Năm mười bốn tuổi, tôi bị đau ruột dư. Một trận đau kinh hồn chợt ùa đến làm tôi tái nhợt mặt mày, gập người lại. Bố mẹ tôi chở tôi đến nhà thương Cơ Đốc ở Phú Nhuận. Mẩu ruột dư đã mưng mủ sắp vỡ. Bác sĩ quyết định chụp thuốc mê và giải phẫu liền. Tôi thoát chết.
Thoát chết nhưng không thoát nạn! Họa vô đơn chí: cậu em họ con chú thím tôi bị thương hàn, người nhà cũng đưa vô nhà thương Cơ Đốc. Thằng bé không may mắn như tôi, các bác sĩ bó tay trước tế thần. Thằng bé bước sang thế giới bên kia khi chưa hiện diện đủ mười năm ở cõi thế. Họ hàng đến viếng xác em họ tôi ở nhà xác bệnh viện, sau đó, nhân tiện lên thăm tôi đang nằm trên phòng bệnh. Có lẽ hơi lạnh khiến vết mổ của tôi làm độc, mưng mủ. Vì chuyện không may đó, thay vì chỉ ở nhà thương khoảng một tuần như những bệnh nhân đau ruột dư khác, tôi phải nằm lại hơn một tháng trời.
Vì bận rộn công việc, bố tôi thỉnh thoảng mới vào bệnh viện thăm tôi được, mặc dầu ông cụ rất quan tâm đến sức khỏe của tôi. Mẹ tôi thì đi đi về về. Sau ba giờ chiều, bà phải rời nhà thương về nhà, lo cơm nước và các công việc linh tinh cho gia đinh. Chín, mười giờ tối bà mới quay trở lại nhà thương săn sóc tôi.
Những ngày đã tạm đỡ đau, nằm mãi cũng buồn, tôi bám tay vịn cầu thang, leo lên sân thượng bệnh viện, nhìn xuống đường phố xem người ta và xe cộ qua lại. Nhìn chán, tôi ngắm cây dừa cao chót vót mọc ngay trước cửa nhà thương. Cây dừa cao thiệt l Cao hơn cả cái cao ốc mấy tầng này. Tôi không biết cây dừa này sống bao nhiêu năm rồi, nhưng nó cao lớn và trên ngọn có nhiều tàu lá rậm lạp, xen kẽ vào đó là những chùm quả, to có nhỏ có.’
Một lần, tôi thấy trong đám lá cây, một cái đầu đen nho nhỏ với đôi mắt thao láo đang dòm tôi chăm chú. Sau phút đầu hốt hoảng, tôi nhìn kĩ thì hoá ra đó là đầu một con tắc kè.
Con tắc kè này lớn lắm, gần như gấp đôi những con thường. ẩn trong đám lá là cái thân đen, mốc thếch với cái đuôi dài loằng ngoằng. Là con trai, nhưng hồi ấy tính tôi rất nhát. Tôi sợ những con vật nho nhỏ, nhũn nhũn hay những con vật thuộc lại bò sát. Tắc kè là một trong những con vật làm tôi sợ và gớm ghiếc. Cái đầu của nó trông cổ quái và rất dữ. Cái thân đầy những vảy cộm cộm, khi thì đen, khi thì biến đổi thành màu xanh, màu vàng, màu đỏ. Cũng là những màu ấv. mà sao hiên trên mình mấy con cá thì đẹp, mà trên mình con tắc kè thì khủng khiếp quá ! Bởi thế, lần đầu tiên khi nhìn thấy con tắc kè trên ngọn cây dừa, phản ứng tự nhiên là tôi thụt lùi lại.
Con tắc kè trườn người ra, để lộ cả cái thân và chiếc đuôi dài. Nó vẫn dòm tôi không chớp mắt. Bấy giờ tôi cũng nhìn lại nó, và cảm tưởng sợ hãi, gớm ghiếc mất dần.
Thế rồi tôi chăm chú quan sát con tắc kè đớp mấy con ruồi, con muỗi bay qua mũi nó. Nó đớp rất nhanh, rất chính xác rồi nhóp nhép cái miệng có con mồi trong đó một cách thích thú. Dù vậy, mỗi lần con tắc kè há miệng đớp con mồi bay ngang, lòng tôi cũng hồi hộp, chỉ sợ nó đớp hụt.
Đêm hôm ấy, trong giấc ngủ của thằng bé mười bốn tuổi là tôi có bóng dáng con tắc kè.
Dần dà, con tắc kè là một hình ảnh quen thuộc, rồi cuối cùng trở thành một người bạn. Những buổi chiều mẹ tôi vào nhà thương muộn, tôi chỉ biết leo lên sân thượng, tìm con tắc kè trên ngọn cây dừa. Thấy nó, tự nhiên tôi vui vẻ trong lòng và lại lặng lẽ quan sát nó đớp mồi. Quan sát để hồi hộp theo từng cú đớp của nó. Những ngày tìm mãi không thấy con tắc kè đâu, lòng tôi buồn hiu hắt, những tưởng như thiếu vắng một người bạn thân. Con tắc kè hình như cũng quen với thằng bé hay leo lên sân thượng kiếm nó là tôi. Nó nhìn tôi không sợ hãi, không trốn tránh. Và có đôi lần nó bò ra tận đầu tàu lá vươn dài, đụng tới thành sân thượng. Đưa dài tay ra, tôi có thể với được tới nó.
Chính vì ngày nào cũng nhìn thấy con tắc kè nên tôi tò mò nhờ mẹ tôi kiếm sách viết về loại sinh vật này. Con tắc kè trông thì kinh khiếp như vậy, nhưng thật sự rất hiền, có thể nói là nhát nữa. Nó chỉ ăn ruồi muỗi, cây cỏ chứ không đớp người bao giờ. Nghe tiếng động, con tắc kè đã vội co giò, phóng mình vào bụi rậm trốn mất. Tắc kè cũng không có nọc độc, không làm hại ai, không làm chết ai. Một điều tức cười nữa là tôi bắt đầu nhận thấy những màu sắc trên mình tắc kè cũng có vẻ đẹp riêng của nó, chứ không đến nỗi xấu xa gớm ghiếc như cảm nhận ban đầu của tôi.
Ngày tôi bình phục, mẹ tôi đưa tôi về nhà . Trước khi về, tôi đòi cho bằng được để lên sân thượng nhìn con tắc kè lần cuối. Mẹ tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng chiều cái ý mà có lẽ mẹ cho là kì quặc của tôi. Tôi nhìn thấy nó. Nó cũng nhìn tôi, và bất chợp tôi nhận ra rằng mắt tôi ươn ướt. Ít năm gần đây, khi xem phim E.T., tôi rất thông cảm cho chú bé trong phim, E.T. trông xấu xí, gớm ghiếc quá, nhưng chú thương E.T., vì đã xem E.T. là bạn. Mà khi xa bạn, ai mà không buồn, không nhớ thương, không khóc !
Câu chuyện về con tấc kè trên ngọn cấy dừa cho tôi những khám phá mới về cuộc đời và những người chung quanh. Những khám phá này không phải đến một lần, một lúc, ngay khi tôi còn nhỏ; nhưng nó đến dần dà, mỗi khi một chút. Thường nó đến khí tôi đã trường thành, trải qua nhiều biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống; tiếp xúc đụng chạm với nhiều người; rồi có dịp ngồi lại, bình tĩnh nhìn chính mình và quãng thời gian quá khứ. Khi đó hình ảnh con tắc kè thuở thiếu thời hiện đến và tôi khám phá ra qua hình ảnh ấy những suy tư riêng cho mình.
Tôi khám phá ra nhu cầu chia sẻ nơi con người và sự cần thiết của người chung quanh đối vối mình. Thường thì những khi khỏe mạnh, hoạt động bình thường, không mấy ai cảm thấy mình cô đơn, yếu đuối, trái lại, cho là mình rất mạnh. Khi ấy người ta nghĩ rằng có thể sống một mình, không phải dựa vào tinh thần hay tình cảm của ai, tự mình mình sống, không cần chia sẻ, tâm sự. Nhưng khi hoàn cảnh buộc người ta sống cô lập, nhất là lại bị cô lập lúc mình đang yếu sức, bệnh tật, mình mới thấy sự hiện diện của người chung quanh là cần thiết, và sự chia sẻ, cảm thông là một nhu cầu. Giá mà tôi không buồn rầu, cô độc ở phòng bệnh trong một thời gian dài thì đã không có chuyện tôi dần dần làm thân với con tắc kè, mong muốn nhìn thấy nó, hồi hộp quan sát nó đớp mồi, và nhớ nhung lưu luyến khi phải rời xa nó .
Tôi khám phá ra mình có những thành kiến rất tai hại về người chung quanh. Có những người, mới nghe nói đến hay mới nhìn thấy, tôi đã không ưa. Có những người tôi tưởng là xấu tính xấu nết, nguy hiểm, độc ác, kiêu căng v.v… Nhưng gần họ, rồi có dịp hoạt động lâu với họ, tôi thấy họ không phải như tôi nghĩ. Khi chưa bao giờ nhìn ngắm, quan sát kĩ một con tắc kè, tôi vẫn nghĩ rằng đó là một con vật xấu xa, gớm ghiếc, hung hăng dữ tợn, có nọc độc cắn chết người. Nhưng con tắc kè không phải như vậy: Nó không có nọc độc, không hề tấn công ai, không dữ tợn mà lại rất nhát. Sự thay đổi thành kiến không phải tự nhiên tôi có được, mà phải trải qua một thời gian tôi nhìn thấy nó, biết nó, và tìm hiểu về nó. Kết quả là khi bình phuc, rời bỏ bệnh viện về nhà , tôi không nhớ các ông bác sĩ, các cô y tá cho bằng nhớ con tắc kè.
Tôi khám phá ra giá trị của một tình bạn. Trong tình bạn chân thành, người ta không cần nói nhiều, nhưng la hiểu nhiều; không cần những hành vi, cử chỉ bên ngoài cho bằng tình cảm thật bên trong. Tôi và con tắc kè không nói với nhau một lời nào, lí do giản dị là con tắc kè … không biết nói! Tôi cũng không vuốt ve con tắc kè, không dang tay ôm nó, tôi chỉ nhìn nó. Nhưng dù không nói, không đụng chạm đến nó, tôi biết rõ tôi đang thương nó; và ít nhiều – vì không phải là tắc kè nên tôi không biết rõ – tôi biết nó cũng có chút cảm tình với tôi. Tôi cũng khám phá ra rằng khi đã coi nhau là bạn thì người ta chấp nhận con người của nhau và nhìn thấy vẻ đẹp trong con người ấy. Dần dà, tôi thấy con tắc kè đẹp, vì tôi thích nó, thương nó; chứ tôi biết trong những bạn đọc, có nhiều người, nhất là các bà các cô, vẫn cho con tấc kè là con vật xấu xí gớm ghiếc, cho dù tôi cố gắng thuyết phục đến đâu đi nữa. Lí do là những vị này không coi con tắc kè là bạn, như tôi đã coi nó là bạn.
Còn nhiều cái về cuộc đời tôi khám phá được qua con tắc kè của tuổi thiếu thời. Ngay cả đến bây giờ, tôi vân còn đang khám phá cuộc đời mình qua hình ảnh nó. Thê mới biết, một người bạn, dù đã cách xa, vẫn ảnh hưởng trên cuộc đời mình đến như thế nào.
Có nhiều khi trong giấc mơ, tôi thấy con tắc kè của thuở thiếu thời bò ra tận đầu tàu lá dừa, nhìn tôi không chớp mắt và mon men định leo lên thành bờ tường sân thượng cho được đến gần tôi hơn. Tỉnh dậy, tôi thấy nhớ nhung và buồn buồn. Cái buồn nhẹ nhẹ len vào tâm hồn tôi. Tôi nghĩ, nếu đối với Thiên Chúa, tôi cũng có thái độ tìm cách đến gần Ngài, như con tắc kè tìm cách đến gần tôi, chắc cuộc sống tôi đã hạnh phúc hơn nhiều. Thiên Chúa không hề gớm ghiếc tôi, mặc dù có thể tôi đáng gớm ghiếc. Ngài cũng không có thành kiến với tôi, mặc dù có nhiều lầm lỗi tôi phạm đi phạm lại, không phải hằng chục, mà hằng trăm, có khi hằng ngàn lần. Thiên Chúa xem tôi là bạn. “Thầy không còn gọi con là tôi tớ… Thầy gọi con là bạn hữu thân tình.” Vậy mà tôi vẫn không cố gắng đến gần Ngài hơn, có khi còn tìm cách lánh xa Ngài. Trong tôi như có chút gì mặc cảm và sợ hãi .
Điều đó không có trong con tắc kè, khi nó tìm cách tiến lại gần tôi.
Quyên Di