Một giáo xứ nọ, tổ chức cho các em thiếu nhi trong giáo xứ viết thư gửi Chúa Hài Đồng. Các em thiếu nhi trong giáo xứ đã hồ hởi phấn khởi thi đua nhau viết thư nên số lượng thư đến nỗi quá tải. Giá tôi được làm Chúa thì tha hồ mà đọc thư, ngày này qua ngày khác, khoái thật !
Mấy em được chọn đọc lá thư của mình, chắc là những lá thư độc đáo nhất đây. Tôi được dịp ngồi lắng nghe những lá thư của các em thay vì phải giảng. Với tất cả cảm xúc nỗi lòng riêng tư hồn nhiên đơn sơ chân thật của mấy em qua những lá thư được đọc lên cho cả nhà thờ nghe.
– Chúa Hài Đồng ơi con thương Chúa lắm ! Con sinh ra ở trong phòng có gối ấm nệm êm còn Chúa trơ trụi trong chuồng bò, Chúa có lạnh không ?
– Chúa Hài Đồng ơi con thương Chúa lắm ! Con được sinh ra trong gia đình giầu có sung túc, có của ăn của để, còn gia đình Chúa nghèo nàn khố rách áo ôm, Chúa có buồn không ?
– Chúa Hài Đồng ơi con thương Chúa lắm ! Chúa nằm trên nắm rơm bên cạnh mấy đống phân bò chắc là hôi thối lắm nhỉ ? Chúa có phải bịt mũi nín thở không ?
– Chúa Hài Đồng ơi con thương Chúa lắm ! Đức Mẹ gầy gò cơm không đủ ăn áo không đủ mặc không biết có đủ sữa cho Chúa bú không ?
– Chúa Hài Đồng ơi con thương Chúa lắm ! Mấy con bò có thở hơi cho Chúa ấm không ? mấy con muỗi, con rận, con chí có hút máu Chúa không ? mấy con bọ cạp có chích Chúa không ? Tội nghiệp Chúa quá !
Đại khái mở đầu một loạt những bức thư là như thế. Sau những tâm tình mở đầu là những lời xin này xin kia theo thói quen của người có đạo ! ! đến với Chúa mà không xin thì đến với Chúa làm gì ? – Nghe giọng trẻ con thanh thót trong sáng mền mại với những bài văn “nâm ni” bi đát thở than thương Chúa thì ai mà chả cảm động, cảm động đến lòi cả mắt ra ý chứ lị. Cả nhà thờ thương Chúa ơi là thương !
Có mình tôi là ngồi trơ mắt ếch ra đó, và mong mình nhỏ lại ngay lúc đấy để xin lên đọc lá thư của mình viết trong ruột gan. Điều mong đó không xẩy ra nên về nhà ghi lại đọc riêng cho một mình Chúa nghe thôi. Vậy ai đã lỡ đọc đến đây thì xin vui lòng gấp thư lại cất ngay đi cho, đừng có mà tò mò à nghe.
– Chúa Hài Đồng ơi con không thương Chúa lắm ! bởi vì thương Chúa có được đâu, chỉ có nói mồm thôi. Điều ngược lại là Chúa Cha thương con vô cùng, thương đến nỗi đã ban… Tình Yêu(Ga 3,16). Chính Tình Thương âu yếm này đã giúp con thay đổi cuộc đời con. Chính Tình Thương này giúp con thức tỉnh biết sống, biết nhìn, biết nghe, và biết suy nghĩ.
