“Có tiếng hô: Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán” (Is 40:3-5).
Sống trong Mùa Vọng, hãy chuẩn bị tâm hồn và tích cực tham gia các hoạt động yêu thương. Bề ngoài có thể là chuẩn bị những gì cần thiết cho Lễ Giáng Sinh (làm hang đá, trang trí nhà thờ, cây thông,…), đồng thời cũng phải sốt sắng chuẩn bị đón Chúa đến trong tâm hồn – chuẩn bị tâm hồn mới là điều quan trọng nhất, vì đó mới là “hang đá” đích thực để Chúa ngự vào.
Chúng ta chuẩn bị bằng cách nào? Chân phước Jacobus de Voragine, giám mục tu sĩ Dòng Đa-minh hồi thế kỷ XIII, đã viết về Mùa Vọng thế này:
“Mùa Vọng kéo dài bốn tuần, điều đó nhấn mạnh rằng khát khao mong Chúa đến phải gấp bốn: Ngài hóa thành nhục thể, Ngài đến trong tâm hồn chúng ta, Ngài đến ở với chúng ta cho đến chết, và Ngài đến xét xử chúng ta. Tuần thứ tư ít khi trọn vẹn… Khi Chúa đến bốn lần, Giáo hội kính nhớ hai lần, lần một là khi Ngài mặc xác phàm làm người và lần hai là Ngài đến phán xét. Vì thế, ăn chay trong Mùa Vọng là một phần vui mừng khi Chúa đến trong xác phàm, và một phần lo lắng khi Chúa đến xét xử”.
Thánh lễ được chuẩn bị cho thời cuối cùng. Chúng ta tin vào Bí tích Thánh Thể, bánh và rượuc được Chúa Thánh Thần thánh hóa trở nên Mình và Máu Đức Kitô, Linh hồn và Thần tính của Ngài, chúng ta rước lễ là đón nhận chính Máu Thịt Đức Kitô. Đây là mấy điền cần làm trong Mùa Vọng:
1. Thành tâm sám hối, ăn chay.
2. Thành tâm cầu nguyện.
3. Tìm hiểu Kinh Thánh.
4. Tìm hiểu những phần chính trong cuộc đời Đức Kitô hoặc các giáo huấn của Ngài.
5. Tìm hiểu cuộc đời các thánh và Giáo hội.
6. Tìm hiểu những bài viết hay về đức tin.
ĂN CHAY và BÁC ÁI
Ăn chay (hoặc giữ chay) cũng là một phần hoạt động trong Mùa Vọng, chứ không chỉ trong Mùa Chay. Vì thế, trước đây Giáo hội nghiêm khắc về việc giữ chay trước khi rước lễ: Giữ chay ba giờ trước khi rước lễ, thậm chí còn từ nửa đêm cho tới Thánh lễ ban sáng, nhưng ngày nay chỉ còn phải giữ chay trong vòng 60 phút. Chúng ta phải giữ chay theo NGHĨA ĐEN (tức là đồ ăn) hoặc theo nghĩa bóng là từ bỏ thói hư tật xấu nào đó trong Mùa Vọng (cũng như trong Mùa Chay). Nếu chúng ta kiêng cữ một loại nào đó quen dùng (chẳng hạn là cà-phê) để bớt chi phí, tiền đó dùng để cho người nghèo chứ không để “tích lũy”. Nhiều giáo xứ có thùng bác ái để mọi người chia sẻ trong Mùa Chay nhưng lại không áp dụng trong Mùa Vọng, đó là sự thiếu sót! Chia sẻ là yêu thương, mà mùa nào cũng cần yêu thương, nhất là trong Mùa Chay và Mùa Vọng. Ăn chay là để làm bác ái.
Theo cách này, chúng ta có thể làm những hy sinh nhỏ kết hợp với hy sinh cao cả của Đức Kitô, và chúng ta cũng có thể dùng những đau khổ nhỏ để chia sẻ với những người phải chịu những đau khổ lớn. Chúng ta phải luôn chú ý tới cách diễn tả của Chúa Giêsu về Ngày Phán Xét trong dụ ngôn Chiên và Dê (Mt 25:31-46): Những gì chúng ta LÀM cho người bé mọn nhất là LÀM cho chính Ngài, và những gì chúng ta KHÔNG LÀM cho người bé mọn nhất là KHÔNG LÀM cho chính Ngài.
CẦU NGUYỆN
Tùy vào cách chúng ta muốn “phân đoạn”, Thánh lễ có thể là lời cầu nguyện dài hoặc nhiều phần ngắn liên kết với nhau. Có thể nói rằng Thánh lễ là lời cầu nguyện dài đơn giản gồm những phần ngắn, mọi phần đều liên kết với nhau. Trong Mùa Vọng, chúng ta có những lời cầu nguyện riêng trong Thánh lễ: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Lead us not into temptation, but deliver us from evil), hoặc “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Lord, I am not worthy that you should enter under my roof, but only say the word and my soul shall be healed). Các lời cầu nguyện này rõ ràng là chuẩn bị cho chúng ta gặp Chúa là Vị Thẩm Phán và Đấng Cứu Độ. Hoặc, trong nghi thức sám hối, chúng ta xin Chúa thương xót và tha thứ tội lỗi, đồng thời cũng xin những người khác cũng cầu nguyện và tha thứ cho chúng ta. Kinh Vinh Danh và Kinh Thánh Thánh Thánh được rút ra từ sách Khải Huyền, được kết hợp với Đức Kitô trên trời và lần quang lâm của Ngài.
KINH THÁNH
Trong Thánh lễ luôn có những đoạn Kinh Thánh. Tuy nhiên, cách dùng Kinh Thánh hiển nhiên nhất là phần Phụng vụ Lời Chúa. Mỗi Chúa nhật, chúng ta được nghe một đoạn Cựu ước, một đoạn Tân ước, một đoạn Phúc Âm, và một đoạn Thánh Vịnh [1]. Phần này của Thánh lễ liên quan ý nghĩa thứ hai: Đức Kitô đến trong linh hồn chúng ta.
Kinh Thánh gồm Lời Chúa, và không chỉ Lời Chúa. Khi nghe Lời Chúa, chúng ta được mời gọi không chỉ đọc hoặc tìm hiểu Lời Chúa, mà còn chấp nhận Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện bằng Lời Chúa, và cuối cùng là thực hành Lời Chúa. Lời Chúa thấm vào chúng ta qua việc đọc, suy niệm và cầu nguyện, nhờ đó mà chúng ta sống Lời Chúa – để “mở đường, sửa lối, bạt đồi, lấp hố” chuẩn bị cho Chúa đến ngự vào hang-đá-tâm-hồn của chúng ta – không chỉ trong đêm giáng sinh mà suốt cả cuộc đời chúng ta.
ĐỜI SỐNG CỦA ĐỨC KITÔ VÀ CÁC THÁNH
Đặc biệt phần Phúc Âm, chúng ta có một thoáng nhìn về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, Giáo hội cũng có những mùa phụng vụ và những lễ đặc biệt tái tập trung vào những thời điểm đặc biệt của Chúa Giêsu với giáo lý riêng về Ngài và các phương diện của Ngài.
Tương tự, chúng ta cũng thấy những ngày đặc biệt mà Giáo hội tập trung vào các thánh hoặc Giáo hội của Ngài như một tổng thể. Chúng ta muốn bắt chước Đức Kitô để “mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3:27). Các thánh cho chúng ta thấy nhiều tấm gương sáng để chúng ta làm theo.
Thánh Phaolô xác định: “Phải như thế [yêu thương], vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:11-14).
CÁC BẢN VĂN KHÁC
Cuối cùng, chúng ta nên lắng nghe các bản văn và các giáo huấn của những người khôn ngoan về đức tin. Trong Thánh lễ, bài giảng cũng có vị trí nhất định. Chủ đề xoay quanh các bài đọc, nhất là Phúc Âm, rồi rút ra những bài học về luân lý và các nhân đức, để mỗi người cố gắng càng ngày càng nên giống Đức Kitô hơn. Ngoài Thánh lễ, chúng ta còn có những bản văn của các Giáo phụ, các Tiến sĩ, các Thánh, kể cả các hướng dẫn của các bậc thầy như ĐHY Fulton Sheen và G.K. Chesteron [2], hoặc C.S. Lewis [3], hoặc các Đức giáo hoàng [4] và các Đức giám mục.
Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị đón Chúa ngự vào linh hồn chúng ta, vào lúc cuối đời và lúc phán xét. Sự chuẩn bị này luôn phải thực hiện mọi nơi và mọi lúc, vì chúng ta không biết ngày giờ nào Đức Kitô đến (Mt 25:13). Nhờ Thánh lễ, chúng ta thực sự dành thời gian suốt năm để “dọn đường” cho Chúa đến. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta thấy có những cách thức chuẩn bị đón Chúa đến với chúng ta.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)
Lễ Thánh Damascus I Giáo hoàng, 11-12-2013
_________________________
[1] Những đoạn Kinh Thánh khác nhau theo mùa trong Thánh lễ hằng ngày.
[2] Cả hai có thể sẽ được tuyên thánh vào một ngày nào đó.
[3] Chúng ta cũng có thể học hỏi từ người ngoài Công giáo.
[4] Dù là Thánh GH Gioan Phaolô II, ĐGH Bênêđictô XVI, ĐGH Phanxicô, hoặc hoặc một Giáo hoàng nào đó… Chúng ta cũng nên đọc các Tông thư, Tông huấn, Tông huấn, Tông sắc, Tự sắc, Hiến chế, Sắc lệnh, Quy chế,… để giúp chúng ta chuẩn bị đón Chúa tốt hơn.