Sống mà không được ai nhớ tới là sống trong quan tài buồn. Trong quan tài khi chết thì không thương đau vì không biết mình trong quan tài. Sống mà sống trong quan tài buồn thì đau thương bởi vì biết mình đang chết.
Có cha, có mẹ, nên ta vào đời. Mẹ là chuối hương cau, là xôi nếp mật là đường mía lau. Tình cha là sông dài, núi rộng. Cha vất cả mồ hôi. Con như ruộng lúa cha gánh nước nuôi trong những ngày suối cạn. Con như ngọn đèn và cha là người chịu lạnh đậy gió, che mưa cho con. Người con nào không nợ tình của mẹ, chịu ân nghĩa của cha. Mẹ lo lắng từng ngày. Áo rách mẹ khâu thì cha âu sầu lo cho con đường học vấn.
Mẹ đưa con đến trường khi tuổi còn chưa biết khôn, mong con mình sẽ có tương lai mai sau. Những ngày trái nắng, gió mùa làm con đau, mẹ ru con ầu ơ bằng cả linh hồn. Mẹ nhớ con trê từng mớ rau mẹ ngồi bán. Mẹ nghĩ tới con mà mong bóng người mau thưa, chợ chiều mau tan. Rồi con lớn, con đi xa. Mẹ nhìn con cầu trời độ lượng, phù trì cho con thành nhân, con đạt công danh hạnh phúc.
Dòng sông xuôi nguồn đưa con vào đời. Bận rộn vì sự nghiệp với người để con xa mẹ. Thời gian trôi đi sao quá lẹ. Thoát chốc mà tóc mẹ bạc theo mùa trăng. Rồi định mệnh đến. Ngày con trở về, ngày đó, con mua cho mẹ cỗ quan tài quý.
Khi mẹ chết rồi, con có nhớ về thời xưa xa xăm cũng chỉ là tìm dấu chân trên cát, là hình ảnh nhạt nhoà dĩ vãng. Mẹ vẫn muốn chờ đợi gặp con, nhưng định mệnh gõ cửa, và linh hồn mẹ phải ra đi. Ngày trở về, con mua cỗ quan tài để trả ơn cho mẹ đã sinh thành. Có khi nào người con nghe cỗ quan tài kể chuyện chưa?
Khi chết rồi có người mẹ nào biết cỗ quan tài con mua cho mình là bao nhiêu tiền đâu. Chuyện đời của tôi, một cỗ áo quan, dài lắm. Người bán hòm đã gian dối tính toán trên thân phận tôi. Có ai biết rõ câu chuyện của những cỗ quan tài không? Ngày họ biết, khi nằm vào thì đã muộn rồi. Vậy tôi xin kể về cuộc đời tôi cho bạn nghe, khi bạn còn sống.
Cỗ quan tài bạn mua cho mẹ dù là gỗ quý đến đâu đi nữa, nó cũng lạnh lẽo lắm. Thân phận tôi lạnh không phải vì gỗ, nhưng lạnh vì người bán hòm và mua hòm. Tôi đã thấy, xấu xa quá là có những người con vì lời khen, tiếng chê của người đời mà họ mua loại gỗ quý. Tôi nghe trong im lặng ý nghĩ của một số người con, họ muốn mua loại quan tài quý để lối xóm khen họ hiếu trung. Nhưng bà mẹ chết rồi, đâu còn biết cái hồm thế nào nữa. Ngày bà ta còn sống, chả đứa con nào nhớ tới. Phải đợi đến ngày Tết, ngày lễ, họ mới mua cho mẹ một món quà nhỏ. Họ nghĩ rằng đóng cửa cuộc đời, trả ơn mẹ bằng một cỗ quan tài là xong. Tôi là chiếc quan tài nên tôi biết rõ nhiều ý nghĩ thầm kín.
Cũng có khi không vì lời khen, tiếng chê, có những người con chân thành, nhưng người bán hòm lợi dụng khơi động lòng hiếu thảo của họ mà kiếm tiền. Tôi nằm đó mà nghe người bán hòm khôn khéo lời ngọt ngào. Nếu người con không tiếc tiền vì giàu có quá thì đâu là ý nghĩa của lòng hy sinh? Nếu phải khổ sở mặc cả kỳ kèo vì không đủ tiền thì đâu là hạnh phúc của người chết? Ngay lúc còn sống các bà mẹ đã không vì con mà chịu nghèo khổ hay sao. Đằng nào thì cỗ quan chúng tôi cũng có những ý nghĩa rất sâu.
Ngày kia, hai người con đến mua tôi, một người đến ban sáng, một người đến ban chiều. Dĩ nhiên, sau cùng chẳng ai mua tôi cả, nên hôm nay tôi mới kể lại chuyện này cho bạn được.
Người đến ban sáng giàu có lắm, ông ta sờ lên người tôi , khen màu sơn đẹp nhưng chê gỗ xấu. Ông muốn mua loại quan tài không bao giờ mục. Cả đời ông là lo công danh tiền bạc, ông thành công lừng lẫy, nhưng quên mẹ, quên cha. Nếu không mua cho mẹ cỗ quan tài quý vào phút sau cùng cuối đời này, ông sẽ ái ngại. Đọc được hết cuộc đời ông, tôi nói với ông rằng, đời ông cũng giống như lời ông chê tôi thôi, chỉ có nước sơn bên ngoài, còn trái tim là loại gỗ mục. Ngày mẹ còn sống sao không thương nhớ mẹ, bây giờ chọn gỗ quan tài quý, mẹ cũng đã chết rồi, ông chỉ vì nể tiếng đời thôi. Nhưng ông không nghe đựoc tiếng tôi nói.
Ban chiều, có một người con khác cũng đến sờ lên người tôi, nhưng nghèo qua không đủ tiền mua tôi. Tôi nói với người ấy rằng, có bà mẹ nào không hy sinh cho con mình đâu, chết rồi mẹ không biết trong quan tài nào nữa, có hiếu là hiếu lúc còn sống. Cứ tìm chiếc quan tài, nối kết người sống với người chểt, chúng tôi biết nhiều thế giới bí mật trong lòng người lắm.
Bạn vẫn thấy những chiếc xe tang, vẫn trông những cỗ áo quan, nhưng bạn chưa bao giờ hỏi chuyện những cỗ áo quan chúng tôi. Tất cả cuộc đời sau cùng gói lại trong cỗ áo quan. Mà cuộc đời là gì? Chẳng có triết nhân nào hiểu đủ được ý nghĩa cuộc đời thì làm sao hiểu được ý của cỗ áo quan. Bao nhiêu tư tưởng sâu xa, những chuyện yêu đương đẹp như thần thoại cũng gọi bằng chiếc áo quan. Bao nhiêu khối óc vượt nhân thế, những tính toán siêu vời cùng gói bằng chiếc áo quan. Bạn ạ, mênh mông như cuộc đời, huyền nhiệm như cuộc đời, mà sau cùng cũng im lặng vỏn vẹn trong cỗ áo quan, thì bạn biết cỗ áo bí hiểm như thế nào. Chúng tôi gói trọn tất cả đem về lòng đất. Người chết mới hiểu hết ý của những cỗ áo quan. Mà ngôn ngữ của kẻ chết là ngôn ngữ nhiệm mầu, e rằng bạn không quen với ngôn ngữ này.
Ngày mẹ chết, bạn đem về cho mẹ chiếc quan tài quý. Mẹ không biết bạn chuẩn bị cho mẹ chiếc áo quan này từ bao giờ. Có điều mẹ biết chắc bạn không rõ nguồn gốc của chiếc áo quan. Ngày từ khi cây gỗ xẻ xuống, người ta đã trả giá chúng tôi bằng định lượng tiền bạc. Từng nhát đinh cũng đánh giá bằng tính toán lời, lỗ. Từng vết keo dán họ cũng hà tiện. Khi cỗ áo quan chúng tôi thành hòm, tôi bị trăm cặp mắt nhìn tôi. Làm thân áo quan bao giờ cũng lạnh bạn ạ, bởi người ta đối xử với tôi như thế. Và hôm nay, bạn đem tôi về đây. Tất cả các người con chỉ biết về cỗ áo quan tài cho mẹ mình bằng giá tiền mắc hay rẻ mà đánh giá tốt hay xấu. Nhưng nằm vào, các bà mẹ mới thấy tất cả nguồn gốc cuộc đời chúng tôi là cỗ áo quan. Vì bạn không rõ nguồn gốc chiếc quan tài nên bạn khó nghe ý nghĩa cỗ quan tài là lời của chúng tôi thầm thì.
Có những người con bỏ mẹ đi không phải vì đường sự nghiệp mà ích kỷ cho riêng mình. Ngày người con ra đi, lòng người mẹ đã có cỗ áo quan rồi. Người mẹ gọi chúng tôi là quan tài buồn. Cuộc sống của người mẹ đó là sống trong quan tài vô hình. Bốn bề chệt chội bởi trái tim người mẹ đó khắc khoải. Ngộp thở vì mẹ gọi, con mình không nghe, và muốn nghe mà con minh không gọi. Chiếc quan tài vô hình đó không có người con nào phải trả tiền mua, nên không người con nào nghĩ tới. Có bao giờ nhìn thấy người sống trong quan tài đâu.
Nói về lòng hiếu thảo, thì bạn ạ, có không biết bao nhiêu quan tài cho các bà mẹ lúc còn sống. Sống mà không được nhờ tới là sống trong lạnh lẽo của mộ sâu. Mộ đó người con chưa đào nên không thấy nó sâu bao nhiêu. Trong trái tim những người mẹ, có khi cả đời là sống dưới mộ sâu lạnh ấy. Chịu đựng. Nó là nghĩa trang không có cổng. Lặng lẽ lắm. Cuộc đời một người mẹ sống mà không được con mình nhớ tới thì âm thầm như đám tang không người đưa.
Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi. Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha người, chớ làm phiền lòng người khi còn sống. Trí khôn người có suy giảm, con cũng hãy nể vì, đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng. Của dâng cho cha sẽ không rời vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính. Vào ngày bĩ cực, công ciệc con sẽ được nhớ đén, như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi. Người lộng ngôn, khinh cha, để mẹ là xúc phạm đến Thượng Đế, kẻ tác tạo nên họ (Huấn Ca 3,3. 12-16).
Bạn cứ hỏi cỗ áo quan xem đâu là ý, chúng tôi sẽ cho biết. Có lần tôi nói với người khóc rằng: Người điên không biết nhớ và người say không biết buồn. Đấy là hình ảnh trốn đời khổ sau. Nhưng người chết thì không biết say và cũng chẳng còn điên. Do đó, xác chết không buồn và chẳng nhớ. Khi chết mới được nhớ thì xác chết không biết ai nhớ mình, nhớ ấy lại trở về với người nhớ mà thôi.
Đừng coi thường cỗ áo quan chúng tôi. Lắng nghe tiếng nói nhiệm mầu của chúng tôi bạn ạ. Bởi, rồi bạn cũng sẽ ra đi trong quan tài đó.
Nguyễn Tầm Thường, sj