TẶNG PHẨM CỦA NGƯỜI NGHÈO

Có một câu chuyện thế này: Vào đêm lễ Giáng sinh, không riêng người Công giáo, nhưng hầu như mọi người, đều đổ ra đường để đi đâu đó mừng đêm tưng bừng, đêm lễ hội. Vì thế mọi ngã đường sớm đông nghẹt.

Theo dòng người đông đảo, Tôi – tác giả kể – bước về hướng nhà thờ. Chiếc loa phóng thanh trên đỉnh nhà thờ trổi bản nhạc mừng Chúa Giáng sinh thật vui, không làm tôi chú ý cho lắm.

Một cảnh tượng khác đập vào mắt tôi: Một người đàn ông trạc bốn mươi, chắc là bảo vệ nhà thờ, lôi xồng xộc một em bé ra ngoài khuôn viên nhà thờ. Trên tay em là xấp vé số dày cộm. Vừa lôi em, miệng anh vừa la lối: “Ra ngoài bán, ở đây không phải chỗ!”.

Cùng lúc, tôi nghe một giọng nói ấm áp từ phía sau lưng: “Này anh, thôi đừng đuổi em bé. Đêm nay Chúa Giáng sinh là để cho em và cho những người cơ nhỡ, bất hạnh, nghèo khó như em”.

Phản xạ tự nhiên, Tôi xoay người lại xem giọng nói của ai? À, chiếc áo chùng thâm. Hóa ra một linh mục. Tôi còn nghe cha nói thêm: “Cần phải có những người như em bé này ở trong nhà thờ đêm nay, để họ hiểu rằng, Chúa cũng nghèo lắm, nghèo như chính bản thân họ vậy”.

Vị linh mục bước đi. Người bảo vệ nhìn theo, ánh mắt vẫn chứa đầy một khoảng không im lặng. Chắc anh ngỡ ngàng lắm, nhưng cũng thẹn lắm vì vừa nhận ra bài học quý giá. Tôi nhìn lên bầu trời hít thở không khí đêm đông lành lạnh thật sảng khoái, chợt nhận ra ánh sao đêm nay sáng và đẹp tuyệt vời…

Có thể khi dẫn chứng câu chuyện và những hình ảnh mà câu chuyện lột tả, sẽ có nhiều ý kiến: đồng ý và không chấp nhận, khen hoặc thấy khó chịu; cũng có thể cho rằng, anh bảo vệ đúng, vị linh mục chưa đúng… Riêng tôi, chỉ nhằm một chủ: minh họa cho những gì đã suy nghĩ, để nhấn mạnh đến một điều quan trọng và lớn lao hơn nhiều: Tình Yêu Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Nhập Thể.

Nội dung câu chuyện thật ngắn, thật đơn sơ, nhưng tôi thấy chất chứa bên trong nó là cảm nhận về một quà tặng của Tình Trời được gởi trao cho người trần, một quà tặng tuyệt đối, quà tặng vô giá được ban tặng nhưng không: Thiên Chúa đã trao tặng chính người Con Một dấu ái của Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Câu Lời Chúa được thánh Gioan ghi lại, là trích một trong những lời thoại Chúa Giêsu trao đổi với ông Nicôđêmô. Thánh Gioan không hiển nhiên nhắc tới hai tiếng “quà tặng”, nhưng khi lặp lại lời của Chúa: “Thiên Chúa đã YÊU… đến nỗi đã BAN”, thì không là nói bằng ngôn ngữ của quà tặng đó sao.

Và trong hai tiếng quà tặng đã hàm chứa TÌNH YÊU và sự TRAO BAN. Nơi Thiên Chúa, dù quà tặng chính là một ân ban thần linh diệu kỳ lại quá sức cụ thể nơi một con người mang tên Giêsu Kitô.

Vì nơi Thiên Chúa làm người mang tên Giêsu Kitô, đã là Thiên Chúa giàu có, nhưng chấp nhận hủy mình để trao dâng tất cả, để tỏ lòng yêu thương, thì lời của linh mục: “Đừng đuổi em bé. Đêm nay Chúa giáng sinh là ĐỂ CHO em và cho người cơ nhỡ, bất hạnh, nghèo khó như em”, và “Cần phải có những người như em bé này ở trong nhà thờ đêm nay, để họ hiểu rằng, Chúa cũng nghèo lắm, NGHÈO NHƯ CHÍNH HỌ VẬY”, thật đáng chú ý và đáng suy nghĩ.

Cũng vậy, không hề nhắc tới hai tiếng “quà tặng”, nhưng qua lời đối thoại, những kiểu nói: “ĐỂ CHO”, hay “CHÚA CŨNG NGHÈO NHƯ CHÍNH HỌ VẬY”, tác giả đã đặt lên môi nhân vật ngôn ngữ của quà tặng, một quà tặng chứa đầy tình yêu.

Nhưng trong lời đối thoại của nhân vật linh mục, chỉ có “những người cơ nhỡ, bất hạnh, nghèo khó” mới đáng lãnh nhận quà tặng Giêsu.

Đọc lại Tin mừng của đêm Giáng sinh, ta cũng sẽ thấy rõ điều này. Ngay sau khi Đấng tự hiến mình đã sinh làm người, thiên thần loan tin mừng Giáng sinh.

Nhưng lời của thiên thần: “Hôm nay Đấng Cứu Thế giáng sinh cho các ngươi” (Lc 2, 11) KHÔNG THỂ NÀO VANG ĐẾN DINH TỔNG TRẤN PHILATÔ, HOẶC NGAI VÀNG VUA HÊRÔĐÊ HAY DINH THƯỢNG TẾ CAIPHA, LẠI THUỘC VỀ NHỮNG MỤC ĐỒNG, NHỮNG NGƯỜI CHỈ BIẾT LÀM QUEN VỚI CÁI NGHÈO, LÀM BẠN VỚI ĐÀN SUC VẬT. NGHÈO VẬT CHẤT ĐÃ VẬY, HỌ CÒN LÀ NHỮNG NGƯỜI DỐT NÁT, CHỌN CHO MÌNH KIẾP SỐNG RÀY ĐÂY MAI ĐÓ…

Và dấu chỉ của quà tặng vô giá mà thiên thần giới thiệu là gì? Đó là: “Đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12).

Một dấu chỉ quá đỗi đơn sơ, nghèo hèn. Nhưng chất chứa trong dáng vẻ đơn nghèo, dấu chỉ ấy là một dấu chỉ vĩ đại, dấu chỉ về một tặng phẩm thần linh: Thiên Chúa làm người!

Hóa ra quà tặng thần linh được dâng tặng, được trao ban, không phải chỉ có những người hèn hạ, khốn khổ mới có thể lãnh nhận. NHƯNG CHÍNH ĐẤNG BAN TẶNG CHÍNH MÌNH CŨNG TRỞ NÊN NGƯỜI NGHÈO. Chỉ có hiến mình dâng tặng như thế, quà tặng Giêsu mới thật là quà tặng cần thiết và tròn đầy ý nghĩa.

Vậy để đón nhận và hiến dâng trọn vẹn quà tặng của yêu thương, đòi người ta phải có sự trút bỏ bằng một tinh thần nghèo khó, bằng một ý thức hiến mình thực sự, không thể làm khác được.

Như vậy chính trong sự nghèo khó, người ta lại trở nên giàu có, vì có chính Thiên Chúa làm tặng phẩm vô giá của mình. Bởi vậy, ta mới hiểu vì sao Chúa Giêsu lại nói: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo” (Lc 6, 20).

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts