Cuộc đời của con người ta là gì? Phải chăng là những niềm vui – nỗi buồn tiếp nối, nỗi buồn – niềm vui đan xen. Vui – buồn, buồn – vui là những cung bậc trầm bổng làm nên cuộc sống, những giai điệu hòa âm vang lên nơi cuộc đời, những sắc màu vẽ nên kiếp người, những ngôn ngữ để diễn tả và những dấu chỉ để nhận biết sức sống nội tại nơi con người.
Với kinh nghiệm hiện sinh còn non kém trên đường đời, và các giá trị của đời người. Cảm nghiệm tâm linh còn yếu ớt của một người đang đi trên hành trình kiếm tìm Thiên Chúa. Xin được nhìn cuộc đời với một góc nhìn hẹp, tầm nhìn còn thiển cận với cái tâm còn nông cạn, về niềm vui – nỗi buồn cùng kiếp người.
1. Buồn với kiếp người
Buồn với kiếp người, vì con người chẳng khác gì con vật, vẫn còn đó nơi bản thân những hơn thua, đấu đá, tranh giành. Con người vẫn không thoát khỏi vòng vây “Thắng làm vua, thua làm giặc.” Con người nhiều khi vẫn chưa nhận ra những giới hạn căn bản của kiếp người: “Ngài định giới hạn rồi, sao có thể vượt qua!” (G 14,5)
Buồn với kiếp người, vì con người loay hoay, bôn ba, lo toan, tính toán trong cuộc đời, nhưng đích điểm đời mình sẽ tới thì lại chẳng lo, chẳng tính, để rồi một ngày: “Thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49,21); “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,10). Buồn với kiếp người, vì con người có tình yêu nhưng có mấy ai biết yêu thực sự, dám yêu thực sự, đi trọn con đường tình yêu nơi mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Buồn với kiếp người, vì con người biết sống đời sống đức tin nhưng nhiều khi chưa biết hành trình tử đạo, sống tử đạo là gì: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
Buồn với kiếp người, vì con người nhận ra bản thân là bất toàn, mỏng dòn, yếu đuối nhưng con người dường như vẫn chưa bắt được mạch sống là phải sống với – sống vì – sống cùng ai đó: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16,25)
Buồn với kiếp người, vì con người khi còn chức tước, khi còn danh vọng thì “người hầu, kẻ hạ” nhưng khi hết thời thì cũng chẳng khác chi một con người tầm thường và bình thường: “Cả khi cười, lòng vẫn vương sầu muộn, sau niềm vui lại đến nỗi buồn phiền” (Cn 14,13).
Và còn nhiều điều buồn và đáng buồn hơn nữa…
2. Vui cùng kiếp người
Vui cùng kiếp người, vì con người biết bản thân mình là gì, bản thân mình được định nghĩa như thế nào và mang phẩm giá cao trọng làm sao: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27).
Vui cùng kiếp người, vì con người nhận ra cuộc đời này là gì: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lụng vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?” (G 7,1)
Vui cùng kiếp người, vì con người biết tìm ra niềm vui thực sự trong cuộc đời này là gì và đến từ đâu: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” (Tv 126,3); “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4)
Vui cùng kiếp người, vì con người biết ơn, biết cảm động và thán phục trong cuộc đời xuôi ngược và lắm muộn phiền này những tấm lòng, những nghĩa cử tuyệt vời, những giá trị chân chính: “Halêluia. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107,1). Vẫn còn đó nhiều niềm vui mà con người vẫn chưa nhận ra… Trong niềm vui, chúng ta nhận ra: “Ôi! cuộc đời sao tuyệt vời và nhẹ nhàng đến thế.”
3. Góc nhìn của bản thân về nỗi buồn nơi đời sống gia đình
Nơi đời sống gia đình, chúng ta mới thực sự bắt gặp một tình yêu tạm nói là “đẹp.” Tình yêu biết ra khỏi bản thân mà sống cho, sống vì người khác. Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, con cái đối với cha mẹ là tình yêu tuyệt đẹp vì tất cả chỉ muốn cho người thân yêu của mình trở nên tốt và tốt hơn. Nơi gia đình mọi người “chấp nhận” nhau, “tặng ban, hy sinh” cho nhau, cùng đồng hành với nhau qua các biến cố vui – buồn, sướng – khổ, thành công – thất bại, hy vọng – thất vọng,… mọi người trong gia đình luôn “chấp nhận, đón nhận” cùng nhau, “cho đi, tặng ban” cho nhau trọn vẹn mà không tính toán, đổi trác. Mọi người trong gia đình luôn hy sinh, lo lắng cho nhau không phải một ngày, hai ngày nhưng là trót cả cuộc đời và suốt cả cuộc đời.
Vì đời sống gia đình rất gần gũi, thân thương với mỗi người nên ai ai cũng có thể cảm nhận được tình yêu nơi gia đình. Xin được nêu một vài nhận định, góc nhìn của bản thân về đời sống gia đình. Góc nhìn chỉ giới hạn trong nỗi buồn.
Buồn nơi gia đình, vì nhiều khi người thân chỉ biết lo cho nhau, tặng ban cho nhau mà dám chấp nhận chà đạp, xúc phạm, hủy hoại, bóc lột, tham nhũng, bất công, gây đổ vỡ cho người khác. Buồn nơi gia đình, vì vẫn còn đó những sự không hòa hợp giữa cha mẹ với con cái, anh em, chị em nhiều khi vẫn còn “khắc khẩu” với nhau, tranh giành, đấu đá với nhau. Không bao giờ có một gia đình nào mà trọn vẹn trong niềm vui thực sự, đừng hy vọng sẽ không có những bão tố, thử thách. Buồn nơi gia đình, vì vẫn còn đó những trốn tránh, thoát ly, từ bỏ gia đình để đi tìm một lối sống, cách sống khác mà không phải là gia đình, nền tảng là gia đình.
Cuộc đời làm người của chúng ta cần thiết biết bao những giá trị căn bản và cao đẹp ấy buồn – vui.
Giuse Vũ Duy An
Học viện TSĐT