Án Oan

Thế giới này mới đạt con số 7 tỷ người. Trong 7 tỷ người ấy, có bao nhiêu người làm nghề quan án chuyên nghiệp? Người viết không biết chính xác con số này và cũng chưa có ý định nói về họ. Nhưng nếu hỏi có bao nhiêu “quan án không chuyên môn” thì người viết nghĩ đến con số khoảng 5 tỷ là ít nhất và có rất nhiều bản án oan. Những bản án oan này có nhiều kết luận khác nhau nhưng đều xuất phát từ cùng một nguyên nhân. Bản án oan như thế nhưng có nhiều người tin răm rắp không hề đặt lại vấn đề. Oan lại càng oan!

Vì số vụ án bị oan nhiều quá nên người viết chỉ xin được kể vắn tắt một vài trường hợp. Sau khi đọc xong bài viết này, có lẽ độc giả sẽ phát hiện ra thêm nhiều vụ khác. Xin được bắt đầu như sau.

***

Câu chuyện thứ nhất: Một nhân chứng của một vụ án trả lời phỏng vấn: “Lúc ấy tôi đang đi bộ cách hiện trường khoảng mấy trăm mét. Tôi thấy anh ta nhào tới xô người đó rớt xuống sông, gây ra án mạng. Sau đó anh ta còn làm bộ hô lên để xin mọi người đến cứu. Giả nhân giả nghĩa! Bị bắt là đáng đời!”

Câu chuyện thứ hai: Cô Ba rảnh rỗi ngồi tám chuyện: “Hôm bữa tui thấy ông thầy tu đó chở một con nhỏ trên xe máy. Con nhỏ trông lòe loẹt lắm. Ổng để nó ôm cứng ngắc. Ổng một tay lái xe một tay nắm chặt tay nó. Nhìn tình tứ lắm. Thật là hết nói!” Lời ấy lan nhanh như rừng thu bị cháy. Vị tu sĩ điêu đứng vì miệng lưỡi của dư luận.

Câu chuyện thứ ba: Vừa bất bình vừa bực bội, Thân lên tiếng: “Tao thấy Vy có vấn đề. Chó cũng chỉ là một con vật thôi, làm gì mà tốn kém chăm sóc dữ vậy. Số tiền ấy để giải trí hoặc làm từ thiện có phải là tốt hơn không…”

Câu chuyện thứ tư: Chuyện động trời xảy ra! Trụ trì cho gọi thầy Kính Tâm lên hỏi chuyện. Có một cô gái đang đứng bên ngoài tên là Thị Mầu nói thầy chính là cha của đứa con Thị Mầu đang ẵm. Cả chùa bị sốc. Không thể ngờ được một người như thầy Kính Tâm lại làm ra chuyện đó. Nhục nhơ hết thanh danh của chùa. Sau đó, thầy Kính Tâm ra khỏi chùa và nuôi đứa bé. Mọi người lại càng tin vào phán đoán của mình, càng lên án coi khinh thầy. Tin ấy lan xa, ai cũng lắc đầu khinh khi.

Chúa cũng bị oan nữa. Ngay từ lúc khởi đầu của lịch sử này, con người qua đại diện là A-đam và Ê-va đã nghi ngờ và tức giận Đấng đã tạo nên. Họ nghe và tin Con Rắn (biểu tượng của Satan) bảo rằng Chúa không muốn họ ăn trái của “cây cho biết điều thiện điều ác” (biểu tượng của tội lỗi) vì Chúa sợ con người sẽ bằng mình. Chúa nhát đảm và ích kỉ!

***

Còn đây là sự thật của những câu chuyện trên:

Câu chuyện thứ nhất: Hôm ấy anh thanh niên đang đi dạo dọc theo dòng sông chảy xiết. Bất chợt anh thấy trước mặt một người đàn ông say rượu đang lảo đảo tiến về phía mép của bờ đá. Nếu tiếp tục bước nữa thì ông ta sẽ rớt xuống sông gặp nguy hiểm. Anh vội vàng chạy thật nhanh về phía người đàn ông để ngăn lại. Không ngờ chạy đến gần thì bất chợt anh bị vấp chân vào một mô đất nhỏ, anh mất thăng bằng và ngã chúi về phía trước, đụng vào người đàn ông nọ khiến ông này bị đẩy xuống dòng sông. Chàng thanh niên không biết bơi, chỉ còn biết đứng đó kêu gào xem có ai cứu không.

Câu chuyện thứ hai: Vị tu sĩ hôm ấy nhận được một cú điện thoại xin được giúp đỡ. Cú điện thoại ấy từ một cô gái là giáo dân trong xứ đạo. Cô gọi để xin thầy chạy qua cứu bạn cô, bạn cô hành nghề mại dâm. Cô bạn này trong lúc chán đời muốn tự tử đã uống rượu mạnh để lấy can đảm uống một liều thuốc độc, bây giờ trong tình trạng bấn loạn, tỉnh không tỉnh mê không mê. Tình thế khẩn cấp, vị tu sĩ bảo cô giáo dân chạy đi báo cho người nhà cô bạn này biết tin còn mình thì chở cô ta vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết nếu chỉ trễ khoảng nửa tiếng nữa thì không còn hy vọng. Vị tu sĩ chợt giật mình vì mới đầu ông cũng ngại ngần, lần chần, sợ dư luận sẽ nói này nói nọ vì dư luận vốn hay có tật ‘luận dư’ mà. May quá ông đã kịp thời chọn lựa điều quan trọng hơn.

Câu chuyện thứ ba: Tuổi thơ của Vy gắn liền với những chú cún. Cún làm dịu nỗi buồn, làm tăng niềm vui, làm nguôi cơn giận, làm tan tủi hờn, làm lớn lòng nhân hậu. Cún là bạn. Rồi khi lớn lên bước vào đời Vy lại gặp hết chuyện buồn này đến chuyện đau khác, mà toàn là do con người gây ra. Là con người với nhau đấy mà xảy ra bao nhiêu những nhỏ nhen ganh ghét, lấy oán trả ơn, gian dối lọc lừa, mưu mô ác độc, bất tín bất trung…Chưa hết, chính cún đã có lần cứu Vy thoát khỏi nguy hiểm do con người gây ra. Như thế, cún có đáng được chăm sóc và thương yêu không? Đành rằng phẩm giá con người được Thiên Chúa dựng nên là vô cùng cao quý, nhưng có khi cách đối xử phi nhân của con người làm cho chính đồng loại phải sợ hãi lánh xa. Trách móc phê bình Vy như thế có oan không? Vy có quyền hạnh phúc!

Câu chuyện thứ tư: Thị Kính đang may vá bên cạnh Thiện Sĩ đang ngủ say. Thấy chồng mình có sợi râu ở cằm thì toan dùng con dao nhỏ đang dùng may vá để cắt sợi râu ấy cho chồng. Lúc ấy Thiện Sĩ chợt tỉnh giấc và nghĩ rằng vợ muốn giết mình nên la lớn. Sau đó Thị Kính bị bỏ rơi. Nàng cải trang thành nam giới vào chùa xin tu với pháp danh Kính Tâm. Dáng mạo Kính Tâm đẹp đẽ khiến các nữ tín đồ, trong đó có Thị Mầu mê đắm. Thị Mầu tỏ ý nhưng không được đáp lại. Sau đó, Thị Mầu có con với một anh hầu việc rồi vu cáo cho Kính Tâm. Kính Tâm nói mình bị oan nhưng vốn dĩ nhân hậu, thấy trẻ thơ thì thương yêu liền, lại đang ở trong tình thế giả nam nên không giải thích thêm. Kính Tâm đành phải lỡ kiếp tu, ra khỏi chùa và nhận nuôi đứa bé. Khi đứa bé được ba tuổi thì Kính Tâm bệnh nặng và qua đời. Người ta lúc ấy mới phát hiện ra sự thật…. Người bị oan này chính là Quan Âm Thị Kính cứu khổ cứu nạn chúng sinh.

