Lễ Giáng Sinh ngày nay đã trở thành một lễ quốc tế. Từ bên kia bờ biển Thái Bình Dương nơi Châu Mỹ xa xôi đến miền Matxcơva lạnh buốt, người ta đều đón mừng Lễ Giáng Sinh.
Còn bên Âu châu thì việc ăn mừng Lễ Giáng sinh đã trở thành một truyền thống lâu đời. Và từ Âu châu, Mỹ châu, Lễ Giáng Sinh đã lan sang đến Châu Á: Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… Mấy năm nay ánh sáng cây thông Giáng Sinh còn lấp lánh ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc nữa.
Cả thế giới mừng Lễ Giáng Sinh, nhưng cả thế giới có đón Đức Giêsu không?
Ở bên Âu châu, Lễ Giáng Sinh là một lễ lớn nhất trong năm, vì ngay sau đó là Tết Dương Lịch. Đường phố, cửa tiệm cũng như tư gia đều có cây thông Noel gắn đèn hoa đủ màu. Tiệc Giáng Sinh phải có gà tây quay và bánh Pudding cổ truyền. Trẻ em thì rất quen thuộc với ông già Noel: một cụ già áo đỏ rộng thùng thình, râu tóc bạc trắng, lưng đeo một cái túi đầy ắp đồ chơi bánh kẹo.
Đêm Giáng Sinh, mỗi gia đình cùng nhau đi lễ nhà thờ. Lễ xong hội tụ quanh bàn tiệc vui, ca hát khiêu vũ. Phố xá thì áo quần xe cộ đủ màu đủ mốt. Thiệp Giáng Sinh là một thứ không thể thiếu vắng được trong dịp Noel. Những nhà xuất bản lớn người ta thu hàng triệu Mỹ kim tiền in thiệp Giáng Sinh.
Cả thế giới mừng Lễ Giáng Sinh, nhưng cả thế giới có đón Đức Giêsu không? Niềm vui Giáng Sinh có đích thực không? Hay cũng mau qua như những lễ hội đình đám khác?
Câu hỏi thật kỳ cục, nhưng câu trả lời cũng thật là bi đát.
Cả Âu châu và cả thế giới hôm nay, trong đó có Việt Nam, người ta vẫn đón mừng Noel một cách xa xỉ và cũng rất tưng bừng. Nhưng cả Âu châu và Mỹ châu nữa, người ta không còn thích đến nhà thờ nữa. Có rất nhiều chủng viện, dòng tu, nhà thờ phải bỏ trống vì không có người đi tu và người đi lễ. Người ta giàu rồi, người ta không cần Chúa nữa. Ấn một cái nút là có bánh mì, có gà quay, có nước ngọt… Không cần Chúa mà các nhu cầu của người ta vẫn có đầy đủ. Nhưng người ta lại rất cần những dịp Lễ Giáng Sinh, hay bất cứ dịp lễ nào khác, vì đó là một ngày để nghỉ ngơi và giải trí, sau những ngày làm việc quá vất vả và cũng kiếm được rất nhiều tiền. Vì thế ngày Giáng Sinh không cần có Đức Giêsu, người ta vẫn vui chơi thỏa thích. Còn trẻ em phương Tây thì quen thuộc với ông già Noel hơn là yêu mến Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ.
Khoa học kỹ thuật làm con người ta hết tôn thờ Thiên Chúa, vì người ta đã có Chúa khác để thờ, máy móc điện tử, tiền bạc và mọi tiện nghi vật chất.
Tôn giáo cũng chạy theo thế gian, cho nên nghi thức nhiều quá, đến nỗi hang đá máng cỏ đã trở thành một cái mốt trang trí cho gia đình. Nhưng rồi cái mốt ấy cũng sắp làm người ta chán, vì thế gian sẽ còn bày ra nhiều cái hấp dẫn mới mẻ hơn trong những ngày Giáng Sinh thế tục sắp tới.
Khi bước chân vào thế gian, Đức Giêsu đã thấy rõ tấm lòng của từng người mà Ngài sắp cứu nó, nên mỗi lần thế gian kỷ niệm Lễ Giáng Sinh là mỗi lần trái tim Chúa Giêsu lại xót xa thổn thức. Ngài thổn thức không phải với những kẻ không tin Chúa, nhưng với chính những kẻ tin mà Ngài hằng ấp ủ nó trong trái tim yêu thương của Ngài.
Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Gioan cho ta thấy sự thực phũ phàng đó: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1,10-11).
Việt Nam cũng đang vào mùa Giáng Sinh. Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa biết bao nhiêu, vì hãy còn nhiều người đến nhà thờ. Chúng ta cũng phải tạ ơn Thiên Chúa biết bao nhiêu vì của cải vật chất ở đây chưa đủ nhiều để làm cho người ta nghênh ngang kiêu hãnh với Đấng Tạo Hoá, hoặc làm cho người ta say mê thụ hưởng mà quên mất Đấng Thiên Chúa tạo thành ra mình.
Chúng ta cũng phải tạ ơn Thiên Chúa nhiều hơn nữa vì trong khi có biết bao Kitô hữu ở những nước giàu sang đã quay lưng lại với Đức Giêsu để ôm lấy tiền của và tiện nghi vật chất, thì ở xứ sở nghèo nàn này của chúng ta, biết bao nhiêu người đã được ơn quay về đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu, và nhận Ngài làm lẽ sống và lẽ chết cho đời mình.
