Đã có biết bao mùa Giáng sinh đến với nhân loại kể từ khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, mang hai bản tính vừa là Thiên Chúa, vừa làm người từ hơn 2000 năm nay. Ngày nay, gần như không còn phân biệt quốc gia, sắc tộc, tiếng nói… tất cả lương giáo cùng đón mừng Giáng Sinh với những kỷ niệm vui buồn nào đó của mỗi người trong đời. Khắp nơi trên trái đất khấp khởi hân hoan chuẩn bị mừng đón kỷ niệm Chúa giáng trần trước ngày chính lễ 25 tháng 12 cả một hai tháng. Người ta chuẩn bị từ cây thông, đèn sao, hang đá đến ông già Noel với bao quà bánh.
Đối với người Kitô hữu, họ không quên chuẩn bị tâm hồn ngay lành, trong sạch để xứng đáng đón mừng Chúa Hài Đồng.
Cũng trong thời gian này, hàng trăm bài hát của mùa Noel, dạt dào cảm xúc với bao ngôn ngữ khác nhau, cùng với những giai điệu trầm bổng thánh thót được vang lên khắp nơi trong và ngoài thánh đường làm sao động lòng người đang náo nức chờ mong! Chờ mong hạnh phúc đến với muôn người, đến với muôn nhà; chờ mong sự an bình đích thực đến trong tâm hồn mỗi người; chờ mong hoà bình và bình an đến với nhân loại…
Một sứ điệp chính yếu không thể thiếu được trong bất cứ một hang đá dù nhỏ bé đơn sơ với ánh đền dầu le lói hay không ánh đèn trong đêm tăm tối lạnh lẽo, cũng như với những hang đá đầy ánh sao được trang hoàng lộng lẫy lung linh sắc mầu rực rỡ…
Sứ điệp đó đã được chính các sứ thần hát vang tung hô Chúa trong đêm đông giá buốt đón mừng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, nơi hang Belem cô quạnh chỉ có mục đồng thờ lạy Người, và bò lừa phà hơi ấm để Ngôi Hai Thiên Chúa làm người bớt lạnh lẽo, bớt cô đơn… Sứ điệp đó là:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”
(Luca 2, 14)
Sứ điệp do các sứ thần hát vang trước đây 2000 năm, chính là dư âm của bao mùa Giáng Sinh còn vang vọng mãi đến hôm nay, và mãi trong thẩm sâu tâm hồn mỗi người chúng ta.
Sứ điệp: “vinh danh Thiên Chúa trên trời” đã được các tạo vật do Thiên Chúa dựng nên, từ thuở tạo thiên lập địa, vẫn tiếp tục vận hành để ca ngợi Thiên Chúa đúng như sách Đa-ni-en đã nói:
“Chúc tụng Chúa đi, mọi công trình của Chúa.
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn…
Chúc tụng Chúa đi, chín tầng trời thăm thẳm
Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn…”
(Đa-ni-en 3, 57, 59)
Muôn tạo vật làm sao ta có thể biết hết, kể hết được. Đó là khí trời, là đất đá, là núi đồi biển khơi với bao loài chim trời cá biển cùng muôn vàn muông thú sống trên mặt đất. Đó là các loài thực vật từ cỏ cây hoa lá đến những rừng cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi. Đó là mặt trời, mặt trăng là muôn tinh tú của các giải ngân hà trong bầu trời bao la gần như không có biên giới…Tất cả chúng đều tuyệt đối vâng phục, tiếp tục vận hành theo đúng các qui luật tự nhiên vô cùng phước tạp, vô cùng tinh vi kỳ diệu trong một trật tự lạ lùng do Chúa tạo dựng, mà các nhà khoa học từ bao đời nay đã và đang ra sức tìm hiểu khám phá, nhưng xem ra chưa biết được là bao giữa thiên nhiên hùng vĩ bao la vô tận này. Sách Đanien mô tả như sau:
“Chúc tụng Chúa đi, mặt trời và mặt trăng
Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn
Chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú trên trời
Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn…
Chúc tụng Chúa đi, nào hoa lá cỏ cây
Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn…
Chúc tụng Chúa đi, kình ngư cùng thuỷ tộc
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn
Chúc tụng Chúa đi, hết mọi loài chim chóc
Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn
Chúc tụng Chúa đi, gia súc lẫn thú rừng
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn…”
(Đa-ni-en 3, 62-63-76-79-80-81)
Những qui luật kỳ diệu và lạ lùng đó do chính Thiên Chúa tạo dựng để trái đất này, có ngày có đêm, có âm, có dương được giao hòa với nhau một cách hài hoà tốt đẹp; có bốn mùa xuân hạ thu đông, hầu phục vụ con người do Chúa yêu thương dựng nên giống hình ảnh của Người. Con người có hồn thiêng bất tử để nhận thưởng phạt mai sau; có lương tâm để biết điều phải trái; có lý trí để suy xét; có tự do chân chính để biết hướng về Chân, Thiện. Mỹ. Con người hơn hẳn muôn loài và được cai quản trái đất, vũ trụ và muôn loài theo ý định của Thiên Chúa đã có từ thuở đời đời: “Thiên Chúa ban phước lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ: Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 2, 28)
Muôn loài thụ tạo đã tuyệt đối vâng phục thực hiện để tôn vinh Chúa, để phục vụ con người. Còn con người cao quí hơn muôn loài thụ tạo đã tôn vinh Chúa ra sao?
