Họ lũ lượt kéo nhau đi cả mấy tuần nay. Đoàn lữ hành gồm đủ trẻ già lớn bé. Họ là dân làng Pinsk, một làng nhỏ phía đông Ba Lan.
Ba Lan vốn là một quốc gia tự do, dân chúng hầu hết là tín đồ Công giáo, chất phác, hiền lành. Khi Liên Xô khởi động cách mạng vô sản, Ba Lan rơi vào bàn tay sắt đá của Cộng sản vô thần, và chịu đàn áp của Nhà Nước bù nhìn do Liên Xô xách động. Chiến tranh thật tàn nhẫn, nhưng hoà bình chẳng mang lại gì hơn ngoài những gọng kìm ngày một siết chặt vào cổ họng dân lành.
Đêm buốt lạnh. Dọc theo quốc lộ, những bụi cây tuyết phủ trắng xoá gập mình như những ông già bà cả tóc trắng oằn người dưới gánh nặng thời gian và trách nhiệm.
Một vì sao bừng sáng xé màn đêm đen. Vì sao sáng lơ lửng cuối đường như dẫn lối. Rồi nhiều vì sao vụt bừng khắp bầu trời. Đoàn lữ hành vẫn cắm cúi còng lưng trên tuyết, không nhìn thấy những vì sao long lanh trên cao. Với họ, những người tìm tự do từng lang thang chịu đựng bao đau khổ, nhục nhằn, thì năm tháng, thời gian, mùa màng, thời tiết… chẳng còn có nghĩa gì nữa.
– Còn xa không anh?
Đó là câu hỏi của Kasia. Con bé khoảng 6 tuổi, kéo tay thằng anh khoảng 15. Cả hai đứa ở mãi tít đằng đuôi đoàn người dài ngoằn ngoèo. Kuba nhìn em:
– Không xa lắm. Có một làng gần đây và mình sẽ xin qua đêm ở đó. Ngày mai sẽ đến nơi hẹn.
– Tới Kopernik?
– Ừ, Kopernik. Kasia, cứ nghĩ là sẽ gặp má, ba và anh Jan ở đó đang đợi anh em mình.
– Còn ông nội?
– Ừ, gặp ông nội nữa!
Kuba xoa hai tay, hớn hở:
– Dám ông nội đang kéo chuông đổ hồi tại nhà thờ để mừng Giáng Sinh rồi! Anh nhớ hồi còn ở làng Pinsk, ông nội từng kéo chuông. Thần tình! Tuyệt diệu!
Trong đầu Kuba, hình ảnh ông già hiện ra. Ông nội, người chuyên việc kéo chuông giáo đường. Ông kéo chuông với tất cả say mê thần thánh, say sưa truyền sinh lực sung mãn, đức tin cao cả, lòng tôn kính vô bờ phát xuất từ thể xác, tâm hồn và trái tim. Hai cánh tay ông nâng niu đong đưa sợi dây huyền bí thòng từ vòm gác chuông, nhịp nhàng tuôn chảy những hồi chuông ngân nga vang động từ đầu làng đến cuối thôn. Từ thời còn trai tráng lực lưỡng cho đến khi trở thành một ông già tóc bạc lưng còng, ông sống với những hồi chuông giáo đường trong thời Ba Lan tự do. Những hồi chuông xưa vẫn âm vang trong tâm hồn Kuba.
Khi chúng bắt cha của Kuba đem giam trại cải tạo và mẹ em phải sung vào đoàn lao động công trường mỏ than, chính ông nội là người săn sóc 3 đứa cháu. Nhưng khi chúng đến làng Pinsk xua dân đi Siberia, gia đình này ly tán lần nữa. Và lần này ông nội phải lìa đám trẻ.
Ông bị đưa đi hơn 2 tháng nay, nhưng đã nhắn lại cho cả gia đình tìm cách vượt thoát đến làng Kopernik sát biên giới, để đoàn tụ và vượt biên.
Gần nửa đêm. Kuba chạy trước, tiến về phía một căn nhà trong làng. Vừa đến gần, Kuba thất vọng quay nhìn em, la lên:
– Kasia! Nhà này sập rồi!
Chạy sang căn kế, mái đổ tường xiêu dưới ánh sao. Căn thứ ba cũng vậy. Tim Kuba thắt lại. Mắt ngấn lệ. Tuy nhiên, nó vẫn cố sục sạo.
Quang cảnh khác hẳn ngày xưa.
Ngày xưa, những khung cửa sổ đó toả sáng ánh đèn ấm áp. Bên trong là cảnh gia đình quây quần đoàn tụ, người lớn hớn hở vui cười chuyện trò, trẻ con reo hò đùa bỡn, và chó sủa rân khi có người đến. Ngày nay, những khung cửa sổ đó xiêu vẹo, tối tăm, lạnh lùng.
Nhưng rồi Kuba cũng tìm được một căn nhà xào xạc tiếng người, dù thì thầm. Kuba gọi Kasia. Hai đứa tiến lại gần. Cửa đóng. Bên ngoài lại còn một tấm ván lớn chặn lại, đóng đinh chắc nịch. Kuba nắm tay đập mạnh vào tấm ván, gọi to:
– Có ai trong nhà không?
Không có tiếng trả lời. Những tiếng thì thầm bặt tắt. Kuba lại đập tấm ván lần nữa. Một giọng khô khan gắt gỏng vang ra:
– Hết chỗ rồi! Đi đi!
Bất chấp lời từ chối, Kuba cúi mình lách qua tấm ván, chui vào nhà, tay kéo Kasia:
– Xin các bác làm phước, em cháu lạnh cóng. Xin các bác cho em cháu vào.
– Được rồi! Bây vô đây cho ấm. Nhưng đứng một tí thôi. Không có chỗ cho bây đâu!
Cánh cửa bên trong mở bật. Già trẻ lớn bé chen chúc chật chội, kẻ đứng người ngồi, kẻ nằm người dựa. La liệt. Hỗn độn. Sát sạt.
Cuối phòng có lò sưởi với vài thanh củi đang cháy. Ánh lửa soi rõ những khuôn mặt hốc hác nhăn nheo với những đường cày trên trán, trên má, quanh môi. Những khuôn mặt tiều tuỵ, héo hắt, mệt nhọc, kiệt quệ vì đói khát và lạnh lẽo. Những khuôn mặt khô cằn khó đăm đăm như không phải là những khuôn mặt của con người nữa. Những vết hằn héo hắt khắc sâu, xoá sạch mọi đường nét biểu lộ tình cảm, và hầu như chỉ để lại một điểm vị kỷ trên mặt.
Ngày lại ngày, kể từ khi Hồng quân Nga tràn vào Ba Lan, đám dân lành trải qua hết đại nạn này đến đại nạn khác, chịu đựng hết đoạ đày này đến khổ ải kia, nhục nhằn dưới áp bức này đến tàn bạo nọ. Thời gian qua, họ nay là những người lưu lạc không nhà cửa, chẳng của cải. Chỉ có đói khát, rách nát, bệnh tật. Nhân tính hầu như bị những đau khổ thể xác và nhục nhằn tinh thần lấn áp, đè bẹp. Họ trở thành bất nhân, vị kỷ, hầu như tàn nhẫn vì những khao khát dồn nén.
Người đàn ông đã lên tiếng cho hai anh em Kuba vào, đẩy Kasia đến gần lò sưởi:
– Tới sưởi ấm một tí rồi đi. Không còn chỗ cho tụi bây.
Con bé run rẩy bò qua đám người. Mắt chạm phải những tia nhìn vô cảm, lạnh lùng, không chút thương hại. Kuba đứng gần cửa nhìn vào. Trông đám người cùng tiều tuỵ như nhau, nhưng mỗi người có dáng điệu khác nhau.
Cạnh một lão ăn mày rách rưới là một ông già áo quần khá lành lặn đang bẻ từng mẩu bánh mì khô nhấm nháp. Ông chẳng có ý chia sẻ, dù lão ăn mày cứ thèm thuồng liếc nhìn mẩu bánh. Phía trái lão ăn mày là một bà sồn sồn khoác chiếc áo choàng rộng, trong khi có con bé khoảng 4 tuổi nằm kề, co ro lẩy bẩy trong manh áo cũn cỡn, quần chỉ còn một ống và đôi giày vải đẫm tuyết. Cạnh con bé là một bà đứng tuổi tay nghiêng hộp sữa đặc dốc vào mồm, trong khi cách đó chẳng bao xa có bà mẹ trẻ cố dỗ đứa con nhỏ khóc dằng dặc rúc đầu vào ngực mẹ tìm bú nhưng mẹ chẳng còn sữa cho con. Ngay dưới chân Kuba, một con chó còm cõi trơ xương lông lá tơi tả nằm cuộn tròn, chốc chốc lại rên ư ử.
Tất cả người và vật đều đói và lạnh.
Khi Kasia đã đỡ lạnh, hai anh em ngỏ lời cảm ơn đám người và dẫn nhau đi tìm căn nhà khác. Nơi nào cũng ngập người lưu lạc. Không ai muốn thêm người chen vào. Hai anh em lang thang trong đêm.
Cuối cùng, chúng lần mò đến một nơi có vẻ là một căn gác cao, đỉnh vuông nổi bật cạnh vì sao sáng trên nền trời.
