Hôm ấy, một người đàn ông trạc độ bốn mươi, lòng trĩu nặng ưu phiền, kéo lê những bước chân nặng nhọc lên ngọn đồi đan viện để tìm gặp Cha tu viện trưởng.
Anh nhớ lại thời gian mới thành hôn mười lăm năm về trước. Hồi ấy, gia đình anh lúc nào cũng vang rộn tiếng cười, ngập tràn hạnh phúc. Thế nhưng bầu trời hạnh phúc đó đã tan đi như sương sớm dưới sức nóng mặt trời.
Về chung sống với nhau chưa đầy bốn năm, hai vợ chồng đâm ra xích mích kình cãi liên tục. Vợ anh không còn đối xử ngọt ngào với anh như trước; còn anh thì hay bẳn gắt với vợ con, hai cháu trong nhà trước đây ngoan ngoản bao nhiêu thì giờ đây đâm ra lười biếng, hỗn hào vô lễ bấy nhiêu. Cuộc sống gia đình đầm ấm và hạnh phúc như thiên đàng trong những năm đầu kết hôn bỗng nhiên biến thành như địa ngục.
Để cứu vãn tình thế, anh đã tìm đến những bậc thầy chuyên về phong thủy, đến với các thầy phù thủy, các pháp sư danh tiếng, nhưng chẳng cải thiện được tình hình.
Cuối cùng, anh tìm đến với Cha tu viện trưởng nổi tiếng thánh thiện đạo đức và được những người dân quanh vùng xem như một vị thánh sống, được ơn thông biết nhiều sự việc nhiệm mầu.
Anh kể lể cảnh bất hạnh của gia đình anh cho Cha Bề Trên tu viện và lên tiếng hỏi ngài: Kẻ nào trong gia đình anh đã mắc phải tội ác tầy trời đến nỗi gia đình phải chịu cảnh bất hòa triền miên như thế?
Cha Bề Trên tu viện thong thả trả lời:
“Mỗi người trong gia đình anh đều mang một tội lớn. Đó là tội vô tình, vô minh. Từ bao lâu nay, Chúa Cứu Thế đã cải trang làm một người trong gia đình anh mà chẳng ai trong gia đình nhận ra Người nên mới sinh ra những sự cố đau buồn như thế.”
Nghe vậy, anh bàng hoàng sửng sốt: “Thật thế ư? Quả là điều quá bất ngờ! Ta phải thông báo nguồn tin trọng đại nầy cho cho vợ con biết ngay mới được.”
Anh cấp tốc trở về nhà, vồn vã tươi vui chưa từng thấy. Anh gọi vợ con lại và thông báo cho họ biết một bí mật tuyệt vời đã xảy đến với gia đình, đó là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành một người trong gia đình anh.”
Bấy giờ mọi người trố mắt nhìn nhau kinh ngạc. Đấng Cứu Thế cải trang khéo thật! Khéo đến nỗi dù được chung sống với Ngài bấy lâu nay nhưng không ai nhận ra Ngài và vì thế đã xúc phạm đến Ngài nhiều lần không kể xiết.
Thế là từ hôm nó, người chồng tránh bất cứ lời nói hay cử chỉ nào làm phiền lòng vợ con vì sợ phạm đến Đấng Cứu Thế; trái lại còn tỏ ra hết sức tử tế và hi sinh tất cả vì vợ vì con, với hy vọng là mình đang phục vụ và làm vui lòng Ngài.
Cũng từ hôm đó, người vợ không còn chanh chua đanh đá với chồng, không còn mắng chửi thậm tệ mấy đứa con; trái lại, luôn tận tụy phục vụ và hết lòng yêu thương chồng con vì rất có thể là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành người chồng, người con của chị. Còn con cái thì không còn dám hỗn hào với cha mẹ như trước, nhưng luôn tỏ ra ngoan ngoản vâng lời và tôn trọng cha mẹ vì có thể người cha hay mẹ của mình chính là Đấng Cứu Thế cải trang.
Thế là từ đây, bầu khí yêu thương đầm ấm trở lại với gia đình và tình nghĩa gia đình còn đậm đà hơn trước.
Hôm nay, trong ngày đại lễ giáng sinh, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm một Đấng Cứu Thế “cải trang” làm một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ, trong chuồng bò. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên là Chúa vẫn tiếp tục “cải trang” làm người nhà, người láng giềng của chúng ta.
Trong “Tâm Thư gửi các gia đình”, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II xác nhận điều nầy khi ngài viết: “Thiên Chúa tự đồng hóa với người cha, người mẹ, người con trong gia đình.”
Khi viết như thế, Ngài muốn dạy: người cha, người mẹ, người con trong gia đình cũng là những vị “Thiên Chúa” mà chúng ta phải quý trọng và phục vụ hết tình.
Nói như thế cũng chỉ là nhắc lại giáo huấn của Hội Thánh trong sách giáo lý công giáo: “Con Thiên Chúa đã làm Người để biến loài người chúng ta thành Thiên Chúa.” (glcg số 460)
Chính Chúa Giê-su cũng xác nhận rằng Ngài đang hiện diện trong các anh chị em chung quanh và những gì chúng ta làm cho những người chung quanh là làm cho chính Ngài (Mt 25, 31-46)
Nhờ giáo huấn nầy, người chồng trong gia đình sẽ nhận ra Chúa Giê-su nơi vợ và con cái mình. Ông sẽ tận tình yêu thương và phục vụ vợ con vì xác tín rằng đó là làm cho chính Chúa.
Với niềm tin nầy, người vợ trong gia đình sẽ nhận ra Chúa Giê-su nơi chồng và con mình; bà sẽ hết lòng phục vụ và chăm sóc chồng con vì xác tín rằng đó là làm cho chính Chúa Giê-su.
Và cũng với niềm tin đó, con cái trong gia đình sẽ nhận ra Chúa Giê-su nơi ông bà cha mẹ và họ sẽ hết lòng phụng dưỡng các ngài như phụng dưỡng Chúa Giê-su.
Và rồi mỗi người chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giê-su cải trang thành những người hàng xóm láng giềng để rồi tận tình hy sinh giúp đỡ họ, dành những gì tốt đẹp cho họ như là làm cho chính Chúa Giê-su.
Bấy giờ, gia đình chúng ta sẽ là một tổ ấm hạnh phúc, làng xóm của chúng ta sẽ là một đại gia đình huynh đệ và đất nước chúng ta sẽ là nơi thắm đượm tình người.
Bấy giờ, trái đất nầy sẽ không còn khói lửa chiến tranh nhưng trở thành một trời mới đất mới, nơi hòa bình, công lý và yêu thương ngự trị.