Đạo Lý “ Bỏ Mình” Của ĐỨC KITÔ Dưới Cái Nhìn Duy Thức

Đức Ki Tô nói với các môn đệ “ Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập giá  hàng ngày mà theo”. Tiếp đó Chúa còn giải thích “ Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. Bởi chưng lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn  thì nào được ích gì ? ( Mt 16, 24 -26 ).

Trong suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội, chúng ta thấy đã có biết bao là các Thánh, các kẻ lành đã vâng nghe theo Chúa để được cứu rỗi. Tuy nhiên có điều cần nhìn nhận đó là trong việc “ Bỏ Mình” này không những đã có những hiểu lầm tai hại mà còn đưa đến việc chối bỏ đạo lý ấy.

Chung cuộc của mọi lầm lẫn ở chỗ là đã cho “ Cái Mình” mà Chúa nói đó chính là cái xác thân thể lý này. Bởi cho xác thân là mình thế nên mới có những đường lối tu hành hãm mình đánh tội phạt xác. Những việc gọi là hãm mình ấy có rất nhiều hình thức chẳng hạn nhịn đói nhịn khát, dùng roi quất vào mình cho đến  chảy máu v.v.. Nguyên nhân đưa đến việc hành  hạ  thân xác ấy  là vì cho nó là cội nguồn của dục vọng ham muốn này nọ.

Cái lối tu khổ hạnh một thời ấy đã qua, có lẽ không dòng tu nào còn chủ trương theo đuổi. Mặc dù không còn tu theo lối khổ hạnh. Thế nhưng trong cái thời Tục Hoá này, việc Tu  cũng chẳng còn ý nghĩa gì  nữa. Tại sao ? Bởi vì  tục hoá tức là không tin có đời sau và một khi đã không tin có đời sau thì còn theo Chúa làm gì ? Theo Chúa thì phải bỏ mình mà không bỏ được mình thì không thể theo Chúa.

Tuy nhiên “ Cái Mình” phải bỏ đi ấy  nếu không phải là xác thân  vật chất  vậy nó là gi ? ? Để có thể hiểu được điều này thì nhất định phải thông qua Duy Thức Học. Duy Thức nói cách đầy đủ là “ Nhất thiết duy Tâm tạo. Vạn pháp duy Thức biến” Tất cả đều do Tâm tạo, mọi sự đều do Thức biến hiện.

Theo Duy Thức Học thì con người được hình thành bởi tám Thức gọi là Bát Thức Tâm Vương. Năm Thức đầu: Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân có hình tướng nằm ở nơi thân căn gọi là Tiền Ngũ Thức. Ba Thức sau đều nằm sâu kín ở bên trong là: Ý Thức, Mạtna Thức và A Lại Da Thức.Tuy ba thức này có công năng khác nhau nhưng lại có mối liên hệ  khăng khít. Khi năm căn = Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân tiếp xúc với năm trần = Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc thì Thức thứ sáu liền khởi phân biệt  thành ra có thị, có phi có xấu có tốt có phải có quấy có hơn có thua có thiện có ác v.v…Tiếp đó là Thức thứ bảy ( Mạt Na Thức ) là thức chấp ngã, nó thâu nhận vào những cái vừa ý và đẩy lùi những cái không vừa ý để đưa vào A Lại Da Thức ( Thức thứ tám ). Thức này là một cái kho ( Tạng Tâm )  do Thức thứ bảy đem vào để chất chứa tất cả mọi hạt giống ( chủng tử ) thiện ác, không thiện không ác chờ cho duyên đầy đủ sẽ kết quả.

Đặc biệt với Thức thứ sáu được gọi là Ý Thức vì nó nương vào Thức thứ bảy là Ý căn. Trong tám Thức thì Ý Thức là Thức khôn ngoan lanh lẹ  hơn hết. Suy nghĩ làm việc phải Thức này đứng đầu. Trái lại tính toán tạo việc ác thì nó cũng đứng số một ( Công vi thủ, tội vi khôi ). Do nơi Thức thứ sáu nương nơi Thức thứ bảy nên cũng được gọi là Thức chấp ngã và chấp pháp.

Chấp ngã có nghĩa là thấy có một “ Cái Ta” độc lập tự tánh trường tồn còn chấp pháp có nghĩa là thấy muôn sự muôn vật đều thật có. Theo Duy Thức Học thì chẳng có cái gì  là thật có, tất cả  đều do Thức biến hiện. Điều con người thấy vạn vật hiện hữu nào người nào vật nào núi sông cây cỏ….Hết thảy chỉ là những tên gọi chứ không hề có thực tướng. Khi ta gọi quả núi hay con sông …..đó là vì cả thế gian từ trước đến giờ vẫn gọi như thế nên ta cũng theo đó mà gọi chứ thực sự  đó cũng chỉ là những giả danh. Núi còn gọi là núi hay không khi nó qua một cơn địa chấn phá tan tành thành những cục đá lớn nhỏ v. v…?