– Chúa Hài Đồng ơi ! Chúa giầu tình thương lắm. Cái nghèo bên ngoài của Chúa thì đáng gì so với với nghèo tâm hồn của con. Con có đầy đủ chăn màn gối ấm nệm êm nhưng tâm hồn lạnh lùng khô cằn chai đá sơ cứng. – Chúa nằm trên đốn rơm hôi cạnh mấy đống phân bò thối nhưng vì Chúa giầu tình thương nên chẳng có chi làm hôi hám Chúa được, còn con đây hôi thối từ bên trong ra bên ngoài nên chúng con thường phải sức nước hoa thơm ngạt mũi để đánh bạt mùi thật đi, chỉ cho thiên hạ ngửi mùi giả thôi. – Hai người yêu nhau, họ có chê nhau thối bao giờ đâu, cái gì cũng thơm cũng đẹp cũng ngon ; Chúa giầu tình thương con nên Chúa cũng thẳng thấy gì là hôi thối cả. – Gia đình Chúa nghèo nàn khố rách áo ôm nhưng tâm hồn của mọi người trong gia đình đều tràn ngập tình yêu thương âu yếm nên cái nghèo đó Chúa không phải bận tâm ; còn gia đình con sung túc đầy đủ có của ăn của để mà tình yêu thì lại nghèo mạt rệp, nghèo kiết xác, nào là chiến tranh lạnh chiến tranh nóng, nào là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, nào là bòn hót vun vén tham lam đủ cả. – Chúa giầu tình thương lắm nên mấy con vật bò bê chiên cừu muỗi bò cạp rắn rít chí rận… quây quần bên Chúa, sống chung hòa bình (Is 11,6-8) ; còn chúng con nghèo nàn tình thương nên thấy chúng đâu là chúng chậy trốn khiếp vía bởi chúng bị đập, đánh, quật, mổ thịt, nhậu.
Thế đấy ! thư của tôi là như vậy. Không phải viết ra đây để chê bôi các em, coi thường các em bởi tôi cũng đã từng ở giai đoại, lứa tuổi như các em, lúc đó tôi đâu có viết được như các em bây giờ. Rất đáng trân trọng. Những ai đã tò mò đọc đến đây thì có đồng cảm với tôi không ? Xin giơ tay lên. Điều muốn nói ở đây là những người lớn, người lớn chúng ta như tôi. Cần nhận định lại lối sống đạo của mình, đức tin của mình, tâm tình của mình… Vào Mùa Chay mà không như thế sao ? Người lớn cũng khóc lóc rên rỉ thương Chúa quá sức lẽ mình. Nào là Chúa bước đi mấy ngàn bước lên Núi Sọ với thập giá nặng oằn vai ; nào là Chúa bị đánh mấy trăm roi máu văng tung toé ; nào là ba mươi mấy cái gai nhọn hoắt đã đâm vào đầu Chúa máu chẩy đầm đìa khuôn mặt ; ngã tới ba lần trầy đầu gối bầm tím da thịt… Đấy, dưới bầu trời này, số người thương Chúa vẫn nhiều hơn là người cảm nhận lòng thương xót của Chúa, như thế Chúa có khoái số nhiều kia không ? Nơi thứ tám, Chúa đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem… mà hãy khóc thương chính mình.
Hàng năm kính nhớ… hai ngày đại lễ là Giáng Sinh và Phục Sinh, chuyện thương Chúa chẳng dính dáng gì tới sự cảm nghiệm lòng xót thương của Chúa ; chẳng dính dáng tới sự hiện diện sống động mà ta cần gặp gỡ, và tiếp xúc. Cần có một cuộc biến đổi tận gốc để thấy được sự chân thật và sắp đặt lại trật tự cho đúng chỗ. Ai thương ai ? Khi biết ra rồi mới sống khiêm tốn và trở thành người luôn sẵn sàng đón nhận. Khi biết ra rồi mới biết tế nhị khi dùng từ để viết diễn tả và dùng lời để nói diễn tả, chứ không bao hoa chích choè, thuộc lòng như vẹt (thói quen sáo mòn) được đâu. Đời sống đạo là mỗi ngày một khám phá, kinh ngạc, ngỡ ngàng, và thú vị. Đời sống đạo mà nếu chưa : Ồ ! sững sờ, mở mắt to và đứng bật dậy thì cần nên xem xét lại.
Xin chân thành cám ơn người tò mò đã không tự ái, và đã kiên trì đọc đến hết. Chúa luôn ở cùng người.
Mong Manh
Tâm Linh Vào Đời