Len lỏi qua đống gỗ trần nhà sập chồng chất, Kuba hy vọng tìm được nơi tạm trú. Thằng bé lên tiếng nhưng chẳng ai trả lời.
– Kasia! Lại đây! Chắc mình có thể ở qua đêm chỗ này!
Vừa nói, Kuba vừa lục tìm hộp diêm, quẹt lên. Ánh sáng leo lét soi cảnh gác chuông giáo đường nhỏ bỏ hoang. Sát tường là bệ kê bồn nước thánh cạnh những bậc thềm long lở dẫn lối vào bên trong cung thánh, và bên kia là một lối đi nhỏ dẫn lên gác chuông.
May thay. Lò sưởi phía góc kia chưa sụp. Đây hẳn là nơi ngày xưa giáo dân đến sưởi ấm trước giờ xem lễ, sau khi lội quãng đường đầy tuyết lạnh từ nhà. Kuba reo lên:
– Kaisa! Mình có nơi trú đêm rồi! Lại coi! Có vô số gỗ vụn. Anh sẽ đốt lò sưởi.
Kuba nhặt những thanh gỗ chất vào lò, đánh diêm châm. Một ngọn lửa nhỏ bắt cháy, bừng sáng giữa đám khói đen, như mang nguồn sống và niềm tin lại trong lòng thằng bé.
Nó reo lên:
– Kaisa! Lại đây!
Vừa reo, Kuba lùi lại để kéo em. Chân nó bỗng chạm một khối mềm. Cố bước qua khỏi nhưng chân vẫn dẫm lên khối mềm đó.
Kuba goi em:
– Kasia! Coi chừng!
Kuba cúi sát trên nền xi măng loang lổ rồi đứng phắt dậy, la lên:
– Kasia! Có người nằm đây nè! Một ông già! Chẳng lẽ… Ô, không, ông cụ còn sống! Tại lạnh quá nên ông cụ tê cóng nằm bệt. Lại đây mau lên! Giúp anh kéo ông cụ lại gần lò sưởi coi!
Kuba cởi áo ngoài trải lên nền nhà, đặt ông già nằm lên. Kasia cũng cởi khăn quàng đắp lên người ông. Hai anh em quỳ xuống hối hả xoa bóp, chà xát tay chân ông già. Kuba chà mạnh lên hai má và hai bên đầu để máu lưu thông. Ông già nằm quay đầu về phía bóng tối, chân duỗi dài gần lò sưởi, bất động. Hẳn ông là một trong đoàn lữ hành tìm đường vượt biên, kiệt lực khi đến nơi này.
– May mà ông cụ ráng tới được căn gác chuông này trước khi gục ngoài kia. Nếu gục dưới tuyết, chắc ông cụ chết rồi còn gì! Em kiếm cái gì đưa ông cụ dùng đi! Chắc ông cụ đói lắm!
Kasia lục tìm được vài mẩu bánh khô, mấy miếng thịt sấy và vài hạt đậu khô. Kuba mở dây nịt tháo chiếc ca nhôm, chạy ra xúc đầy tuyết, cho mấy hạt đậu vào, đặt lên đống lửa đang cháy. Tuyết tan nhanh, và không bao lâu, nước sôi. Những hạt đậu nhào lộn trong ca nước, phút chốc nở bung về hình dáng cũ.
Kuba xoa tay:
– Có lửa ấm nè, có ánh sáng nè, lại còn đồ ăn nữa! Mình còn khá hơn mấy người kia nhiều! Chỗ này ngủ lại được quá! Ồ, xem ông cụ ra sao nào!
Ngay lúc đó, Kasia kêu lên:
– Anh ơi! Coi nè!
Giọng con bé run run khác lạ. Kuba nhảy bổ lại. Hai đứa chụm đầu nhìn. Qua ánh sáng leo lét chiếu hắt từ lò sưởi, hai anh em thấy tuyết bám quanh râu tóc ông già tan ra, khuôn mặt dần lộ vẻ sinh động. Kuba hối hả nâng đầu ông, kéo vạt áo lau râu tóc.
Giọng em lạc đi:
– Trông ông cụ giống ông nội quá! Ông sắp tỉnh rồi!
Lửa trong lò bỗng bùng cao. Kasia la to:
– Anh ơi! Coi nè!
Tiếng la đứt nghẹn. Kasia phủ phục quỳ xuống ôm ông già trong hai cánh tay bé nhỏ, vai rung lên, thổn thức, nức nở:
– Ông nội đây mà! Ông nội! Ông nội ơi! Tụi cháu đây nè!
Ông già từ từ hé mắt, hấp háy vì ánh lửa hắt ra, rồi chăm chú nhìn hai khuôn mặt trẻ thơ nghiêng kề mặt ông. Kasia reo mừng:
– Ông nội nhìn ra tụi mình rồi! Ông nội tỉnh rồi!
Con bé lại nức nở bệu bạo vừa khóc vừa mếu máo cười vừa ôm siết đầu ông trong tay:
– Ông nội ơi! Con mừng quá!
Đôi môi ông già run run mấp máy nhưng không phát thành tiếng. Ông thở dốc. Cố hít mạnh vài hơi, ông thều thào:
– Chuông… Chuông…
Ông trở mình, nặng nhọc chống tay ráng ngồi dậy, tay kia run rẩy chỉ lên trần nhà.
Kasia rối rít kéo ông cụ nằm xuống, hôn tới tấp vào đầu vào tóc vào râu vào má:
– Ông nội nói chi tụi cháu không hiểu. Ở đây không có chuông đâu! Không có!
Ông già gật đầu. Mắt hướng lên trần nhà. Ông ráng nói, và lần này bật ra tiếng lớn:
– Chuông! Giáng Sinh!
Hai đứa trẻ ngây người nhìn nhau. Kuba bật lên:
– Lạy Chúa! Kasia! Đúng rồi! Giáng Sinh! Bao nhiêu thứ dồn dập làm mình quên! Giáng Sinh! Giáng Sinh! Đúng rồi! Đêm nay là đêm trước Lễ Giáng Sinh!
Hai anh em quay nhìn ông. Cả hai chợt hiểu, và cùng lúc, lòng dâng lên niềm hân hoan xen nỗi xót xa. Hân hoan vì Giáng Sinh đối với chúng vẫn mang ý nghĩa đầm ấm huy hoàng của gia đình đoàn tụ. Xót xa vì cảnh tan đàn xẻ nghé mỗi người một ngả. Chúng còn xót xa hơn vì biết ông nội vốn là người rất ngoan đạo, luôn luôn mừng Giáng Sinh với những hồi chuông ngân nga vang động do ông điều khiển với tất cả niềm say mê thần thánh. Đối với ông, hồi chuông nửa đêm mừng Chúa Giáng Sinh không thể thiếu vắng. Ông đã kéo chuông Giáng Sinh suốt đời với tất cả sinh lực trong người, với tất cả tin yêu tôn kính từ trái tim thuần khiết, từ tâm hồn thanh sạch. Không có chuông Giáng Sinh là một sự thiếu vắng, một xúc phạm bất kính đối với Đấng Cứu Thế đã ra đời chuộc tội cho nhân loại, và tội thiếu vắng đó không thể tha thứ được.
Ôi! Những hồi chuông từng ngân nga vang động! Những hồi chuông Giáng Sinh của những năm qua! Ông cụ từng nâng niu đong đưa sợi dây huyền bí thòng từ vòm giáo đường, nhịp nhàng uyển chuyển kéo đẩy đưa hồi chuông ngân nga vang động từ đầu làng đến cuối thôn. Tiếng chuông thánh thót ngân rõ từng giọt nhạc huyền diệu, âm ba chuyển động trong không gian tĩnh lặng giữa đêm đông tuyết lạnh, loan truyền nguồn tin yêu sưởi ấm lòng người. Ông cụ đã đặt hết tâm hồn vào sợi dây huyền bí, điều động hệ thống giàn chuông trên cao ngân nga bài Through Night’s Dark Shadow / Xuyên Bóng Đêm Tối, bài thánh ca bất hủ nằm lòng trong hàng chục triệu trái tim nhân dân Ba Lan. Bài thánh ca gây xúc động lòng ngoan đạo của người Ba Lan, không kém gì bản quốc ca khơi động tình yêu nước nung nấu trong tim họ.
Phải nói rằng ông cụ là một tín đồ nghệ sĩ với tài điều động chuông giáo đường. Clang-clang! Clang! Clang-clang! Ngừng. Rồi dồn dập Clang clang clang clang clang…
Ông cụ mấp máy môi, tay chỉ lên trần:
– Chuông! Chuông!
Mắt Kasia sáng rỡ:
– Anh ơi! Chỗ này xưa là nhà thờ phải không?
– Ừ! Sao?
– Nơi nào là nhà thờ thì nơi đó phải có chuông! Ông nội tìm đến đây chỉ vì thế! Vì ông nội muốn kéo chuông! Hồi Chuông Giáng Sinh!
Kuba đứng vùng dậy, nhìn quanh. Đúng! Đây xưa là một tháp chuông. Chắc phải có chuông treo trên đỉnh. May ra chưa bị tháo gỡ hay phá huỷ.
