “màu nước”, người ta gọi là” thủy khí”. Cây cối, vạn vật dường như “co ro” bởi thủy khí, dường như mọi thứ chậm lại, lúc đó, nhân sinh cần một thứ để sưởi ấm.

Vâng , thứ chất để tạo nên sự ấm áp, xua tan được cái lạnh giá là “lửa”. Lửa là chất xúc tác của “tình yêu”, tình yêu đích thực hay là bản chất nguyên thủy của TÌNH YÊU là sự HY SINH.

Người ta định nghĩa và viết được thành ngôn ngữ “ THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”, quả thật chính xác. Bởi vì, không ai có thể hy sinh cho loài thụ tạo bằng ĐẤNG TẠO THÀNH, đó là THIÊN CHÚA.

Vâng, và Vị Thiên Chúa ấy, dù con người còn hở hững, nhưng Ngài đã luôn đi bước trước để yêu thương thụ tạo của mình, đó là nhân loại. Vì thế, Ngài đã luôn “HY SINH” cho con người, bởi vì yêu thương.

Trong muôn điều yêu thương, Ngài đã HY SINH chính CON MỘT của Ngài, chính là Một Ngôi Vị của tình yêu, đã Giáng Trần cho con người nhân loại. Để mang một TÌNH YÊU cao cả cho thế nhân.

Một tình yêu quá lớn, mà tình yêu ấy không còn siêu nhiên, vô hình nữa, mà là một tình yêu hữu hình. Đó là một sự HY SINH tột đỉnh, Ngôi Vị Thiên Chúa đã “từ trời xuống thế”, qua Mầu Nhiệm Nhập Thể để sinh ra làm Người.

Như vậy, thưa quý vị, khởi đầu một Mùa Phụng Vụ trong năm, không phải là mùa xuân của tiết trời ấm áp, mà là một Mùa Vọng, Mùa mong chờ, nhưng Mùa Vọng ấy lại nằm trong mùa đông của thời tiết, mùa khắc nghiệt trong năm, nhưng, được gọi là Mùa Vọng của Phụng Vụ, vì thế, được gọi Mùa của tình yêu.

Mùa Tình Yêu không phải “mùa “ của trai gái yêu nhau, mà là “Mùa” diễn tả tình yêu của Thiên Chúa qua sự “HY SINH “ của Ngài qua Dấu Chỉ CON MỘT đã làm Người. Vì, không còn ân sủng nào, tình thương nào, quà tặng nào Thiên Chúa dành ban cho nhân loại.

Vì thế, Mùa Vọng, Mùa Tình Yêu, được tỏ bày bởi một Mầu Nhiệm, Mầu Nhiệm làm Người của Thiên Chúa, há chẳng phải là một TÌNH YÊU vĩ đại của Ngài sao?

Như vậy, Thiên Chúa giáng sinh như thế nào? ( con không muốn dùng thời past, mà muốn dùng thời present ).

Thưa, Người giáng sinh trong sự HY SINH để bày tỏ, biểu lộ một TÌNH YÊU vĩ đại viên mãn, tròn đầy. Trong một Hang Đá, tuy là chốn tạm, nhưng, là một dấu chỉ của một Tình Yêu cao vời khốn ví.

Vâng, Hang Đá, một nơi “Sinh Hạ” của Đấng EMMANUEL, Đấng Tạo Thành vạn vật do bởi tình yêu của Ngài, vì thế, Ngài là Đấng được gọi là “Tình Yêu muôn thuở”. Nghĩa là tình yêu ấy không thay đổi, một tình yêu bất biến, vạn năng.

Một Ngôi Vị Thiên Chúa tự hạ rốt ráo, không còn gì để hạ nữa. Hầu đánh tan sự kiêu ngạo của thế nhân, một sự kiêu ngạo mà dẫn đến hệ quả tội lỗi khủng khiếp, hủy diệt sự sống thánh thiện, nguyên tuyền bởi Thiên Chúa, một hệ quả tội lỗi khinh chê người nghèo, một hệ quả tội lỗi mà người ta phân biệt được giữa thế gian tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện, một thế gian mà ai nghèo thì bị khinh miệt, khinh chê nghèo hèn, một thế gian chỉ biết sự giàu có vô nghĩa, mau tan, chạy theo bạc tiền ngu ngốc.

Vì thế, khi thấy ai đó nghèo thì lập tức xua đuổi, lánh xa. Và, chính Ngôi Vị Thiên Chúa hạ mình xuống thế cũng không được”chiếu cố”, và vì vậy, Người đã chọn Hang Đá, nơi Người Giáng Sinh. Để từ đó, hang đá ngày nay thường là “lộng lẫy”, huy hoàng theo ánh điện, ánh điện là ánh sáng tự nhiên, sánh sao với ánh sáng siêu nhiên là Ngôi Lời tự hạ.

Như vậy, Ngôi Lời tự hạ đã đến thế gian để xua tan sự u ám của thế trần, hầu mang lại ánh sáng vĩnh cửu là tình yêu của Thiên Chúa. Người đến để đồng hóa và xua tan bóng đêm của trần thế bằng một thứ ánh sáng huy hoàng của sự hy sinh cao vời, khác với ánh sáng thế gian là đãi giàu, khinh nghèo.

Vâng, đó là Ánh Sáng GIÊ-SU , ánh sang hy sinh, khiêm hạ tận căn, để nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Như vậy, Hang Đá tâm hồn để đón Chúa ngự đến là một hang đá khiêm hạ, trong trắng, bác ái, thẳng tắp như thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi, là nâng đỡ kẻ khó nghèo, tha thứ kẻ xúc phạm, giúp đỡ kẻ cần giúp, cho kẻ cần nhận. Một tâm hồn hang đá là tâm hồn nghèo khó, khiêm nhu, nhận ra sự thấp hèn của thụ tạo là chính mình, như vậy, tâm hồn hang đá mới xứng đáng đón rước Ngôi Lời Nhập Thế.  “Hang đá tâm hồn” yêu thương kẻ khó nghèo, nâng kẻ khác lên vai, đừng đứng trên vai kẻ khác, hang đá tâm hồn không cần ánh sáng điện của china, nhưng, cần ánh sáng của Thiên Chúa, một thứ ánh sáng không hề tắt.

Hằng năm, mỗi giáo xứ kêu gọi đóng góp để làm hang đá, trang trí rực rỡ, tốn khoảng từ năm mươi đến một trăm triệu cho một hang đá giáo xứ. Nếu tính trong toàn giáo phận Sài Gòn có khoảng 250 giáo xứ (không tính Tổng giáo phận, nếu gọi tổng giáo phận Sài gòn là từ giáo phận Phan Thiết đến giáo phận Cần Thơ – Cà Mau), thì số tiền không nhỏ. Nếu hãm kiệm một năm, một lễ Giáng sinh đơn sơ, nghèo khó, thì số tiền ấy đủ xây một nhà Bác Ái xã hội khá lớn.

Nếu, chúng ta dọn hang đá hằng năm cách lãng phí, thì thay vào đó, chúng ta dọn hang đá tâm hồn thật huy hoàng để đón Chúa ngự đến, là một hang đá tâm hồn trong trắng, bác ái, yêu thương, nhân đức bằng cách tiết kiệm hang đá đèn điện.Chắc chắn,Chúa Giê-su Hài Đồng vui thích hơn./. Mong thay.

 

Chúa Nhật III MV 2020

Phê-rô Trần Đình Phan Tiến

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts