Ngài đến đây làm gì?

 

Lời Ngỏ

I.       NGÀI ĐẾN CỨU CHUỘC LOÀI NGƯỜI.

1.     Ngài đến để cứu chuộc con người.

a.          Kế hoạch của Thiên Chúa và lời xúi giục của Satan.

b.         Thiên Chúa khẳng định bằng mầu nhiệm Nhập thể.

2.     Ngài đến cứu chuộc cuộc sống con người.

a.          Tội làm mất ý nghĩa cuộc sống.

b.         Mầu nhiệm con Thiên Chúa làm người, cuộc sống được lại ý nghĩa tuyệt đối.

3.     Ngài đến cứu chuộc loài người.

a.          Tội lỗi làm cho loài người tan rã.

b.         Ngài đến cứu chuộc loài người.

II.     NGÀI ĐẾN CỨU CHUỘC THẾ GIỚI VẬT CHẤT

III.   NGÀI ĐẾN CỨU CHUỘC LỊCH SỬ

 

Lời Ngỏ

Ba vòng con giáp đã xoay qua giữa hai lần tôi tra tay vào bài viết này: lần thứ nhất gõ máy chữ lóc cóc ở Phú Nhuận, trong nỗi thúc bách của Hội Thánh tại Việt Nam bước vào một hoàn cảnh lịch sử mới mẻ đầy thách đố, theo yêu cầu của Ban Thần Học thuộc Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt-Nam. Sau đó cha Chân Tín và ông Nguyễn ngọc Lan đề nghị tôi soạn lại để có thể đăng trên báo Đứng Dậy. Báo Đứng Dậy đã đăng bài này trước khi vĩnh viễn “nằm xuống” “vì đã hoàn thành sứ mạng lịch sử”. Đa số các vị trong Ban Thần Học thời ấy đã về hưởng mặt Chúa, khỏi cần suy tư nữa. Cũng ít người biết là đã có một ban thần học của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam, lại càng không biết cái ủy ban đó đã làm được gì, vì các tài liệu chỉ được đánh máy trao tay cho các giám mục. Những người chủ trương báo Đứng Dậy cũng đã nằm xuống. Thế hệ điện tử không chắc mấy người biết là đã có một tờ báo tên là Đứng Dậy…

Từ năm năm nay tôi muốn đưa đề tài này trở lại trên một trang báo điện tử để nhiều người có thể cùng suy nghĩ, vì mầu nhiệm Nhập Thể không bao giờ là cũ xưa mà luôn mới mẻ, hiện đại đối với Kitô hữu chúng ta. Có một người chia sẻ với tôi rằng hồi đó đang là sinh viên y khoa, đã toan vượt biên, nhưng sau khi đọc bài báo này đã dứt khoát ở lại tiếp tục học y khoa để phục vụ đồng bào. Hiện nay ông là bác sĩ phục vụ trong một bệnh viện lớn ở Saigon.

Thế hệ chúng tôi đã làm nhiệm vụ của mình để giúp Hội Thánh tại Việt Nam định hướng mục vụ trong những năm nhai “bo bo” và những hạt cơm còn chất sỏi đá, vì Đất Nước phát triển theo khẩu hiệu“với sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Lần này từ Giêrusalem, tôi muốn trao cây gậy của cuộc chạy tiếp sức xuyên lịch sử vào tay thế hệ điện tử. Nhờ một người anh em đã chép lại bài trên máy vi tính, từ những trang giấy báo đã đổi màu, tôi có thể “phủi bụi”cho nó và đưa cho thế hệ Ipad đọc, không phải như một công trình hoàn chỉnh để truyền từ đời này qua đời kia, nhưng như một đề nghị tiếp nối dòng suy tư mà thế hệ “máy đánh chữ” đã khởi đầu, khi Đất Nước đi vào một giai đoạn lịch sử mới.

Thời đó chúng tôi được học tập đầy hai lỗ tai về “ba dòng thác cách mạng”. Thế hệ Ipad đang bơi trong dòng “nước lũ” của cách mạng, một cuộc cách mạng toàn cầu đang làm đảo lộn mọi giá trị truyền thống, kể cả Xã Hội Chủ Nghĩa.

Chỉ có “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi mãi đến muôn đời”(Hr 13,8).

 Mỗi thế hệ phải theo Đức Kitô trong ngày hôm nay của mình.

Các bạn thế hệ điện tử hãy can đảm vào cuộc chạy tiếp sức này với tốc độ điện tử để không bị “dòng lũ cách mạng” cuốn trôi. Các bạn đừng sợ, vì các bạn có Đức KITÔ là mỏ neo (Hr 6,19).

Giêrusalem, Mùa Vọng 2013.

*

*       *

Cùng với thánh Phê-rô và các tông đồ, người Ki-tô giáo tuyên xưng Đức Giê-su Nadaret là Con Thiên Chúa đã sinh làm người, đã đến trong thế giới loài người. Sự kiện được tuyên xưng đó có thêm gì cho cuộc sống con người không? Ngài đến đây làm gì? Phải chăng Ngài đến tham quan thế giới loài người rồi lại ra đi, để lại thế giới này như cũ, chẳng thêm gì cũng chẳng bớt gì? Phải chăng Ngài chỉ đem lại một lời hứa hẹn xa vời để làm dịu bớt nỗi đau của cuộc sống con người? Phải chăng tin là tin rằng Ngài đã đem lại cho loài người, cho vũ trụ này và cho lịch sử một biến đổi vô cùng sâu sắc, một ý nghĩa tuyệt đối, ngay từ bây giờ?

Trong Phụng vụ trước Công đồng Vatican II, Giáo hội cho đọc lại đoạn mở đầu Tin Mừng theo Thánh Gioan sau thánh lễ, trước khi linh mục rời bàn thờ, đọc tới câu “Ngôi Lời đã làm Người và ở giữa chúng tôi” thì bái gối. Hai sự kiện đều có ý nghĩa. Bái gối là thờ lạy và cảm tạ vì mầu nhiệm tuyệt vời Thiên Chúa đã thực hiện. Đọc lại bài Tin Mừng này kết thúc thánh lễ, như để mời gọi người tín hữu tiếp tục sống thánh lễ, tức là sống mầu nhiệm nhập thể trong cuộc sống của mình. Nhưng người ta chẳng chú ý bao nhiêu tới ý nghĩa thiết thực đó, mà chỉ nghĩ tới tôn thờ. Cũng như lễ Giáng sinh thường mang ý nghĩa thờ lạy Chúa Hài Nhi hơn là đưa người ta cảm nghiệm niềm vui có “Chúa ở giữa chúng ta”, hoặc đưa người ta suy nghĩ về ý nghĩa của Mầu nhiệm Nhập thể đối với cuộc sống. Ngay cả trong lãnh vực thần học, nhiều khi người ta cũng dành nhiều thời giờ tìm hiểu và trình bày khía cạnh “thế nào” hơn là khía cạnh “cho ai” của Mầu Nhiệm Nhập thể. Trong Kinh Tin Kính, Giáo hội tuyên xưng rõ ràng: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.” Nhưng thường người ta chỉ nghĩ đến Chúa chết vì loài người hơn là nghĩ đến Chúa sinh ra và sống lại vì loài người. Thực ra không thể hiểu được ý nghĩa của ơn cứu chuộc, nếu chỉ cắt lấy một khúc nào đó trong Mầu nhiệm của Chúa Giêsu mà kinh Tin Kính phát biểu trong mấy mệnh đề liên tục; muốn hiểu đúng, phải đi từ đầu đến cuối đoạn tuyên xưng về Chúa Giêsu như một mầu nhiệm duy nhất, và đọc kỹ yếu tố “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Thiếu mệnh đề “vì loài người…” thì tất cả những điều tôi tuyên xưng về Đức Giêsu trở thành một trò chơi của Thiên Chúa, tôi chẳng cần biết đến, chẳng cần phải tuyên xưng. Còn một yếu tố cuối cùng đáng lưu ý hơn nữa là trong cách giải thích mệnh đề “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”, người ta hay ngầm biến nó thành “vì linh hồn chúng tôi và để cứu rỗi linh hồn chúng tôi”; hoặc tiến xa hơn một bước thì người ta lại phân con người làm hai: Ngài cứu “linh hồn chúng tôi” ngay bây giờ, còn xác sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Xét về một phương diện nào thì nói như thế cũng đúng thôi, nhưng có hoàn toàn đầy đủ không? Khoảng cách giữa hôm nay của ơn cứu chuộc và ngày sau hết, phải chăng là một khoảng trống to lớn đối với thể xác con người, đối với vũ trụ vật chất? Khi thánh Phaolô nói rằng chúng ta và cả thụ tạo cùng rên rỉ chờ đợi ngày vinh quang con cái Thiên Chúa tỏ hiện, thì hiện thời cả thụ tạo đã được cứu chuộc hay chưa? Mầu nhiệm phục sinh có ý nghĩa cho cả vũ trụ hay mới chỉ có ý nghĩa cho con người?

Có thể nêu cả hàng chục câu hỏi như thế về mầu nhiệm Đức Giêsu đối với thân phận con người, đối với vũ trụ vất chất và đối với lịch sử. Câu trả lời đòi một suy nghĩ toàn bộ về Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.

Nói rằng Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta nghĩa là gì? Ở đây chúng tôi không có tham vọng bàn sâu rộng về chính bản chất của mầu nhiệm ấy, nhưng chỉ xin gợi ý để nhìn vào ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập thể cho chúng ta. Ngôi lời đã làm người, trước hết có nghĩa là Ngài đã thành một trong chúng ta, chia sẻ trọn vẹn thân phận và cuộc sống con người, như thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Philip: “Ngài đã trở nên giống một kẻ phàm nhân, cuộc đời chẳng khác chi người thế” (2,7). Điều ấy có đem thêm chút gì cho con người, cho cuộc sống của con người không? Nguyên sự kiện ấy đã có ý nghĩa cứu chuộc hay chưa?

Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta, nghĩa là Ngài đã từ địa vị siêu vượt của Thiên Chúa mà đi vào một tương quan với vũ trụ vất chất giống như chúng ta. Ngài cũng đã cần đến vũ trụ vật chất này để sống, để lớn lên. Nếu vũ trụ này trở thành máu thịt của con người, thì nó cũng đã trở thành máu thịt của Ngài, Con Thiên Chúa. Điều ấy có thêm ý nghĩa gì cho vũ trụ vật chất này không, hay Ngài cũng chỉ là một mảnh vụn nào đó xuất hiện một lần rồi lại tan đi trong cái bao la bát ngát của vũ trụ không ngừng tiến hóa này?

Ngài đã làm người, nghĩa là Ngài đã từ vĩnh cửu của Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, trong một khoảng thời gian cố định. Có thể nói được rõ ràng: Ngài đã sinh ra vào thời vua Hê-rô-đê và hoàng đế Augustô; Ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá, đã chết và được mai táng thời Phong-xi-tô Phi-la-tô làm toàn quyền xứ Giu-đê-a. Sự có mặt của Ngài trong lịch sử có làm gì cho lịch sử không, hay Ngài cũng chỉ là một trong muôn ngàn biến cố của dòng lịch sử tưởng chừng như vô tận đối với kiếp sống của một con người?

Nếu quả thực “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta” mà Ngài đã từ trời xuống thế, thì biến cố ấy phải có giá trị cứu chuộc đối với ba yếu tố: con người, vũ trụ và lịch sử; vì cả ba yếu tố ấy mới làm thành “loài người chúng ta”: không có vũ trụ thì làm sao có loài người, mà có loài người thì không thể không có một lịch sử. Nếu công trình cứu chuộc của Người bỏ sót một trong ba yếu tố này thì kể như Ngài chưa làm người, chưa xuống thế để “cứu thế”.

I.   NGÀI ĐẾN CỨU CHUỘC LOÀI NGƯỜI

Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Đó là một tiếng reo hò vui sướng. Sau khi con người đã nhận ra mình trần truồng, Kinh Thánh đặt vào miệng Thiên Chúa câu bí ẩn này: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi”(St 3,22). Con người đã muốn đoạt lấy quyền tự mình định đoạt điều thiện điều ác để rồi chỉ biết được một điều: thấy mình trần truồng và xấu hổ. Bây giờ thì sẽ phải học cho biết rằng “được sống mãi” là ơn huệ của Thiên Chúa ban chứ không chiếm đoạt được.  Khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người là vô cùng, con người không thể vượt qua để nên bằng Thiên Chúa mà chỉ  có Thiên Chúa mới có thể “tự hạ để xuống ngang hàng với con người” (x.thư Philipphê 2,6-8).  Bây giờ con người reo vui và biết ơn vì gặp được Thiên Chúa đã làm người và đang ở giữa chúng ta.