Câu chuyện Chúa bị oan: Chúa chính là Đấng có sáng kiến tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban sự sống của chính mình cho họ để họ được hạnh phúc cùng Ngài. Một khi đã ban sự sống mình là ban điều quý giá nhất thì dĩ nhiên Chúa không còn tiếc với họ điều gì nữa. Ngài mong muốn họ trở nên tốt đẹp nhất, cao quý nhất, sáng láng nhất, càng giống Ngài thì càng tuyệt. Trong khi đó, con người lại đánh giá thấp Thiên Chúa tình yêu chỉ qua một câu nói của Tên Lừa Đảo. Tham vọng khiến họ đánh mất sự sáng suốt trong tim để rồi bị kẻ thù nguy hiểm đang đóng giả đồng minh lợi dụng. Một câu xúi giục ma mãnh bé tí của hắn, đánh vào ‘quyền lợi cá nhân’, đã có thể khiến họ quên mất một bức tranh tình yêu rộng lớn về Đấng đã tạo dựng nên họ và ban cho họ chính sự sống của mình. Rồi trong dòng lịch sử, chính Chúa đã bỏ tất cả vinh quang của một Thượng Đế, trút cạn chính mình, hạ mình xuống thấp nhất, trở nên không cho con người, tận hiến luôn cả sự sống mình cho họ nơi Đức Giêsu trên khổ giá, chỉ với mong ước con người sẽ trở nên tất cả. Thế mà Ngài đã bị con người nghi ngờ, chống đối. Oan!

Còn hằng hà sa số những “án oan” như thế vẫn xảy ra mỗi ngày trong tư tưởng, lời nói, cử chỉ, hành động. Đâu là nguyên nhân?

***

Một trong những nguyên nhân chính gây ra các bản “án oan nghiệt” đời thường như thế là: tách sự việc ra khỏi ngữ cảnh lớn hơn của nó. Khi ta lấy một chi tiết nhỏ trong một câu chuyện để giải thích cho toàn bộ câu chuyện thì ta có nguy cơ vướng vào hiểu lầm và gây ra tai hại. Những gì ta nhìn thấy hay nghe được có thể chỉ là một mẩu thông tin nhỏ xíu, một chi tiết không đáng kể trong một câu chuyện lớn hơn nhiều. Tầm nhìn, lỗ tai con người rất giới hạn. Nhiều khi, đàng sau những gì ta thấy ta nghe còn có cả một hoàn cảnh phức tạp. Chưa hiểu thấu hoàn cảnh ấy mà đưa ra đánh giá sẽ dễ dẫn đến oan khiên đáng tiếc, bất công đáng trách, hậu quả đáng buồn.

Gốc rễ của cách ứng xử nhiều sai sót này nằm ở một chữ “thiếu”: thiếu thông tin về bức tranh tổng thể của câu chuyện mà lại chủ quan vội vàng đưa ra nhận định; thiếu bình tĩnh, kiên nhẫn, lắng nghe cho hết mọi khía cạnh; thiếu lạc quan vào bản chất tốt đẹp của con người, trong đó có chính bản thân; thiếu khiêm nhường về sự giới hạn trong kiến thức của mình, nhưng lại cho mình là biết chuyện, rồi tự lấy quyền xét xử người khác; thiếu hiểu biết về bản thân mỗi khi có nỗi sợ trong lòng (lúc ấy người ta hay có khuynh hướng phóng chiếu nỗi sợ ấy ra bên ngoài lên tha nhân để tạo một cảm giác an ổn nào đó cho tâm lí mình, đây là một dạng của “suy bụng ta ra bụng người”); thiếu quân bình trong cái nhìn về con người (dễ dẫn đến tình trạng tập trung vào điều mình không thích nơi người khác thay vì ưu tiên nhìn điểm tốt đẹp nơi họ trước, vạch lá tìm sâu thì hay bị sầu tim); thiếu cái nhìn tích cực của Chúa, bởi khi con mắt tâm hồn tối tăm thì tất yếu sẽ khó nhận ra ánh sáng nơi tha nhân và dễ dàng lên án họ;…

***

Có một người đã từng gây ra ‘án oan’ khi ông truy lùng bắt bớ những người mang tên là Kitô hữu. Đó là Phao-lô. Lúc ấy ông cũng vội vàng kết luận và kết án họ khi chưa hiểu toàn bộ câu chuyện của họ liên quan đến Đức Giêsu. Phao-lô sau này đã viết: “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người.” (1Cr 4:5)

Còn Đức Giêsu, Đấng duy nhất có khả năng thấu suốt mọi bí ẩn của tâm hồn, thì dạy rõ ràng: “Anh chị em đừng xét đoán người khác.” (Mt 7:1; Lc 6:37; Ga 7:24)

Lm. Giuse Đinh Tuấn Việt, O.Carm.

Chia sẻ Bài này:

Related posts