Kuba chạy lại lối dẫn lên gác chuông, hì hục kéo giật những thanh gỗ đóng chặn. Ánh lửa từ lò sưởi không soi thấu, nhưng Kuba hình dung một đầu dây chuông buông thõng trong bóng đêm dày đặc. Tim nó đập mạnh. Ông nội đã cố dùng tàn lực lết tới đây để ráng kéo chuông, thì chính nó phải thay ông, cố thực hiện việc đó cho kỳ được.
Kuba lách mình vào giữa mấy thanh gỗ chặn, cố với tìm đầu dây lơ lửng đâu đó. Nó nhảy lên, quơ tay quờ quạng nhưng không với được đầu dây. Nền gác chuông bằng gỗ ngổn ngang gạch ngói và gỗ vụn rơi rớt từ đỉnh tháp.
Kuba bật diêm nhìn lên. Ánh lửa leo lét không rọi cao. Bóng đêm dày đặc bên trên. Nó nhắm mắt lại cho quen bóng tối rồi mở to nhìn thẳng lên đỉnh tháp. Vẫn tối đen. Bóng đêm dày đặc, nhưng tít trên cao, Kuba thoáng thấy có vật gì chợt loé lên. Thứ gì phản chiếu ánh lửa? Không! Không phải là thứ gì đó. Kuba cố điều tiết mắt chăm chú nhìn. Nó tin chắc có thứ gì loé sáng trên đó.
Một tia sáng vụt loé lên trong óc. Đúng rồi! Mái đỉnh gác chuông thủng, và ánh sao rơi qua khe hở nhỏ. Kuba cảm thấy máu chảy mạnh châu thân, xúc động:
– Ôi! Vì sao sáng dẫn đường đến hang Bethlehem!
Kuba nhận ra được ánh sao vì tia sáng rơi thẳng vào một vật kim loại. Vật gì bằng kim loại trên tháp giáo đường, ngoại trừ quả chuông! Nó reo lên:
– Kasia! Anh thấy rồi! Có chuông treo trên kia! Em thưa ông nội biết là anh sẽ kéo chuông!
Kuba cố tìm cách leo lên với cho được đầu dây lơ lửng đâu đó. Bấu vào những thanh gỗ, nó cố đu mình lên và giơ tay quờ quạng. Tay vừa chạm đúng vào đầu dây thì mấy thanh gỗ mục dưới chân bỗng gãy ngang. Kuba mất thăng bằng, hụt hẫng. Đầu nó va mạnh vào một kèo gỗ. Đau buốt tận óc, mắt nổ đom đóm, nó choáng váng tưởng sẽ té nhào xuống nhưng gắng gượng chụp được cây kèo. Kuba xây xẩm tưởng sẽ ngã ngất nhưng tự nhủ phải cố không được ngã. Phải cố trèo lên! Phải cố nắm cho được đầu sợi dây chuông!
Kuba dùng cả hai tay bám vào kèo gỗ, đu mình lên, rồi tay phải bám chặt cây kèo, tay trái buông ra cố với nắm đầu dây. Đầu ngón tay nó chỉ chạm được đầu dây. Ráng hết sức rướn mình lên, vùa cố vừa tự nhủ:
– Mong chẳng phải là một quả chuông lớn. Lớn quá mình không đủ sức kéo giật!
Khi Kuba nắm được đầu dây, nó ráng kéo mạnh. Clang! Một tiếng ngân khẽ bỡ ngỡ vang lên. Ngỡ ngàng. Rụt rè. Dò dẫm. Tiếng ngân lạc lõng trong đêm. Tiếng ngân của một quả chuông nhỏ. Kuba mừng rỡ cố giật mạnh lần nữa. Clang-clang-clang!
Những âm thanh ngập ngừng bỡ ngỡ rụt rè lúc bắt đầu, rồi đong đưa, rồi nhịp nhàng, rồi ngân nga, rồi thánh thót đổ hồi…
Kuba nhắm mắt lại, hình dung tới ông nội. Thằng bé từng chiêm ngưỡng ông nội say sưa để hết tâm trí vào việc kéo chuông. Phải kéo vừa đủ mạnh để quả chuông đong đưa nhịp nhàng đập vào thành chuông, nhưng không quá mạnh làm chuông xoay quanh. Phải điều động đầu dây, quấn vào cổ tay khi giật xuống. Và cứ thế, cứ thế. Khéo léo, cẩn trọng, uyển chuyển chuyền sinh lực vào sợi dây huyền bí để đưa đẩy quả chuông ngân nga điệu nhạc thần thánh. Clang-clang! Clang, clang-clang! Ngừng. Rồi Clang! Clang! Clang! Clang! Clang!… Xuyên bóng đêm tối chuông ngân nga vang vang loan truyền nguồn tin yêu…
Trong căn nhà hai anh em Kuba đến đập cửa đầu tiên, người đàn ông đã cho hai đứa trẻ vào đang đứng quay lưng về phía lò sưởi, trầm ngâm, bất động, mắt nhìn vào đám người khốn cùng hỗn độn la liệt khắp phòng.
