Trả ơn và biết ơn có giống nhau không?
Sắp chết đuối trên biển, có người cứu tôi sống, ơn mà họ cho tôi đó là sự sống. Như thế, tôi lấy gì tương xứng để trả ơn? Nếu nói trả ơn là những hành động đáp trả bằng vật chất thì có khi người làm ơn quá giàu, họ chẳng cần đến trả ơn của tôi, là vật chất thì có khi người nhận quá nghèo, chẳng có gì để báo đáp. Lại có khi không thể trả ơn được vì không có gì cân xứng với điều mình đã nhận.
Trả ơn là hành động diễn tả tâm tình của người chịu ơn với người cho ơn. Là hành động diễn tả, nó chỉ là biểu tượng cho một thực tại khác sâu xa hơn. Biểu tượng diễn tả bao giờ cũng nghèo nàn hơn thực tại của điều được diễn tả. Tặng người yêu một cánh hồng. Cánh hồng là biểu tượng diễn tả tình yêu. Cánh hồng sẽ héo khô. Như vậy, cánh hồng chỉ là hình ảnh nghèo nàn khi so với chính tình yêu là thực tại ở đằng su nó.
Trong ý nghĩa hành động trả ơn chỉ là để diễn tả lòng biết ơn, thì quả thật, phương tiện diễn tả bao giờ cũng nghèo nàn hơn thực tại được diễn tả. Tuy nhiên, nói lại cần thiết. Không có hành động diễn tả, làm sao biết được thực tại vô hình cần được diễn tả? Thiên Chúa đã làm người có thân xác để con người hiểu được. Ngài cũng đã diễn tả tình yêu thực tại vô hình bằng nước mắt, bằng cái chết cụ thể để con người cảm nghiệm: “Chúa đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi” (Gal 2”20). Vì thế, lòng biết ơn cần được diễn tả bằng trả ơn.
Làm ơn khác với cho vay nợ. Cho vay nợ thì đòi lại. Làm ơn thì cho đi nhưng không. Nếu người làm ơn không đòi sự trả ơn, thì trả ơn chỉ cần thiết để minh chứng lòng biết ơn cho chính người chịu ơn. Người chịu ơn cần phải biểu tỏ lòng biết ơn bằng haànhđộng cụ thể để kiểm soát chính mình. Làm sao có thể nói tôi không giúp đỡ? Trả ơn là hy sinh vì phải cho đi phần nào của mình. Cho đi thường gây nuối tiếc. Hỏi lòng mình nuối tiếc nhiều hay ít khi phải cho đi để biết ơn nhiều hay ít.
Có hai thứ chịu ơn, vật chất và tinh thần. Vật chất thì có thể tính bằng con số và đo bằng mức độ, một lượng vàng, một ngàn đồng vv…. Nhưng, con người là hữu thể gồm cả hai, thân xác và linh hồn. Vật chất gắn bó với tinh thần và ảnh hưởng đến nhau. Bởi đó, những ơn ta nhận cho dù là vật chất đo được bằng con số, cũng chẳng đi được khi ảnh hưởng đến tinh thần. Thí dụ, lúc nghèo, có người giúp tôi mười ngàn để ăn học. Khi học thành tài, tôi có thể trả ơn lại số tiền lớn gấp đôi. Nhưng nếu không ai giúp tôi học hành xong, đời tôi chắc chắn sẽ rẽ sang một lối khác. Món tiền chỉ giúp tôi trong mấy năm ngắn ngủi. Nhưng sự giàu có kiến thức tôi thu nhận được qua việc học hành sẽ ảnh hưởng cả đời tôi. Do đấy, tôi chỉ trả ơn xong những gì đã được giúp, còn lại cả đời tôi nhờ sự giúp đỡ ban đầu ấy mà học hành nên làm sao tôi trả được. Vì thế, trả ơn có thể là xong nhưng biết ơn phải là mãi mãi.
Có những chịu ơn về tinh thần còn sâu thẳm hơn nữa, khó mà định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Chẳng hạn một nâng đỡ lúc đời tôi chung quanh chán chường, cô đơn. Trong lúc lạnh lẽo ấy, tôi cần một lửa ấm tình thương nâng đỡ. Dù lửa ấm nâng đỡ ấy có nhỏ đến đâu đi nữa, cũng nhờ có chút ánh sáng đó mà tôi lần mò ra được căn hầm. Lúc tìm được ánh sang rồi, tôi chẳng thể nói rằng tôi trả ơn lại bằng mười ngọn nến cháy sáng là xong. Một ánh lửa trong đêm tối thì giá trị hơn mặt trời khi có ánh sáng. Những nhận ơn về tinh thần thì làm sao trả được, vì thế phải biết ơn mãi.
