Thưa quí vị,
Chuyện kể rằng: Có 2 người uống rượu với nhau. Một người vốn tính lạc quan, người kia bi quan. Khi đã ngà ngà say, người lạc quan chỉ chai rượu nói: “Vui vẻ đi anh, chúng ta còn nửa chai nữa.” Người bi quan buồn rầu đáp: “Vui thế nào được, sắp hết rượu đến nơi rồi.” Chẳng hiểu tôi thuộc về hạng người nào? Lạc quan hay bi quan? Vì chưa chi đã nhìn thấy Giáng sinh đi qua. Sự náo nhiệt của ngày lễ sắp hết. Thế là một mùa đáng nhớ nữa rơi vào kỷ niệm. Đúng vậy, đêm nay những món quà cuối cùng được thuê gói giấy, đóng hộp và gửi đi. Các bữa tiệc mừng tại văn phòng, trường học, công sở đã vãn. Bánh kẹo, thịt khô, rượu mùi, tạp hoá trang hoàng đã được đặt mua xong và sẵn sàng cho lễ hội ngày mai. Gia đình, bạn bè, khách khứa đã lo liệu xong quần áo, giày dép, mũ nón để đi thăm hỏi thân nhân, họ hàng, làng xóm, láng giềng hoặc du ngoại. Sau thánh lễ nửa đêm, ai nấy đều buồn ngủ. Nhưng vẫn cố gắng hoãn đến chiều ngày lễ lúc đó sẽ làm một giấc ngon, còn bây giờ chưa thể bỏ rơi cuộc vui mừng lễ, đón tiếp khách khứa. Tuy nhiên, rồi sẽ đế lúc tan tiệc rã đám. Người ta sẽ thu gom hang đá, cây thông, đồ vật trang hoàng cất đi cho mùa Noel sang năm, phế thải quăng ra đường cho phu quét rác dọn đi. Chừng hai ba ngày nữa chạy ra các cửa tiệm mở sớm để mua hàng hoá đại hạ giá dành cho sang năm. Dĩ nhiên, cũng hai ba ngày nữa các hoá đơn sẽ dồn dập bay tới và chúng ta méo mặt lo liệu tiền bạc trả các công ty, chậm trễ sẽ chịu lãi suất cao hơn. Cuối cùng mọi người mệt nhoài, nhưng hài lòng về một lễ Giáng sinh đã qua. Chúng ta nghỉ ngơi và chờ đợi ngày đi làm như bình thường. Câu chuyện đúng như vậy không, thưa quí vị?
Nhưng xin nhớ, những hoạt động đó là của thế gian, những nhà kinh doanh buôn bán, ngân hàng kiếm lời. Còn đối với tín hữu, chúng ta nhìn Giáng sinh bằng thái độ khác, nghiêm chỉnh hơn. Các lễ hội, sinh hoạt phụng vụ đối với tâm hồn tín hữu mang ý nghĩa sâu xa, bền vững hơn. Chúng ta vừa trải qua bốn tuần lễ Mùa Vọng, đón chờ, khao khát Chúa đến thăm. Chẳng lẽ lại có thái độ hời hợt như vậy sao? Không, Giáng sinh không chấm dứt vào chiều 25 hoặc 26/12 nó chỉ là khởi đầu và kéo dài tới 2 tuần lễ nữa, chứ không phải một hoặc hai ngày. Nó giúp chúng ta ý thức và đáp trả lòng tốt của Thiên Chúa, Đấng đã tưới gội ơn lành xuống thế gian. Nó nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng mỗi tín hữu chứ đâu phải lễ hội mua vui chóng qua? Nó khích lệ đôi mắt chúng ta nhìn rõ những biểu hiện khác nhau của vinh quang Thiên Chúa trên trần gian.