Một âm thanh bỗng vọng lại. Ông ngẩng đầu. Mắt lần theo những chiếc đòn tay trên trần nhà. Âm thanh vọng lại từ xa, trên cao, phát ra từ một vật kim loại giống như ai gõ vào một thanh sắt. Có thể một ống nước cũ nứt vì lạnh. Không! Âm thanh đó lại vọng đến. Lần này, không phải chỉ một tiếng lạc lõng, mà từng hồi, từng hồi nhịp nhàng. Có lẽ nào… Nhưng đúng là tiếng chuông giáo đường…
Những người khác trong phòng bỗng xôn xao, ngước mắt nhìn lên, sợ hãi…
Trong những năm chiến tranh, những hồi chuông đổ rền là dấu hiệu báo động Hồng quân Nga kéo đến, hoặc để khống chế dân chúng tập trung nghe mệnh lệnh, hoặc là hồi chuông báo tử khi có người bị xử tội chống lại chế độ. Nhưng chiến tranh hết rồi. Liên Xô đã đè bẹp và thống trị Ba Lan. Ba Lan đang quằn quại tủi nhục dưới ách thực dân đỏ.
Hồi chuông này thong thả thánh thót ngân nga, không phải chuông báo động. Vậy, có nghĩa gì đây? Người đàn ông ngẫm nghĩ, suy đoán. Đoàn lữ hành ra đi vào khoảng ngày lễ Thánh Nicolas, tức là ngày 6-12. Họ lang thang tìm đường về miền Tây để tìm cách vượt biên sang thế giới tự do. Từ đó đến nay cũng đã hơn 2 tuần, và mùa này là Mùa Vọng. Đối với nhân dân Ba Lan, Mùa Vọng là mùa thánh thiện nhất trong năm. Đó là mùa của tin yêu, của trông mong, của hy vọng. Đau khổ nhục nhằn đã làm họ hầu quên lãng thời gian!
Tâm trí ông chợt bừng cơn mê dài. Ông bỗng reo to:
– Giáng Sinh!
Giọng ông vang vang. Ông cao giọng ồm ồm hát theo điệu chuông ngân nga vọng lại:
– Xuyên bóng đêm tối… Chuông ngân nga vang vang loan truyền nguồn tin yêu…
Trái tim chợt đập mạnh. Lòng chợt nao nao xúc động. Ông gọi lớn:
– Bà con cô bác dân Ba Lan ơi! Bà con cô bác quên rồi sao?
Hôm nay là ngày trước Lễ Giáng Sinh!
Những ngọn lửa vẫn chập chờn trong lò. Gian phòng bỗng lặng phắc. Mọi người sững sờ, bất động. Giáng Sinh! Ai đã nghĩ đến Giáng Sinh lúc này? Giáng Sinh! Đúng vậy sao? Giáng Sinh về, reo vang niềm tin yêu qua âm hưởng bản thánh ca ngân nga từng giọt nhạc chuông thánh thót đổ hồi…
Giáng Sinh! Giáng Sinh lại về. Đám dân Ba Lan quây quần nơi đây với tất cả niềm thống khổ nhục nhằn sau thời gian bị đày đoạ dưới đại nạn cộng sản, nay chen vai thích cánh giành giật, bo bo giữ những thứ còn lại trong tay, không đếm xỉa đến kẻ khác, tàn nhẫn xua đuổi những kẻ cùng lỡ độ đường lưu lạc, không cho họ chia chút hơi ấm bên ngọn lửa hồng. Giáng Sinh! Vậy mà dân Ba Lan vốn nổi tiếng nhất thế giới là những tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo nhất, lại tụ tập nơi đây và chỉ lo tranh giành chỗ ngồi, không nhớ đến ai khác trên đời, kể cả Đấng Cứu Rỗi!