Nhưng ngày hôm nay người tín hữu nói lại câu ấy phải chăng là nhắc lại một câu chuyện mà một lần nào đó có người đã chứng kiến, cũng như một câu quen thuộc nào đó trong cuốn biên niên sử của một triều đại? Niềm vui ấy chỉ là của một người nào đó đã được hưởng trong lịch sử hay vẫn còn là niềm vui của tôi hôm nay? Câu trả lời tùy ở chỗ biến cố ấy có đem một biến đổi nào trong tôi, trong cuộc sống con người của tôi, và trong loài người chúng ta không?

Nếu như biến cố Ngôi lời làm người không thay đổi gì trong tôi, trong loài người chúng ta hôm nay đây, thì nhiều lắm chỉ là một sự vinh dự cho loài người, vì đã có một lần Thiên Chúa làm người để tham quan thế giới loài người, và là một vinh dự đáng xây đài kỷ niệm. Nhưng Thánh Gioan đã trả lời cho chúng ta trong lời mở đầu Thư thứ nhất của ngài: “Ðiều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống… Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người.  Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn”(1Ga 1, 1.3-4). Vậy thì đó là niềm vui cho tôi, và cho cả loài người chúng ta. Nhờ được hiệp thông với anh em và với Thiên Chúa, tôi được là con người, cuộc sống của tôi được có ý nghĩa và loài người được là loài người.

1.      Ngài đến để cứu chuộc con người.

Trong bài suy niệm về mầu nhiệm Nhập thể, nhà thần học Karl Rahner[1] đi từ yếu tính con người là cởi mở đón vô biên để nhận ra rằng trong Mầu nhiệm Nhập thể, yếu tính của con người đã được thể hiện một lần, và là lần duy nhất ở cấp độ trọn vẹn nhất. Tính cởi mở đối với vô biên của con người là một đà vươn lên, chứ không phải là một đòi hỏi. Thiên Chúa không mắc nợ con người, không ai bắt buộc Thiên Chúa phải làm người, nhưng do một hành động tuyệt vời, hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương của Ngài, Thiên Chúa đã đến và làm tròn đầy khao khát ấy của con người. Biến cố ấy đã diễn ra một lần và kéo dài trong vĩnh cửu: Đức Giêsu Nadaret. Chính ở nơi Đức Giêsu, sự gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa, giữa giới hạn và vô hạn đã thể hiện tuyệt vời, con người đã thả mình trọn vẹn vào lòng Thiên Chúa để nhận lấy cái vô biên của Ngài. Đức Giêsu là con người, là Ađam mới, vì Ngài là sự thành tựu tròn đầy nhất của nhân loại. Đức Giêsu đạt tới sự tròn đầy ấy nhờ đã vâng phục cho đến chết, và dâng hiến chính mình làm của lễ. Và khi đã tới mức thành toàn, Ngài không giữ lấy cho riêng mình cũng như Ngài đã “chẳng khư khư giữ lấy địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2,6). Ngài đã đạt tới thành toàn là để thông cho chúng ta (xem Hr 5, 8-9; 10,14). Ngài đã trở nên kiểu mẫu của chúng ta đến mức thánh Phaolô mời gọi: “anh em hãy mặc lấy Đức Ki-tô” (Ga 3,37). Và thánh Phaolô dám kêu gọi như thế là vì “ai tin vào danh Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).

a.      Kế hoạch của Thiên Chúa và lời xúi giục của Satan.

Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho lại tôi con người, vì Đức Giêsu làm chứng rằng con người là một thành tựu, kế hoạch của Thiên Chúa về con người không phải là một thất bại. Ngài đã trả lời cho loài người thấy rằng Satan nói dối khi nó xúi giục loài người từ chối thân phận của mình. Thiên Chúa muốn con người là hình ảnh của Ngài (St 1,26-27), giống như Ngài, để con người có đủ khả năng làm chủ vũ trụ bao la và mặt đất đầy sức sống này. Nhưng chỉ có Ngài biết Ngài như thế nào và con người có thể là hình ảnh của Ngài như thế nào, nên những đường nét của con người phải do Thiên Chúa xác định. Như vậy con người là một hoạch định của Thiên Chúa. Hoạch định này phát xuất từ tình thương vô biên của Thiên Chúa; Tình Thương muốn cho, muốn trao tặng, muốn chia sẻ. Nhưng trong câu chuyện của Ađam – Eva bị cám dỗ và sa ngã, Satan đã xúi con người nghi ngờ chính tình thương ấy. Nó trình bày dự định của Thiên Chúa như một kế hoạch đàn áp, nhằm nhận chìm con người, không cho con người “nên như Thiên Chúa” (St 3,1-5). Và con người đã theo lời dụ dỗ của Satan, coi dự định của Thiên Chúa là một thất bại. Con người không muốn là hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, nhưng muốn nên bằng Thiên Chúa, muốn “làm Thiên Chúa” nhờ con đường tắt Satan bày cho (St 3,6-7). Nghĩa là con người từ chối kế hoạch của Thiên Chúa và muốn làm một kế hoạch của chính mình. Nhưng thế nào là con người từ chối chính mình, chính yếu tính của mình, vì yếu tính con người là một kế hoạch của Tình Thương Tuyệt Đối. Chính vì thế sau khi phạm tội, con người mới “mở mắt ra, thấy mình trần truồng”: thấy mình không còn là mình.

b.      Thiên Chúa khẳng định bằng mầu nhiệm Nhập thể.

Trong mầu nhiệm con Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa đã khẳng định lại rằng Con Người là một kế hoạch của Tình Thương Tuyệt Đối muốn thông chia, chứ không phải là một kế hoạch lừa bịp. Bằng chứng là chính Con Thiên Chúa đã thành người, đã làm người: “Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài sinh làm con một người đàn bà” (Ga 4,4). Hơn thế nữa, Thiên Chúa đã đặt một căn bản vững chắc cho sự thành tựu tuyệt vời của con người, vì “Ngài đã gửi Thánh Thần của Con Ngài vào lòng của chúng ta để Thánh Thần kêu lên: Abba, Cha” (Gl 4,6). Thiên Chúa đã khẳng định ngược lại với Satan rằng: sự việc con người là một kế hoạch của Thiên Chúa thì không phải là điều ô nhục cho con người, nhưng là thành tựu duy nhất của con người. Thiên Chúa cũng dứt khoát làm cho con người là hình ảnh của Ngài, giống như Ngài và, một cách nào đó, bằng Ngài nữa, vì được thông dự vào chính cuộc sống của Ngài trong tư thế là con, là kẻ đồng thừa tự với Con Một Yêu Dấu của Ngài (x. Rm 8,17). Hai tiếng kêu xuất thần của thánh Gioan giải thích điều ấy: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban con Một của Ngài cho thế gian” (Ga 3,16). “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”(1Ga 3,1-2). Nhờ mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, chúng ta có CON NGƯỜI đang ngự bên hữu Thiên Chúa, đang thi hành quyền năng Thiên Chúa, và tất cả những ai tin vào Ngài, đến với Ngài thì cũng sẽ tới đó với Ngài, vì Ngài ở đâu thì những kẻ phụng sự Ngài cũng được ở đó (x. Ga 12,26). Thế là con người muốn bằng Thiên Chúa nhưng tự mình không vươn lên được, thì Thiên Chúa đã “giáng sinh” làm người để nâng con người lên cho bằng Ngài. Thiên Chúa làm người đã cứu chuộc con người, đã cho lại tôi “địa vị con người”, vì Ngài cho lại tôi kế hoạch yêu thương của Ngài về tôi, cho tôi lại được là hình ảnh của Ngài để làm chủ và vươn tới quyền làm chủ tuyệt đối mà Ngài đang thi hành.

2.      Ngài đến cứu chuộc cuộc sống con người.

Khi tôi tin rằng con người là một kế hoạch của Thiên Chúa, tức là tôi đã nhận một giá trị tuyệt đối cho cuộc sống của con người. Kẻ nào không nhìn nhận một giá trị nào ở ngoài thế giới loài người thì nhận một giá trị nào đó bên trong thế giới loài người làm ý nghĩa cuối cùng cho cuộc sống của mình. Nhưng ai đã nhìn nhận mình là một kế hoạch của Thiên Chúa và sự thành tựu cuối cùng của mình là được chung phần cuộc sống vinh quang của Thiên Chúa, thì không thể nhận một giá trị nào khác làm ý nghĩa cuối cùng, tuyệt đối cho đời mình. Nói thế không có nghĩa là lòng tin vào Thiên Chúa phủ nhận những giá trị của thế giới loài người. Người tín hữu vẫn tôn trọng những giá trị của loài người, nhưng không ngừng lại ở đó mà còn đón nhận một cái đỉnh cao do ân huệ Thiên Chúa ban cho. Cái đỉnh cao này vượt khỏi con người, nhưng Thiên Chúa đã đặt nó vào trong kế hoạch của Ngài về con người[2]. Bởi vậy đối với một người tin Thiên Chúa và nhận mình là một kế hoạch của Thiên Chúa, thì cuộc sống con người trở thành phi lý vô nghĩa nếu con người là một kế hoạch phải đi tới thất bại. Nhưng chỉ có tội lỗi mới làm cho kế hoạch ấy phải đi tới thất bại, còn ơn cứu chuộc thì làm cho kế hoạch ấy thành tựu. Giải thích Ki-tô giáo về cuộc sống con người dựa trên hai thái cực đó: tội lỗi và ơn cứu chuộc.

a.      Tội làm mất ý nghĩa cuộc sống.

Để trở lại với câu chuyện Ađam – Eva, khi họ từ chối một dự định của Thiên Chúa thì họ “thấy mình trần truồng”, vô nghĩa. Cả cuộc sống trở thành gai góc, và sự kết thúc cuộc sống trở thành cái chết, thành một tai họa, vì nó thả rơi con người vào trong tăm tối. Cuộc sống trở thành đường vào bóng tối. Suốt nhiều thế kỷ, các nhà chú giải Thánh Kinh và các nhà thần học đã từng muốn giải thích lời Thiên Chúa tuyên phạt loài người (St 3, 16-19) bằng một loạt những ơn vượt tự nhiên, như là trước đó loài người không phải khổ, không bệnh, không chết… Ngày nay người ta thường giải thích – đơn giản hơn – bằng sự đánh mất ý nghĩa. Sách Sáng Thế trình bày Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và trao cho con người trách nhiệm làm chủ mặt đất (1,27-28), nghĩa là để con người tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài. Chính Thiên Chúa đã làm việc để dựng nên vũ trụ và con người, thì con người cũng phải làm chủ vũ trụ bằng cách làm việc, bằng lao động. Ở chương 2, câu 5, sách này ngầm cho thấy rằng Chúa dựng nên con người là để lao động: “Lúc ấy chưa có con người để canh tác đất đai…” Vậy thì trước khi phạm tội và sau khi phạm tội, con người vẫn có sứ mệnh lao động. Tự nó, lao động không thể là “hình phạt”. Cái gì đã thay đổi? Lời tuyên phạt của Thiên Chúa có nghĩa là gì? Cái đã thay đổi là chính ý nghĩa của lao động. Nó tùy thuộc vào ý nghĩa cuộc sống con người. Khi Ađam–Eva nhận mình là một kế hoạch của Thiên Chúa, thì lao động là cái làm cho họ giống Thiên Chúa, vì nó là cách thể hiện quyền làm chủ mà Thiên Chúa trao cho họ. Vinh quang của con người là được nên giống Thiên Chúa, được tham dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa nhờ lao động. Khi họ từ chối là kế hoạch của Thiên Chúa, tức là từ chối chính mình, từ chối ý nghĩa cuộc sống, thì cuộc sống vẫn còn đó, nhưng nó đã mất ý nghĩa nên trở thành một cuộc đầy ải, cưỡng bức. Thế mà lao động đã được gắn liền vào đó rồi, không tách ra được nữa, nên nó cũng mất ý nghĩa theo. Từ ý nghĩa sáng tạo và làm chủ, lao động đã trở thành một cuộc vật lộn với đất để có miếng ăn. Muốn sống phải lao động, nhưng nếu cuộc sống không còn ý nghĩa thì lao động trở nên khổ sai.

Cuộc sống con người là một hành trình trong không gian và thời gian. Trong lãnh giới Kinh Thánh, Ađam-Eva sa ngã cũng là mất hướng cho cuộc hành trình kia. Con người cần một tương lai để treo hiện tại và đẩy mình đi tới. Khi Ađam–Eva thấy rằng mình đã chối từ Tình Thương Tuyệt Đối, Tình Thương duy nhất làm cho mình tồn tại, làm cho cuộc sống của mình có điểm tới, thì họ thấy mọi sự đều vô nghĩa. Yêu nhau để làm chi? Tình yêu có còn ý nghĩa hay chỉ là nhu cầu không thể kháng cự? Sinh con để làm chi? Để cho nó có một tương lai hay để truyền cho nó cái vô nghĩa mà mình đang sống, và chính mình không muốn sống? Tóm lại, tất cả cái chu kỳ sống – yêu – truyền thông sự sống trở thành vô nghĩa khi tương lai chỉ là một khoảng tối tăm dày đặc. Vậy thì lời tuyên án trong sách Sáng Thế không phải là một “lời sáng tạo” của Thiên Chúa làm nên nổi khổ ải cho con người, nhưng là lời mặc khải cho người biết rằng chính tội lỗi đã làm nên như thế đó. Chính khi Ađam–Eva từ chối cái giá trị tuyệt đối mà Thiên Chúa ban cho để làm ý nghĩa cuối cùng cho cuộc sống, là họ đã làm “phá giá” tất cả mọi tương quan kết thành cuộc sống của mình: lao động là tương quan với vũ trụ vật chất, tình yêu là tương quan với người khác. Họ bị “đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng” (St 3,23), theo ngôn ngữ thật cụ thể của Kinh Thánh, thì chủ yếu vẫn không phải là một vấn đề di chuyển chỗ ở: khi đã không còn ý nghĩa và tình nghĩa thì chỗ ở nào cũng thành chốn xa lạ, thành nơi lưu đầy.

b.      Nhờ mầu nhiệm con Thiên Chúa làm người, cuộc sống được lại ý nghĩa tuyệt đối.

Là tín hữu Ki-tô giáo chủ yếu là tin vào Đức Ki-tô, đón nhận “Tin Mừng” là chính Ngài, Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa đã đến đem con người trở về với Thiên Chúa, cho con người lại được gọi Thiên Chúa là Cha, được “đồng thừa kế” vinh quang vĩnh cửu với Ngài. Cuộc hành trình lại có một điểm tới. Ngõ cụt được khai thông. Ánh sáng đã bừng lên giữa tối tăm. Thế là tất cả lại có ý nghĩa: lao động, tình yêu và cả cuộc sống. Con Thiên Chúa làm người đã không lấy thế làm đủ. Ngài sống trọn kiếp người để chứng minh rằng kiếp người thật đáng sống, rằng con đường làm người quả thật đưa ta đến với Thiên Chúa; đồng thời Ngài sống để vạch cho chúng ta thấy làm sao đến được với Thiên Chúa. Tóm lại, Ngài vừa cho chúng ta một đích tới, vừa vạch cho chúng ta thấy làm sao đi tới. Chính vì thế, Ngài gọi môn đệ: “Hãy đi theo tôi” và Ngài hứa: “Ta ở đâu thì kẻ phục vụ Ta cũng được ở đó” (Ga 12, 26).

Ngài đã sống trọn kiếp người.

Con Thiên Chúa làm người đã đi hết con đường dài của kiếp người. Ngài từ chối mọi đường ngang nẻo tắt. Satan cám dỗ Ngài đi đường tắt: Lạm dụng quyền năng Thiên Chúa để (làm cho đá hóa bánh) phục vụ bản thân mình thay vì thi hành sứ mạng, hoặc dùng quyền năng ấy làm hoa mắt đồng loại để người ta tin theo Ngài, hoặc đi con người tắt cuối cùng là đánh đổi: bỏ Thiên Chúa tín thành để theo Satan lừa dối. Ngài đã từ chối tất cả mọi con đường tắt và dứt khoát đi con đường của Thiên Chúa: “Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 6,38). Thánh Mác-cô đã đối chiếu Chúa Giêsu chịu cám dỗ với Ađam trong Vườn Địa Đàng. Ađam phạm lỗi bị đuổi ra khỏi vườn và thiên thần cầm gươm lửa giữ cửa không cho trở lại đó. Chúa Giêsu chiến thắng Satan nên thiên thần đến hầu hạ Ngài, mọi thú dữ tùng phục Ngài, vì Ngài ở giữa các thú dữ như Ađam trước khi phạm tội (Mc 1,12-13). Còn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (4,1-11) và thánh Luca (4,1-13) thì đối chiếu Chúa Giêsu chịu cám dỗ với Israel trong sa mạc. Israel được Thiên Chúa nhận làm con, cứu họ ra khỏi ai Ai Cập để đưa họ vào Đất Hứa. Nhưng họ đã lỗi phạm nên gục ngã trong sa mạc. Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ, chấp nhận con đường làm con Thiên Chúa trong kiếp người,[3] nên Ngài được đầy quyền năng của Thánh Thần để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Nước trời đã đến, vì Thiên Chúa đã có nơi hiện diện hoàn toàn, chính là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, Đấng hoàn toàn vâng phục Chúa Cha.

Chúa Giêsu từ chối không đi con đường tắt nào, và cũng từ chối không tạo cho loài người con đường tắt nào, nhưng khẳng định bằng tất cả cuộc sống của Ngài rằng kế hoạch của Thiên Chúa về con người là kế hoạch tốt đẹp nhất, thành công nhất, vì Thiên Chúa yêu thương loài người. Khi người đàn bà Samari nghe Chúa nói đến một thứ nước làm cho kẻ uống không còn khát nữa, bà ta liền xin Chúa: “Xin Ngài cho tôi thứ nước ấy đi, để tôi khỏi phải tới đây kín nước nữa” (Ga 4,15). Khi người Do Thái nghe Chúa nói đến một thứ bánh từ trời xuống, họ cũng xin Chúa: “Thưa Ngài: Xin cho chúng tôi thứ bánh ấy luôn mãi” (Ga 6,34), dĩ nhiên là để chúng tôi khỏi phải đổ mồ hôi mới có miếng ăn. Chúa Giêsu từ chối cung cấp thứ nước, thứ bánh làm cho con người khỏi phải mang nỗi vất vả của kiếp người. Chính Ngài sống cuộc đời lao động ở Nadaret, Ngài đã đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm. Sứ mệnh của Ngài không phải là thay thế sức lao động bằng quyền năng Thiên Chúa. Ngài xác định sứ mệnh của Ngài như thế: “Bánh bởi trời chính là Ta. Ai tin ta sẽ được sống đời đời” (Ga 6,51). “Và nước ta ban cho sẽ trở thành mạch suối vọt lên trong kẻ ấy, đưa tới sự sống đời đời” (Ga 4,14);”Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi thì hãy uống.”(Ga 7,37-38). Sứ mệnh của Ngài là đem lại sự sống đời đời. Nhưng sự sống đời đời lại không phải chỉ là sự sống đời sau. Sự sống đời đời bắt đầu ngay từ bây giờ: “Ai thấy người Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40). Thánh Gioan giải thích trong Thư Thứ Nhất: “Ngay từ bây giờ chúng ta là con Thiên Chúa rồi.” (1 Ga 3,2). Nghĩa là cả kiếp sống làm người trở thành kiếp sống làm con Thiên Chúa. Cả cuộc hành trình trong thời gian và trong không gian trở thành cuộc hành trình vào vĩnh cửu. Chúa Giêsu cũng từ chối dùng quyền năng của Ngài để giải phóng dân tộc Do Thái về phương diện chính trị. Khi người Do thái thấy Ngài làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi họ, họ toan bắt cóc Ngài mà tôn vương, tôn làm thủ lãnh chính trị của họ. Chúa Giêsu trốn tránh toan tính này (Ga 6,35). Sau này Chúa sẽ tuyên bố trước mặt Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 19,36)[4]. Nghĩa là ngài không đến vận dụng quyền năng Thiên Chúa để thay thế con người. Ngài đến để tôn trọng cuộc sống con người và đem cho nó giá trị cuối cùng: sự sống đời đời, sự thành tựu vĩnh viễn của kiếp người.

Con đường tắt cuối cùng mà người Do Thái nài nỉ Chúa Giêsu ban cho họ là chịu làm một dấu lạ nào để thuyết phục họ ngay tức khắc (Ga 6,30). Họ không muốn trải qua nỗi băn khoăn của con người phải tự quyết định đón nhận tình thương của Thiên Chúa hay không, nhưng muốn Thiên Chúa ra oai trấn áp sự lựa chọn của mình, “bắt cóc” mình. Chúa Giêsu từ chối bắt cóc loài người. Thiên Chúa đã dựng nên con người tự do và Thiên Chúa muốn tôn trọng tự do con người đến cùng, dù con người có từ chối Ngài đi nữa, Ngài cũng không cưỡng ép. Những người bà con của Chúa Giêsu cũng đề nghị Ngài lên Giê-ru-sa-lem “biểu diễn” quyền năng Thiên Chúa cho họ thấy. Nhưng Ngài cũng từ chối (x.Ga 7). Chúa Giêsu dứt khoát không đi đường tắt, và cũng không chịu tạo nên một con đường tắt nào; dù con đường Ngài đi phải qua thập giá và đưa Ngài vào tận đáy âm ty, Chúa vẫn đi đến cùng, để làm chứng rằng mọi kế hoạch của Thiên Chúa là yêu thương và thành tín. Cuối cùng “chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài” (Ph 2,9).

Ngài là Amen.

Chính vì đã chấp nhận thi hành trọn vẹn kế hoạch của Chúa Cha, nên Chúa Giêsu là Amen (x. 2Cr 1,19-20; Kh 3.14) (nghĩa là: Vâng; đúng như vậy). Ngài là Amen Chúa Cha nói với chúng ta, vì nơi Ngài Chúa Cha khẳng định với chúng ra rằng Chúa Cha thật yêu thương chúng ta chứ không lừa dối, áp đặt. Chúa Cha thành tín, giữ đúng mọi lời hứa chứ không phỉnh gạt loài người. Chúa Giêsu là Amen của chúng ta thưa với Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu đã nhân danh loài người “xin cho ý Cha nên trọn”, xác nhận rằng mọi dự định của Chúa Cha là yêu thương thành tín, là hạnh phúc cho con người. “Bởi vậy nhờ Ngài chúng ta có thể thưa Amen với Thiên Chúa để tôn vinh Thiên Chúa” (2Cr 1,20).

Tóm lại, Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người đã sống trọn vẹn kiếp người để phục hồi giá trị cuộc sống con người, bằng cách cho nó một ý nghĩa và vạch ra một thái độ sống để đạt tới ý nghĩa ấy. Ngài không đem quyền năng Thiên Chúa thay thế một bộ phận nào trong cuộc sống con người, nhưng Ngài đem toàn bộ cuộc sống con người vào trong vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ngài làm cho kiếp người trở nên đáng sống.

3.      Ngài đến cứu chuộc loài người.

Còn một chiều kích nữa của con người cũng phải được cứu chuộc, đó là chiều kích xã hội. Nó hàm chứa lời tuyên xưng: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi”. Lời tuyên xưng này không chỉ có nghĩa là Ngài đến để cứu hết mọi người, như một tổng số những cá nhân riêng rẽ. Nó còn bao hàm chính cái tính xã hội của con người nữa, vì đó là một chiều kích không thể tách rời khỏi con người và cuộc sống của con người. Tính xã hội của con người không phải là “tính bầy đàn” của loài vật, vì con người có ý thức về tương quan này và làm chủ tương quan này. Loài người không phải là một tập hợp những cá thể có cùng một bản chất, nhưng là một cộng đồng được kết nối bằng tình huynh đệ. Vậy thì nói rằng Ngài đến cứu rỗi chúng tôi có nghĩa là Ngài cứu cả chiều kích xã hội này nữa, để làm cho loài người chúng tôi thật sự là loài người, liên kết trong một tình huynh đệ.

a.      Tội lỗi làm cho loài người tan rã.

Trong dự định của Thiên Chúa, như sách Sáng Thế trình bày, thì cả loài người mới là hình ảnh của Thiên Chúa, và cả loài người phải liên kết với nhau để chinh phục mặt đất (St 1,26-30). Nhưng tội lỗi làm đứt nát sợi giây liên kết loài người.