Do đó, mùa Giáng sinh là thời gian chúng ta ý thức Thiên Chúa bày tỏ quyền năng và ơn lành cho loài người. Chóp đỉnh của nó là lễ Chúa chịu phép rửa mà các tín hữu đông phương mừng như lễ sinh nhật mới. Các bài đọc suốt hai tuần này đồng hành với tâm trí tín hữu, ban khả năng cho họ chìm sâu vào mầu nhiệm Giáng Sinh và Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Tháng 7/1969 phi hành gia Neil Armstrong và hai người bạn đổ bộ lên mặt trăng. Cả thế giới nín thở chờ đợi và theo dõi các hoạt động của họ. Khi hoàn thành sứ vụ, trở về trái đất, lập tức họ được tôn vinh anh hùng nhân loại. Người ta tổ chức ăn mừng linh đình, diễu hành phố xá, hình ảnh xuất hiện trên mặt báo chí toàn cầu. Thiên hạ nhảy múa, hò reo. Nhưng chỉ hai tháng sau, chẳng ai còn nhớ tới họ nữa và chuyến đi “nổi tiếng” của họ cũng rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, có một trẻ thơ sinh ra trong nghèo đói tối tăm hơn hai ngàn năm trước, thì nay lại được nhớ đến, ca tụng và ăn mừng muôn thủa. Niềm vui ngày em sinh ra tràn ngập mọi tâm hồn. Nơi em chào đời, làng nhỏ Bethlem, đi vào ký ức như một kỷ vật không thể quên. Thử hỏi tại sao? Câu trả lời chỉ có thể là lợi ích thiêng liêng em mang đến cho trần gian. Armstrong và các bạn bất quá đem được mấy kg bụi đất mặt trăng về. Nhưng quà của Chúa Hài Đồng thật vô giá: Đời sống thần linh. Cho nên nhân loại vui mừng không kể siết, người ta kỷ niệm năm này qua năm khác mà vẫ chưa no thoả, cơ hồ như tồn tại vĩnh hằng. Vậy thì hời hợt thế nào được?
Bài đọc một đêm nay, Isaia nói rõ việc này hơn: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vòng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi… Họ mừng vui như người ta hỷ hoan trong mùa gặt. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ và ngọn roi của kẻ hà hiếp, đều bị Ngài bẻ gẫy, đập tan.” Chúng ta đã từng ngớ ngẩn cậy dựa vào ánh sáng thế gian và phải thất vọng. Chúng ta đã tin tưởng vào quyền lực, tiền tài, kỹ thuật, văn minh, tưởng chừng như chúng sẽ đem lại hạnh phúc nhưng đã nhầm. Thế giới với nạn khủng bố, kỳ thị, ghen ghét, đố kỵ, thực ra là đúng như lời vị tiên tri: “mảnh đất tối tăm.” Hơn nữa những thứ mà chúng ta coi như tự do hạnh phúc, thì Isaia nói thực tế chỉ là “ách trên vai, gậy trên lưng, roi vào mình…” Bởi vì thế gian chẳng bao giờ lắng nghe tiếng êm dịu của hoà bình. Ngược lại, liên tục gây hấn và chiến tranh hoặc dùng ngôn ngữ của vị tiên tri: “giày lính nện xuống rần rần, áo choàng đẫm máu,”. Nghe kỳ lạ không quý vị? Vậy chúng ta chẳng thể bảo vị tiên tri cổ lỗ, lỗi thời. Ong mô tả điều chúng ta chứng kiến hàng ngày chung quanh mình, cả hai bình diện thế giới và đời sống cá nhân! Có ai không phải vật lộn? Có ai không phải đấu tranh? Thiêng liêng, kinh tế, văn hoá, chính trị? Thực ra Isaia tường thuật những nhiễu nhương của thời ông, trên đất nước ông. Nhưng cũng là của thời chúng ta, trên thế giới hiện nay. Cho nên chúng ta được nhắc nhớ rằng: đừng tự cao tự đại. Người ta chẳng có khả năng tháo gỡ những khó khăn ấy mà phải cậy nhờ vào Hoàng tử hoà bình, Cố vấn kỳ diệu, Thần linh dũng mạnh, người Cha muôn thủa như tuyển dân Dothái ngày xưa vậy. Thiên Chúa đã nhìn thấy những nhọc nhằn, khổ nhục của chúng ta và đã gửi Đấng “quyền bính bao la, hoà bình vô tận” đến cứu giúp. Chẳng vì công nghiệp chúng ta nhưng chỉ vì “yêu thương nồng nhiệt Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện cứu vớt”. Tuy nhiên, không phải bằng đường lối chúng ta chờ đợi mà bằng đường lối riêng của Ngài, theo thượng trí và khôn ngoan vô cùng.
Vì vậy nếu không có ánh sáng Chúa soi dẫn, chúng ta chắc chắn không thể đáp trả chính xác tiếng Ngài mời gọi, lại rơi vào bóng tối và thảm cảnh lầm lạc thế gian. Thực tế, các kinh sư, tư tế, ký lục Do thái xưa đã mắc vào con đường ấy. Ngày nay cũng vậy thôi, nếu chúng ta không biết cầu xin và tỉnh thức. Chè chén vui chơi tối ngày thì làm thế nào tranh thủ được ơn Chúa? Xin nhắc lại rằng: Ngài không đến trong đường lối rực rỡ vinh quang với kèn đồng, lửa cháy, sấm sét, binh hùng tướng mạnh mà trái lại, bé nhỏ nghèo hèn. Hôm qua chúng ta gọi là “quy luật Belem”. Thánh Phaolô viết trong bài đọc 2 rằng : “An sủng dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” Thánh nhân còn thêm: “Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.”
Thánh Luca rõ ràng hơn khi mô tả Thiên Chúa xuất hiện giữa nhân loại trong vóc dáng một hài nhi nghèo khổ. Thánh nhân mở mắt cho chúng ta xem thấy và chiêm ngắm Hoàng tử Hoà bình nằm trong máng cỏ: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” Thế đấy, Thiên Chúa đến với nhân loại như vậy và sẽ còn đến nữa, đến nữa trong đường lối bé nhỏ, khiêm hạ, nghèo hèn. Chắc chắn chúng ta chẳng gặp Ngài nếu cứ ăn ở huyênh hoang kênh kiệu, đầy kiêu căng tự mãn.
Phúc Âm đêm nay có nguy cơ nhàm chán. Câu truyện kể đi thuật lại nhiều lần khiến có người thuộc lòng. Thượng vị La mã ra chiếu chỉ kiểm tra dân số. Thánh Giuse và Đức Mẹ trở về quê cũ Belem. Đức Mẹ đang mang thai. Không có chỗ trong quán trọ. Đức Mẹ sinh con tại hang chiên cừu. Đặt con nằm ở máng cỏ bò lừa… Chuyện quá quen thuộc khiến người ta đọc như cái máy ghi âm mà chẳng hiểu chi. Thực ra Thiên Chúa đã sử dụng thượng vị La mã làm công cụ để thực hiện chương trình của mình. Thượng vị kiêu ngạo truyền biến thần dân của ông thành con số để dễ bề đánh thuế. Ngõ hầu có tiền cung cấp cho các đạo binh to lớn của Đế quốc và ăn chơi thoả thích. Nhưng Thiên Chúa lại có kế hoạch khác. Và dùng Caesar để thực hiện. Phúc Âm tả đúng câu châm ngôn cổ xưa: “Thượng Đế hành động trong những đường lối mầu nhiệm.” Xét trong lịch sử, khi thời thế trở nên tồi tệ, Thiên Chúa giơ tay can thiệp để cứu vớt dân lành. Chẳng thế lực nào ngăn cản hay phá vỡ nổi. Luca thuật lại cuộc kiểm tra nữa của đế quốc Rôma. Thiên Chúa xuống thế làm người và được liệt kê như một con số trong các con số nô lệ của đế quốc. Ngài cư ngụ giữa nhân loại như vậy đó. Còn chúng ta tranh giành nhau địa vị, cấp bậc. Thử hỏi có xứng đáng làm môn đệ Chúa? Xin nhớ các Thiên sứ không về phe với Roma, những kẻ cầm quyền bằng sức mạnh áp bức. Các vị loan báo Thiên Chúa uy linh đã đến với nhân loại và ngự giữa loài người. Nhưng ở đâu? Một tỉnh nhỏ nghèo nàn Palestine, một chấm nhỏ trên bản đồ đế quốc mà Caesar giữ trong phòng chiến lược. Cố vấn kỳ diệu của Isaia cư ngụ chỗ nào? Chiếc ao tù gọi là Bethlem. Ngài sống ở đâu? Miền Galilea mà các lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem khinh bỉ, coi như nước sôi đỗ, nửa đạo nửa đời, không đáng lưu tâm. Vậy thì Thiên Chúa dũng mãnh làm chi ở đó?
Các chuyên viên Kinh Thánh giải thích rằng, khi nói đến Bethlem người ta gợi nhớ Đavit, ông vua vĩ đại của Israel. Một ông vua mục tử chăn dắt dân riêng của Thiên Chúa trong hoà bình và công lý. Dưới triều đại Đavít kẻ què được nâng đỡ, người nghèo được cho ăn, kẻ ngoài lề được trọng vọng, bà goá, trẻ mồ côi được bênh đỡ. Cho nên khi thiên sứ báo tin, các mục đồng hiểu ngay Thiên Chúa đã đoái thương dân Ngài. Thượng Đế đã để ý đến kẻ vô danh tiểu tốt và thân hành xuống chăn dắt họ bằng ánh sáng huy hoàng bao bọc khắp vùng. Sẽ chẳng còn số phận hẩm hiu trong thế giới được Thiên Chúa cai trị. Chẳng ai ngoài tầm săn sóc của Chúa. Mọi người được tôn trọng, chứ không riêng gì giai cấp được ưu đãi của đền thờ hay cung triều Caesar. Thiên sứ không báo Tin Mừng riêng cho họ nhưng cho mọi kẻ thiện tâm.
Vậy thì đêm nay chúng ta không chỉ cử hành trong hân hoan ngày Chúa giáng sinh, nhưng tất cả mọi kẻ sinh lại trong Lời Chúa. Lời đã cưu mang chúng ta theo ý Thiên Chúa và đã hạ sinh chúng ta trên trái đất này. Đó là Tin Mừng chúng ta đã nghe các Thiên sứ loan báo, cũng là niềm vui cho toàn dân. Tất cả chúng ta đã từng sống trong bóng đêm tối tăm, hôm nay được nhìn thấy ánh sáng vĩ đại. Tất cả chúng ta đã từng đi lưu đày trong vùng đất u sầu. Nhưng Thiên Chúa đã trở thành một con người như chúng ta và sống giữa loài người để có thể dẫn dắt mọi linh hồn về cùng Chúa Cha. Cuộc đời Chúa Kitô chính là thể hiện tình yêu của Thiên Chúa cách cụ thể bằng xương thịt, máu huyết nhân loại.
Chúng ta đáp trả ra sao? Liệu chúng ta bằng lòng sống cuộc đời Thiên Chúa bày tỏ đêm nay? Tức khước từ ích kỷ, tham lam, quyền lực, giàu sang để mặc lấy tâm tình trẻ thơ Giêsu? Chúng ta thờ lạy “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa dũng mãnh” nơi Hài nhi mới sinh. Chúng ta noi gương “người Cha muôn thủa” bằng yêu mến và săn sóc kẻ nghèo khó, đơn côi, goá bụa. Chúng ta dấn thân phục vụ “Thủ lãnh Hoà bình” bằng tiêu diệt hận thù dưới bất cứ hình thức nào, lời nói, việc làm. Xin đừng lựa chọn ghi tên vào sổ “kiểm tra” của Caesar, nhưng vào sổ các con cái Thiên Chúa, công dân Nước Trời hầu được hướng dẫn bằng ánh sáng huy hoàng đêm nay. Amen.
Lm. Jude Siciliano, OP.
VietCatholic Network