Phải xác tín rằng: đây là một ơn vô cùng lớn lao, chứ không phải do công của chúng ta, hay ơn truyền thống tốt đẹp đạo đức của cha ông chúng ta. Những việc lạ lùng này là ơn do lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã tự trời cao xuống đất thấp làm người, để trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta bằng sự chết của Ngài.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta trong Mùa Giáng Sinh năm nay, gặp và đón nhận được Lòng Thương Xót của Chúa qua Hài Nhi Giêsu. Không phải đón nhận Giêsu như một bức tượng xinh đẹp dễ thương trưng bày trong hang đá máng cỏ, nhưng là gặp được Đấng Thiên Chúa vô hình quyền năng vô song, phải cậy nhờ một người mẹ trần thế để có được cuộc sống hữu hình thân xác, cho tôi có thể dễ dàng gặp được Ngài. Một khi đối diện với Ngài tôi mới nhận ra được rằng: dù tôi có nhiều tiền của, có nhiều chức tước, có nhiều tài năng, thì tôi cũng chỉ là một tạo vật tối tăm đang phải làm nô lệ cho tội lỗi, mà chỉ có Ngài mới cứu được tôi. Và hạnh phúc cho tôi là Ngài đã có mặt trong thế gian và đang ở bên cạnh cuộc đời tôi.
Lời Chúa quả quyết rằng, hôm nay Đức Giêsu Kitô sự sáng và sự sống của Thiên Chúa đã đến trong tối tăm u buồn mù mịt của nhân loại chúng ta. Ai tiếp nhận Ngài thì cuộc đời phải sáng ra. Không phải sáng ra là ăn nên làm ra, có tiền có của, mát mày mát mặt. Nhưng sáng ra là được kéo ra khỏi vòng tối tăm đầy những lo âu, bất trắc, bon chen tiền của, mê đắm xác thịt của thế gian mà đưa vào trong ánh sáng đích thực là sự sống của Thiên Chúa. Đó là sự sống no đủ, dư thừa hoan lạc và an bình của Thánh Thần ở ngay giữa trần gian này, hôm nay và ngày mai mãi mãi không bao giờ vơi cạn.
Khi có Đức Giêsu ở trong tôi thì tất cả những nghi thức hội hè đình đám bên ngoài chỉ hết sức tuỳ phụ, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Tâm hồn tôi vẫn an bình tràn ngập niềm vui, vì lễ Giáng sinh thật sự đang ở trong tôi. Ánh sáng Đức Kitô chiếm ngự lòng tôi. Chính Đức Giêsu, chứ không phải tôi, làm cho niềm hoan lạc của Ngài tràn sang gia đình tôi, lối xóm của tôi và tất cả mọi người xung quanh mà tôi gặp gỡ.
Lễ Giáng Sinh đích thực là lễ mà Thiên Chúa muốn đến để cư ngụ với người ta, và con người trần thế mở lòng ra đón nhận Đấng yêu thương cứu độ mình. Ai đón nhận được Đức Giêsu Kitô thì người đó đã có một lễ Noel đầy đủ.
Ai không để Đức Giêsu chiếm ngự linh hồn và thân xác mình, thì dù có ăn mừng lễ Noel bằng cây thông sáng rực đèn màu, máng cỏ đầy đủ các Đấng, nhạc Giáng Sinh réo rắt đêm ngày, thì tất cả chỉ là phù vân, và sau cái phù vân ấy là sự chán nản vô vị.
Xin Hài Nhi Giêsu lúc nào cũng tươi cười, cho ta một nụ cười của Thiên Chúa. “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc 2,10). Từ khi Adam cúi đầu dắt vợ ra khỏi vườn địa đàng, thế giới u sầu này chưa hề có một quang cảnh nào rộn rã, tấp nập, cuống quýt của lớp lớp thiên sứ ngợp trời vì một niềm vui đang bao quanh lấy chính họ như vậy: “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,13-14). Đức Maria thì bàng hoàng ngây ngất, giữ kỹ mọi niềm vui trong lòng mình, không để rơi rớt dù một mảnh nhỏ, và suy đi nghĩ lại trong lòng mình (x. Lc 2,19). Đức Mẹ đầy Đức Giêsu Kitô là như thế. Còn lũ xác xơ nghèo khổ mục đồng, suốt năm theo sau đàn cừu hôi hám, chẳng có gì vui hơn là nghĩ đến cơm bánh cho cái bụng, thì lúc này nhảy lên, hát lên trên đường về không phải Giêrusalem, mà vui ca trên đường về với lũ cừu hôi hám và với thân phận (y nguyên như cũ) nghèo khổ của mình. “Rồi các người chăn cừu ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2,20).
Niềm vui Giáng Sinh đích thực phải là niềm vui có Giêsu, đón nhận Giêsu vào trong cuộc đời mình, để Giêsu làm chủ mọi suy nghĩ hành động của mình, nhất là để cho lòng thương xót Chúa biến đổi đời mình. Khi mừng Lễ Giáng Sinh với tâm trạng đó, ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui sâu lắng an bình, và như Chúa nói, “niềm vui của các con không ai cướp mất được”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được vào số những người Chúa thương, như lời chúc vinh của các Thiên Thần. Chỉ một mình Ngài là niềm vui Giáng Sinh cho con, là đủ cho Lễ Giáng Sinh đời con. Amen.
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS