Giáng Sinh – Mầu Nhiệm Cho Người Nghèo

Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, Đêm nay, Đêm Cực Thánh, bởi vì là “ĐÊM HỒNG PHÚC” , một đêm mà muôn vật ngóng trông, đợi chờ, đợi chờ một một “ kỳ công” vĩ đại của Thiên Chúa, đó là ” Lời Hứa” ban Đấng Cứu Tinh cho nhân loại. Vâng, Thiên Chúa là Đấng trung tín vì tình yêu, vì thế, Đêm nay, một Đêm Thánh thiêng, bởi vì , Thiên Chúa đã thực thi Lời Hứa ấy cho nhân loại. Lời Hứa là một Giao Ứơc, hay ngày nay người ta thương gọi là ” hợp đồng”, hợp đồng là sự cam kết, thỏa thuận giữa hai bên, để cam kết một vấn đề nào đó, giấy trắng, mực đen hầu thể hiện sự trung tín, không bội ước. Đó là công việc làm ăn của nhân loại.

Nhưng , Giáo Ứớc của Thiên Chúa thì khác, không phải là bản hợp đồng làm ăn, mà là “ Giao Ứớc” của tình yêu. Giao Ứơc Cũ, con người đã bội tín, nhiều lần, nhiều cách, thì hôm nay đây, Thiên Chúa lại “thực hiện” một Giao Ứơc Mới, Giao Ứơc muôn đời và vĩnh cửu. Bởi vì, Giao Ứơc nầy không dựa trên chứng từ giấy trắng , mực đen, mà là “Giao Ứơc Cứu Độ”, được Thiên Chúa ban tặng nhưng không, được Thiên Chúa ban tặng một lần duy nhất. Đó là, như Lời thiên sứ nói :”Anh em đừng sợ. Này, ta báo cho anh em một Tin Mừng, Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em, cứ dấu nầy mà nhận ra Người : Anh em sẽ nhận thấy một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2, 10 -12)

Vâng, thưa quý vị, không còn sự trọng đại nào cao cả hơn : ”Thiên Chúa Giáng Sinh”, bởi vì, từ nơi Thiên Chúa không có quà tặng nào, ân ban nào lớn hơn” Giao Ứơc Cứu Độ”, được gọi là “Tân Ứơc” dành cho nhân loại.

Cũng như Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm ( C ), Tin Mừng theo thánh Luca trình thuật cho chúng ta một biến cố quan trọng, đó là: Mầu Nhiệm “Truyền Tin “ cho Đức Mẹ, thì Chúa Nhật IV Mùa Vọng ( A ), chủ đề Tin Mừng theo thánh Matthuê, cho chúng ta biết : ” Truyền Tin “ cho thánh Giuse”, một người công chính. Đây là Đoạn Tin Mừng quan trọng nhất và chi tiết nhất về thánh Cả Giuse, một thụ tạo đứng sau Đức Trinh Nữ Maria, được mời gọi cộng tác “ trực tiếp “ vào sứ mạng Cứu Chuộc của Ngôi Lời làm Người là Đức Giêsu – Kitô. Nhưng, việc truyền tin nầy, không phải bắt nguồn từ thời thánh Giuse (Mt 1, 23), mà là chính Lời Chúa có từ Cựu Ứơc ( Is 7, 14). Để thực thi Giao Ứơc, có nghĩa là, Thiên Chúa phải thực hiện một “Lời Hứa”. Lời Hứa nầy có từ ngàn xưa: “ Nầy đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “ Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (c 23). Như vậy, câu (Mt 1, 23) chính là lời Hứa thực thi Ơn Cứu Độ từ xa xưa bởi Thiên Chúa qua câu (Is 7, 14), tức 07 ngàn năm trước Đấng Cứu Thế Giáng Sinh. Như vậy, Đoạn Tin Mừng “Truyền Tin” cho thánh Giuse (Mt 1, 18-24) nói về nguồn gốc nhân tính của Chúa Giêsu, đồng thời là Đoạn Tin Mừng trích dẫn Cựu Ứơc, hầu minh chứng sự nối kết từ ngàn xưa, về Lời Hứa ban Đấng Cứu Thế. Rõ ràng,Giáng Sinh là một Mầu Nhiệm khởi sự cao cả của Ơn Cứu Độ từ Thiên Chúa. Như vậy,” Giáng Sinh” tức Mầu Nhiệm Thiên Chúa giải thoát dân của Người theo nghĩa tâm linh, nhưng, sự thật ra theo tiên tri Isaia (Is 9, 1- 6) thì cảnh kiều dân Ga-lin, bị áp bức sẽ được giải thoát trong thời Cựu Ứơc.

Trong bối cảnh chịu áp bức như vậy, thì ngôn sứ Isaia tiên báo sẽ có một cảnh thái bình, bởi một “ Con Trẻ” được sinh ra :” Kìa , có một Con Trẻ sinh ra vì chúng ta, Trẻ sinh cho ta đấy !

Vương quyền phủ trên vai, Danh Ngài kêu rất oai :

Đấng Tuyệt luân,

Đấng Trung gian

Chúa Quyền lực,

Vua bình an

Là Chúa muôn đời .” (Is 9, 6)

Như vậy, Đấng Cứu Thế không phải là một phàm nhân “ hoàn toàn”, mà là “Con Thiên Chúa”, chính Người là Thiên Chúa, là Emmanuel, nghĩa là : Thiên Chúa cùng nhân loại. “ Ở cùng” là một động từ kép có trạng từ, thể hiện sự yêu thương, trìu mến, gắn bó. Nhưng, Thiên Chúa ban tặng sự “ở cùng” cho đối tượng nào ? Thưa, đó là “ người nghèo” , vì nghèo mang lấy sự bất hạnh, sự khó khăn, thiếu thốn. Nên chi, họ khao khát Thiên Chúa với Ơn Cứu Độ của Người.

Vì thế, Mầu Nhiệm Giáng Sinh là một Mầu Nhiệm dành cho người nghèo. Khi nói đến “nghèo”, mặc nhiên, là người thiếu thốn, khao khát, theo nghĩa tâm linh, hơn là nghĩa đen.  Vì, người nghèo trong Thánh Kinh không hẳn nhiên là nghèo vật chất. Nhưng, Thiên Chúa chọn lấy sự nghèo khó vật chất làm nơi Giáng Sinh là Người mặc lấy sự khó nghèo, thiếu thốn, một sự hữu hình về sự khó nghèo, để dạy cho nhân loại noi theo. Sự nghèo khó nơi hang đá, máng cỏ là một sự nghèo khó rốt ráo, tận căn của nhân loại khi họ thiếu vắng Thiên Chúa. Khi nói đến cái nghèo của nhân loại là nói đến sự thiếu thốn Thiên Chúa, hẳn nhiên là phương diện tâm linh. Vì, chúng ta thử nghĩ xem, ai giàu có hơn Thiên Chúa, cho dù người giàu nhất thế gian, họ không thể có một vương quốc trần thế. Vì, quốc vương theo nghĩa đen cũng chỉ có hạn, tức thời gian. Nhưng, Thiên Chúa vừa vô hạn, siêu nhiên, vừa mặc lấy sự hữu hình để ở cùng nhân loại, há chẳng phải Ngài là Đấng giàu có vô địch sao?!

Vì thế, sự Giáng Sinh khó nghèo rốt ráo nơi hang đá là một “ bài học” vô giá về sự giáu có vô địch tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Theo thánh sử Luca thì “hoàn cảnh” Giáng Sinh của Người gắn liền với thời gian, không gian và những con người cụ thể. Hoàn cảnh Giáng Sinh của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Luca, nguyên do sự việc Chúa Giêsu ra đời là theo hoàn cảnh phải khai báo dân số, phải trở về nguyên quan của minh là thành Be-lem, miền Giu-đê, thành của vua Đa-vit. Như vậy, hầu ứng nghiệm Lời Kinh Thánh. Tin Mừng theo thánh Luca thì  sự ra đời của Đấng Cứu Thế trong hoàn cảnh và nguyên nhân rất “bi đát”, điều ấy nói lên tính vâng phục sự khó nghèo của kiếp nhân sinh, Thiên Chúa hạ mình thật sự để hòa vào dòng chảy của lịch sử nhân loại, chứ không phải chỉ “tượng trưng” hay hình thức, hầu để chia sẻ sự vất vả, lầm than, sự sống của một gia đình. Người treo gương thực tế, và thật sự chứ không ngụy tạo hay bánh vẽ. Đó là Ý nghĩa Tin Mừng theo thánh Luca.

Thiên Chúa cứu vớt nhân loại không phải bằng phù phép, mà là bằng một “ kiếp sống”, vì thế Mầu Nhiệm GIáng sinh cho nhân loại thấy rằng : Thiên Chúa trao ban chính mình cho nhân loại bằng sự hiệp thông trọn vẹn để “ở cùng” và “trao ban” cho nhân loại sự giàu có của Thiên Chúa qua sự khó nghèo. Mầu Nhiệm Giáng Sinh là Mầu Nhiệm cho người nghèo không theo nghĩa vật chất tuyệt đối, nhưng hang đá Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu càng nghèo, thì những ai “đón nhận” Chúa bằng Đức Tin và niềm khát khao, thì người ấy “ quả thật” giàu có, vì Thiên Chúa là Chủ vũ trụ trời đất, nhưng lại cho đi chính mình Người, thì quả thật những kẻ được cho (kẻ biết đón nhận Chúa ) giàu có biết dường nào.

Theo đó, người nghèo là hết thảy nhân loại không biết đón nhận Thiên Chúa, chứ không phải chỉ người nghèo vật chất, nghèo ở đây gồm có tâm linh và đời sống hữu hình. Thử xem một trọc phú không có Thiên Chúa trong tâm hồn, thì ông ta “giàu hay nghèo”?!

Cúi lạy Hài Nhi Giêsu, đêm nay, Đêm Cực Thánh, chính thời gian cũng được mặc lấy sự Thánh Thiện của Người, thì nhân loại phải hơn thời gian, vì được mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa là sự thánh thiện của Chúa, nhưng họ đã đánh mất vì sự bất tuân, vì vậy, nhân loại muốn được mặc lấy sự thánh thiện của Thiên Chúa, họ phải Vinh Danh Người bằng một điều kiện duy nhất, đó là họ phải có tấm lòng Thiện Tâm, tức nẻo chính đường ngay, như vậy, họ mới nhận được sự giàu có đích thực là chính Chúa, vì như sứ điệp của Trời cao là :

” Vinh Danh Thiên Chúa trên Trời, Bình An dưới thế cho người Thiện tâm” . Amen

Kính chúc quý vị một Lễ và Mùa Giáng Sinh an lành trong vòng tay yêu thương của Chúa Giêsu Hài Đồng và Thánh Gia. Đấng đã mang lấy sự khó nghèo, để thiên hạ được giàu có.

24/12/2019

Đêm Giáng Sinh 2019

Phêrô Trần Đình Phan Tiến

(Bước theo Chúa Giêsu)

Chia sẻ Bài này:

Related posts