Tác giả sách Khôn Ngoan đặt vấn đề: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh?” (Kn 9:13 và 17) Chỉ có Ngài là Thiên Chúa duy nhất, Đấng tạo dựng mọi sự – hữu hình và vô hình, chắc chắn không có bất cứ một thần linh nào khác như Ngài. Nghĩa là chúng ta chỉ tôn thờ Một Chúa Ba Ngôi mà thôi.
Con Thiên Chúa giáng sinh là một mầu nhiệm, chúng ta không thể hiểu thấu. Điều đó đã được tiên báo từ lâu, các ngàn năm trước: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” (Is 7:14; x. Mt 1:23)
Trước khi Chúa Giêsu giáng sinh cách kỳ diệu, Kinh Thánh cho biết có những “dị nhi” khiến chúng ta phải ngạc nhiên, vì họ được sinh ra cách lạ lùng lắm: Samson, Samuel và Gioan Tẩy Giả. Kinh Thánh gọi họ là Nindia.
Trình thuật Ds 6:3-20 cho biết luật thánh hiến khắt khe về lời khấn nadia, đây là vài điều: phải kiêng rượu và men nồng, không được uống giấm chua từ chất rượu cũng như giấm chua từ chất men, không được uống mọi thứ nước nho, không được ăn nho tươi cũng như nho khô, phải để cho tóc trên đầu mọc tự nhiên, không được tới gần xác chết, dù là cha mẹ hay anh chị em nó chết, nó cũng không được để cho mình nhiễm uế.
Khi mãn thời kỳ khấn, người nadia phải vào cửa Lều Hội Ngộ và đem lễ tiến dâng Đức Chúa: một chiên đực một tuổi, toàn vẹn, làm lễ toàn thiêu, một chiên cái một tuổi, toàn vẹn, làm lễ tạ tội, một con dê đực toàn vẹn làm lễ kỳ an, một rổ bánh không men làm bằng tinh bột nhào dầu, bánh tráng không men tẩm dầu, cùng với các lễ phẩm ngũ cốc và rượu tế kèm theo… Từ đó, người nadia được phép uống rượu.
Truyền thống giữ lời khấn này được duy trì trong dân Chúa – trường hợp Samson (Tl 13:5) và Samuel (1 Sm 1:11). Truyền thống này vẫn được duy trì tới thời Thánh Gioan Tẩy Giả (Lc 1:15) và Thánh Phaolô (Cv 18:18; Cv 21:23-26). Không dùng đồ uống có men và để tóc dài là hai đặc điểm rõ nét của các nindia.
Trình thuật Tl 13:2-7 cho biết ông Ma-nô-ác có người vợ son sẻ và không sinh con. Nhưng sứ thần của Chúa cho ông biết Tin Lạ: “Này bà sẽ có thai và sẽ sinh một con trai; bây giờ bà phải kiêng cữ: đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch, vì con trẻ ấy sẽ là một nadia của Thiên Chúa, từ lòng mẹ cho đến ngày nó chết.” Người con kỳ lạ đó là Samson.
Một người con kỳ lạ khác là Samuel. Chương 1 trong sách Samuel, quyển 1, cho biết rằng ông En-ca-na có hai người vợ: bà An-na và bà Pơ-nin-na. Bà An-na là người son sẻ và không sinh con. Bà khóc lóc nguyện cầu, và Chúa đã cho bà thụ thai và sinh con, bà đặt tên cho nó là Samuel. (1 Sm 1:20)
Một người con kỳ lạ khác là Gioan Tẩy Giả, anh họ của Đức Giêsu. Trình thuật Lc 1:5-25 cho biết rằng tư tế Dacaria không còn khả năng sinh con vì cả hai ông bà đã cao niên. Họ đang đi đến ngõ cụt, nhưng Thiên Chúa đã mở lối thoát cho họ khi sứ thần báo Tin Lạ: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.”
Cuối cùng, một Người Con kỳ lạ nhất là Thánh Tử Giêsu. Có điều khác hơn các gia đình kia là Đức Maria là một trinh nữ, được tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Hoàn cảnh sinh cũng khác thường: Ðức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá (Lc 2:1-14; Mt 2:1-12; Gl 4:1-7) ở Belem trong một đêm khuya lạnh giá.
Chúa giáng sinh dạy chúng ta phải biết cầu xin có được “lòng khó khăn”. Ở đây, danh từ “khó khăn” không có nghĩa là “khó tính”, “khó nết”, “khó chịu”, “khó ưa”,… mà là sống nhân đức khó nghèo, sống tinh thần khó nghèo, có tinh thần khó nghèo sẽ dẫn tới hành động, thể hiện sự khó nghèo – chứ không phải là “khó mà nghèo”. Thật vậy, khó nghèo hoặc thanh bần là một trong ba lời khấn chính của các tu sĩ – những người tự nguyện sống theo lời khuyên Phúc Âm trong đời sống thánh hiến.
Thiên Chúa có mọi sự, cao sang đệ nhất, nhưng Ngài chọn cách nghèo khó. Điều đó được minh chứng rõ ràng khi Hài Nhi Giêsu giáng sinh tại hang lừa ở miền Belem. Đêm đó, thiên thần báo tin cho các mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12) Trẻ sơ sinh được bọc tã là chuyện bình thường, nhưng vấn đề là “nằm trong máng cỏ”. Khi chào đời, người ta không được sinh ra trong nệm ấm, chăn êm, thì cũng được sinh ra ở một nơi tương đối đàng hoàng, có giường chiếu hẳn hoi. Chỉ những ai “đẻ rơi” mới ở ngoài đường hoặc ngoài đồng. Vậy mà Con Thiên Chúa lại sinh trong cảnh nghèo khó hơn bất cứ ai trong chúng ta.
Sau khi được báo tin, các mục đồng đã liền hối hả ra đi theo hướng ánh sao. Kinh Thánh cho biết: “Đến nơi, họ gặp Cô Maria, Chú Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:16) Đúng y như lời báo của các thiên thần.Quá đỗi bất ngờ, hoàn cảnh của Thánh Gia khó khăn ngoài sức tưởng tượng.
Chúa Giêsu đã chọn cách sinh nghèo không giống ai, đó là Ngài làm gương để dạy chúng ta phải sống nhân đức nghèo khó. Ngài muốn chúng ta chia sẻ vật chất với người khác, giúp đỡ người khác, và Ngài đặt động thái sống nghèo khó là Mối Phúc thứ nhất trong Bát Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3) Bài học giáng sinh là bài học về nhân đức nghèo khó. Lối sống hưởng thụ, tìm an nhàn là đối nghịch với nhân đức nghèo khó – tất nhiên điều đó cũng “đối lập” với Thiên Chúa.
Thế giới sự sống vẫn tiếp tục, không ở trong ngõ cụt vì nhờ Con Một Chúa đến và làm hồi sinh sự sống. Thế giới muốn có sự sống thì phải đón nhận Ðức Giêsu Kitô. Đó là điều tuyệt đối và chắc chắn như vậy.
TRẦM THIÊN THU
Miền Giáng Sinh – 2019