Câu chuyện xảy xa tại làng quê nghèo ấn Độ.
Chúng tôi là nhóm Công Giáo thiểu số sống giữa dân làng đa số theo Ấn giáo. Con đường bằng đất trong làng, với tàng cây soi bóng, không có gì thay đổi khác lạ vào ngày lễ Giáng Sinh. Nó vẫn mang bộ mặt bụi bặm nghèo nàn thường ngày.. Tuy nhiên, để đánh dấu ngày vui trọng đại, và để chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với dân làng theo Ấn giáo, chúng tôi dọn một Hang Đá Giáng Sinh. Hang Đá nằm nơi gian phòng chính, có cánh cửa lớn mở rộng, nhìn ra đường làng. Như vậy, nếu có ai muốn đến viếng Hang Đá hoặc xem Hang Đá, có thể tự do vào nhà và thăm hỏi chúng tôi luôn.
Suốt ngày lễ Giáng Sinh năm đó, có rất nhiều người ghé đến viếng Hang Đá. Trẻ có, già có, nhưng đa số là người nghèo và một số đông trẻ em. Các nhóm thiếu niên nam nữ đến, họ thường ngồi lại rất lâu, chuyện trò vui vẻ. Người lớn chỉ ghé vào, nhìn một cái rồi đi ngay, vì họ phải bận bịu với công ăn việc làm.. Nhưng tất cả đều trầm trồ khen ngợi vì Hang Đá được dọn rất đẹp. Đẹp không phải vì được làm bằng chất liệu quý giá sang trọng, nhưng đẹp vì nó có dáng vẻ thô sơ nghèo nàn, giống như những máng cỏ nghèo mà người dân Ấn Độ thường thấy trong làng.
… Mái và tường của Hang Đá được kết toàn bằng rạ, có màu vàng óng ánh. Các tượng của Máng Cỏ cao từ 10 đến 15 phân và bằng màu, trông giống y như những người dân trong làng. Chúa Giêsu Hài Đồng được một mảnh vải trắng quấn ngang bụng, có đôi mắt đăm đăm nhìn chúng tôi và đôi tay mở rộng như mời gọi mọi người đến với Chúa. Mẹ Maria, mình quấn chiếc áo sari, quỳ bên trái Chúa Hài Đồng. Thánh Cả Giuse đứng bên phải Chúa. Chung quanh Chúa Giêsu Hài Đồng, rải rác nhiều bức tượng khác. Đứng không xa Máng Cỏ một người đàn bà đang giã gạo. Một vài phụ nữ khác bán chuối, bán gạo và bán dừa khô. Một người đàn ông có nước da sạm nắng, đang gòng lưng vác bao gạo. Ngoài ra có các mục đồng và một số trẻ em chen lẫn giữa đàn cừu để được nhìn xem Chúa Hài Đồng.. Một chiếc đèn thắp sáng đặt cạnh Máng Cỏ. Bên Cạnh Hang Đá, chúng tôi trưng bày cuốn sách bằng tranh ảnh, kể lại cuộc đời Chúa Giêsu Kitô, từ lúc Ngài sinh ra cho đến lúc chết và sống lại.
Đó là đầy đủ chi tiết Máng Cỏ chúng tôi dọn và chưng trong nhà. Có nhiều thiếu niên Ấn giáo tò mò muốn biết thêm về cuộc đời Chúa Giêsu. Một thiếu niên lấy cuốn sách rồi đọc to cho các trẻ khác cùng nghe. Các em thắc mắc hỏi chúng tôi những gì các em không biết không hiểu. Người lớn im lặng nhìn và nghe. Và để đánh dấu niềm vui trọng đại của ngày lễ Giáng Sinh, chúng tôi phân phát bánh kẹo cho các trẻ em.
Buổi chiều ngày lễ Giáng Sinh năm đó, xuất hiện người bạn già nghèo của chúng tôi. Ông đến từ làng bên cạnh. Đó là người thợ giày với mái tóc bạc phơ và chiếc lưng còng, trĩu nặng năm tháng. Có thể nói, ông là người nghèo nhất trong làng. Nhưng mọi người đều tìm cách tránh xa ông, vì trước kia ông làm thợ đóng giày. Theo phong tục Ấn Giáo, ông là người mắc tội, đã từng chạm tới da trâu, da bò, những con vật thần linh của Ấn Giáo.. Lần đầu tiên tôi gặp ông vào một ngày trước lễ Giáng Sinh không lâu. Ông lạnh run lẩy lẩy. Tôi gọi ông vào nhà và tặng ông chiếc mền. Đó cũng là lần đầu tiên ông bước chân vào nhà một người dân trong làng. Nhưng dân làng tỏ dấu cho ông hiểu là không bao giờ nên bắt đầu lại.. Vậy mà chiều nay, vào chính lễ Giáng Sinh, ông lão lại đột ngột xuất hiện trước cửa nhà, gần Hang Đá của chúng tôi. Tôi ra hiệu mời ông vào nhà.
Ông lão thợ giày bước vào. Ông khiêm tốn tiến lại gần Hang Đá và quỳ sụp xuống, đôi tay chấp lại, miệng lâm râm như đang đọc kinh cầu nguyện. Mọi người có mặt tỏ dấu bỡ ngỡ. Và càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông cụ giơ tay làm dấu Thánh Giá. Thì ra ông lão là một tín hữu Kitô. Có lẽ ông không biết hôm nay là lễ Giáng Sinh, nếu ông không vô tình trông thấy Máng Cỏ Chúa Giêsu Hài Đồng.
Ông là Vị Mục Đồng hiếm hoi, bất ngờ đến thờ lạy Chúa Giêsu Hài Đồng và viếng thăm Hang Đá, vào ngày lễ Giáng Sinh năm đó.
(Charles Lepetit, “MES AMIS LES PAUVRES”, Nouvelle Cité, Paris, 1984, trang 158-161)
Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt