Mỗi lần đọc tập hồ sơ, quan tòa phải nheo mắt khó khăn dù có kính lão. Bên cạnh ông còn hai người trẻ hơn, nhưng tầm độ cũng ngoài bốn mươi. Người ngồi bên phải dáng điệu như còn chưa quen với loại áo cánh rộng của luật sư. Ông ta trịnh trọng đến nỗi vụng về mỗi khi kéo ống tay rộng thùng thình.
Phiên tòa hôm nay không có gì hào hứng, ngoài quan tòa, luật sư buộc tội, chống án, chỉ có dăm bẩy người ngồi ở mấy ghế gỗ phía cuối đợi xem phiên xử. Vị chánh án mở hồ sơ, hỏi bị cáo:
-Ông bị tố cáo là ăn cắp đồ thánh của đền thờ. Ông có điều gì muốn trình bày không?
-Thưa quan tòa tôi không phải là quân gian phi.
Quan tòa quay ra phía kẻ tố cáo hỏi:
-Xin ông kể lại diễn tiến của sự việc.
Vị linh mục tuổi độ ngũ tuần bước ra giữa, tay cầm một tập hồ sơ. Ông đang định mở ra đọc thì quan tòa yêu cầu ông gập tập hồ sơ lại, chỉ kể bằng trí nhớ. Vị linh mục hơi ấp úng một chút, rồi cũng bắt đầu:
-Thưa quan tòa, chính mắt tôi không trông thấy. Khi tôi tới tháp chuông thì bị can đã bị bắt. Nhân chứng nhìn rõ sự việc là ông X. cũng có mặt đây.
Vị linh mục quay về phía ông X. đang ngồi ở hàng ghế thứ hai. Ngài chìa tay về phía ông X. để cho quan tòa biết, rồi lại tiếp tục trình bày:
-Lúc đó khoảng tám giờ tối. Tôi đang ở trên gian cung thánh, sắp sửa khóa cửa nhà thờ, bỗng nghe thấy xôn xao ở tháp chuông. Tôi tới nơi thì thấy ông X. và bị cáo đang giằng co, lớn tiếng với nhau.
Quan tòa hỏi vị linh mục:
-Vậy ngài có đồng quan điểm với ông X. là bị cáo đây đã dự định ăn cắp quả chuông?
Vị linh mục lưỡng lự rồi đáp:
-Tôi nghĩ như vậy! Thưa quan tòa, kể từ mấy tháng nay nhiều vụ mất cắp đã xẩy ra ở nhà xứ. Tuần trước chúng tôi cũng mới mất một bình hương cổ rất quý.
Người luật sư biện hộ cho bị can nóng nẩy đứng dậy đáp trả:
-Xin lỗi linh mục, đó là điều vô lí! Bị can chỉ có một mình, với thân hình tiều tụy, ốm yếu như thế này làm sao bị can có thể ăn cắp được quả chuông nặng cả mấy trăm kí lô!
Vị linh mục chưa tìm được câu trả lời thích hợp thì quan tòa đã gõ chiếc búa xuống bàn ra hiệu cho luật sư biện hộ im lặng:
-Yêu cầu luật sư im để bên công tố trình bày.
Người luật sư trẻ ngồi xuống, tức tối. Quan tòa ra hiệu cho linh mục về chỗ rồi gọi ông X.
-Có phải ông là người đã bắt quả tang bị cáo đây?
-Thưa quan tòa, đúng thế!
-Xin ông trình bày sự việc, yêu cầu ông kể rành mạch từng chi tiết theo thứ tự thời gian từ ban đầu.
-Thưa quan tòa, khi tôi tới tháp chuông thì trông thấy tên ăn cắp này đang tháo dây chuông. Hắn mang theo một con dao găm và một túi vải đồ nghề đủ các thứ kìm, búa, chìa khóa…
Vị quan tòa quay qua phía bị cáo hỏi:
-Ðiều cáo trên đây có đúng không?
Bị cáo buồn phiền nhìn quan tòa, bình thản thưa:
-Thưa quan tòa không! Tôi chỉ có con dao và túi vải, nhưng túi vải là túi đựng quần áo của tôi, tôi không có kìm, búa, và bất cứ chìa khóa nào. Tôi cũng có thêm một khúc dây thép mà ông X. đã không nói tới. Tôi mới leo lên gần tới sàn gác chuông, chưa tới nơi thì ông X. ở trên lầu chuông leo xuống rồi ông đạp tôi ngã từ cầu thang và đổ tội cho tôi ăn cắp, chứ không phải là ông leo ở dưới lên như ông vừa trình bày.
Quan tòa ghi chép rồi quay về phía linh mục hỏi:
-Thưa linh mục, ngài đã về xứ đạo được bao lâu?
-Thưa quan tòa, mười hai năm.
-Có phải ngài là người xây tháp chuông không?
-Không phải tôi, nhưng tôi tu bổ và sửa lại lầu chuông hầu như hoàn toàn.
-Xin linh mục tả cho chúng tôi biết về lầu chuông như thế nào.
-Thưa quan tòa, cả lầu chuông được xây nối liền với nhà thờ ở căn cuối cùng. Muốn lên lầu chuông phải qua cửa nhà thờ, rồi lên gác hát của ca đoàn. Từ gác hát có một cầu thang gỗ nhỏ, đủ để hai người đi, dẫn lên tháp chuông. Còn lầu gỗ, nơi để đặt quả chuông thì rộng bằng hai manh chiếu. Sàn của lầu chuông lát bằng gỗ thông. Ðủ làm chỗ ngủ cho chừng dăm, ba người. Muốn leo lên sàn chuông thì phải mở một nắp như nắp hầm.
Ông X. thêm vào:
-Vì thế lầu chuông có thể là chỗ ngủ đêm của bọn vô gia cư!
Ông ta ngừng nói trước khi quan tòa đập búa ra lệnh cho ông không được nói khi chưa có phép. Vị quan tòa quay lại hỏi bị can:
-Ông lên tháp chuông làm gì vào giữa đêm tối như vậy?
-Thưa quan tòa, cả câu chuyện thì dài dòng, quan tòa có thể cho tôi trình bày hết?
Vị quan tòa để xệ cặp kính lão, nheo mắt nhìn phạm nhân từ đầu đến chân như muốn lục lọi trong con người này những điều kì dị. Ngần ngừ. Ông ra lệnh:
-Hãy trình bày đầu đuôi:
-Thưa quan tòa, ngày còn bé tôi là cậu nhỏ chiều nào cũng giật chuông. Tiếng chuông đã là một phần đời của tôi. Tiếng chuông đã thấm vào trọn vẹn hồn xác tôi. Những buổi chiều không có tiếng chuông cầu nguyện tôi thấy khắc khoải, đời tôi như thiếu vắng một cái gì gần gũi và linh thiêng lắm. Tôi yêu những lầu chuông. Tôi yêu những tiếng chuông đồng. Giã từ tuổi thơ, tôi phiêu bạt khắp nẻo đường nhưng bao giờ cũng nhớ về lầu chuông xưa. Có những chiều tôi thường lẻn lên lầu chuông ngủ qua đêm khi tôi đi đường. Lầu chuông là nơi tôi trú mưa, lầu chuông che tôi khỏi nắng. Khi còn nhỏ thì lầu chuông là nơi tuổi thơ nô đùa. Lớn lên, khi đủ tuổi khôn thì lầu chuông vẫn nhắc nhở tôi về tiếng gọi của Thượng Ðế trên cao. Trong những ngày phiêu bạt, tôi đã dừng lại biết bao nhiêu lầu chuông và tôi đã đánh bóng không biết bao nhiêu quả chuông đồng bị mưa nắng làm sét hoen rỉ. Khi tôi qua đây vào một buổi chiều, tôi cũng ước mong được nghe tiếng chuông, nhưng chiều qua, không gian lặng lẽ hiu hắt. Tôi không hiểu vì sao không ai giật chuông. Tôi đã leo lên lầu gỗ và thấy giây chuông đã bị đứt, quả chuông đã bị mạng nhện chăng kín. Quả chuông đã bị lãng quên từ lâu ngày. Tôi thấy xót xa cho Thượng Ðế trên thập giá. Ngài chẳng có ai chuyện trò, chỉ có mỗi tiếng chuông mà nay lầu chuông cũng im vắng. Vì thế tôi đã tìm khúc giây thép này để mong tìm cách nối lại giây chuông xưa.
Lời nói của gã bị can chỉ lớn đủ để mọi người nghe. Gã ốm yếu. Trông bên ngoài không ai có thể nghĩ là hắn lại có những tư tưởng lạ lùng như thế. Ông già ngồi ở hàng ghế cuối cùng, hai tay cầm gậy tre run run, xúc động vì tâm sự của bị can. Gã luật sư nhìn lơ đãng qua cửa sổ. Vị linh mục cúi đầu trầm tư không nói gì. Ông chánh án ra hiệu cho mọi người chú ý, bỏ chiếc kính lão xuống bàn, ông nhìn tất cả mọi người hỏi:
-Ông ta bị cáo là ăn trộm. Nhưng chỉ có một nhân chứng là ông X. còn ai biết gì nữa không?
Ông X. mừng như bắt được cơ may hiếm có để vội kết tội gã đàn ông đang đứng lo xo trên kia cho xong chuyện. Vừa chợt định giơ tay minh xác là còn một nhân chứng nữa, nghĩ sao ông lại dừng lại. Sau đó ông mới hối hận đã hơi quá vội vàng với ý nghĩ điên rồ ấy. Ông giữ kín nhân chứng thứ hai này không hề nói cho ai hay trong suốt đời ông.
Nhớ lại đêm đó, khi gã tội nhân tới gần sàn chuông thì ông X. ở trên đi xuống mở nắp ván và gã nghe có giọng nói phụ nữ trên gác chuông. Như thế, ngoài ông X. còn nhân vật thứ hai. Nhưng nhân vật này không hề xuất hiện cho dù sau khi ông X. đã túm cổ áo hắn la lối và vị linh mục đã đến.
Im lặng như tờ. Vị quan tòa dáo dác nhìn khắp phòng, gõ chiếc búa gỗ xuống bàn kết luận:
-Không hẳn là đủ điều kiện để buộc tội bị cáo ăn cắp chuông. Nhưng cũng không đủ chứng cớ để chứng tỏ bị cáo là người ngay. Dựa vào lời khai của linh mục, nhà thờ đã bị mất cắp nhiều lần trong những tuần lễ vừa qua. Bị can là người “phiêu bạt” như lời tự thú. Xét theo luật pháp và bị can đã xác nhận là đã lẻn lên lầu chuông hai lần vào đêm khuya. Xâm phạm giáo đường trong đêm vắng không có phép của linh mục quản nhiệm là điều phạm pháp. Quan tòa xin kết thúc: Ba năm cải hóa!
Tiếng búa khô khan đập xuống bàn không gây nổi tiếng động. Riêng ông già dự kiến, chậm rãi cúi tìm cây gậy tre, mò từng bước chậm ra cửa, ánh sáng chiếu rõ hai giọt lệ còn đọng trên gò má nhăn nheo.
***
3 NĂM SAU
Ngoài ba mươi tuổi đời, ba năm tuổi tù. Ba năm tù không phải là thời gian quá dài. Nhưng cái cô đơn của cuộc đời bị xét đoán bất công. Cái xót xa cho sự thật thất bại trước sức mạnh của bóng tối. Cái vắng lặng của lầu chuông là thao thức trong lòng hắn, đã làm hắn cằn cỗi. Rồi nữa, chồng thêm lên mảnh đời độc hành: Cái già nua mang úa mầu thất vọng. Vẫn dáng người dong dỏng cao. Ðôi mắt vẫn đặc biệt. Những suy tư thầm lặng dường như sâu hơn. Trong đôi mắt ấy nỗi buồn thất vọng lớn hơn nỗi buồn oán trách. Nỗi buồn thao thức chìm lắng xuống hơn nỗi buồn bị kết án. Hắn xách túi vải lững thững xuống đồi. Ði được một quãng, hắn quay lại nhìn khu nhà tù chiều nay mới được phóng thích. Dẫu sao, đấy cũng là ngôi trường cho chàng hiểu thân phận làm người. Gởi gắm lại nơi ấy những tháng ngày cảm nhận bóng tối có sức mạnh trong cuộc đời. Và có thực sự ánh sáng công lí là hương thơm có thể bay ngược chiều gió?
Ra tù vào mùa xuân. Trời gió mát. Cảnh vật thiên nhiên cho hắn thêm sức sống, vỗ về hắn bằng lời hứa hi vọng, an ủi hắn bằng mơ ước ngọt của tương lai. Chiếc túi trên vai. Bước chân ngập ngừng. Ði mà chưa biết về đâu. Rải rác đây đó, đàn bò béo tốt đang gặm cỏ trên ven đồi. Những chùm dâu đỏ đang mùa chín tới nằm phơi mình dưới nắng ấm. Chàng thấy ngoài nhà tù, vũ trụ vẫn đẹp, vẫn tha thiết lắm. Những cánh nhạn đang bâng khuâng buông cánh muốn làm quen nhau trên bầu trời bình yên. Thế giới đẹp quá. Thế giới mà Thượng Ðế đã làm cho cỏ hoa đồng nội đẹp hơn áo lụa, gấm vóc của Salomon. Vũ trụ mà Thượng Ðế đã lo chăm sóc để chim muông khỏi lo lắng kiếm ăn hầu có thì giờ ca hót véo von. Chàng ngước mắt nhìn trời cao tin tưởng, cám ơn Thượng Ðế. Một niềm vui nhỏ nở trong tim gã tù nhân mới được vào đời lần thứ hai.
Cặm cụi bước về phố dưới thung lũng, trên đường đi, mấy bác nông phu nhễ nhãi mồ hôi chào hắn những lời chào thân tình. Họ cho hắn những trái dưa chín thơm mùi mật ong. Cánh đồng bình yên. Chàng muốn dừng chân nơi đây lập nghiệp nhưng nhớ lại lời cha của chàng căn dặn. Phải đi. Phải luôn luôn là từ giã.
Hắn ngần ngại nghĩ đến những tình thân quen thuộc trên đường đời. Hắn được nhận lời chào nhưng phải quên ngay sau đó. Hắn phải lên đường bước tới chứ không được dừng chân lưu luyến. Ðiều ấy đôi khi làm hắn thấy lẻ loi.
Từng đống rơm còn thơm mùi lúa mới gặt nằm rải rác khắp cánh đồng. Mấy chú bê nhỏ chạy tung tăng bên vú mẹ căng tròn bầu sữa. Dăm ba cô gái gánh những gánh bí ngô vàng rộ lên đường về. Những mớ tóc đen đơn giản lúc lắc sau chiếc cổ trắng nõn nà, bịn rịn mồ hôi. Những đôi mắt bình an, trong sáng như mầu trời trao cho chàng cảm xúc bâng khuâng. Buổi chiều ra tù của hắn hôm nay rất đẹp. Chàng nghĩ về tương lai với một niềm vui kín đáo mang mầu hi vọng mịn màng.
Nửa ngày mới về tới phố. Chung quanh tường đá đã nở mùa hoa leo tím. Ngồi trên bờ đá của ngôi nhà thờ cổ nghỉ chân. Chàng đã bỏ lại cánh đồng đằng sau lưng. Tâm trí chàng vẫn chan chứa những nụ cười giòn giã, lời nói chân tình của mấy bác nhà nông. Ðối với chàng dường như chỉ có những người nhà quê là mến chàng. Từ ngày chàng bỏ làng quê nhỏ ra đi, chàng đã gặp biết bao miệt thị, khó khăn, nhưng chưa lần nào những khó khăn ấy đến từ những bàn tay chỉ biết vui bên vườn đất. Nghĩ lại mấy năm về trước, buổi trưa trước mặt quan tòa, kẻ kết án chàng toàn là những người có địa vị, có chức sắc trong xã hội, trong giáo xứ. Nhớ về đó, thoáng nỗi khổ đau dâng về.
Ngôi nhà thờ hiền hòa như bóng mát cho kẻ mệt vì đường xa có chỗ nghỉ chân. Mầu rêu xanh đậm phủ theo những vết nứt trên tường xi măng già. Nhìn ngôi nhà thờ, ngắm những bông hoa nhỏ, chàng giơ tay vuốt bờ đá rêu mát lạnh. Cõi lòng cung kính như thoang thoảng thấy mùi hương trầm đang kính dâng trong đền thờ. Ðã mấy năm nay chàng xa vắng mùi hương quen thuộc ấy. Ðã mấy năm nay không ngày nào mà chàng không nghĩ đến những hàng nến trắng cháy lung linh trên bàn thánh. Giờ này, bồi hồi sung sướng. Trước mặt chàng, nhà thờ đây, trong ấy có mùi hương, có nến sáng. Người thanh niên tìm lối vào.
Chàng lại mân mê vuốt từng phiến đá mát rượi của tường đền thánh. Lúc vừa xoay ổ khóa, cũng là lúc chàng vội rụt tay về. Lời của ông quan tòa năm xưa vẫn còn ám ảnh: Xâm phạm nhà thờ không có phép của cha xứ quản nhiệm là bất hợp pháp! Chàng đứng ngần ngại. Tự nghĩ, biết đâu chẳng lại phải vào tù lần nữa. Ðứng nhìn nhà thờ, chàng ngó tháp chuông cao, nuối tiếc, không dám tìm lối vào. Buồn bã đi về phía phố.
Hàng me xám nặng của một buổi chiều hết nắng. Nửa ngày đường. Chiếc túi trên vai làm chàng mỏi, nhưng vui mỗi khi nghĩ đến tình người mà chàng đã bắt gặp trên cánh đồng. Ði qua một quãng đồng thôi mà chàng được biết bao thương mến. Ổ bánh còn thơm mùi mới nướng. Họ đã cho chàng từng chùm dâu chín đỏ. Những củ khoai nướng còn thơm mùi tro. Chiếc bánh vương mầu lá gói. Ðang nghĩ tới niềm vui ấy, chàng chạnh lòng trông thấy người đàn bà ăn xin.
Hình ảnh người đàn bà im lặng như một bức tranh tĩnh vật. Lặng lẽ. Chẳng thiếu được những thua thiệt trong cuộc sống. Ðời làm sao vắng bóng được nước mắt. Có kẻ giầu, phải có người nghèo. Cuộc đời là vậy. Nhưng bất hạnh cho ai rơi trong dòng đời héo cạn ấy. Có chủ ông, phải có tôi nợ. Vẫn biết mầu sắc nào cũng cần cho bức tranh hoàn hảo. Vẫn hay chẳng thể loại trừ cái mầu xám lặng lẽ khỏi cảnh bình minh huy hoàng. Chính cái lặng lẽ của nó làm rực thêm cái nét vàng. Chính cái hẩm hiu mang số phận xám ngắt ấy làm cho mầu bình minh tươi rực. Nhưng có bao giờ cái mầu rực rỡ của bình minh kia biết cái mảng mầu tối tăm ấy chính lại là vùng đất cần thiết cho mình nương tựa? Cuộc đời là thế. Bất hạnh chen giữa hoan lạc. Ðau khổ tìm lối ngoi lên để cho hạnh phúc sáng giá. Chàng đứng nhìn người đàn bà ăn xin.
Người đàn bà nhăn mặt thảm thiết. Bà cấu đứa bé mắt còn đỏ hoe, đứa bé khóc ré vì đau. Nhặt những đồng tiền sáng như bạc dắt vào chiếc bao cài ở vành quần rồi lại ngồi nhìn lơ đãng, thản nhiên. Mỗi lúc có người tới, bà nhăn nhó ra vẻ nghèo đói, đứa bé lại khóc thét lên vì bị bà lấy chiếc kẹp tóc nghiến vào bắp chân đã tím bầm để gợi lòng trắc ẩn của kẻ qua đường. Thằng bé vô tội trở nên nạn nhân của một kẻ làm tiền. Chàng thấy bà chẳng có tật nguyền gì. Túi tiền bà giấu ở đâu? Nghĩ đến lòng người, chàng thất vọng, chán ngán bỏ đi.
Chàng vào phố, đi vòng quanh khắp cả. Từ khu này lang thang sang khu khác. Rực rỡ đèn mầu, tấp nập người qua lại. Hàng đèn dọi lên những sợi giây chuyền vàng làm sáng một vuông cửa. Trên nền nhung đen, những chiếc nhẫn kim cương gặp ánh điện lóe lên sáng ngời. Người chen người tấp nập. Họ ôm nhau đi trên phố. Những đôi tình nhân trẻ đi tìm bến mơ. Hơi café đượm nóng làm chàng thèm nghỉ chân.
Giầu sang của phố thị đã đưa chàng vào một thế giới quá lạc lõng, đơn côi. Trong đám đông ấy, ở một vỉa hè, chàng sững sờ ngó người đàn bà đang ôm chặt chiếc bóp da rằn ri như da rắn. Bà đang xóc những con lúc lắc trên mặt tấm vải lớn. Chung quanh bà, kẻ ngồi, người đứng. Họ đang sát phạt nhau bằng những canh bạc tham lam. Người chủ sòng chính là người đàn bà ngồi ăn xin ở góc phố hồi ban tối. Chiếc nốt ruồi trên ngón tay cái. Không thể lầm.
Ra khỏi khúc đường nhộn nhịp chàng tìm một ghế đá công viên ngồi nghỉ. Cuộc đời như một vòng tròn, đi mãi không có lối ra. Quyền lực, giầu sang, nghèo khổ, gian dối, yêu thương, hận thù, tất cả quay vòng, dính lẫn vào nhau. Những bước chân long đong hối hả. Những dòng lệ trong đêm. Những tính toán mệt nhừ. Những bàn tay chai cứng vì lao tác. Thở dài. Chàng thấy như con người đang lao đao vất vả quá mà vẫn không gặp cái mà họ kiếm tìm. Họ khổ sở xây những bức tường thành cao rồi than khóc là không có ánh sáng. Họ tất tưởi đi giành giật sự an nhàn bằng vội vã, để rồi càng vội vã, an nhàn càng mù xa.
Hạnh phúc? Sự chết? Tất cả lại đưa chàng vào câu hỏi cũ kĩ nhưng vẫn rất khó trả lời: Ðâu là ý nghĩa cuộc sống? Trên ghế đá công viên mát lạnh, chàng không biết nhân loại đáng thương hay đáng trách. Nghĩ đến công việc của chàng, chàng bắt đầu nguyện cầu:
-Lạy Cha, tay con ngắn quá mà cuộc đời thì như Cha biết đó, bao la, phức tạp, ngổn ngang những bóng tối, con không biết phải làm gì, khởi đầu từ đâu. Con không biết rồi ngày mai ra sao.
-Con cứ làm theo sức con. Hạt giống con đang có trên tay hãy gieo xuống. Ai là người tưới, ai nhổ cỏ, ai là người làm cho nó nên xanh tươi, ai sẽ gặt, đó là việc của Cha.
-Vâng, con xin làm theo ý Cha.
-Cuộc đời bao la thì con đừng bao giờ xây đắp cho riêng tư nhưng hãy miệt mài đi mãi. Cuộc đời phức tạp, con hãy giữ trái tim đơn sơ. Cuộc đời ngổn ngang, con hãy sống trong sự thật. Cuộc đời đầy bóng tối, con hãy thắp lên một que diêm.
-Vâng, con xin làm theo ý Cha. Nhưng dường như chẳng có kết quả. Cha bảo nơi nào có chia li thì hãy đem nối chắp vá lại. Nơi nào có tang tóc thì đem ủi an. Nhưng Cha thấy đó, lúc con nối lại giây chuông là lúc con bị kết án ăn trộm. Lúc con định chia sớt nhọc nhằn với người đàn bà ăn xin là lúc con khám phá ra túi bạc và lòng ích kỉ nhỏ nhen. Ðâu là sự thật soi cho con đi hả Cha?
-Con không đi tìm sự thật. Sự thật ở trong con và con đến để làm chứng cho sự thật. Con đem sự thật cho đời. Vì thế, nơi nào có gian dối, Cha gởi con tới. Nơi nào có kết án bất công, Cha bảo con đến.
Người thanh niên ngồi yên trầm mặc. Lời nói trong hồn thao thức, thăm thẳm sâu. Nhẹ nhàng như một lời mời, thách đố như một lệnh truyền. Phải đi. Phải đến. Ðấy là ý nghĩa đời chàng. Một thoáng lại hiện về trong trí nhớ. Nhà tù, vòng sắt, quan tòa. Chàng biết gian dối, bất công có sức mạnh của nó, kẻ dám đương đầu với bất công là kẻ phải can đảm chấp nhận tù đầy, khổ đau. Chàng lại nghĩ tới thân mình. Một thoáng lo âu ngần ngại lướt qua như lời nói khẽ cho chàng hay đời chàng sẽ còn nhiều giông tố phũ phàng vì chàng dám sống cho sự thật. Ý nghĩ ấy làm chàng trầm nét băn khoăn. Nhưng chàng đứng dậy, xách theo
túi vải, nói với lòng mình:
-Thức ăn của ta là làm theo Ðấng đã sai ta.
Người đàn bà bên kia đường trông thấy chàng, vội rời hè phố, băng qua lộ, bước qua hàng rào công viên, đến trước mặt chàng:
-Ông có lửa không, cho tôi xin mồi lửa?
Người phụ nữ vừa nói vừa đưa điếu thuốc lên môi. Móng tay nàng dài, sơn mầu huyết dụ. Cặp môi đỏ mọng, mướt lánh như nàng vừa mới thoa son xong. Chàng đưa tay lên túi áo ngực:
-Xin lỗi cô, tôi không có bật lửa.
Người đàn bà như chờ đợi thêm nhưng hắn chỉ nói có thế. Nàng tỏ vẻ thất vọng, hơi bực mình, nhưng người đàn bà kiên nhẫn thêm. Bây giờ nàng đứng sát bên hắn. Gã bối rối vì mùi nước hoa làm chàng xao xuyến. Và dường như ngực người đàn bà cũng vừa chạm vào da thịt chàng. Dưới vùng sáng mờ của ngọn đèn néon ở góc công viên cho chàng thấy chiếc nút áo ngực của người đàn bà đã mở rộng. Da thịt nàng căng tròn, mời mọc. Chàng chưa biết phản ứng làm sao, người đàn bà đến sát chàng thêm nữa. Chiếc quần bó chẽn, mùi nước hoa đẩy đưa người đàn bà vào dáng dấp cám dỗ. Giọng nói phụ nữ đuổi đi cái im lặng ngập ngừng:
-Năm mươi đồng?
Hắn không hiểu gì. Người đàn bà nói thẳng:
-Năm mươi đồng một đêm!
Nàng đợi chờ phản ứng của gã. Hắn có hiểu ý? Hắn nghe không rõ? Im lặng. Hắn không dám hỏi lại. Người đàn bà chỉ tay vào túi vải hắn đang đeo, hỏi thăm rồi bảo chàng:
-Bán cho tôi ít dâu và mấy trái dưa đi, bao nhiêu?
Hắn không biết phải trả lời thế nào. Cuộc gặp gỡ bất ngờ. Chàng có bao giờ mua bán đâu mà biết giá cả. Ðã mấy năm trong tù, chàng chẳng biết gì ngoài xã hội. Chàng nghĩ thầm, mới từ chiều đến giờ mà đã gặp bao nhiêu chuyện bất ngờ. Chàng cúi mở chiếc túi thì người đàn bà đặt tay lên vai ra hiệu cho chàng hãy đem túi vải ra chỗ có ánh sáng. Hắn xách túi vải theo sau người đàn bà. Nhưng họ đã không dừng lại ở ngọn đèn nơi đầu công viên. Họ tiếp tục đi với nhau dọc dẫy phố. Họ nói chuyện với nhau nhiều hơn. Ðã có một cánh cửa nào đó mở ngõ cho những câu chuyện có lối đi về. Khi chàng biết được nàng là một gái đêm đang tìm khách, và người khách hàng nàng đang muốn ngủ đêm nay lại là chính chàng, chàng cảm thấy lo âu hồi hộp, nhưng cũng có phiêu lưu. Chàng chưa bao giờ gần gũi đàn bà, đêm nay là đêm đầu tiên chàng ngửi thấy mùi nước hoa ngay bên, da thịt căng đầy trước mặt, Chàng bối rối, và rồi tự nhủ chắc chắn phần thắng sẽ về chàng. Chàng nhớ lại lời nói ban nẫy khi chàng cầu nguyện:
-Nơi nào có bóng tối thì con hãy đốt lên một que diêm.
Ðêm nay chàng đã gặp bóng tối. Thầm nghĩ nhất định chàng phải đem tâm hồn nàng về với ánh sáng. Chàng sẽ đốt lên một que diêm. Ý nghĩ ấy cho chàng can đảm, bình tĩnh theo nàng về căn gác trọ.
***
Vị chánh án hỏi bị can:
-Ông có quả bị bắt trong đêm ngày mồng 5 tháng 4 ở căn nhà số 103 không?
-Thưa quan tòa đúng.
-Ông đến đó làm gì?
-Tôi đến để thắp lên một ánh lửa trong bóng đêm.
Ở một góc nọ người đàn bà béo phị vừa cười ngặt nghẽo vừa lớn tiếng trong giọng nói pha trò:
-Ông ấy là thánh đấy!
Mọi người cười ồ. Riêng người phụ nữ bị kết án là gái điếm cúi đầu khóc. Vị quan tòa hỏi nàng:
-Còn cô, cô muốn nói gì không?
Người đàn bà tức giận, không ngần ngại nhìn thẳng vào ông chánh án trả lời:
-Biết bao nhiêu người đàn ông đã đến với tôi, trí thức có, đạo mạo có, họ là những kẻ kết án tôi ban ngày nhưng lại cần tôi ban đêm…
Người đàn bà còn đang nói thì có tiếng đập bàn phản đối của người đàn ông phía sau. Ông chánh án đập chiếc búa gỗ ra lệnh cho tất cả giữ trật tự. Mặt ông đỏ như gấc, tức tối vì câu nói của người đàn bà, như ông thấy trong số những người đàn ông mà bà ám chỉ đã có cả ông:
-Yêu cầu bà chỉ trả lời vào câu hỏi. Bà có muốn khiếu nại gì không?
Người đàn bà chỉ tay về phía gã đàn ông nói:
-Tôi không khiếu nại gì cho tôi, nhưng riêng người này thì vô tội. Ông không tìm tôi như nhiều người đàn ông khác, nhưng tôi tìm ông. Ông nghèo. Ông chỉ có một tâm hồn là giàu có. Ông đã đốt lên một que diêm trong bóng đêm. Ông chỉ cho tôi con đường về nhà cũ mà tôi đã bỏ đi. Ông chính là đấng thánh như lời các người vừa nói!
Cả phòng xử án lại phá lên cười. Vị quan tòa không đập búa nữa nhưng đợi cho mọi người cười xong, ông mở tập hồ sơ rồi tuyên bố vắn gọn:
-Tất cả đã rõ. Những mụn ghẻ trên da thịt xã hội phải được cắt đứt!
Cả phòng xử im lặng vì giọng nói cứng rắn và bực tức của ông. Người đàn ông bị kết án đứng xuôi tay nhớ lại lời từ trời cao đã nói với hắn trong khi cầu nguyện:
-Nơi nào có ngổn ngang thì con hãy sống trong sự thật. Nơi nào phức tạp thì con hãy giữ trái tim đơn sơ. Nơi nào có gian dối thì Cha gọi con tới. Nơi nào có bất công thì Cha bảo con đến.
Chàng cúi đầu chấp nhận tất cả. Riêng người đàn bà bị kết tội là điếm ôm mặt khóc nức nở. Nàng không sợ hãi cho đời nàng nhưng nàng thương người đàn ông vô tội đang đứng trước mặt nàng. Chính nàng là người hiểu rõ đâu là sự thật, đâu là công lí của xã hội. Cả phòng xử đông người nhưng chỉ có hai kẻ bị kết án là biết sự thật và cùng đau khổ cho sự thật.
SAU NHỮNG NGÀY TÙ
Tất cả trắng bát ngát. Tuyết phủ kín cánh đồng. Hàng táo đứng trơ cành khô khẳng khiu. Gió ào ào như muốn xô ngã tên tù. Hắn ôm túi vải vào ngực, đứng nhìn cánh đồng tuyết lạnh mà thấy cô đơn về mênh mông.
Hắn đã được thả tù sớm hơn bản án cay nghiệt vì sức khỏe hao mòn. Ðã nhiều đêm hắn muốn tắt thở vì cơn ho. Vào những tháng gần đây sức khỏe của hắn giảm sút một cách thảm hại. Gió rét về từng cơn. Hắn đi không vững. Mặt hốc hác, chỉ còn đôi mắt vẫn huyền nhiệm.
Ra tù lần này khác với những năm về trước. Bây giờ là mùa đông băng giá. Chàng xiêu vẹo cầm cự với những cơn gió vô tình nghiệt ngã. Thỉnh thoảng hắn lại ngồi xuống ôm ngực ho. Mỗi lúc gió một nhiều. Dường như có một trận bão ở đâu đó. Hắn tìm lối xuống đồi nhưng tất cả mọi lối mòn đã bị tuyết phủ kín. Hắn chỉ còn căn cứ vào những hàng cây bên đường mà phỏng đoán lối đi. Hắn nhớ lại kì ra tù lần trước có hàng cây anh đào, nhưng hôm nay đã biến mất. Chúng đã bị chặt từ thuở nào? Gió lật ngược tấm vải khoác, chàng phải ngồi xuống tránh gió. Ði đâu bây giờ? Chàng thấy vũ trụ mà Thượng Ðế đã dựng nên lớn quá, nhưng chàng không có chỗ nghỉ chân. Chàng thấy Thượng Ðế đã trang điểm vũ trụ bằng vàng bạc châu báu mà chàng thì không có bữa ăn chiều nay.
Trời càng về tối gió càng lạnh. Ði được một quãng xa, đến gần ngọn đồi năm xưa mà bác nông phu đã cho chàng bánh và dâu thơm thì trời chuyển mây, tuyết rơi. Chàng nhớ về những kỉ niệm năm xưa ở khúc đường này mà muốn ứa lệ.
Giờ này các bác nông phu ở đâu? Tuyết rơi rất nhanh. Cố gắng bước vội. Ðã thấy ánh đèn phố xa tít dưới thung lũng. Chàng nhớ tới ngôi nhà thờ đã ngồi nghỉ năm xưa. Chàng thầm nghĩ sẽ cố gắng về tới nơi để xin một chỗ trọ đêm nay. Trên đồi tuyết lạnh mà những tưởng tượng ra mùi hương trầm nồng ấm của nhà thờ, lòng chàng nhẹ nở một an ủi êm đềm.
Nhưng chàng đã chẳng bao giờ tới nơi. Tuyết rơi dầy hơn, nhanh hơn. Mỗi lúc tuyết một phủ kín thêm cánh đồng đã trắng lạnh. Trên ngọn đồi, một đống tuyết nhỏ nổi bật lên cao phủ kín tên tù nhân xấu số. Hắn đã ngã chết vì đói trong trời tuyết lạnh.
***
Xế chiều, mặt trời mù mờ trong sương. Từ dưới thung lũng đi lên, người ta thấy một bóng người trong chiếc áo khoác màu đen. Ðầu, cổ choàng khăn kín mít. Cánh đồng trắng như một biển muối. Rải rác đây đó những bụi cây nhỏ đứng chơ vơ. Hàng táo ở ven đường càng về chiều càng đen sẫm. Cơn bão tuyết đã dứt từ mấy hôm nay. Gió thổi bay những hạt tuyết đọng trên cành, bây giờ chỉ còn những cành cây trơ trọi, đen đủi, thỉnh thoảng rung rinh khi con gió đến.
Khi đi tới ngọn đồi, người đàn ông ngó về phía đồi tuyết. Ông tần ngần đi chậm lại rồi băng qua ruộng lúa bị tuyết phủ ngập, đi dần lên gò tuyết cao. Tuyết phủ mịn màng như một bãi cát đồng trinh. Bước đi của người đàn ông in từng vết chân thành một vệt ngoằn ngoèo dài. Khi tới gần đồi tuyết thì ông không thể hồ nghi được nữa. Trước mặt ông là cụm hoa hồng!
Vì sao lại có cây hồng giữa mùa đông băng giá? Ðây có phải là cây hồng thật? Ngạc nhiên quá đỗi. Ông cúi xuống, ngồi sát bên cây hồng. Màu lá xanh ngát thỉnh thoảng rung lên theo nhịp gió đẩy. Một bông hồng lớn bằng trái cam, đỏ thẫm. Cánh hồng mướt như nhung. Sương ướt còn long lanh trên những cánh hồng mềm. Người đàn ông đứng ngó sững sờ. Ông lại thắc mắc một mình. Giữa đồi tuyết lạnh sao lại có cành hồng? Tất cả cây cối đều rũ bã chết khô sao lại có cây hồng xanh tươi? Cả rừng cây đứng thua trận mùa đông sao lại có cành hồng thản nhiên? Người đàn ông giơ tay vuốt những cánh hồng xinh. Một cơn gió nhẹ, cánh hồng lao chao nghiêng ngả. Người đàn ông với tay đỡ, che cho bông hồng. Cánh gai nhọn làm tay ông rướm máu, bấy giờ ông mới nhận thấy một điều khác lạ: Những mũi gai nhọn. Gai của cây hồng này không giống những loại hồng khác. Người đàn ông nhìn kĩ hơn vì chưa bao giờ thấy những chiếc gai lạ như thế. Nó dài gấp ba, bốn lấn gai hồng thường và nhọn hoắt như lưỡi dao sắc bén.
Người đàn ông băn khoăn lạ lùng vì cây hồng ngoại lệ trong mùa đông, nhưng không biết giải thích ra sao. Ông định hái bông hoa nhưng rồi lại đổi ý. Gạt tuyết ở gốc hồng, ông tìm cách bứng cả cụm hồng về nhà trồng. Gạt được một mớ tuyết, ông thấy sồn sột của móng tay cào trên nền vải. Ông bới mạnh hơn, lẹ hơn, thay vì đất đen, dưới lớp tuyết phủ là một tấm vải màu vàng ngà. Vừa ngạc nhiên vừa hồi hộp, ông tiếp tục lần theo chiều vải mà cào tuyết. Ðược một lúc, ló ra một khoảng vải lớn. Ông cầm miếng vải kéo mạnh. Tuyết bay mù mịt. Ông hoảng hốt giật bắn người: Một đôi chân! Ông vội vàng lui về phía sau. Rõ ràng một đôi chân người! Ông quay mặt nhìn chung quanh như muốn cầu cứu nhưng cánh đồng vẫn hoang vu vắng lặng. Chênh chếch về phía tây, mặt trời mù đặc trong sương ẩm.
Người đàn ông tháo chiếc túi vải đeo ở vai để xuống bên cạnh. Ðó là chiếc túi da màu đen có in hình thánh giá mạ vàng. Túi da nhắc nhở ông đến một sứ mạng thiêng liêng. Ông lại ngó quanh như mong có người đang đi đường để ông bớt lẻ loi, sợ hãi. Có thể đây là nạn nhân của bão tuyết? Có thể bị cướp đánh? Còn nhiều cái có thể khác đặt ra trong đầu ông. Có thể họ đã chết? Có thể còn sống? Nếu còn sống thì ông phải làm gì? Câu hỏi làm người đàm ông liên tưởng đến túi da bên cạnh có in hình thánh giá ở ngoài. Dường như cây thánh giá ấy cho ông thêm can đảm để bới nạn nhân ra khỏi tuyết.
Hai tay lạnh cóng, ông rút chiếc khăn đang đeo ở cổ cuốn lấy bàn tay phải để làm chiếc găng tay cho đỡ lạnh. Bấy giờ mới ló ra cổ áo dòng đen có chiếc collar màu trắng. Ông là một linh mục đang trên đường đi làm việc mục vụ. Nạn nhân nằm co quắp nhưng người vẫn còn mềm. Linh mục bới sạch tuyết trên mặt nạn nhân thì ông nhăn mặt nghĩ ngợi. Trên khuôn mặt như có nét quen thuộc mà vị linh mục hình như có gặp nạn nhân ở đâu đó. Có thể là bộ râu? Có thể là mái tóc? Hay là sống mũi? Linh mục cố moi móc trong cái trí nhớ bắt đầu già nua theo tuổi tác. Ðôi mắt nạn nhân nhắm nghiền như đang ngủ say. Càng nhìn kĩ, linh mục càng thêm xác tín là đã gặp nạn nhân rồi. Ngài xác định nhưng vẫn còn mơ hồ, lãng đãng chưa tìm được một chứng cớ rõ ràng. Ðang cố gắng lục lọi các ngăn tủ của trí nhớ, ngài lại nhìn thấy một đầu miếng vải khác nữa nhô lên khỏi tuyết ở cách đó không xa, chừng vài bước chân. Vị linh mục kéo mạnh miếng vải, cả chiếc túi bật lên. Ngài ngó đăm đăm vào chiếc áo choàng lớn mà nạn nhân đang mặc. Màu vải của chiếc túi và của chiếc áo khoác giống y như nhau. Thêm một tia sáng soi vào vùng tối của trí nhớ, quay ngược thời gian về khoảng 7 năm trước đây. Chính chiếc áo này, gã đàn ông đã mặc, với túi vải này hắn đã xách theo đứng trước tòa án khi bị tố cáo là ăn cắp quả chuông của nhà thờ. Linh mục nhìn kĩ hơn vào khuôn mặt nạn nhân và càng nhìn kĩ ngài càng thấy điều đó đúng. Chính nạn nhân là kẻ ăn cắp quả chuông của giáo xứ, năm nào!
Nạn nhân còn mềm nhưng không còn dấu hiệu của sự sống. Linh mục ngần ngại lấy chiếc túi da đen, mở nắp tìm cuốn kinh và lọ dầu thánh, thứ dầu để xức cho bệnh nhân. Biết đâu nạn nhân chưa chết hẳn, nghĩ thế, ngài mở một cuốn sách nhỏ, tìm lời kinh nguyện cho kẻ đang hấp hối rồi đọc:
-Lạy Chúa, xin xót thương tôi tớ Chúa đây, vì lòng nhân từ, xin Chúa ban ơn trợ giúp để người tôi tớ Chúa được mạnh sức trung thành với Chúa đến cùng.
Xin dấu thánh của Người là ân sủng xóa hết tội khiên…
Linh mục vừa đọc vừa xức dầu lên trán nạn nhân. Trên vừng trán, khi linh mục vén mớ tóc lên cao, ngài thấy những vết sẹo đã lành lâu ngày nhưng còn trông rõ như những vết gai nhọn đâm chằng chịt. Lúc xức dầu vào lòng bàn tay nạn nhân, ngài thấy bàn tay mềm như người còn sống dù là giữa trời tuyết giá băng. Ở lòng bàn tay ưng ửng đỏ rồi máu từ từ rớt xuống nền tuyết trắng tinh. Lòng bàn tay mở ra một lỗ bị đâm thật lớn như dấu bị đóng đinh. Linh mục ngỡ rằng nạn nhân đã bị kẻ cướp đánh. Thế nhưng còn dấu đinh ở bàn tay thì sao? Nếu bị cướp giết thì sao lại để lại chiếc túi? Nạn nhân đã bị tuyết phủ sao vẫn còn máu tươi đỏ? Mà những gì đựng trong túi vải kia? Linh mục lại bắt đầu băn khoăn, linh tính báo cho ngài biết một sự gì khác thường, nhưng ngài không thể xác định được.
Linh mục đổ tất cả mọi thứ trong chiếc túi vải xuống tuyết. Một mớ quần áo cũ. Tất cả chỉ có thế. Chính những quần áo mà ngài đã nhìn thấy mấy năm trước đây khi quan tòa ra lệnh cho hắn lấy ra khỏi chiếc túi trong ngày hắn bị xử án. Linh mục lục lọi kĩ nhưng không có gì. Riêng có một gói nhỏ, bọc kính cẩn bằng miếng vải màu đỏ thẫm. Khi mở xong lớp vải sau cùng, linh mục thất vọng, đây không phải là gói tiền hay nột thứ gì quý mà chỉ là cuốn sách cũ. Ðó là cuốn Thánh Kinh, bìa da bị cong và rách, những mép trang nhàu nát vì bị mở quá nhiều lần. Vị linh mục mở qua, mở lại nhưng cũng chẳng có một thứ giấy tờ gì nói cho rõ nạn nhân là ai.
Riêng ở trang đầu tiên, khi linh mục mở tờ bìa, ở góc phải, phía trên cao có mấy chữ viết như học sinh vẫn đề tên vào góc sách để biết sách nào là của ai. Nét chữ không đẹp, nét mực cũng nhòe, phải nhìn kĩ người ta mới có thể đọc được: Giêsu, Nazareth.
Lời cuối
- Ðọc được tên Ðức Kitô trong cuộc đời không dễ. Người ta hay đọc lộn tên Ngài.
- Hai nghìn năm trước, các thầy thượng phẩm cũng nhân danh Yavê mà kết án Ðức Kitô. Nhân danh công lí mà kết án công lí. Trên đường Jerusalem, những giọt nước mắt khóc thương Chúa thì Chúa bảo hãy khóc thương chính mình.
- Kẻ thắc mắc thì cho rằng người viết không đề cao điều thiện. Sao tác giả không minh oan cho nạn nhân mà lại để chết đơn côi trong chiều tuyết lạnh? Có phải trong lối kết cấu tác giả đã đề cao điều ác? Ðức Kitô cũng đã chết trên đồi máu, vậy sự ác có toàn thắng?
Ðường Về Thượng Trí
Lm. Nguyễn Tầm Thường, SJ