Kẻ nghĩ rằng chỉ trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn. Không biết ơn chằng làm cho người ban ơn ra thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn ra chật hẹp. Vì họ đã lấy hình ảnh biểu tượng để thay thế cho chính thực tại được biểu tượng.
Ai Là Người Tôi Mang Ơn?
Tôi phải biết ơn người và biết ơn Chúa.
Bắt đầu là mầm sống trong bụng mẹ, ngày đó, tôi đã chịu ơn rồi. Tôi vào đời với tiếng khóc như biểu tượng sự yếu đuối và thiếu thốn của tôi gởi tới mẹ và những người xung quanh. Từng dòng sữa. Từng hơi ấm. Lớn lên, từng bàn tay dắt đi. Từng muỗng cơm. Tất cả đời tôi là những chi phiếu chịu ơn. Thầy cô dạy tôi từng mẫu vần a,b. Rời ngôi làng nhỏ, vào đời, tôi cần tình yêu, tôi cần thông cảm, tôi cần tình bạn. Nếu thiếu vắng chúng, đời tôi sẽ buồn lắm. Ai dệt đời mình bằng những liên hệ chịu ơn, thì biết ơn là con đường người ấy phải đi.
Có túng thiếu mới phải chịu ơn. Nhưng túng thiếu cũng có nhiều cấp bậc. Có thứ thiếu ít, có thứ túng nhiều. Có thứ cần nhưng không đến nỗi cần lắm. Có thứ bắt buộc phải có, đấy là sự cần tuyệt đối. Điều cần tuyệt đối này chính là sự sống. Tôi không thể tự ban cho mình sự sống. Hiển nhiên là khi không muốn chết, tôi vẫn chết. Sự sống của tôi, thứ tôi cần tuyệt đối này đã đến từ chính Chúa. Vậy, chịu ơn Chúa là con đường tôi phải đi.
Nói đến trả ơn, chỉ có thể trả ơn người, chứ không bao giờ trả ơn Chúa được. Hôm nay tôi nghèo, có người giúp tôi. Một thời gian sau, tôi có thể giàu hơn họ, và tôi có dịp trả ơn. Nhưng với Chúa thì bao giờ tôi cũng nghèo, cũng túng thiếu. Chúa chẳng cần gì để tôi có thể trả ơn. Bởi có gì cảu tôi mà không đến từ Chúa. Do đó, tôi chẳng thể trả ơn mà chỉ có thể biết ơn thôi.
Thế Nào Là Biết Ơn Chúa?
Khi cho em bé một món đồ chơi, em thường vội vàng cầm chặt, sung sướng quý mến nó. Đấy chính là lòng biết ơn. Em không thể trả ơn bằng một vật gì. Tôi cũng không chờ đợi em đáp trả vì em chẳng có gì. Thiên Chúa đối với tôi cũng vậy. Tôi chỉ có thể biết ơn Ngài bằng thái độ yêu quý những gì Ngài ban tặng. Tặng vật lớn nhất là sự sống và tiếng kêu mời làm con của Ngài. Bởi đó, tôi phải yêu quý sự sống của tôi, tôi phải yêu tôi, tôi phải yêu đời. Ghét bỏ chính mình, từ chối tiếng kêu mời không phải là sự vô ơn với kẻ ban tặng sao.
Tất cả những gì hiện hữu, vũ trụ và con người đến từ Thiên Chúa. Vì đến từ Chúa, nên những liên hệ giữa vũ trụ và con người, giữa con người với nhau là một hoà điệu Thiên Chúa xếp đặt để con người tham gia vào chương trình lãnh ơn sủng của Ngài mà trao tặng nhau. Tôi chẳng có gì thì những gì tôi giúp kẻ khác cũng chẳng đến từ tôi, nhưng từ một nguyên nhân xâu xa hơn, những gì tôi nhận lãnh từ người khác cũng có một nguyên nhân như thế.
Vì mọi sự tôi nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn của tôi đối với tha nhân cũng phải là biết ơn Chúa. Vì tha nhân đã xử dụng dự tự do của mình để trao tặng tôi, cho nên lòng biết ơn của tôi đối với Chúa cũng phải là biết ơn tha nhân.
Sự sống tôi mỏng manh, nghèo nàn, nên biết ơn là điều quan trọng, nó phải là lối sống của Kitô hữu. Xã hội là gia đình Thiên Chúa, sự biết ơn tha nhân có căn bản bắt nguồn từ biết ơn Thiên Chúa, nên biết ơn nhau cũng có giá trị trong ý nghĩa đường về cứu độ.
Lạy Chúa, từ con chẳng có gì thì xin cho con hãy lộng lượng cho đi. Va xin Chúa nhắc nhở con, để biết ơn Chúa, con cũng phải biết ơn người. Và biết ơn người là biết ơn Chúa.
Nguyễn Tầm Thường, sj.