Sợi dây liên kết thứ nhất là tương quan giữa đàn ông và đàn bà, “Ađam và Eva”. Chương thứ hai trong sách Sáng Thế dùng một hình ảnh rất thơ mộng để diễn tả mối tương quan này: Thiên Chúa đi tìm cho người đàn ông một người bạn đồng hành trên dương thế, nhưng điểm mặt hết mọi loài vật, chẳng có loài nào xứng làm bạn với người đàn ông. Cuối cùng Thiên Chúa đã lấy xương sườn của người đàn ông mà nặn thành người đàn bà. Khi người đàn ông mở mắt ra sau giấc ngủ cô đơn, ông nhận ra người đàn bà Chúa đem đến cho mình “là xương là thịt” của mình. Có lẽ khó tìm được một hình ảnh thơ mộng hơn và sâu sắc hơn để diễn tả mối tương quan tuyệt diệu này. Cả hai là một xương một thịt, cả hai hợp thành một để đón nhận và làm chủ mặt đất. Nhưng tội lỗi đã làm biến chất mối tương quan tuyệt vời ấy. Sau khi cả hai đã lỗi giới răn của Chúa, thì người đàn ông lại mở mắt ra một lần nữa, để nhận ra người đàn bà Chúa đem đến cho mình là một cạm bẫy, một kẻ cám dỗ, kẻ xúi mình phản bội Thiên Chúa. Người mà trước đây ông gọi là “xương tôi thịt tôi” – thiết cốt: chạm sâu đến xương – thì bây giờ đã trở thành “cái người đàn bà mà Chúa đặt bên tôi”, một  món đồ phụ tùng ở bên ngoài. Người bạn duy nhất xứng đáng với ông thì đã trở thành “mụ ấy hái trái cây và đưa cho tôi và tôi ăn”. Và mối tình khắng khít làm cho hai người nên một xương một thịt bây giờ trở thành một tương quan thống trị: người đàn ông trở thành đối tượng thèm muốn của người đàn bà, và người đàn bà trở thành đối tượng thống trị của người đàn ông (3,16). Thế là mối tương quan thứ nhất giữa người với người, để loài người được tồn tại và phát triển, đã bị tội lỗi làm cho biến chất đi rồi. Cả hai đã từ chối một Tình Thương siêu việt vẫn làm cho mỗi bên nhận ra bên kia là một quà tặng của Tình thương, là bạn đồng hành để đến với Tình Thương: Đứng trước sự mất mát to lớn ấy, người bạn đồng hành trở thành kẻ cám dỗ, cái nhìn yêu thương trở thành cái nhìn hằn học, oán hận. Và đứa con lẽ ra là hoa trái của tình yêu trở thành hoa trái của nổi đau của người đàn bà.

Sợi dây thứ hai nối kết loài người là tình anh em. Sách Sáng Thế trình bày sự xuất hiện và biến chất của tình huynh đệ ở chương 4 và chương 11. Đứa con đầu lòng xuất hiện làm cho người mẹ reo vui sung sướng:”Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người” (St 4,1). Đứa con thứ hai xuất hiện là niềm vui cho đứa con thứ nhất, vì là em nó. Trong bản văn Hip-ri, đứa con thứ hai được gọi là “em nó” trước khi nhận cái tên là Abel. Tình huynh đệ không xuất phát từ một quy luật pháp chế nào, nhưng dựa trên chính sự kiện hai người cùng là người, do người sinh ra. Trách nhiệm đối với anh em cũng phát sinh từ đó, chứ không chờ đợi một luật lệ nào. Sau này khi Ca-in đã giết em, Chúa hỏi: em ngươi đâu? Ca-in dùng một từ pháp luật để vặn lại Chúa: Tôi là người canh giữ em tôi sao?”. Diễn ý theo từ pháp luật thì câu ấy nghĩa là “ai trao cho tôi trách nhiệm giữ em tôi hồi nào?” Quả thật trong bản văn thì không hề thấy Chúa tuyên bố cho Ca-in và Abel một luật nào về tình huynh đệ. Nhưng Chúa vẫn hỏi tội Ca-in và đòi nợ máu cho Abel. Vậy thì câu chuyện muốn khẳng định rằng tình huynh đệ và trách nhiệm đối với anh em nằm trong bản chất con người chứ không đợi phải do pháp luật đặt ra. Chính Thiên Chúa đứng ra bảo đảm cho tình huynh đệ. Ca-in dụ em ra ngoài đồng để không có ai chứng kiến lúc hắn giết em. Nhưng hắn lầm, còn có Thiên Chúa bênh vực quyền sống của người em, và chính Thiên Chúa đòi nợ máu cho người em. Đến khi Thiên Chúa tuyên phạt Ca-in, hắn sợ bị người khác giết thì Chúa lại bảo đảm mạng sống cho hắn: “Kẻ nào giết Ca-in sẽ bị báo oán bẩy lần” (4,15).

Tình anh em đã biến chất như thế nào?

Chương 4 của sách Sáng Thế trình bày hai bước của sự biến chất này. Bước thứ nhất là Ca-in coi Abel là kẻ chia bớt phần của mình. Hình ảnh dùng để diễn tả là hai người cùng dâng của lễ, Abel được Thiên Chúa nhận, Ca-in không được Thiên Chúa nhận. Câu chuyện không hề nói đến lý do tại sao người này được nhận, người kia không, và chỉ khai thác thái độ của Ca-in đối với em mình. Ca-in tức giận: hắn lầm lì mưu tính một mình. Rồi một ngày kia hắn rủ em ra ngoài đồng. Không ai chứng kiến. Hắn xông vào giết em. Đến đây chúng ta thấy rõ ý đồ của Ca-in: hắn muốn loại trừ đứa em để không còn ai chia bớt phần của hắn, hắn sẽ độc chiếm cả Thiên Chúa và mặt đất. Bước thứ hai: hắn giết tình huynh đệ ngay khi lạm dụng sự tin tưởng của đứa em để lập mưu giết em, và khi giết em rồi thì hắn đã chôn tình huynh đệ. Lời Thiên Chúa tuyên phạt Ca-in diễn tả nỗi cô đơn của hắn sau đó: “Ngươi sẽ là kẻ lang thang trên mặt đất”. Không phải Thiên Chúa làm cho hắn trở thành kẻ lang thang, nhưng chính hắn đã tự đẩy mình vào thân phận cô độc lang thang khi hắn giết em. Hắn muốn độc chiếm Thiên Chúa thì Thiên Chúa đuổi hắn đi; hắn nhìn nhận “từ nay tôi sẽ phải ẩn xa mặt Chúa” (4,14). Hắn muốn độc chiếm mặt đất thì hắn trở thành kẻ lang thang cô độc, và hắn sợ rằng “người đầu tiên gặp hắn sẽ giết hắn” và chính mặt đất cũng sẽ không sinh hoa mầu cho hắn nữa. Ca-in đã không muốn có người em đồng hành để làm chủ mặt đất thì Ca-in cô độc và không làm chủ được mặt đất. Ca-in đã giết tình huynh đệ và giết em. Bài ca của Lamek ở cuối chương 4 là một lời tuyên bố rằng tình huynh đệ đã chết: “Ta đã giết một người vì ta bị một vết thương, ta đã giết một đứa trẻ vì ta bị trầy; vì Ca-in được báo thù gấp bẩy, còn Lamek được báo thù gấp bẩy mươi bẩy” (4,23-24).

Câu chuyện tháp Babel ở chương 11 sách Sáng Thế trình bày tình anh em bị biến chất một cách khác: nó biến thành sự đồng lõa. Con cháu ông Nô-ê hợp nhau xây một ngọn tháp cao thấu trời để lưu danh hậu thế trước khi chia tay nhau đi tìm nơi sinh sống trên mặt đất. Câu chuyện có vẻ vô tội vạ. Nhưng trong nhãn quan của Kinh Thánh coi trời là nơi Chúa ngự, thì đây là hành động khiêu khích Thiên Chúa. Con cháu Nô-ê hợp ý với nhau để khiêu khích, để chọc trời. Sự hòa hợp trong tình anh em đã bị họ biến thành sự đồng lõa. Bởi vậy Thiên Chúa ngó xuống coi họ làm cái trò gì, và Thiên Chúa đã làm cho ngôn ngữ của họ trở nên bất đồng để họ không còn hiểu nhau được nữa, không còn hòa hợp với nhau được nữa. Câu chuyện này thuộc loại chuyện giải thích nguồn gốc (trong Cựu Ước có nhiều chuyện loại này), nhằm giải thích tại sao loài người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đây không phải là một giải thích khoa học, cũng như những chương đầu của sách Sáng Thế không phải là một giải thích khoa học. Sách Sáng Thế đã vận dụng câu chuyện này để trình bày một vấn đề sâu sắc hơn. Khi tình huynh đệ biến thành đồng lõa thì nó tan vỡ. Sự đồng lõa của con cháu Nô-ê bao hàm sự từ chối Tình Thương Siêu Việt liên kết mọi người. Họ muốn xây một ngọn tháp để lưu danh hậu thế thay vì xây dựng con người và cuộc sống, muốn chọc trời thay vì hoàn thành công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Kết quả là họ không còn hòa hợp được với nhau nữa, mỗi người mỗi ý, mỗi người mỗi ngả, “phân tán ra khắp mặt đất”. Sự phân tán này cũng như cảnh bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng trên kia chủ yếu không phải là ở không gian: họ có tiếp tục tụm lại với nhau thì cũng chỉ còn như một rổ cua: xã hội loài người anh em đã tan vỡ, nhường chổ cho chủ nghĩa cá nhân hoành hành.

Tóm lại, những sợi giây liên kết loài người đã đứt tung vì tội lỗi: từ chối một tương quan chiều dọc siêu việt làm trục nối kết, coi anh em là kẻ chia bớt phần nên loại bỏ nhau hay biến nhau thành kẻ đồng lõa. Làm sao nối lại những mối dây ấy?

b.      Ngài đến cứu chuộc loài người.

Con Thiên Chúa làm người đã đến để làm cho người người lại được là loài người, nối kết với nhau bằng tình yêu thương bình đẳng và huynh đệ. Ngài đã tái lập loài người bằng cách Ngài đích thân trở nên anh em của con người để cho họ chia sẻ cùng một sự sống, được gọi Cha của Người là Cha của họ; Ngài cho họ một gia tài chung và dạy cho học cách sống tình huynh đệ.

1-     Ngài trở nên anh em của con người.

Ngài vốn là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã làm người, đã trở nên cùng huyết nhục với con người. Ngài nhận họ là anh em của Ngài (x. Hr 2,11); không phải chỉ lúc Ngài sống trong thân phận con người tại thế, mà chính lúc Ngài lên với Cha, vào trong vinh quang vĩnh cửu của Ngài, Ngài gọi họ là anh em của Ngài. Ngài nói với Maria Ma-đa-lê-na: “Hãy đi nói với anh em của Thầy…” (Ga 20,17). Trong câu chuyện ngày phán xét (Mt 25,31-46), Ngài nhận những người bé nhỏ nhất, cùng khốn nhất là anh em của Ngài. Trong câu chuyện người Sa-ma-ri nhân hậu, Ngài diễn tả chính thái độ của Ngài: Ngài tự nhận là anh em của loài người cần được cứu chuộc. Nếu con người nhận ra Ngài là anh em của tất cả mọi người thì cũng nhận ra mình là anh em của nhau. Để dễ hiểu điều này, chúng ta có thể đối chiếu với câu chuyện của ông Giu-se, vẫn trong sách Sáng Thế, các chương 37; 42-45. Mười người anh của Giu-se đồng lõa với nhau để thủ tiêu Giu-se, cuối cùng họ bán Giu-se làm nô lệ cho bọn lái buôn, vì còn nghĩ đến chút tình ruột thịt không nỡ giết. Khi Giu-se đã trở thành người quản lý nước Ai Cập, mười người anh em này kéo sang mua lúa. Họ không nhận ra Giu-se nhưng Giu-se nhận ra họ. Ông đã bắt họ trải qua hai cuộc thử thách rất đau đớn để biến đổi tình đồng lõa của họ trở lại thành tình huynh đệ đích thật, trước khi cho họ biết ông chính là em của họ. Trong lần gặp lại đầu tiên, ông đã bắt họ chứng thực rằng người em út còn sống thì mới cho họ về. Họ nhận ra tai họa này là để đền tội đồng lõa hại Giu-se. Sau đó ông Giu-se bắt mười người đó phải chứng thực họ là anh em với nhau: ông bắt Si-me-on giữ lại, cho chín người kia về. Nếu họ thật tình làm anh em của nhau, thì họ phải trở lại, đem cả người em út để cứu Si-me-on về. Lần gặp gỡ thứ hai, khi chín người anh trở lại, đem theo người em út cùng cha khác mẹ, nhưng cùng mẹ với Giuse. Ông này lại muốn họ phải chứng thực họ nhìn nhận người em út này là em, nên ông lập kế giữ người em út lại. Họ đã tỏ ra liên đới thực sự với người em út và muốn làm mọi cách để tránh cho người cha nỗi đau đớn phải mất đứa con út. Tình huynh đệ và lòng hiếu thảo của họ được tôi luyện qua hai cuộc thử thách, giờ đây ngời sáng. Giu-se tái xuất hiện giữa họ với khuôn mặt người em. Gia đình được đoàn tụ trong tình hiếu thảo và tình huynh đệ chân thật. Giu-se là nạn nhân của sự ghen tương và đồng lõa của mười người anh, giờ đây đã thành công trong việc giáo dục, gầy dựng lại tình huynh đệ cho mười người anh. Ông bắt họ phải thật tình liên đới với nhau, rồi phải thật tình liên đới với người em út cùng cha khác mẹ nữa. Họ đã đáp ứng đòi hỏi của ông. Họ đã làm sống lại tình huynh đệ. Tương tự như thế, Đức Giêsu Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người đã tự liên đới với mọi người và với từng người, để làm cho mọi người lại liên kết với nhau nhờ liên kết với Ngài, lại nhận ra nhau là anh em khi nhận Ngài là anh em của mình.

2-     Ngài cho lại chúng tôi một người Cha.

Cũng trong câu chuyện Giu-se trên đây, các anh của ông vẫn tự nhận là con cùng một cha, nhưng trong thái độ đối với ông thì họ lại chẳng quan tâm đến cha của họ, họ sẵn sàng nói dối cha. Họ muốn phủ nhận Giu-se là em của họ thì họ cũng làm như không còn nhận Gia-cop là cha của họ nữa. Bởi thế trong khi giáo dục lại tình huynh đệ cho họ, Giu-se cũng giáo dục lại lòng hiếu thảo nữa. Miệng họ vẫn bô bô rằng họ là một nhóm mười hai anh em con cùng cha, nhưng cách cư xử của họ không phải như vậy. Bây giờ họ phải thành thật nhìn nhận ông Gia-cob là cha của cả mười hai người, không trừ ai, thì tình anh em mới sáng lên được: Họ sẵn sàng liên đới với Si-me-on cũng như với Ben-gia-min vì nghĩ đến người cha ở nhà. Họ chứng tỏ được tình cảm đậm đà đối với cha và đối với em họ đến nỗi “Giuse cầm mình không được” nữa mà phải chấm dứt cuộc thử thách (45,1).

Để tái lập sợi dây liên đới huynh đệ giữa loài người, Con Thiên Chúa cũng cho loài người một người Cha: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17). Con người là anh em với nhau vì cùng là anh em của Ngài, và cùng một Cha với Ngài. Ngài đến để tỏ cho họ biết Cha của họ. Ngài nói với họ lời của Cha, Ngài tỏ cho họ những việc của Cha, Ngài giãi bày cho họ thấy tình thương của Cha trên trời qua những câu chuyện, những lời chỉ bảo, những lời kinh Ngài dạy (Bài Giảng trên núi, Mt 5-7; Ga 5). Ngài giải bày cho họ thấy Chúa Cha trọn vẹn đến nỗi Ngài có thể nói trong bữa Tiệc Ly: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha rồi (Ga 14,9). Ngài tỏ cho con người thấy Cha của Ngài để cho họ cũng được gọi Cha của Ngài là Cha của mình. Bài kinh duy nhất Ngài dạy để thưa với Thiên Chúa mở đầu bằng câu “Lạy Cha chúng con”. Tất cả thái độ Ngài dạy để sống với Thiên Chúa là thái độ làm con của Cha trên trời (x. Mt 6).

Không những Ngài cho được gọi Cha của Ngài là Cha của chúng ta, Ngài còn cho những ai đón nhận Ngài trở nên “cùng huyết nhục” với Ngài, vì Ngài cho họ chính sự sống của Thiên Chúa, sự sống Ngài đã lãnh nhận bởi cha Ngài từ đời đời. Ngài tuyên bố: “Ý muốn của Cha Ta là thế này: ai thấy người Con và tin vào Người thì được sự sống đời đời; và Ta, Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40). Bởi vậy Thánh Gioan kêu lên: “Hãy xem Thiên Chúa yêu thương chúng ta chừng nào, vì chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và thật sự chúng ta là như vậy”(1 Ga 3,1), vì được sống sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa ngay từ bây giờ: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha!” (Gl 4,6). Thế là cùng với người Cha, Con Thiên Chúa đã cho chúng ta một gia nghiệp chung, vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy (1 Ga 3,2). Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “nhà Cha” và “chỗ ở” để nói với các môn đệ điều ấy: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở … Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy  lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3). Như vậy chúng ta là anh em với nhau vì chúng ta có cùng một Cha và cùng một gia nghiệp.

Chúa Giêsu sẽ dựa vào đó để xác định và đòi hỏi sự bình đẳng giữa mọi người. Đứng trước luật ly dị rất là dễ dãi và đầy tính cách đàn áp phụ nữ, Chúa Giêsu đã đòi lại quyền bình đẳng cho người phụ nữ. Ngài nhân danh kế hoạch của Thiên Chúa về con người để đòi người đàn ông và người đàn bà đã thành vợ chồng với nhau phải thật sự đối xử với nhau như xương thịt của nhau (x. Mt 19, 1-9). Ngài đòi phải tôn trọng cả những người mà người ta cho là thấp hèn nhất, vì Cha trên trời yêu thương và bảo vệ những người ấy (x. Mt 18, 10-14). Ngài đòi  phải yêu thương mọi người để xứng đáng là con Cha trên trời, vì Cha trên trời không loại trừ ai (x. Mt 5, 43-48). Ngài đòi phải cứu giúp, nâng đỡ những người cùng khốn nhất, vì họ là anh em của Ngài và Ngài sẽ nhân danh Cha Ngài mà xét xử mọi người, chỉ có ai yêu thương giúp đỡ anh em mới được vào Nước Trời (x. Mt 25, 31-40). Thế là Chúa Cha và gia nghiệp chung trở thành cái trụ đứng nâng đỡ những tương quan chiều ngang giữa người với người.

3-     Ngài đến đây dạy chúng tôi sống tình huynh đệ.

Con Thiên Chúa đến làm anh em của con người, không phải chỉ nối kết họ lại thành anh em với nhau, Ngài còn cho họ một kiểu mẫu để sống tình huynh đệ nữa. Đối lại với thái độ coi anh em là kẻ chia bớt phần của mình, Ngài đã tự ý chia cho họ tất cả: Ngài cho họ được cùng làm con Thiên Chúa với Ngài, được sự sống của Ngài, được biết tất cả những gì Ngài đã nghe biết nơi Cha Ngài. Tình anh em chân thành bao gồm cả tình bạn. Trong bữa Tiệc Ly Ngài gọi các môn đệ là bạn hữu (Ga 15,15).

Đối lại với thái độ và hành động “giết em”, Ngài đến hiến mạng sống vì anh em: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Ngài đã đến để làm tôi tớ mọi người và đem chính mạng sống Ngài để phục vụ mọi người, làm cho mọi người được sống. Mỗi lần môn đệ của Ngài tranh giành địa vị với nhau, Ngài đều dạy họ phải phục vụ, Ngài tuyên bố rõ ràng: Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Trong bữa Tiệc Ly, Ngài đã làm một cử chỉ của người tôi tớ: Ngài bưng nước rửa chân cho các môn đệ. Qua cử chỉ ấy, Ngài muốn cho các môn đệ bài học về phục vụ, đồng thời diễn tả tượng trưng việc Ngài đem mạng sống Ngài mà phục vụ (Ga 13,1-6).

Đối lại với thái độ đồng lõa, Ngài kêu gọi mọi người đi với Ngài về nhà Cha. Khi gọi môn đệ, Ngài bảo: “Hãy theo tôi”. Khi môn đệ hỏi Ngài rằng theo Ngài thì họ được cái gì, Ngài cho họ biết sẽ được chia phần với Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu (x. Mt 19, 27-29). Ngài chỉ xin Cha Ngài một điều là: “Con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha ban cho Con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Ngài mời gọi tất cả đồng hành.

4-     Ngài đã cứu chuộc bằng thập giá và phục sinh.

Tất cả công trình cứu chuộc loài người ấy, Ngài đã thực hiện trên thập giá: “Ngài vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Chính trong giờ phút bi đát nhất của con người, Ngài đã ngước mặt lên đón nhận Chúa Cha cho nhân loại: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46), và Ngài dang tay ra thu họp, giảng hòa nhân loại với nhau và với Thiên Chúa: “Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. (18) Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2, 14-18). Nhờ Ngài dang tay chết trên thập giá, cả nhân loại được sum họp trong gia đình có Thiên Chúa là Cha. Ngài đã cứu chuộc loài người, đã ban cho con đường bảo đảm nhất để thể hiện tình anh em đích thực: “Ngài chết để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi” (Ga 11,52). Cái chết của Ngài có sức mạnh ấy là vì Ngài chết và sống lại để trở thành Đấng ban phát Thánh Thần. Chính Thánh Thần là sợi giây hiệp nhất. Sách Tông Đồ Công Vụ diễn tả biến cố Thánh Thần hiện xuống như một cuộc tái lập sự hiệp nhất mà tội “Babel” đã phá hủy: Thánh Thần làm cho mọi người lại hiểu cùng một ngôn ngữ để đón nhận củng một Tin Mừng (x. Cv 2,1-11). Và cuối cùng, Ngài sẽ hoàn tất công trình cứu chuộc loài người, khi Ngài làm cho cả loài người được sống lại vinh quang và sống mãi trong ánh sáng hạnh phúc vô cùng của Thiên Chúa.

 

II.   NGÀI ĐẾN CỨU CHUỘC THẾ GIỚI VẬT CHẤT

Loài người sinh ra và lớn lên trong vũ trụ vật chất. Vật chất gắn liền với con người, vì nó là xương thịt của loài người. Nhưng loài người không chỉ là một cái gì nội tại của vật chất, loài người vươn lên khỏi vật chất để có một tương quan với nó. Chính vì thế mà vật chất lại được gắn liền với thân phận con người, và tùy thuộc vào tương lai của con người. Bởi vậy chính mối tương quan của con người với vất chất và bản thân vật chất cũng được gắn liền với hậu quả của tội lỗi và cứu chuộc.

Vật chất và con người trong kế hoạch tạo dựng.

Trong sách Sáng Thế mối tương quan giữa con người và vật chất được diễn tả là tương quan làm chủ. Thiên Chúa dựng nên vất chất và muôn vật, rồi Thiên Chúa mới dựng nên con người theo một kế hoạch: “Ta hãy làm nên loài người giống hình ảnh Ta, để chúng làm chủ cá biển và chim trời, mọi loài vật, mọi muông thú và mọi loài bò sát”. Và khi đã làm nên con người, Ngài phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và hãy khắc phục nó” (St 1, 26.28). Vật chất hoang vu bỗng trở thành quan trọng, vì nó có một mục đích rất lớn: Nuôi sống con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Con người trở thành đỉnh cao của thế giới vật chất, vừa dính vào nó vừa vượt trên nó; dính vào nó vì là thành phần của nó và phải nhờ vào nó mà sống. Vượt trên nó vì là hình ảnh của Thiên Chúa và có sứ mạng tiếp nối công trình tạo dựng, đưa nó tời thành toàn. Tác giả Thánh vịnh 8 đã ngây ngất khi nghĩ tới đó:

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,

thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:

Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,

nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

Lạy ÐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!

Tội lỗi làm đảo lộn.

Nhưng cái gì đã xảy ra cho thế giới vật chất khi con người phạm tội? Ta hãy trở lại với câu chuyện tượng trưng thật sâu sắc của sách Sáng Thế (chương 3). Satan cám dỗ Ađam-Eva từ chối cái trật tự rất hòa hợp: vật chất phụng sự con người, con người phụng sự Thiên Chúa. Lật đổ trật từ ấy bằng cách nào? Ăn trái cấm. Thế nghĩa là thay vì tiếp nối lời tạo dựng của Thiên Chúa mà làm chủ vật chất, sử dụng nó để làm người, con người đã nghe lời xúi giục của Satan muốn nhờ vất chất đưa mình lên ngang hàng với Thiên Chúa. Ađam–Eva đã từ chối thân phận làm người để làm Thiên Chúa, và trông đợi ở vất chật một sức bùa chú nào để làm cho họ trở thành Thiên Chúa. Sự đảo lộn đã xảy ra, nhưng vượt mọi dự đoán của họ. Con người bị tha hóa, vì phủ nhận chính mình. Vật chất đã bị Ađam–Eva làm tha hóa, vì gán cho nó quyền lực mà nó không có. Và khi gán cho vật chất một quyền năng thần thiêng, họ lại đã cúi xuống thờ nó để mong nó cho mình bằng Thiên Chúa. Thay vì làm chủ, con người đã thành nô lệ. Vật chất phải phục vụ con người lại nghiễm nhiên trờ thành thần thánh cho Ađam–Eva quỵ lụy.

Lời Chúa tuyên phạt giải thích sâu xa hơn về sự đảo lộn và tha hóa này. Lao động là cách con người thể hiện tương quan của mình với vật chất đã biến nghĩa: từ lao động sáng tạo để làm chủ, nó trở thành lao động khổ sai, đổ mồ hôi vật lộn với vất chất để nó chịu nhả ra cho loài người chút của ăn. Mặt đất trả lời loài người bằng cách sinh gai góc để phản đối: “Đất sẽ sinh ra gai góc cho ngươi”(câu 18). Thực ra là vì tội lỗi Ađam–Eva đã làm cho mặt đất bị nguyền rủa khi làm tha hóa vật chất: “Mặt đất bị nguyền rủa vì người”. Tác giả đã vận dụng những cái tầm thương nhất trong cuộc sống, sự vất vả trong lao động, gai góc để diễn tả sự nổi loạn của vật chất đối với loài người, sự tha hóa mà vật chất phải chịu vì loài người từ chối chỗ đứng của mình.

Mệnh đề cuối cùng của lời tuyên phạt Ađam–Eva: “Vì ngươi là bụi đất, người sẽ trở về bụi đất” nói lên sự tha hóa cuối cùng của con người. Là đỉnh cao của vật chất, con người lại trở về thành một mảnh vụn của nó. Điều ấy không chỉ bi đát cho con người, mà bi đát ngay cho vật chất. Vật chất nuôi con người cho cao lên, để rồi con người lại rởi trở vào lòng nó. Vật chất không thoát được khỏi chính nó nữa. Hy vọng độc nhất của vật chất để thoát ra khỏi nó là con người. Nhưng cái đỉnh cao của vật chất cứ vươn lên rồi lại rớt xuống. Nỗ lực của vật chất trở thành “công cốc”, “công dã  tràng”, “cơm toi”, như con giun đùn đất lên cho cao để rồi bất cứ một vật gì nặng đè lên cũng có thể làm cho công trình của nó bị san bằng. Con người đã kéo vật chất liên đới với mình trong thân phận tuyệt vọng. Bởi vậy khi con người được niềm hy vọng thì cả thụ tạo cũng được hy vọng: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế muôn loài đã lâm vào cảnh hư aỏ, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo đang cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” (Rm 8,19-23). Thế là con người và vật chất cùng chung một niềm hy vọng: niềm hy vọng của con người, hy vọng được thoát khỏi cái bản án “trở về đất” nhờ sự sống lại.

Đức Kitô đến cứu chuộc thế giới vật chất.

Con Thiên Chúa làm người đã nhận đi vào tương quan với thế giới vật chất như một người phàm: Ngài đã nhận lệ thuộc vào vũ trụ này để sống kiếp người giữa anh em và đã nhận góp phần đấu tranh khắc phục mặt đất, làm cho nó trở thành của loài người.

Ngài khử thiêng vật chất

Bằng cuộc sống lao động của Ngài, Ngài đã phủ nhận lời xúi giục của Satan, kẻ muốn làm cho loài người gán cho vật chất một sức mạnh thần thiêng. Ngài đã khử thiêng vật chất, khẳng định lại với con người rằng vật chất không có sức thần thiêng nào hết, chỉ có con người đã nhận được sứ mạng khắc phục nó. Con đường làm con Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, không phải là con đường tắt do một sức thần thiêng nào đem lại, nhưng là con đường làm người theo đúng dự định của Thiên Chúa. Được làm con Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, là một ân huệ của Thiên Chúa chứ không phải là thành quả của một cuộc mưu đoạt nào. Chính Con Thiên Chúa “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế “ (Pl 2,6-7). Rồi chính ngài lại nhận lấy vinh quang như một ân huệ Cha ban: “Lạy Cha, giờ đây xin Cha tôn vinh Con bên Cha, xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Thế là khi khử thiêng vật chất bằng lao động, Ngài đã đưa vật chất trở về đúng vị trí của nó, là đối tượng cho quyền làm chủ của con người. Nó sẽ chỉ tự vượt nhờ con người thi hành quyền làm chủ đối với nó, kéo nó lên.

Ngài công bố chức năng của vật chất.

Khi Chúa Giêsu rao giảng, Ngài cũng công bố điều ấy nhiều lần. Đứng trước thái độ của loài người muốn lấy của cải vật chất làm lẽ sống, Ngài đã tuyên bố thẳng thắn: “Các ông không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Của cải vật chất là do con người làm ra chứ không phải là thần thánh. Nó nuôi sống con người nhưng nó không thể là lẽ sống, là ý nghĩa cuối cùng của con người. Nó không phải là tất cả của con người. Nếu con người thờ nó như một vị thần, con người sẽ rơi vào tuyệt vọng, vì nó chỉ là sản phẩm của bàn tay con người thôi. Một lần có người xin Chúa can thiệp để bắt người anh chia gia tài cho y, Chúa không chấp nhận can thiệp, lại còn nói với mọi người: “Phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,13-15). Ngài kể tiếp dụ ngôn anh trọc phú: Anh ta tính phá kho cũ lập kho mới để tích trữ của cải, rồi ngồi hưởng suốt đời. Anh ta “ngốc” vì quên một điều: “Nội đêm nay, người ta đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,16-24). Chúa Giêsu không khinh chê của cải vật chất, vì chính Ngài đã lao động để làm ra nó, Ngài biết giá trị của nó. Nhưng cũng chính vì Ngài biết mà Ngài mới đưa nó về đúng vị trí của nó.

Ngỏ lời với những ai muốn theo Ngài, Ngài đòi một điều kiện rất khắt khe: “Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ của tôi” (Lc 14,33). Theo Ngài tức là hướng về cùng đích Ngài hướng tới và cùng đi với Ngài. Đích Ngài hướng tới là sự thành tựu cuối cùng của con người. Mọi sự khác đều phải phục vụ cho cái cùng đích này. Điều kiện khắt khe Chúa nêu ra đó, chỉ là khẳng định giá trị thật của mọi của cải vật chất. Chỉ có Thiên Chúa thật mới là cùng đích của con người, vì chính Ngài dựng nên thế giới vật chất và trao nó cho con người để con người tiếp nối công trình tạo dựng của Ngài.

Ngài cho vật chất dự phần vinh quang.

Trả vật chất về đúng vị trí và chức năng của nó, Chúa Giêsu lại cho nó sự bảo đảm được tham dự vào vinh quang cuối cùng của loài người: chính Ngài đã thoát khỏi số phận “trở về đất bụi”. Ngài đã sống lại. Ngài đã ra khỏi mồ để đi vào vinh quang. Ngài đã không biến thành một mảnh vụn trong lòng vật chất, nhưng đã thoát khỏi giới hạn của vật chất. Ngài đã mang cả cái phần vật chất làm nên thân xác Ngài vào trong vinh quang của Thiên Chúa. Khi Ngài tỏ mình cho các môn đệ sau biến số phục sinh, Ngài cho họ thấy dấu đinh và vết đòng trên thân xác Ngài, cho họ sờ được Ngài, nhưng đồng thời Ngài lại không bị ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa. Ngài vào nhà đứng giữa các môn đệ trong lúc cửa đóng kín, nhưng Ngài vẫn có xương có thịt chứ không phải là ma (x. Lc 24,39-40). Ngài cho môn đệ cùng ăn uống với Ngài, nhưng Ngài không lệ thuộc vào của ăn vật chất nữa (Lc 24,41-43) (Cv 10,41). Thế là Ngài đã cho vật chất được dự phần vào sự tự do vinh hiển của Con Thiên Chúa.

Sự phục sinh ấy, Ngài không giữ cho một mình Ngài. Ngài sống lại cũng là “vì loài người chúng ta”, để cho kẻ tin được niềm hy vọng cũng sẽ được sống lại như Ngài: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Lời tuyên xưng cuối cùng trong kinh Tin Kính nói lên ý nghĩa cứu chuộc đối với vật chất. Ngài không chỉ cứu chuộc linh hồn mà cứu chuộc cả thể xác nữa. Ngài cho con người cũng sẽ được thoát khỏi thân phận vĩnh viễn “trở về cát bụi”, để đi vào vinh quang với Ngài. Ngài đã không hủy bỏ thân xác chúng tôi để chỉ cứu lấy linh hồn, có nghĩa là Ngài không hủy bỏ tương quan của con người với vật chất. Chính Ngài đã giữ tương quan với vũ trụ vật chất, nhưng là một tương quan được đổi mới. Ngài đã vượt khỏi sự lệ thuộc vào vũ trụ vật chất để làm chủ tuyệt đối. Vật chất hoàn toàn quy phục Ngài. Như vậy là nhờ mầu nhiệm Phục Sinh, Ngài đã đưa quyền làm chủ đối với vật chất tới đỉnh cao nhất. Ngài sẽ đổi mới thân xác con người (x. 1Cr 15,35-53), nghĩa là Ngài sẽ cho họ được sống một tương quan mới với vũ trụ vật chất. Bởi vậy, niềm hy vọng sống lại của người tín hữu đi đôi với niềm hy vọng trời mới đất mới. Cả thế giới vật chất cũng sẽ được biến đổi để trở thành trời mới đất mới (x.2P 3,13) (Kh 21,1). Khi Ngài bảo đảm sự sống lại của loài người, Ngài cũng cho vật chất thoát khỏi nỗi “tha hóa” của nó, vì cho nó một mục tiêu phục vụ chính đáng và chắc chắn thành tựu.

Trong khi chờ đợi ngày vinh quang phục sinh bừng sáng trong trời mới đất mới, Đức Kitô thi hành quyền làm chủ tuyệt đối của Ngài đối với vật chất để phục vụ con người. Sau khi đã khử thiêng vật chất, trả nó về đúng chức năng phục vụ cuộc sống và con người, Ngài vận dụng nó vào chính sự thăng tiến của con người trên bình diện làm con cái Thiên Chúa. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu thi hành quyền làm chủ tuyệt đối của Ngài, để làm cho vật chất (bánh và rượu) thành Máu Thịt vinh hiển của Ngài, của ăn “đem lại  sự sống đời đời” (Ga 6,54). Trong các bí tích khác, Ngài dùng vật chất làm dấu chỉ hữu hiệu cho con người được gặp Ngài và tiếp nhận sức sống phục sinh của Ngài. Ngài không cho vật chất một sức bùa chú nào, nhưng Ngài vận dụng quyền năng phục sinh của Ngài làm cho nó trở thành nơi ngài hiện diện để con người gặp gỡ mật thiết với Ngài.

Trời mới đất mới.

Vận dụng vật chất bằng quyền năng phục sinh của Ngài để thông truyền sự sống mới cho loài người, là Chúa Giêsu đang cho vật chất được tham dự vào vinh quang cuối cùng. Sự tham dự này là bảo chứng rằng vũ trụ vật chất sẽ được dự phần vinh quang như thánh Phaolô nói trong Thư gửi tín hữu Rôma (8,19-23). Trời mới đất mới sẽ xuất hiện như thế nào chúng ta chưa biết, cũng như chúng ta chưa biết khi chúng ta sống lại thì thân xác sẽ như thế nào (x. 1Ga 3,29). Chúng ta chỉ dựa vào lời hứa của Thiên Chúa mà trông đợi trời mới đất mới (x. 2P 3,13). Niềm hy vọng ấy làm cho thân xác của chúng ta đáng trọng và thế giới vật chất của chúng ta đáng quý. Với Chúa Kitô, vật chất không còn là kẻ thù, không còn là đồng lõa với Satan để kéo ta vào cõi chết nữa, nhưng nó là bạn đồng hành với ta trên đường vào vinh quang vĩnh cửu.

Nếu hỏi rằng tại sao cả vũ trụ vật chất bao la này lại gắn liền với thân phận con người, một sinh vật li ti trên một mảnh vụn vũ trụ. Tác giả Thánh Vịnh 8 cũng đã ngạc nhiên khi nhìn trời trăng sao mà nghĩ đến thân phận con người nhỏ bé nhưng lại được Thiên Chúa đặt làm chủ vạn vật. Thánh Phaolô trả lời cho chúng ta trong Thư gửi tín hữu Colossê: “ Ngài [Con Thiên Chúa] là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo. vì trong Người muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình… Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh. Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự, Người đứng hàng đầu.” (Col. 1,15-18). Lời giải thích đơn sơ thế này: Đức Kitô là đầu mọi sự. Ngài đã trở thành đầu của nhân loại để đưa nhân loại vào vinh quang với Ngài. Mọi sự hướng về Ngài. Mọi sự đồng hành với loài người và phục vụ loài người trên đường đến vinh quang. Thánh Phaolô cũng đã tóm tắt điều ấy trong một câu: “tất cả đều thuộc về anh em, anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr. 3,22).