Không phải núi mà thấy là núi, không phải sông mà thấy là sông….đó là do Thức biến. Không phải vậy mà thấy vậy đó là Thức biến. Cùng một lẽ ấy không có  Ta, cái của Ta  lại cho là có Ta có cái của Ta đó  cũng là Thức biến. Cái Ta ( Ngã, Mình ) là cái không thật có lại chấp là thật có. Đây là sai lầm có tính muôn thuở ( câu sinh ngã chấp ) của con người và đó cũng chính là Tội Nguyên Tổ mà sách Sáng Thế đã đề cập “ Giê hova ĐCt phán dạy rằng = Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ có hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc chắn phải chết” ( St 2, 15 -17 ).

Nguyên tổ vì không vâng lời  cứ…ăn thế nên lập tức đã bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Đức Chúa Giêhovqa phán với Eva: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần cho ngươi trong cơn thai nghén. Ngươi sẽ phải chịu đau đớn mỗi khi sinh con. Sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài cũng phán cùng Ađam: Đất sẽ sanh chông gai và cây đắng đót và ngươi sẽ ăn rau củ của ruộng đồng. Ngươi sẽ làm lụng đổ mồ hôi trán mới có cái để mà ăn cho đến ngày nào người tyrở về với đất là nơi từ đó mà  ngươi ra. Vì ngươi là bụi đất ngươi sẽ trở về đất bụi” ( St 3, 16 -19 ).

Cây ( trái ) mà Giêhova ĐCT cấm là cây biết phân biệt thiện và ác gọi là Cây Phân Biệt. Cây  phân biệt đó chính là Thức thứ sáu còn gọi là  Ý Thức phân biệt trong Duy Thức Học. Khi Thức Phân Biệt khởi tức thời liền rơi vào cái chấp thấy có Ta và cái của Ta. Chấp có Ta và cái của Ta đó là đầu mối của muôn giống tội và tội này đưa đến cái chết về phần tâm linh “ Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết”.

Đức Chúa Giêhova đã đuổi nguyên tổ ra khỏi Vườn Địa Đàng đồng thời  cho thần Cherubin trấn giữ không cho trở lại “ Vậy Ngài đuổi loài người ra khỏi Vườn rồi đặt tại phía Đông các thần Cherubin với lưỡi gươm chói loà để giữ con đường đi đến cây sự sống” ( St 3, 24 ). Nguyên tổ đã bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng lẽ ra sẽ không bao giờ được trở lại. Thế nhưng lại có một lời hứa cho trở lại và lời hứa ấy  được các nhà chú giải KT trước đây gọi là Lời Hứa Ban Đấng Cứu Thế. Đức Chúa quở trách con rắn “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

Muốn hiểu được trình thuật Kinh Thánh này thì cần nhận ra = Người Nữ chính là Đức Nữ Trinh Maria. Con rắn  tượng trưng cho Lý Trí Phân Biệt tức cũng là rắn Sa Tan đứa lừa dối cả và thiên hạ ( Kh 12, 9 ). Sao có thể nói đây là Giao Ước Ban Đấng Cứu Thế đang khi đó chẳng  thấy có chi nhắc nhở đến Ngài ?  Đó là vì Đấng Cứu Thế chỉ xuất sinh ra đời sau tiếng Xin Vâng của Đức Maria. Nòi cách khác, Đấng Cứu Thế chỉ xuất hiện thông qua một cuộc giao chiến giữa Người Nữ và rắn Sa Tan mà khởi đầu cho  cuộc chiến ấy là tiếng Xin Vâng của Đức Maria “ Này tôi là tôi tá ĐCT, tôi Xin Vâng như lời sứ thần truyền” ( Lc 1, 38 ).

Đấng Cứu Thế đã ra đời và kêu gọi những ai muốn theo Ngài thì phải “ Bỏ Mình” đi. Bỏ mình ở đây có nghĩa là bỏ đi cái chấp ngã phân biệt ta, người và như thế cũng không có cái gì gọi là của Ta ( chấp pháp ). Cần  bỏ đi cả hai cái chấp ngã chấp pháp  này bởi vì đó là Tội Nguyên Tổ là cái tội  đem đến cái chết về phần tâm linh.

Đức Ki Tô truyền dạy chúng ta phải bỏ mình đi để theo Ngài, vậy theo Chúa để làm gì ? Bao lâu chưa biết  mục đích của việc theo Chúa thì bấy lâu vẫn chưa thể bỏ được mình. Tại sao ? Bởi không ai …dại gì lại bỏ mình đi khi chưa biết  mục đích  để làm gi. Chúa nói theo Chúa  là để nhận biết Sự Thật “ Chúa nói với những người Do Thái đã tin Ngài rằng = Nếu các ngươi ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 ).

Chúng ta tin nhận Chúa Giê Su là Đấng Cứu Thế, điều ấy hoàn toàn đúng. Tuy nhiên có một sự lầm lẫn hết sức tai hại cho dân tộc Do Thái và còn kéo dài mãi cho đến tận ngày nay đó là người ta vẫn đinh ninh  Đức Ki Tô mang theo mình sứ mạng giải phóng chính trị. Với dân Do Thái trước đây họ đã giết bỏ Chúa vì đã không đáp ứng được mong chờ của họ. Còn ngày nay Thần học lại gán cho Ngài là một người làm…cách mạng thất bại “ Sau sự cố thanh tẩy đền thờ, nhiều người trong giới lãnh đạo mưu hại Ngài vì thế Ngài phải lựa chọn: Hoặc sống lén lút hoặc xuất đầu lộ diện. Nếu sống lén lút Ngài không thể gây cho người ta niềm tin vào Nước Thiên Chúa như Ngài đã từng làm. Còn xuất đầu lộ diện để tiếp tục sứ vụ thì chắc hẳn phải chết. Đức Giê Su đã chọn giải pháp thứ hai và quả cảm đi lên Giê rusalem bởi vì đó là cách duy nhất để tiếp tục phục vụ nhân loại, cách duy  nhất để ngỏ lời với thế gian” ( Albert Nolan – Đức Ki Tô trước khi có Ki Tô giáo ).

Chúa chết không phải vì đã thất bại trong mưu đồ chính trị nhưng vì Ngài đã rao giảng Sự Thật. “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su nói: Ta do Cha mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái đáp: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi đâu. Nhưng vì ngươi là người mà lại tự tôn là ĐCT. Chúa Giê Su đáp lại: Trong Sách Luật các ngươi há chẳng chép rằng Ta đã nói các ngươi là thần hay sao ? Nếu  Chúa  gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT  phán là Thần ( KT thì không thể chối bỏ được ) thì Ta đây là Đấng Cha đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT cớ sao các ngươi lại cáo Ta là nói lộng ngôn ? ( Ga 10, 31 -36 ).

Chúa Giê Su chẳng những xưng mình là Con Thiên Chúa  mà còn nói hết thảy cũng là Con Thiên Chúa nữa. Chúa nói lời ấy là nói lên một Sự Thật nhưng thế gian lại không chấp nhận để rồi đã đang tay giết bỏ Ngài. Sở dĩ thế gian không chấp nhận Sự Thật  bởi vì họ đã mang nơi mình cái chấp sâu dày cho mình chỉ là cái xác thân vài mươi ký lô này ! Đức Ki Tô rao giảng Sự Thật và nói con người sẽ được giải thoát khi nhận ra  chân lý. Điều ấy  nói lên rằng  sự giải thoát  chỉ đến khi con người  thoát khỏi sự trói buộc của vô minh. Nói đến trói buộc  thì đó chẳng phải là có một thứ thế lực nào từ đâu đưa đến nhưng là do tự mình trói buộc mình. Đạo Tín đến gặp tổ Tăng Xán xin ngài dạy cho pháp môn giải thoát, tổ hỏi:

  • Ai trói buộc ngươi ?
  • Không ai trói buộc con hết.

Tổ nói:

  • Vậy cầu pháp môn giải thoát làm gì ?

Ngay đó Đạo Tín đại ngộ sụp lạy và theo hầu tổ thờ làm thầy.

Đức Ki Tô rao giảng Sự Thật để  cho ta nhận biết và chính khi ta nhận biết được Sự Thật  ấy  thì sẽ được cứu chứ không phải Chúa cứu. Dẫu vậy nói Chúa cứu thì cũng không sai bởi vì nếu không có Chúa ra đời,  làm sao chúng ta  có thể nghe biết Sự Thật ? Thế nhưng Chúa cứu là một nhẽ còn vê phần chúng ta những môn đệ của Ngài nhất thiết cần phải biết bỏ mình  và theo Ngài.

Để bỏ được mình Chúa dạy phải làm tất cả mọi việc mà  không thấy…có Ta ( chấp Ngã ). Làm việc bác ái thì đừng để tay trái biết việc tay hữu làm. Yêu người thì phải yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình. Cầu nguyện thì đừng như bọn giả hình vì họ ưa đứng  cầu nguyện trong nhà hội và tại góc đường để cho người ta thấy. Cầu nguyện thì phải xoay cái Tâm vào bên trong bởi Cha là Đấng thấy trong  chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ( Mt 6, 1 -6 ).

Nhân loại hôm nay không riêng gì Giáo Hội đã và đang rơi vào cơn khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay vì đã quên mất Thiên Chúa Đấng là Bản Thể ở nơi mình. Một khi đã quên Thiên Chúa thì vai trò của  Đấng Trung Gian Cứu Chuộc là Đức Giê Su Ki Tô cũng không thể được biết đến và vì thế Đạo Lý Bỏ Mình  làm sao có thể thực hiện ? Không bỏ được mình thì lòng tham giống như lửa đốt sẽ thiêu cháy  cả cõi thế này  trong Ngày Chúa đến không xa “ Nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên và lừa dối lắm kẻ. Lại vì cớ sự gian ác  thêm nhiều nên tình thương yêu của phần lớn sẽ nguội dần. Song ai bền đỗ đến cùng thì người  ấy sẽ được cứu. Tin Mừng này của Nước Trời phải được rao giảng khắp thiên hạ để làm chứng  cho muôn dân. Bấy giờ cuối cùng sẽ đến ./.

 

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts