Mỗi độ Giáng sinh về, không phân biệt tôn giáo, mọi người hầu như ai ai cũng nao nức kiếm tìm cho mình một ý nghĩa nào đó trong mùa Giáng Sinh. Và điều mà mọi người nghe nói tới nhiều nhất đó là niềm vui an bình.
Thật vậy, nếu Giáng Sinh không đem lại cho ta một ý nghĩa tinh thần trên, thì việc cử hành những nghi lễ, việc tổ chức và trang hoàng bên ngoài không có ý nghĩa.
Có gì hào hứng của một đêm trường giữa mùa Đông giá lạnh để mà vui? Tuyết rơi, lạnh lẽo và giá buốt. Những cái đó chỉ làm cho con người thêm tê cóng và rét run. Ai có thể vui được trong hoàn cảnh như thế.
Có gì hấp dẫn trước một cái hang bò lừa ngoài đồng quê Belem để mà tưởng nhớ? Chật chội, hôi tanh, và ẩm thấp. Những thứ này chỉ là dấu hiệu của nghèo nàn, túng thiếu. Và đây chính là hình ảnh, là kỷ niệm không mấy may mắn cần quên mau để có can đảm nhìn về phía trước mà vui sống.
Và có gì khác người nơi một Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ, bên Hài Nhi là thân mẫu và nghĩa phụ mà cả hai đều là nghèo nàn. Hình ảnh một gia đình nghèo, là hình ảnh mà có lẽ chúng ta ngày nay được nhìn thấy nhiều nhất; đặc biệt, tại các nước kém mở mang và đang bị chiến tranh tàn phá. Chính vì cái nghèo đó, mà Giuse và Maria đã bị từ chối, bị ruồng bỏ một cách phũ phàng, bất đắc dĩ phải tạm trú ở một cái hang giữa đồng không mông quạnh. ). Và trong hoàn cảnh ấy, Ngôi Lời hạ sinh và làm người! Hình ảnh nghèo túng, cơ cực và bị ruồng bỏ ấy thánh Luca đã ghi lại như sau: “Trong khi ông bà ở đó bà đã tới đủ ngày tháng. Bà sinh con trai đầu lòng, quấn trong tả và đặt nằm trong máng cỏ, bởi các quán trọ đều đầy người, nên không còn chỗ cho hai ông bà” (Luca 2:7). Không còn chỗ cho cặp vợ chồng nghèo và trong hoàn cảnh thai nghén như Giuse và Maria, chứ chưa chắc không còn chỗ cho những cặp vợ chồng giầu có, sang trọng!
Sinh hoạt xã hội con người thời đại nào cũng giống nhau: “trọng phú khinh bần”. Một cách tương tự, và ngay trong xã hội hôm nay cũng đã có nhiều em bé được sinh ra trong những hoàn cảnh túng thiếu, nghèo khổ của cha mẹ mà cả mẹ lẫn con đều không được ai đoái hoài tới. Không phải tìm kiếm đâu xa, ngay trên đất nước, nơi ta đang sinh sống, nhân vị và nhân phẩm con người cũng đang bị chà đẹp và coi thường. Nhiều phụ nữ, em nhỏ gái đã bị bán để trở thành những con vật làm nô lệ tình dục. Do ảnh hưởng của “nền văn hóa sự chết”, hằng triệu triệu thai nhi đã bị giết hại, bị loại bỏ ngay trong lòng mẹ mình. Những hình ảnh này mỗi khi nhìn thấy hoặc nghĩ tới đã làm nhiều người thiện chí phải xúc động, nghẹn ngào!
Như thế, niềm vui của Giáng Sinh rõ ràng mang ý nghĩa tâm linh. Một ý nghĩa vượt trên những lý lẽ và lối giải thích thông thường của con người. Một ý nghĩa dẫn ta về với những giá trị siêu nhiên, vĩnh cửu. Chính trong đêm Chúa hạ sinh, ca đoàn thiên quốc đã ca mừng Đấng Cứu Thế giáng trần như sau: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm.” Và đồng thời mừng chúc những ai đang thành tâm, thiện chí mong mỏi, chờ đợi Đấng Thiên Sai: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2: 14).
Món quà mà Thượng Đế ban cho nhân loại trong đêm Ngôi Hai giáng trần là sự bình an. Và nó chỉ tới với những ai thiện tâm: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2: 14). Bình an và người thiện tâm. Tâm hồn thiện chí và niềm vui bình an. Đó là hai mặt của đồng tiền. Là điều kiện và cũng là hoa trái của món quà thiên quốc mà Chúa Giêsu Hài Đồng tặng ban cho nhân loại. Không có thiện chí, không thành tâm con người không cảm nghiệm và không thấu hiểu, yêu quí và hạnh phúc với món quà này. Ngược lại, món quà này cũng không có trong những tâm hồn thiếu thiện chí. Vì đây không phải là thứ hạnh phúc, thứ hòa bình do trí tưởng tượng của con người, và nó đến như những gì mà con người đang mơ ước hay đang kiếm tìm. Một thứ hạnh phúc và hòa bình được định nghĩa như không còn chiến tranh, không còn khủng bố, không còn bất công, không còn tham nhũng, và không còn bạo lực, không còn bị khống chế hay tù tội. Một thứ hạnh phúc căn cứ vào sự giầu có, danh giá, và quyền lực. Hay một thứ hạnh phúc dựa vào sức khỏe, sắc đẹp, sự thông minh, và thành công.
Thực ra bình an không phải là hòa bình, và cũng không phải là hạnh phúc. Bình an là nguyên nhân, còn hòa bình và hạnh phúc là kết quả. Tâm hồn bình an là tâm hồn có hạnh phúc. Tâm hồn bình an là tâm hồn có hòa bình. Thế giới với những biến loạn, và xã hội với nhiều tệ trạng như hiện nay là kết quả của một lối sống và tâm hồn thiếu bình an.
Bình an có thể sánh ví như một tảng đá nằm bên bờ đại dương. Nó có thể bị sóng gió va chạm, xô đẩy, nhưng nó vẫn nguyên vị trí và không hề bị giao động. Bình an cũng giống như một cây kim nằm sâu dưới lòng đại dương. Trên mặt đại dương có thể có sóng gió, có thể có cuồng phong, nhưng cây kim vẫn không giao động và không thay đổi vị trí ở dưới đáy đại dương.
Bình an chính là cái làm cho con người hạnh phúc và sảng khoái tâm hồn, cũng như mạnh khỏe thể xác. Người có bình an luôn luôn sống vui, sống hạnh phúc với chính mình. Người có bình an luôn sống hòa bình với người khác trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của cuộc đời. Họ có thể gặp đau khổ, có thể gặp túng thiếu, có thể không phải là người học rộng, hiểu nhiều hay có địa vị lớn lao trong xã hội. Nhưng trên hết, họ sống hạnh phúc với chính những gì mà họ có. Và như vậy, đối với một tâm hồn bình an thì cuộc sống này là cuộc đời đáng sống, và thế giới này chính là nơi đang cho con người nhiều cơ hội và hoàn cảnh để sống hạnh phúc, hòa bình.
Về điểm này, cả tâm lý và tâm linh đều trùng hợp khi khẳng định rằng tâm hồn bình an là một tâm hồn được chúc phúc. Tâm hồn bình an cũng là tâm hồn yêu chuộng và có hòa bình. Dĩ nhiên là không phải bằng những của cải, hoặc những điều con người có thể đo đếm hoặc cân nhắc được. Nhưng là bằng những giá trị tinh thần.
Nhiều người muốn có bình an. Nhiều người kiếm tìm an bình. Nhưng theo Tomas A’Kempi, ít người thực thi an bình. Vì nói tới sự bình an tâm hồn, là nói tới việc tuân thủ các trật tự của xã hội, của lương tri con người và của niềm tin tôn giáo một cách trưởng thành và có ý thức. Đây cũng là định nghĩa hòa bình hay bình an theo quan điểm triết học của Tomas A’quinas.
Giáng Sinh và niềm vui an bình. Chúa Giêsu đã giáng trần hơn 2000 trước, và món quà trao tặng nhân loại, Ngài vẫn không lấy lại. Dường như có vẫn quanh quẩn đây đó trong chính cuộc đời của mỗi người, và của lịch sử nhân loại. Tiếng hát các thiên sứ trong đêm mừng Chúa giáng trần phải chăng là một thức tỉnh để mỗi người và con người tìm được món quà đó. Ngay hôm nay và trong ngày kỷ niệm Chúa Giáng Trần, ngày 25 tháng 12 năm 2007 này: “Vinh danh Chúa cả trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2: 14).
Trần Mỹ Duyệt