III. NGÀI ĐẾN CỨU CHUỘC LỊCH SỬ

Công cuộc chinh phục vật chất diễn ra trong lịch sử: lịch sử của loài người. Loài người lớn lên và vươn tới thành toàn ngang qua cuộc chinh phục vật chất, làm cho nó trở thành thế giới của loài người. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa ngay ở điểm con người được thông dự vào quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa. Càng chinh phục được thế giới vật chất, con người càng là hình ảnh của Thiên Chúa, càng giống Thiên Chúa. Chung cục của Lịch sử sẽ là lúc con người đã hoàn toàn làm chủ được vật chất, hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa trao. Lúc ấy, con người được thể hiện trọn vẹn, triển khai được hết mọi tiềm năng Chúa trao cho. Lúc ấy vinh quang của con cái Thiên Chúa sẽ bừng lên, cả loài người tụ họp trong cuộc liên hoan vĩnh của của Thiên Chúa.

Tội lỗi cắt ngang Lịch sử.

Nhưng tội lỗi đã vào trong thế gian. Nó đã tạo nên một khúc quanh tàn khốc cho Lịch sử, vì nó đảo lộn hết tương quan và đẩy Ađam-Eva vào số phận “trở về bụi đất”. Tội lỗi là sức ly tâm đẩy con người xa Thiên Chúa và xa nhau, gây nên một sự tan rã vô phương cứu chữa. Vật chất phục vụ cuộc tiến hóa của con người cũng bị kéo vào cuộc tan rã ấy. Cuộc tiến hóa của vạn vật thành một cái nhà không nóc, một lâu đài trên cát, vươn lên mãi để chẳng tới đâu cả. Tất cả chỉ vì Ađam-Eva từ chối thân phận làm người, đã đánh mất điểm tới cho lịch sử. Cuộc tan rã ấy vô phương cứu chữa, vì con người không thể nào kéo Tình Thương Tuyệt Đối trở lại với mình để làm điểm tới cho Lịch sử. Lịch sử như một bản hòa tấu bị cắt ngang, những cung đàn cứ vang lên để chẳng đi tới một kết thúc nào cả. Cả lịch sử cũng trở về đất với con người. Trong nhãn giới đó, nhà thơ Qohelet trong Thánh Kinh đã phải kêu lên: “Phù vân rất mực phù vân, mọi sự là phù vân”.

Tội lỗi đi vào Lịch sử đã trở thành sức mạnh thống trị con người, bắt con người làm nô lệ nó để đưa con người tới sự chết, tới diệt vong. Thánh Phaolô đã diễn tả cái bi đát ấy của thân phận con người trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Tôi bị bán làm nô lệ cho tội lỗi. Thực vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm… Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (7,14-15.18.19). Sự ác là sự ác không phải vì Chúa cấm, nhưng vì nó là sự ác mà Chúa cấm, nó tiêu diệt con người, phá hủy kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa về con người. Sách Sáng Thế diễn tả ý nghĩa giới răn của chúa bằng hình ảnh trái cấm. Chúa bảo rằng “ăn trái ấy thì chết”. Giới răn vạch cho Ađam-Eva thấy giới hạn của mình, thấy con đường phải đi. Vượt giới hạn ấy, ra khỏi con đường ấy là tự sát. Ta thường dễ chú ý tới khía cạnh tiêu cực này mà sao lãng khía cạnh tích cực trên. Nếu chỉ nhìn giới răn theo khía cạnh cấm đoán thì nhất định con người phải nổi loạn. Và con người đã nổi loạn thật. Nhưng khi đã nổi loạn, ra khỏi con đường đưa tới sự sống, tới thành tựu, thì Ađam-Eva đã rước sự ác, sức phá hủy vào trong thế giới của mình và không thể nào đuổi nó ra được nữa. Sự ác làm chủ trong lòng con người. Nó dứt khoát kéo con người tới chỗ diệt vong. Sự ác được con người rước vào Lịch sử đã trở thành lãnh chúa của Lịch sử, và nó biến Lịch sử thành một cuộc chạy đến tan rã với gia tốc kinh hồn. Muốn cứu được Lịch sử, cần cho nó một điểm tới và giải trừ được sức thống trị của tội lỗi.

Con Thiên Chúa đã đến xoay lại dòng Lịch sử.

Kết thúc suy niệm về sức mạnh của tội lỗi, thánh Phaolô kêu lên: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24). Và thánh Phaolô đã tìm ra câu trả lời. Ngài kêu lên trong niềm vui cảm tạ: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(7,28). Sự giải thoát ấy đã đến nhờ Đức Giêsu Kitô: “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết”(8,2). (Luật ở đây nghĩa là sức mạnh, sức tác động, quyền lực). Thiên Chúa đã làm cách nào để giải trừ sức mạnh của tội lỗi ? Thánh Phaolô giải thích thế này: “Điều mà Lề Luật [Môsê] không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi của chúng ta, để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác con mình” (Rm 8,3). Kết quả là chúng ta không còn sống dưới ách thống trị của tội lỗi nữa, nhưng sống trong quyền năng tác động của Thần Khí, “Thần Khí vươn tới sự sống và bình an” (8,6). Xác tín của thánh Phaolô đáp lại lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Thủ lãnh thế gian đã bị ném ra ngoài” (Ga 12,31); “Hãy tin tưởng, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33)

Đối với thánh Phaolô, Đức Giêsu Kitô đã phục hồi hướng đi của lịch sử, chuyển nó từ con đường đi tới diệt vong trở thành con đường đưa tới sự sống, sự thành tựu tuyệt đối. Toàn thể Mầu nhiệm Nhập thể thực hiện cuộc giải phóng này. Chúa Giêsu đã nhân danh cả loài người mà chiến thắng tội lỗi bằng cách sống cuộc đời như chúng ta, nhưng không phạm tội, không bao giờ để cho tội lỗi, sự ác làm chủ được Ngài (x. Hr 4,15). Ngài đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, hoàn toàn để cho Thần khí dẫn đưa, nghĩa là Ngài đã đem trọn thân phận con người đặt dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Hành động cuối cùng của Ngài là tự nộp mình đón lấy những đòn khốc liệt nhất của sự ác bằng cái chết trên thập giá, chính là tột đỉnh sự vâng phục của Ngài: “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Sự ác và cái chết đã trút hết nọc độc của nó trên Ngài nên nó đã bị tiêu diệt: sự chết đã bị nuốt trửng trong chiến thắng của Đức Kitô (x.1Cr 15,55). Thánh Phaolô đã làm nổi bật sức mạnh cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô bằng cách so sánh với Ađam (Rm 5,12-21): một người bất tuân làm cho cả nhân loại phải chết, vì mọi người phạm tội. Một người vâng phục làm cho cả nhân loại được sống. Ađam phạm tội là nguyên lý sự chết, Đức Giêsu vâng phục là nguyên lý sự sống. Theo Đức Kitô thì sẽ được sống (1Cr 15,21-22). Đức Kitô trở thành khởi điểm Alpha của Lịch sử. Mọi sự khởi đi từ Ngài, vì Ngài xoay lại dòng Lịch sử và chuyển thông vào Lịch sử sức mạnh Thánh Thần để giải trừ sức mạnh của tội lỗi.

Ngài là điểm tới và là người điều khiển lịch sử.

Trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa thì chính Đức Kitô cũng là điểm tới Omega của Lịch sử, như thánh Phaolô diễn ta trong Thư  Êphêsô: “Kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã tự mình định trước trong Đức Kitô, đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô!” (Ep 1,9-10). Trong sách Khải Huyền, Đức Kitô tự xưng là Alpha và Omega (1,17). Đức Kitô chính là Con Người mà Thiên Chúa đã đặt làm Chúa mọi loài, và Lịch sử trở thành con đường đưa muôn loài quy về Chúa Kitô. Khi mọi sự quy phục Ngài, thì Lịch sử hoàn tất. Bởi vậy Lịch sử là tương lai của Đức Kitô. Chính Ngài đang điều khiển tương lai của Ngài. Ngài được Thiên Chúa đặt làm Chúa và trao cho quyền cai quản mọi loài. Thánh Matthêu khẳng định điều ấy bằng một lời của Chúa Giêsu phục sinh: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất… Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (18,18.20). Còn thánh Luca lại diễn tả chân lý ấy bằng cảnh Chúa Giêsu lên trời, ngự trên đám mây (Lc 24,50-51 và Cv 1,9-11). Cuối cùng, sách Khải Huyền trình bày sứ mạng hiện tại này của Đức Kitô bằng hình ảnh Con Chiên tiến lên nhận cuốn sách niêm phong, do Đấng Ngự trên ngai trao cho. Mỗi lần con Chiên mở một dấu niêm phong thì một loạt biến cố diễn ra (chương 5-8). Ý nghĩa của hình ảnh đầy kịch tính này là Chúa Giêsu nhận quyền điều khiển dòng lịch sử. Ngài thoát ra khỏi giới hạn của thời gian, nhưng Ngài vẫn hiện diện trong Lịch sử để dẫn đưa tất cả đến với Ngài, hoàn tất kế hoạch của Chúa Cha: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,30). Ngài là Alpha và Omega của Lịch sử, đồng thời Ngài cũng là Đấng điều khiển Lịch sử.

Nội dung của lịch sử là giao tranh giữa thiện và ác.

Thánh Phaolô và thánh Gioan đều trình bày cho chúng ta cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu và ơn giải thoát Ngài đem cho chúng ta. Nhưng cả hai vị đều cho thấy rằng câu chuyện chưa kết thúc. Cuộc giao tranh giữa thiện và ác, giữa Chúa Kitô và Satan còn đang diễn ra trong cuộc sống mỗi người và trong lịch sự của cả nhân loại. Chúa Giêsu tác động bằng Thần Khí Ngài gửi đến, Satan tác động bằng sự ác vẫn con đang có mặt trong con người và trong Lịch sử. Chúa Kitô và Satan vẫn giao chiến với nhau để giành lấy nhân loại. Chúa Kitô muốn đưa nhân loại tới sự sống, Satan muốn đưa tới diệt vong. Trong cuộc chiến này, con người vừa là đối tượng tranh giành, vừa là chủ động chiến đấu: chính con người phải lựa chọn sự thiện hay sự ác, sự sống hay sự chết và theo con đường dẫn tới mỗi đích điểm. Đó là nội dung của Lịch sử trong nhãn giới Đức Tin.

Ngay trong chương 8 của Thư gửi tín hữu Rôma, sau khi nói rằng chúng ta đã được nguyên lý của sự sống thành tựu là Thánh Thần, Thánh Phaolô nêu lên hiện trạng một cuộc giao tranh: “Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ, thì anh em sẽ được sống” (8,13). Tin Mừng theo Thánh Gioan kể lại những lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ, loan báo cho họ biết rằng họ sẽ phải đương đầu với sự ác (16,1-24). Chúa Giêsu đã chiến thắng, đã quật ngã lãnh chúa của sự ác, nhưng không phải Ngài làm thay cho nhân loại, mà để nhân loại có thể cùng với Ngài quật ngã nó. Ngài quật ngã nó là để đảm bảo cho nhân loại rằng nếu đi cùng với Ngài, nhân loại sẽ thắng được sự ác: “Hãy tin tưởng, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Trong Thư thứ nhất của Ngài, thánh Gioan cho thấy cuộc chiến ấy diễn ra ngay trong mỗi người và trong cộng đoàn môn đệ (2,12-28)

Dù cuộc chiến diễn ra ở cá nhân hay trong tập thể nhân loại, thì sức mạnh mà Chúa Kitô trương ra để vật lộn với sự ác vẫn là Thần Khí mà Ngài gửi đến từ trong lòng Cha. Thần Khí là quyền năng của Đức Kitô hiện diện trong Lịch sử. Cũng như Chúa đã nói về mình: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,6), thì ai sống theo Thần Khí của Đức Kitô là đem được Thần Khí vào trong con người, trong Lịch sử để Thần Khí lần hồi xâm nhập và biến đổi tất cả nên thân thể của Đức Kitô. Vì thế mà trong bữa Tiệc Ly, Ngài nói với môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng BảoTrợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Thánh Thần sẽ hoàn tất cuộc chiến thắng và sẽ thông cho môn đệ tất cả những gì thuộc về Đức Kitô, nghĩa là mọi sự thuộc về Thiên Chúa, vì “mọi sự của Cha là của Con” (Ga 17,10).

