Thực thế, xã hội hôm nay rất đang cần có những tấm lòng để xoa dịu nỗi đau của những trẻ em tàn tật, những người già cô đơn, những nạn nhân của bạo lực. Cần lắm những tấm lòng để đến với trẻ em và người nghèo vùng quê xa, đem cho họ cái chữ và ánh sáng của văn minh, kiến thức. Một điều đáng mừng là trong xã hội chúng ta ngày càng có nhiều người làm từ thiện mà không cần phô trương ồn ào, như những người phục vụ tại trại phong, nhà dưỡng lão, chôn cất thai nhi, cứu giúp người bất hạnh. Họ làm việc thiện không vì đồng lương hay danh dự, mà chỉ làm vì thấy đó là những nghĩa cử đẹp, có ích cho đời.
Và, trong xã hội chúng ta lại cần hơn nữa những tấm lòng để đối xử với nhau có tình người ngay trong gia đình, trong công xưởng và trong làng xóm phố phường. Bởi lẽ, những người già cô đơn, những nạn nhân bạo lực, những trẻ em bụi đời phần lớn đều là nạn nhân của một lối sống thiếu tình người, thiếu tấm lòng. Chính vì thế, sống với nhau có tấm lòng trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi người sẽ làm giảm bớt đau khổ nước mắt cho mình và cho tha nhân.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ “tấm lòng” mang nhiều ý nghĩa. Nó vừa chỉ một cơ quan sinh lý của con người (giống như trái tim), vừa mang ý nghĩa trừu tượng rất phong phú. “Tấm lòng” là sự quan tâm đến người khác xung quanh mình, là sự giúp đỡ sẻ chia đối với người cơ nhỡ bất hạnh, là niềm an ủi đối với người đau khổ, là nghĩa cử bao dung tha thứ cho người đã xúc phạm mình.
Thiên Chúa cũng muốn con người có một tấm lòng để họ nhận biết Ngài là Đấng yêu thương và để họ đối xử với nhau tốt hơn:
Thích được các ngươi nhận biết hơn là của lễ toàn thiêu.” (Hs 6,6)
Lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu.” (1 Sm 15,22)
Thiên Chúa ưa thích tấm lòng của con người hơn là của lễ. Bởi lẽ của lễ chỉ có giá trị khi chúng tượng trưng cho tấm lòng thành. Một của lễ thiếu tấm lòng sẽ trở nên vô nghĩa, thậm chí làm cho Chúa ghê tởm.
Chiên của ngươi, chẳng lẽ Ta ham!” (Tv 49,9)
Chúa là Đấng quyền năng. Ngài thấu hiếu tâm tình và thái độ của người dâng lễ. Của lễ dâng không xuất phát từ tấm lòng sẽ trở thành một hình thức “hối lộ” thần linh, giống như người ta muốn cầu cạnh nhờ vả ai giúp cho một việc gì.
Nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa có trái tim con người. Đức Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót Chúa đối với nhân loại. Trong giáo huấn của mình, Người trích dẫn Cựu ước để lên án những người biệt phái quá chú trọng đến nghi thức bề ngoài mà thiếu bác ái. Đối lại với những tiếng xầm xì về việc Người đi lại, ăn uống với người thu thuế, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế’. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13).
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Đây cũng là tinh thần của Mùa Chay. Lời Chúa trong Tin Mừng lễ Tro đã nhấn mạnh đến những việc làm cụ thể để chứng minh tấm lòng của chúng ta đối với Chúa và đối với tha nhân, đó là bác ái, cầu nguyện, ăn chay (x. Mt 6,1-6.16-18). Ba thực hành này nhắm tới 3 đối tượng cụ thể là tha nhân, Thiên Chúa và bản thân mình. Khi thực hành bác ái, chúng ta thể hiện tấm lòng đối với người nghèo và những người bất hạnh; khi cầu nguyện là chúng ta thể hiện tấm lòng chân thành của chúng ta đối với Chúa, như tâm tình con thảo đối với cha hiền; khi ăn chay hãm mình là chúng ta thể hiện sự khiêm tốn trước mặt Chúa, nỗ lực cố gắng làm chủ bản thân, quy phục giới luật của Chúa. Không phải là vô cớ mà Đức Giêsu nhắc đến việc bác ái trước hết, như việc làm ưu tiên trong 3 thực hành này. Người muốn tiếp nối truyền thống giáo huấn của Cựu ước, đặt lòng nhân hậu lên hàng đầu. Người cũng đã khẳng định, thực thi bác ái và sống bao dung còn quan trọng hơn nghi thức tế tự: “Nếu khi nào ngươi dâng của lễ trên bàn thờ, mà ngươi sực nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, hãy để của lễ ngươi trên bàn thờ, hãy đi làm hòa cùng anh em đã, rồi ngươi mới đến dâng của lễ.” (Mt 5,23-24) Câu chuyện về người Samari tốt lành (x. Lc 10,29-37) cũng nhằm nêu bật giá trị và tính ưu tiên của lòng nhân hậu. Người Samari là người ngoại, bị người Do Thái khinh miệt. Do nghĩa cử của ông đối với người bị đánh nhừ tử bên đường mà ông đáng được tôn vinh hơn là những thầy tư tế và Lêvi, vì hai người này đã “tránh qua bên kia mà đi”.
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Đây cũng là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay. Đức Thánh Cha đã nối kết Đức Tin với Đức Ái, như một cặp đôi không thể tách rời. Tin Chúa và yêu mến anh em, đó cũng là cốt lõi của Luật Cựu ước: “Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy” (Kinh Mười Điều Răn). Thực thế, nếu không có Đức Ái, Đức Tin sẽ trở thành một mớ lý thuyết vô hồn. Nếu thiếu Đức Tin, Đức Ái sẽ mất đi nền tảng siêu nhiên. Lời cầu nguyện chúng ta vẫn đọc: “Lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy” (Kinh Kính Mến) cho thấy một đức ái dựa trên nền tảng “vì Chúa” sẽ giúp chúng ta yêu thương một cách vô vị lợi đối với mọi người, mọi hoàn cảnh. Theo Đức Thánh Cha, quá nhấn mạnh đến Đức Tin mà quên Đức Ái sẽ biến đời sống tín hữu trở thành xa lạ với thế giới xung quanh; nhưng cho rằng những hoạt động từ thiện có thể thay thế Đức Tin thì sẽ làm mất đi căn tính đích thực của đời sống tín hữu. Ngài đã viết: “Cuộc sống của người Kitô hữu bao gồm việc không ngừng lên núi để gặp gỡ Chúa, rồi xuống núi, mang tình yêu và sức mạnh nhận được từ Ngài, để phục vụ anh chị em bằng chính tình yêu của Chúa. Đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy lòng nhiệt thành của các tông đồ loan báo Tin Mừng và khơi dậy Đức Tin nơi dân chúng có mối liên hệ mật thiết với mối quan tâm bác ái phục vụ người nghèo (x. Cv 6,1-4).” Một khi thiếu tấm lòng dành cho nhau, xã hội này sẽ mất đi trật tự hài hòa trong nhiều lĩnh vực, từ gia đình đến trường học, từ đồng ruộng tới công sở, từ đời sống đời thường đến đời sống Đức Tin. Thiếu tấm lòng, mối tương quan giữa con người với nhau sẽ còn lại là giả dối, vụ lợi, mánh mung và ích kỷ.
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36) Lời giáo huấn của Tin Mừng cũng đồng nghĩa với lời mời gọi: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Một điểm nhấn nổi bật của Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, là lòng nhân từ của Thiên Chúa. Lòng nhân từ của người tín hữu được mô phỏng theo lòng nhân từ của Chúa. Đây là sứ điệp quan trọng nhất mà Đức Giêsu muốn thông truyền cho nhân loại. Cuộc khổ nạn của Người trên thập giá cũng nhằm giới thiệu cho nhân loại biết tình yêu thương và lòng nhân từ của Chúa Cha, mênh mông, rộng mở đến với hết mọi người.
Giáo lý của Giáo Hội dạy chúng ta rằng có 3 nhân đức đối thần là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Chúng ta có thể nói, cả 3 nhân đức này đều được gói gọn trong Đức Mến. Trong Đức Mến có Đức Tin và Đức Cậy. Bởi lẽ khi chúng ta mến Chúa tức là chúng ta tin vào Ngài và chúng ta cậy trông Ngài. Như thế, khi chuyên tâm thực hành Đức Mến là chúng ta sống Đức Tin, như Thánh Phaolô viết: “Yêu thương là chu toàn lề luật.” (Rm 13,10). “Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến cả ba tồn tại. nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến.” (1 Cr 13,10-13). Sau này, khi chúng ta được chiêm ngắm Chúa trong vinh quang vĩnh cửu, chẳng còn cần đến Đức Tin và Đức Cậy nữa, chỉ còn lại Đức Mến. Mến Chúa yêu người chính là sống Đức Tin một cách trọn hảo.
Mỗi năm, Mùa Chay mở đầu rồi lại kết thúc, cũng giống như Mùa Xuân đến rồi đi. Liệu mỗi chúng ta có lắng đọng tâm hồn sứ điệp của Chúa, mời gọi chúng ta hãy sống với nhau bằng tấm lòng? Câu trả lời thuộc về cá nhân mỗi người. Câu trả lời cũng không chỉ được thể hiện bằng ngôn từ, nhưng phải bằng những việc làm rất cụ thể. Như vậy, mặc dù Mùa Chay kết thúc, ơn phúc của Mùa Chay vẫn tồn tại và thay đổi cuộc đời chúng ta.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: WHĐ