Dã Thảo Nhàn Hoa là Cỏ Hoang Hoa Dại. Tôi dùng tựa đề này là để tưởng nhớ một vị Thầy cũ: nhà thơ Đông Hồ. Thầy tôi yêu thơ, điều này ai cũng biết. Có một điều ít người biết là Thầy tôi yêu thiên nhiên cũng như yêu thơ vấy. Vào một mùa khai trường năm nào, Thầy tôi bước vào giảng đường đại học Văn Khoa với bông hoa dại cài trên vành tai, và Thầy ngâm tặng học trò bài Dã Thảo Nhàn Hoa vừa sáng tác.
Những ai thích thiên nhiên thì đều yêu cỏ hoang hoa dại. Yêu cỏ hoang hoa dại là một tình yêu vô tội và nên thơ. Chúng rất hiền, không làm hại ai, không nói, không than van, không làm buồn lòng ai. Chỉ đôi khi chúng cúi mình xuống trước làn gió hay một bàn tay ve vuốt. Đôi khi chúng cũng mỉm cười, nụ cười hiền lành và mộc mạc như cuộc đời của chúng vậy.
Muốn tìm cỏ hoang hoa dại cũng dễ. Chỉ cần bỏ ra một ít thì giờ, lái xe ra những cánh đồng cỏ, bỏ xe bên vệ đường, đi bộ vào, ta sẽ thấy một thế giới khác hẳn, mặc dù chỉ bước một vài chục bước là ta trở lại đường lộ, biên giới của thế giới thiên nhiên và thế giới con người văn minh khoa học. Trong cái thế giới đó, ta sẽ tìm thấy sự dịu dàng và bình an, lòng ta êm đềm thư thái, những vết thương tâm hồn do cuộc đụng chạm trong ngày khi sinh hoạt, làm việc, gặp gỡ, gối thoại, tranh đấu… dần dần được chữa lành. Trong cánh đồng cỏ hoang hoa dại đó, tùy theo mùa, đôi khi ta có thể “mộng dưới hoa” nếu ta chịu khó … nằm xuống! Tôi nói thật đấy, vì “mộng dưới hoa” ở đây không phải là ngồi mơ mộng dưới giàn hoa trong vườn hay trước nhà, mà là nằm lọt trong một cánh đồng hoa, hé mắt ngó lên mà mơ mộng. Vào mùa Xuân, khi những cánh đồng hoa vàng nở tươi rực rỡ, ta đi bộ rẽ lối bước vào mới biết rằng hoa không thấp như mình tưởng, mà thân hoa cao lưng chừng trên đầu gối. Nếu ta nằm xuống thì sẽ chìm mình trong cánh đồng hoa; nếu hé mắt nhìn lên, sẽ thấy màu vàng nhạt nhòa sát mắt và trên cao kia là bầu trời với màu xanh ngăn ngắt, có những cụm mây trắng như bông nõn trôi bềnh bồng không biết đến tận đâu. Khi đó tha hồ thả hồn mà “mộng dưới hoa”.
Những cánh đồng cỏ như thế, ở nước Mĩ có nhiều lắm. Chẳng cần phải về đồng quê xa xôi: ngay trong thành phố cũng không thiếu gì cánh đồng với cỏ hoang hoa dại. Đôi khi ta cũng có thể gặp cỏ hoang hoa dại ngay trong những công viên thành phố. Hình như người ta cố ý dành ra những khu vực cho cỏ hoang hoa dại đua nhau mọc một cách rất… thiên nhiên.
Giả thử một buổi chiều nào đó, sau giờ đi làm về, tôi và bạn rủ nhau ra một cánh đồng cỏ hoang hoa dại. Chúng ta sẽ đi cạnh nhau và nói chuyện, những câu chuyện không có đầu, cuối, nhưng rất dễ thương. Có nhữnng câu chuyện, tưởng không thể nào nói ra được, hay ít ra cũng là khó nói lắm, vậy mà chúng ta sẽ nói với nhau một cách rất tự nhiên. Ta nói ra được, vì hình như lúc ấy ta nhìn nhau, thấy khuôn mặt của nhau hiền hơn và lòng của ta cũng hiền hơn. Tôi có cảm tướng rằng, có lẽ trong cuộc sống, chúng ta đã đối xử với nhau, ngay cả với những người thương một cách rất… dữ. Có thể là dữ trong tư tưởng, có thể là dữ trong lời nói, có thể dữ trong cử chỉ, cũng có thể là thực sự dữ trong hành động. Và cái điều dữ đó, thường thì người kia biết được hay cảm thấy được. Bởi thế, rất là khó để nói với nhau những chuyện mà ta gọi là … khó nói. Có những điều mà bình thường bạn và tôi không thông cảm nhau được, những trong khung cảnh cỏ hoang hoa dại, ta cũng rất dễ hiểu nhau, thông cảm nhau, tha thứ cho nhau nữa, nếu cần.
Điều tôi suy nghĩ trong lúc này khi viết về cỏ hoang hoa dại là sự ích lợi của chúng. Lẽ ra tôi không nên để ý tới chuyện này thì cuộc sung có vẻ thoải mái hơn. Nhưng con người chúng ta, lâu lắm rồi, đã học được câu hỏi: ”có ích lợi gì?” Làm chuyện ấy, tôi có ích lợi gì; lãnh cái ”áp phe ” này, tôi có lợi bao nhiêu; quen người ấy, tôi cớ lợi gì không; ngay cả làm công việc từ thiện này, tôi sẽ được lợi ra sao. Bởi thế, tôi cũng phải tìm cái lợi của cỏ hoang hoa dại.
Tôi sẽ chứng minh thế nào về sự ích lợi của chúng, khi chúng là loài mà người ta không đem về trồng trong vườn nhà. Đôi khi vì chính sách khai khẩn ruộng đất hay phát triển thành phố, người ta ủi những cánh đồng cỏ hoang hoa dại khổng lồ không thương tiếc. Tôi cũng lại chỉ biết nói với bạn những điều như vừa nói ở trên, là cỏ hoang hoa dại cũng ích lợi lắm chứ, ít nhất là nó làm lòng ta dịu xuống, nó chữa cho ta những vết thương trong tâm hồn, nó là môi trường giúp ta thoải mái nói với nhau những chuyện khó nói và thông cảm với nhau những điều khó thông cảm.
Còn nữa, những ngọn cỏ hoang, những cánh hoa dại có thể dạy cho tôi nhiều bài học.
Nếu như trong cuộc đi dạo cuối ngày ấy, bất chợt bạn và tôi dừng lại, chúng ta ngồi xuống ngắm một bông hoa dại, ta sẽ khám phá ra nhiều điều kì điệu. Có thể sau khi ngắm nhìn, chúng ta đột nhiên hỏi nhau, cái hoa này tên là gì để rồi cùng cười và kết luận, nó không có tên đâu, đã gọi là hoa dại mà. Nó không có tên, điều đó cũng có nghĩa là nó rất nhiều tên, bởi vì chúng ta, và bao nhiêu người khác nữa muốn đặt cho nó tên gì cũng được. Chúng không cãi, không phủ nhân tên chúng ta đặt, và chúng ta cũng không ai có quyền phủ nhận cái tên người khác đặt cho chúng. Điều đó đay cho tôi một điều rất khó hiểu là : ”Khi người ta tự ý sống nghèo khó, không có gì cả, là khi tâm hồn người ta rất giàu có là cõi lòng người ta rất phong phú.”
Bông hoa dại, nếu nhìn ngắm kĩ nó, chúng ta sẽ thấy nó thật tinh vi. Nhỏ tí ti như thế, mà cũng vẫn có đủ cả: cuống hoa, đài hoa, tràng hoa, cánh hoa, nhụy hoa. Cái màu sắc mới kì diệu làm sao, nó tươi, mịn, thắm… khó mà diễn tả hết được. Bông hoa nhỏ xíu đó nhắc nhở cho tôi rằng: người ta, dù lớn hay nhỏ, dù sang hay hèn, thì cũng đều có một cuộc sống và một nhân vị cần được tôn trọng. Người ấy, dù thân phận có nhỏ nhoi, thì cũng đã cố gắng sống trọn vẹn thân phận nhỏ nhoi của mình. Mà, giá trị của con người trong cuộc sống, không đặt để ở sự đã đóng vai trò, nhiệm vụ to lớn, vinh dự nào, mà căn cứ ở điều có sống, có làm trọn vẹn sứ mệnh, vai trò của mình, dù lớn hay nhỏ, hay không.
Bông hoa dại nhỏ xíu cũng nhắc nhở tôi rằng: tôi đừng tự phụ với những gì mình đang có: một chút hư danh, một chút khả năng, một vài đức tính, hay một mớ gia tài. Tôi cứ tưởng tôi có đủ, có nhiều và vì thế tỏ ra (hay không tỏ ra mà cất giấu trong lòng) xem thường người khác. Hóa ra, người khác, dù danh có nhỏ hơn tôi, khả năng và đức tính có ít hơn tôi, gia tài có nghèo hơn tôi, thì họ cũng đã và đang sống trọn vẹn, đầy đủ cuộc đời của họ, đôi khi còn trọn vẹn hơn tôi nữa: Vì có thể tôi là một bông hoa to, nhưng nhìn kĩ thì đã bị con sâu nào đó ngoạm nham nhở hết một cánh.
Bông hoa dại nhỏ bé đó cũng dạy tôi một bài học về người đời. Trong cuộc sống, hình như ai cũng muốn mình trổi vượt hơn người khác. Mong muốn đến nỗi nếu thực tế không trổi vượt được, thì thèm khát quá độ điều ấy. Sự thèm khát quá độ được tỏ lộ bằng hành động “nói khoác” cho mọi người khiếp sợ, cảm phục. Ai mà “không may” bị sống cuộc sống tầm thường, thua kém thì cảm thấy nhục nhã, uất ức, hận đời và hận người. Thái độ và phản ứng ấy không giải quyết được gì. Tôi không cổ võ cho tinh thần chủ bại, thiếu cầu tiến, nhưng tôi nghĩ loài người nên sống thoải mái như loài hoa, khi ta không có cơ hội, hoàn cảnh để có cuộc sống ”khá ” hơn, ta cũng vẫn nên vui sống cuộc sống của ta. Những bông hoa dại trong cánh đồng hoang trông rất vui, rất hạnh phúc trong gió và trong nắng. Chúng biết thân phận chúng và chúng cũng biết giá trị đích thực của chúng. Hoa có hoa lớn hoa nhỏ, hoa cắm trong bình, hoa trồng trong vườn, cũng có hoa sống thoải mái, tự do phóng khoáng ngoài đồng. Nhưng người, thì hình như ai cũng muôn là hoa to hoa bự cả.
Buổi chiều hôm nay, đang khi tội cúi xuống ngắm nhìn và nâng niu một cách trân trọng bông hoa dại màu tím nhạt, thì tôi ước mong trong suốt cuộc đời tôi, tôi biết nhìn đến và nâng đỡ những người đang có một cuộc sống thiếu kém hơn tôi với tất cả lòng trân trọng nhân vị, phẩm giá người ấy. Cỏ hoang hoa dại dù sống phóng khoáng ngoài đồng nội, đôi khi cũng vẫn cần một bàn tay nâng niu. Con người với một tâm hồn thụ cảm, cần được trân trọng và nâng đỡ hơn nhiều.
Quyên Di
Nhìn Xuống Cuộc Ðời