Thanh sang Mĩ được hơn ba mươi năm rồi. Anh lớn lên từ một vùng đất nghèo. Ngày rời quê hương, anh hi vọng sẽ hạnh phúc hơn vì sẽ có một sự nghiệp rực rỡ.
Sau khoảng hai mươi năm bươn chải, làm việc chăm chỉ, anh mua được một căn nhà rộng có 4 phòng ngủ với nội thất toàn đồ đạc sang trọng và một chiếc xe Mercedes hạng sang. Trong xã hội, nhiều người mơ ước giống anh nhưng không được. Có thể nói anh đã ổn định về mặt vật chất và địa vị xã hội. Tuy thế, Thanh vẫn cảm thấy không thỏa mãn với những gì mình đang có. Anh tự hỏi tại sao lại chưa thấy hạnh phúc: Có phải vì tôi chưa có nhiều nên chưa thoải mái? Tôi sẽ hạnh phúc hơn khi có thêm một cái nhà bên bờ biển để cuối tuần đi thư giãn? Tôi sẽ cảm thấy an vui hơn nếu ngồi được vào vị trí cao hơn trong công ty?
Thế là anh tiếp tục lao vào cuộc tích góp của cải vật chất và phát triển tiếng tăm. Cuối cùng, sau gần mười năm, anh có được những điều mình mơ ước. Nhưng anh vẫn không thấy mình thật sự hạnh phúc. Rõ ràng là anh đã có rất nhiều, nhiều hơn rất nhiều người. Câu hỏi tại sao tiếp tục treo lơ lửng trong tâm trí anh.
Một Chúa Nhật kia, gia đình Thanh đi Lễ chung. Đã lâu lắm rồi, cả nhà chưa có dịp cùng đi Lễ với nhau như vậy. Việc đi Lễ đối với Thanh nhiều năm nay chỉ là một bổn phận phải làm theo thói quen mà cha mẹ đã truyền lại. Nhưng không hiểu sao ngày hôm ấy Thanh cảm thấy xúc động mạnh bởi các bài Lời Chúa mà đã nghe khá nhiều lần. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giảng Viên mở đầu thế này: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.”” (Gv 1:1)
“Không. Không thể như thế được.” Thành tự nói trong tâm trí mình như muốn phủ nhận những gì anh đang nghe.
Tiếp theo, bài đáp ca bằng Thánh vịnh 90 được xướng lên:
Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”
Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !
“Ừ nhỉ. Câu này nghe có lí vì con người đến trong và ra đi khỏi cuộc đời này như một làn gió thoảng qua.” Thành bắt đầu ngẫm nghĩ sâu hơn.
Trong bài đọc thứ 2 trích từ thư của Thánh Phao-lô, Thanh nghe rõ nhất câu này: “tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:5) Anh chợt thấy … nhột nhột.
Cuối cùng bài Tin Mừng được vị phó tế vĩnh viễn đọc vang lên. Thầy Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.“
Chữ “tham lam” làm Thanh suy nghĩ. Anh tự hỏi bản thân có tham lam không. Không, anh không nghĩ mình là kẻ tham lam vì anh chẳng lấy của ai cái gì. Những gì anh có là do bàn tay lao động của anh làm ra.
Thánh Lễ kết thúc. Đang trên đường ra lấy xe để về nhà, Thanh nhìn thấy phía trước mình anh chàng nhân viên lau dọn trong công ty. Bỗng nhiên Thanh nhận ra sự khác biệt rất rõ giữa anh và người ấy. Khác biệt thứ nhất: Xe hơi của Thanh đắt tiền hơn xe hơi của anh ta. Khác biệt thứ hai: Nhà của Thanh mới và rộng hơn nhà anh ta. Khác biệt thứ ba: Thanh tướng tá đẹp trai hơn anh ta. Khác biệt thứ tư: Thanh có bằng cấp cao hơn anh ta. Nhưng khác biệt thứ năm mới làm Thanh để ý nhất, đó là: Thanh cười không tươi bằng anh ta. Nói cách khác, Thanh cảm thấy mình không bình an như người ấy.
Chiều hôm ấy, Thanh quyết định gọi điện với lý do thăm hỏi anh nhân viên nọ nhưng thực ra là đang loay hoay đi tìm câu trả lời cho khúc mắc trong lòng mình. Trong câu chuyện giữa hai người, Thanh nhận ra thêm những thua kém vật chất danh vọng của anh nhân viên. Cuối cùng, Thanh nói người ấy:
“Cậu có cần giúp đỡ gì thì cứ cho tôi biết.”
Người ấy đáp lại một cách chân tình: “Cám ơn sếp. Em thấy mình như vậy là đủ để hạnh phúc rồi.”
Thanh chợt giật mình khi nghe “đủ để hạnh phúc”. Phải rồi, đây là chìa khóa giải gỡ khúc mắc bấy lâu nay. Anh nhân viên lau chùi có thể không đủ tiền để mua cái nhà lớn hơn, không đủ bằng cấp để xã hội phải cung kính, không đủ quyền lực để sai khiến thiên hạ,… nhưng anh ta biết xem những gì mình đang có là đủ để tâm hồn thanh thản hạnh phúc.
Các ý nghĩ bỗng dồn về rất nhanh trong tâm trí giúp Thanh phản tỉnh. Rõ ràng là Thanh đang có “đủ để hạnh phúc”. Anh có một mái ấm gia đình quý giá mà anh lâu nay bỏ lơ. Đức tin cho anh ý nghĩa cuộc đời và bình an, vậy mà bấy lâu nay anh chẳng hề để ý chăm sóc. Của cải anh đang có là những hồng ân, vậy mà anh vẫn nghĩ là đương nhiên. Bầu trời trong veo mùa thu xinh đẹp thế mà hôm nay anh mới thấy…. Nguyên nhân của việc anh cảm thấy mình không hạnh phúc thật sự rất đơn giản: vì anh chưa biết ĐỦ. Vì chưa biết đủ nên anh chưa biết thưởng thức trọn vẹn. Đến lúc này thì anh nhận ra rằng không biết đủ là một dạng tham lam tinh tế. Hóa ra bấy lâu nay anh là một kẻ tham lam ngu ngốc mà không biết. Biết đủ không phải là dậm chân tại chỗ khước từ sự cầu tiến và phát triển, nhưng biết đủ là khôn ngoan tận hưởng những gì mình đang có trong tay một cách trân trọng và đầy tròn nhất.
Cuộc nói chuyện hôm ấy kết thúc bằng những tiếng cảm ơn được lặp đi lặp lại liên tục từ miệng Thanh. Anh nhân viên không hiểu sao sếp lại cảm ơn mình, mà lại cảm ơn nhiều lần nữa chứ. Còn Thanh thì vui mừng như tìm được một kho tàng chôn giấu bấy lâu nay. Thanh tự nhủ sẽ tìm cách “đền ơn” người nhân viên của mình.
Hôm nay, nhờ sống hai chữ BIẾT ĐỦ mà Thanh là một người hạnh phúc hơn nhiều. Anh có thêm không gian và thời gian để thưởng thức những điều quan trọng nhất của cuộc đời. Tốt hơn nữa, Thanh nhận ra một chân lý mà Thánh Tê-rê-xa thành Avila đã khám phá cách đây mấy trăm năm: có Chúa là có đủ.
Lm Jos.Tuấn Việt,O.Carm