Sau phút sững sờ ngỡ ngàng, gian phòng bỗng có nguồn xúc động diệu vợi lan truyền, nhè nhẹ len vào tận đáy những cõi lòng tan nát, dịu dàng tràn dâng lên những ánh mắt mệt mỏi, chán chường. Những tiếng rì rầm lan khắp phòng. Giáng Sinh! Ngày lễ vô cùng trọng đại, vô cùng tôn quý của dân tộc Ba Lan suốt bao năm lịch sử kể từ thời lập quốc cách đây cả nghìn năm! Giáng Sinh! Giáng Sinh đến với những tâm hồn rã rời tan nát vì thống khổ nhục nhằn, đúng vào lúc không ai còn lòng dạ nào nhớ đến những tháng ngày êm đềm hạnh phúc ngày nào…
Cơn xúc động qua. Mọi người bỗng cảm thấy thân thiết gần gũi nhau. Không ai bảo ai, từ những đôi môi héo hắt lâu nay vắng nụ cười, bản thánh ca trầm bổng dâng lên, dâng lên, hoà với hồi chuông âm vang ngân nga…
Ông già áo quần còn khá lành lặn đang bẻ mẩu bánh mì khô bỗng đưa nguyên cả miếng bánh lớn cho lão ăn mày rách rưới. Bà sồn sồn vai khoác áo choàng rộng bỗng tung vạt áo trùm lên vai con bé đang co ro run rẩy trong manh áo cũn cỡn và chiếc quần một ống cùng đôi giày vải ướt sũng. Bà đứng tuổi bỗng quay lại đưa hộp sữa cho người mẹ trẻ gầy còm đang cố dỗ đứa nhỏ khóc dằng dặc rúc đầu vào ngực mẹ tìm bú dòng sữa cạn kiệt.
Người này quay sang bắt tay người nọ, mắt long lanh ngấn lệ. Những giọt lệ hân hoan. Những giọt lệ hồi sinh. Hân hoan vì niềm tin yêu trở lại thắp sáng trong lòng. Hồi sinh vì tình người sống lại trong tim, sau cơn thống khổ nhục nhằn tưởng đã mòn mỏi, tiêu tan, tàn lụi. Vài người quỳ xuống nguyện cầu. Những bà già ngồi sát lại ôm nhau, bệu bạo vỗ về nhau. Một thằng bé khẽ huýt sáo gọi con chó ghẻ lại, vỗ vỗ cái đầu xơ xác của nó và dụi vào mõm mẩu xương đã gặm nhẵn.
Từ những đống gạch ngói đổ nát hoang tàn xưa là những căn nhà ấm cúng, bỗng có những tiếng đồng ca vang lên, xen lẫn giọng đàn ông, đàn bà và trẻ con. Quang cảnh hoang sơ tiêu điều như thời hồng hoang, như lần đầu loài người biết mừng Lễ Giáng Sinh!
Rồi từng tốp người túa khỏi những đống gạch ngói đổ nát, trên tay mỗi người cầm một thanh gỗ hoặc cành cây cháy dở. Họ đổ xô ra ngoài, dưới bầu trời mờ mờ ánh sao, lên tiếng chúc tụng nhau trong khi những ngọn lửa trên tay vung vẩy, lập loè. Trong lòng mọi người bừng dậy niềm hân hoan như hồi còn thơ dại chạy quanh nhà này sang nhà nọ với một ngọn đèn lồng hình ngôi sao trong tay.
– Weselych Swiat! Weselych Swiat! Chúc Mừng Giáng Sinh! Chúc Mừng Giáng Sinh!
Kuba vẫn say sưa kéo chuông, đầu tựa lên cây kèo gỗ đã va mạnh làm nó suýt ngất xỉu. Hai cánh tay rời rã, nhưng nó vẫn nhịp nhàng đong đưa điệu thánh ca bất hủ, vang vang lan truyền khắp nơi. Thế giới hầu tan biến. Mọi sự vật hầu không còn. Chỉ có đôi cánh tay điều động sợi dây huyền bí mầu nhiệm. Clang-clang! Clang-clang-clang…
Qua đôi mắt nhắm nghiền, Kuba thấy rõ ngôi nhà cũ, nơi nó ra đời và được nuôi dưỡng, dạy dỗ. Trong nhà đầy tiếng trẻ thơ ca hát vui đùa. Rồi nó lại thấy rõ cảnh làng Rynek, Công trường vĩ đại, toà thành Krakow… Rồi từ đỉnh tháp chuông Vương cung Thánh đường Panna, những hồi kèn đồng rộn rã trổi vang quyện tiếng đàn đại phong cầm dìu dặt vọng lên từ vòm giáo đường, hoà giọng cùng ban hợp xướng cất cao lời ca thánh.
Những hình ảnh đó cứ ngời lên, ngời lên. Rõ dần, rõ dần. Những tiếng kèn đồng trổi cao hơn, cao hơn. Vút cao. Vút cao cao hơn. Vút cao. Rồi tất cả bỗng bùng vỡ, hào quang tung bay…
Kuba ngã xuống. Tay tuột khỏi sợi dây. Rơi trong bóng tối. Bóng tối phủ đầy mặt sàn gác lạnh lổn nhổn đá gỗ vụn. Nó cảm thấy hình như có một điệu nhạc nhè nhẹ, dịu dàng dâng lên. Êm đềm. Vời vợi. Rồi yên lặng.
Bừng hé mi, mắt Kuba gặp khuôn mặt hiền dịu của mẹ, nét ngây thơ của em, vẻ âu lo của cha, cái nhìn thương cảm của anh. Và phía sau những khuôn mặt thân yêu đó, rõ rệt hơn cả, là gương mặt rạng rỡ của ông nội. Kuba nở một nụ cười tươi hơn hớn như đoá hồng trong đám dây kẽm gai giăng ngang khu giáo đường phủ tuyết trắng. Nguồn vui đoàn tụ bất ngờ dâng tràn sinh lực trong người làm nó vụt ngồi nhỏm dậy ngay như có sức mạnh vô hình đỡ dậy. Kuba hớn hở:
– Tuyệt! Tuyệt! Cả nhà đây rồi!
Cả nhà ôm choàng thằng bé. Kẻ siết tay. Người vò đầu. Kẻ hôn lên má. Người quàng qua vai. Kuba reo lên:
– Má! Ba! Anh Jan! Ba Má và anh Jan từ đâu tới vậy?
Mẹ Kuba từ tốn, dịu dàng:
– Cả nhà đi tìm hai đứa. Cả nhà tìm được nơi tạm trú ở làng Kopernik gần đây. Ông nội đi trước, không ai cản ông được. Ông cứ bỏ đi. Mãi khi tới nhà thờ này thì ông nội ở miết lại để tìm cách kéo chuông cho kỳ được. Cũng hay, là ông nội tìm được ngôi nhà thờ này còn tháp chuông để kéo. Nếu không thì ông nội chẳng tìm được hai đứa. Ông nội già yếu rồi, hai đầu gối lập cập quá… Ôi, con ngã có đau lắm không?
– Không Má ơi! Con không đau. Chỉ khi bị va đầu vào cây kèo gỗ thôi!
Vừa nói đến đây, Kuba nhìn ra cửa, thấy lố nhố người với ánh đuốc chập chùng. Nó há hốc mồm, lắp bắp:
– Ô kìa! Gì thế? Cái gì thế?
Cả nhà kéo những tấm ván chắn, nhìn ra ngoài.
Sân nhà thờ đầy người. Có tiếng hỏi to:
– Chúng tôi đến cám ơn người kéo chuông!
Kasia nhanh nhẩu hãnh diện chỉ vào Kuba. Hai người đàn ông tiến tới nâng bổng Kuba lên, đưa lên đưa xuống đúng 3 lần theo truyền thống Ba Lan thường dùng để biểu lộ lòng ngưỡng mộ cảm phục. Kuba sợ hãi nhìn quanh:
– Cháu có làm gì đâu! Cháu chỉ kéo chuông giúp ông nội cháu…
Người đàn ông đã cho anh em Kuba vào sưởi trong căn nhà đầu tiên, trịnh trọng nói lớn để mọi người cùng nghe:
– Đúng rồi! Cháu đã kéo chuông. Cháu kéo chuông Giáng Sinh cho tất cả mọi người quanh đây, cho tất cả dân tộc Ba Lan. Cháu kéo chuông Giáng Sinh thức tỉnh cả thế giới. Cháu nhớ mới mấy tiếng đồng hồ trước đây gặp những người này bên ngọn lửa ấm trong tâm trạng chán chường, tuyệt vọng biết chừng nào. Chính cháu đã thổi luồng sinh khí tin yêu vào cuộc sống héo hắt nhục nhằn. Chính cháu đã mang niềm hy vọng nhen nhúm lại ngọn lửa sinh tồn trong cuộc đời. Chính cháu đã khơi động lại tình người trong lòng người. Con người không thể sống vị kỷ. Đó là Lời Chúa. Trong cơn khốn cùng, chúng ta cần thương yêu nhau nhiều hơn. Cháu hãy nhìn xem ý nghĩa phục hồi của Hồi Chuông Giáng Sinh.
Ông trỏ vào đám đông đứng chật sân thánh đường. Họ đứng sát bên nhau, vai kề vai, say sưa ngước mắt lên trời trong cử chỉ vô cùng chân thành, cùng cất cao lời ca tôn vinh Đấng Cứu Thế ra đời chuộc tội cho nhân loại:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Eric P. Kelly
Trần Thị Lai Hồng dịch từ truyện The Bell Ringer of Pinsk
do Lois Johnson chuyển sang Anh ngữ từ nguyên tác tiếng Ba Lan của Eric P. Kelly.
(Trích Merry Christmas to You – Wilhelmina Harper sưu tầm)