Sách Khải Huyền trình bày cuộc chiến giữa Chúa Kitô và Satan như một tấn bi hùng kịch, trong đó cả nhân loại và vũ trụ bị kéo vào cuộc chiến. Mỗi bên đều tung hết lực lượng của mình ra trong một cuộc giao tranh ngày càng quyết liệt. Có những lúc tưởng chừng sự ác đã thắng, đã tiêu diệt được cả nhân loại, nhưng quyền năng của Đức Kitô vẫn luôn luôn đổi mới, và cuối cùng sự ác hoàn toàn bị tiêu diệt, bị loại trừ khỏi vũ trụ của loài người. Loài người không còn bị một khoảng không nào ngăn cách với Thiên Chúa nữa. Sự ác không còn đe dọa loài người nữa vì trời mới đất mới đã xuất hiện, trong đó không còn nơi cho sự ác cư ngụ, “không còn biển” và cũng không còn nơi cho quyền lực nào ngoài Thiên Chúa tác động nữa “không còn khoảng không trung”. Chỉ còn Thiên Chúa ở với loài người và loài người ở với Thiên Chúa trong ánh sáng vô cùng tuyệt diệu. (x. Kh 21)

Thánh Phaolô cũng diễn tả sự hiện diện hoàn toàn trong suốt của Thiên Chúa giữa loài người và của loài người trong Thiên Chúa, như là điểm tới của Lịch sử: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho tới khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết… Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô,  thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài”. (1Cr 15, 25-28). Như vậy, Chúa Kitô là khởi điểm mới của Lịch sử vì Ngài mở đường và bảo đảm cho Lịch sử đi tới thành tựu; Ngài đã xoay lại dòng Lịch sử và đích thân đưa Lịch sử đi tới bằng Thần Khí mà Ngài không ngừng thổi vào nhân loại. Ngài dẫn đưa dòng Lịch sử không phải bằng cưỡng ép các biến cố, nhưng bằng cách làm cho mọi biến cố dù có vẻ đen tối, dù như muốn tiêu diệt tất cả thì cũng đều góp phần đưa Lịch sử tới kết thúc tốt đẹp, vì điểm tới cũng chính là Ngài; Ngài viết thẳng bằng những nét cong mà Lịch sử loài người cung cấp cho Ngài. Đây là chỗ chúng ta hiểu được ý nghĩa tước hiệu “Chúa trên các chúa! Vua trên các vua” mà sách Khải Huyền nói về Đức Giêsu (17,14). Ngài làm Vua [5] không phải để hưởng thụ, nhưng để dẫn loài người và muôn vật tới sự sống vĩnh cữu của Thiên Chúa. Những điều thánh Phaolô diễn tả trừu tượng trong chương 15 của Thư gửi tín hữu Côrintô, tác giả sách Khải Huyền diễn tả bằng những cảnh, những hình ảnh của một tấn bi hùng kịch. Cả hai đều cho thấy Đức Kitô vừa là Alpha và Omega, vừa là người điều khiển và sức mạnh đưa Lịch sử vươn tới; và nội dung của Lịch sử là một cuộc giao tranh giữa Chúa Kitô và sự ác để giải phóng loài người khỏi tội lỗi và sự chết cuối cùng, ngõ hầu đưa loài người đến cuộc sống vô cùng của Thiên Chúa và với Thiên Chúa[6]

KẾT LUẬN

Những suy nghĩ trên đây chẳng có tham vọng gì to lớn mà chỉ là đem lòng tin tìm hiểu lối nhìn của Kinh Thánh về Con người, Vật Chất và Lịch sử. Nhìn từ quan điểm ơn cứu chuộc, nhưng cần xác định là ơn-cứu-chuộc-thực-hiện-bằng-mầu-nhiệm-Con-Thiên-Chúa-làm-người; nghĩa là thực hiện bằng toàn thể Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, từ Mầu nhiệm “Ngôi Lời đã làm người” cho tới Mầu nhiệm Đức Giêsu được tôn vinh bên hữu Thiên Chúa, cùng với niềm hy vọng trông đợi ngày Chúa Giêsu Kitô lại đến để cho chúng ta được sống lại vinh hiển, và trời mới đất mới xuất hiện. Cái nhìn này hướng về Đức Kitô là điểm tới Omega của Lịch sử. Lối nhìn này có lợi điểm là cho thấy được tính cách duy nhất trong hữu thể và cuộc sống của người Kitô hữu tại thế. Thiên Chúa, Con người và Vật chất không còn là ba thực thể xa rời nhau, nhưng làm thành một dòng Lịch sử. Đức tin và cuộc sống không còn là hai lãnh vực đối chọi nhau, nhưng là cuộc sống Kitô hữu.

Lối nhìn này làm nổi bật những gì Đức Tin đòi hỏi ở đời sống Kitô hữu. Người Kitô hữu là người tin rằng Đức Kitô đã giải thoát mình khỏi quyền lực của tội lỗi, của sự ác, và cho mình được sự tự do của con cái Thiên Chúa nhờ Thần Khí ban cho. Vậy thì đời sống của Kitô hữu phải chứng thực rằng điều họ tuyên xưng đó là một thực tại chứ không phải một chuyện bịa đặt. Họ phải đấu tranh chống lại sự ác ngay trong bản thân họ và trong xã hội, họ phải làm cho cuộc sống con người ngày càng thêm trong sáng hơn. Những điều thánh Phaolô khuyên tín hữu trong các thư, nhất là các thư gửi tín hữu Rôma, Côrintô, Galata; thánh Gioan khuyên trong Thư thứ nhất của Ngài… tất cả những lời khuyên này đều xoay quanh một trục là người Kitô hữu phải thể hiện con người đã được tái tạo nhờ quyền năng Thánh Thần mà Chúa Kitô ban cho.

Đối với người tín hữu, thế giới vật chất này có một giá trị thật là to lớn, vì nó là bạn đồng hành đưa con người vào vĩnh cửu, là chất liệu để con người hình thành và lớn lên, là đối tượng chinh phục để con người phát huy khả năng làm chủ, là chất liệu để biến thành trời mới đất mới. Mọi giá trị chân thật trong cuộc sống con người đều là phản ảnh, là yếu tố cấu thành của sự thành tựu cuối cùng. Như vậy thì công cuộc chinh phục thế giới vật chất, xây dựng cuộc sống tại thế để con người được sống xứng phẩm giá là một tiếng mời gọi khẩn trương, là một sứ mạng cao cả của người Kitô-hữu. Mỗi bất công còn tồn tại, mỗi sự ác còn hoành hành, mỗi sức đàn áp còn tác động để tha hóa con người, là một sự sỉ nhục cho con người, là một thách thức đối với Chúa Kitô. Người tín hữu phải đấu tranh tiêu diệt những thứ ấy nhân danh Chúa Kitô và nhân danh con người đã được Chúa Kitô cứu chuộc.

Cuối cùng, Lịch sử đối với người tín hữu không còn là một sự may rủi, một chuỗi những biến cố vô nghĩa, vượt ngoài vòng kiểm soát của mọi người và là một hành trình vô định nữa. Với Chúa Kitô hiện hiện và tác động nhờ Thánh Thần của Ngài, Lịch sử trở thành một cuộc vật lộn giữa Chúa Kitô và sự ác để giải phóng con người, đưa con người tới thành tựu cuối cùng. Điểm tới ấy đã được thiết lập rồi: Đức Kitô đã được tôn vinh, đã nắm chắc vinh quang ấy cho nhân loại. Lịch sử dứt khoát đi tới, vì Chúa Kitô đã lãnh nhận mọi quyền trên trời dưới đất để điều khiển Lịch sử. Tình thương tạo dựng của Thiên Chúa đã diễn tả thành tình thương cứu chuộc nơi Đức Kitô, và “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu Chuộc chúng ta” (x. Rm 8,31-39), đó là cái lạc quan tuyệt đối của người tín hữu sống trong Lịch sử.

Sau hết, lối nhìn này cho thấy nền tảng thần học của thái độ nhập thế của Giáo Hội. Từ thông điệp Rerum Novarum tới thư gởi hồng y Maurice Roy (Octogesimo adveniens), lập trường bênh vực những người bị áp bức bóc lột, thái độ tích cực góp phần cải tạo cơ cấu xã hội để kiến tạo một xã hội công bình hơn, ngày càng quyết liệt và đưa tới những chọn lựa rất cụ thể. Công đồng Vatican II đã dứt khoát công nhận lập trường và thái độ dấn thân của các thông điệp trước, và trình bày rõ ràng hơn trong Hiến chế mục vụ về Giáo hội (Gaudium et Spes)

Riêng đối với người Công Giáo Việt Nam, lối nhìn này cho thấy rằng sự lựa chọn của các giám mục giáo phận phía nam trong Thư chung 1976[7], mà Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã trân trọng nhắc lại trong bài tham luận đọc trước Đại hội Giám Mục Thế giới 1977[8], không phải là chuyện xu thời, nhưng là cố gắng trung thành với Mầu nhiệm Nhập Thể, với sứ mệnh của Chúa Kitô mà Giáo Hội có trách nhiệm tiếp nối với rao giảng trong Lịch sử.[9]

 

 

Linh mục   NGUYỄN CÔNG ĐOAN, Dòng Tên

Saigon 1978 – Giêrusalem, Mùa Vọng 2013

 

 

 


[1] Ecrits théologiques 3, tt. 81-101.

[2] Tin hay không tin là một sự lựa chọn tự do và sống, không có lập luận nào bắt buộc được con người phải tin hay không tin vào Thiên Chúa như kiểu một mệnh đề toán học. Mọi lập luận chỉ có thể đưa tới đầu cầu nhảy trên hồ bơi. Ở đó mỗi người phải chọn nhảy vào “khoảng không”. Người không tin thì nhận rằng khoảng không ấy là hư vô, là trở về trong lòng vất chật. Người tin thì nhận rằng khoảng không ấy là tình thương của Thiên Chúa hắng sống, tình thương làm cho tôi tồn tại mãi. Chọn bên nào cũng bao hàm một cái liều, vì cái mình chọn vượt ngoài kinh nghiệm giác quan và không thể đo lường. Thiên Chúa chỉ mời gọi chứ không cưỡng ép.

[3] Xem thêm về ý nghĩa những cám dỗ này trên dd 97, tt. 52-59, bài của Nguyễn Ngọc Lan. Ctcts.

[4] Xem số đã dẫn 98, tt. 49-53, bài của NNL. Ctcts.

[5] Quan niệm về “vua” trong Cựu Ước luôn đối kháng mọi tâm thức hưởng thụ. Đọc lại những Thánh Vịnh phong vương (như 71100), đọc lại Giêrêmia 22,13-19, ta thấy Cựu Ước quan niệm “vua” là người được trao quyền để bảo vệ quyền sống của mọi người, chống lại mọi bất công đàn áp bóc lột, chống lại mọi kẻ gian ác. Khi nói Chúa Giêsu là Vua, khi Chúa Giêsu tự nhận là Vua nhưng Nước Ngài không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36) thì phải hiểu trong chiều hướng tích cực tuyệt đối trên đây.

[6] Lm. Pierre Teilhard de Chardin, nhà cổ sinh vật học đã đóng góp nhiều cho tiến hóa luận, đã dùng ngôn ngữ khoa học để diễn dịch cái nhìn của thánh Phaolô và sách Khải Huyền về Lịch sử. Theo lối trình bày này thì sự tiến hóa của vật chất phải vươn lên mãi. Điểm tới của cuộc tiến hóa này là khi tất cả được quy tụ về một đầu là Đức Kitô: cả vũ trụ sẽ trở thành “thân thể” của Đức Kitô. Ngài là Omega của Lịch sử. Chính sự Phục sinh của Ngài đã khai thông Lịch sử, vì đã đem vào vũ trụ một sức sống mới không thể bị luật giảm năng lượng chi phối. Chính sức sống mới này là sức chống lại luật giảm năng lượng của vũ trụ vì sự sống sẽ thành tựu hoàn toàn trong Đức Kitô. Lịch sử trở thành một lò luyện kim, trong đó sự ác dần dần bị đào thải như gỉ sét, còn tất cả những gì chân thiện mỹ sẽ được quy tụ dần trong Đức Kitô để làm bừng tỏa vinh quang vĩnh cửu của Ngài và toàn thể những gì đã được cứu chuộc.

[7] Xem toàn văn “Thư chung Hội Nghị Giám mục hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn gửi toàn thể giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân” trên đd 85, 8.1976, tt. 113 – 120. Năm 1980 HĐGM Việt Nam đã đưa lựa chọn này làm đường lối chung của toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam (x. Thư chung 1980).

[8] Xem toàn văn bài tham luận này trên đd 102, 12.1977, tt. 105 –108.

[9] Năm 1980 HĐGM Việt Nam đã đưa lựa chọn này làm đường lối chung của toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam (x. Thư chung 1980).

Chia sẻ Bài này:

Related posts