Lịch sử mấy nghìn năm của nhân loại, đã cho ta thấy một Giáo Hội: Công giáo, thánh thiện và tông truyền đã được chính Đức Giêsu thiết lập, dù trải qua bao phen bị ngăn cấm, bị bách hại, song Giáo Hội vẫn mãi vững mạnh trường tồn để ca tụng để loan báo Thiên Chúa cho muôn dân đến hôm nay và mai sau.
Lịch sử nhân loại cũng như Việt Nam cũng đã cho biết có biết bao Kitô hữu sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống để bảo vệ đức tin, để tôn vinh Chúa. Máu của các Thánh tử đạo là hạt giống sinh ra người có đạo. Ngược lại, cũng đã có không ít người loại trừ Chúa ra khỏi đời sống của họ. Hơn thế nữa, còn biết bao người, phe nhóm, đảng phái, nhà nước tìm mọi cách chống phá, bách hại đạo Công giáo, bách hại các Kitô hữu. Cũng có khi nhân danh Chúa để ám hại đạo Chúa. Song đạo Chúa vẫn đứng vững, vẫn trường tồn. Người theo đạo ngày một đông hơn.
Dư âm tiếp theo cũng là sứ điệp do các Thiên thần loan báo trong đêm Chúa giáng trần là: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
Chính vì yêu thương con người, và đặc biệt là những người nghèo khó cô đơn không quyền thế, không nhà cửa, sống lay lất nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần hoà nhập với các mục đồng, những người nghèo khó, lớp người thấp cổ bé họng nhất trong xã hội loài người của mọi thời.
Quả thực, Chúa thương yêu tất cả mọi người, Người không loại trừ một ai dù không ít người đã phản bội Chúa, đã vong ân bội nghĩa với Chúa, nhưng Chúa mãi mãi vẫn yêu thương con người. Thánh Matthêu trong chương 5 từ câu 43 đến câu 48 đã cho ta biết: “…Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương…”
Dư âm lớn nhất mãi vang dội trong chúng ta là Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cứu chuộc nhân loại. Làm sao ta có thể hiểu nổi một Mầu nhiệm: Ngôi Hai xuống thế làm người, và xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, nếu không được chính Thiên Chúa yêu thương mạc khải (hé mở) cho chúng ta biết. “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng loài người một cách lạ lùng, nhưng còn cứu chuộc loài người cách lạ lùng hơn nữa” (Kinh Tiền tụng).
Sứ thần đã loan báo tin vui thể hiện qua kinh Kính mừng: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”. Và Giáo Hôi loan báo Chúa đã Phục sinh sau ba ngày chịu chết, hiện ra với các môn đệ, và sau 40 ngày Người mới về trời làm sáng tỏ mầu nhiệm Chúa giáng trần cứu chuộc cho nhân loại.
Lịch sử của người Do Thái cho ta biết, một Đức Giêsu thuộc dòng dõi vua Da-vit, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham đã sống ở trần gian 33 năm, giảng dạy 3 năm, đã chịu chết trên thập giá góp phần làm sáng tỏ mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần.
Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người chịu chết chuộc tội cho nhân loại là Mầu nhiệm vĩ đại nhất của đạo Công Giáo đã đang và mãi mãi Giáo Hội loan truyên cho muôn dân. Đây cũng là Mầu nhiêm trung tâm, trọng đại nhất của đạo Công Giáo mà mỗi Kitô hữu không những luôn xác tín mà còn cùng Giáo Hội loan báo cho bao người chưa nhận biết Thiên Chúa để họ cùng tôn vinh Chúa để xứng đáng là con cái của người. Đây là một lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho muôn loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Xin Chúa Thánh Thân soi sáng để con nhận biết và thực thi sứ điệp cao cả trong đêm giáng sinh mà Thiên Chúa vì yêu thương con người đã sai các sứ thần loan báo cho muôn dân:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh