Nhiều khi Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống, đảo chuyển vận mệnh và tác thành sự kiện hoặc cá nhân, hoặc cộng đoàn. Nhưng làm sao nhận ra được sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc sống? Nguyên tắc mà chúng ta tìm thấy cả trong Kinh Thánh lẫn trong kinh nghiệm thực tế là dưới tác động Thần Khí, ân sủng tuôn chảy đến đối thể của ân thiêng nhờ đường dẫn linh nghiệm là đức tin. Hiển nhiên, không phải dễ nhận biết vai trò của đức tin. Trong đời sống, sự kiện thường bị diễn dịch sai lệch qua lăng kính giải thiêng, tục hóa làm tầm thường hóa và lung lạc đức tin.
Sống mầu nhiệm Chúa Kitô là sống niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Đức tin giúp định hướng đời chúng ta. Định hướng cuộc đời. Bất cứ không gian và thời đại nào của Công giáo sử, đức tin vẫn tuyệt đối quan trọng vì nó làm nên ý nghĩa đời sống tại thế và định đoạt vận mạng đời đời mai sau của nhân loại mới.
Kitô hữu là một cách gọi một ngôi vị đang gắn vận mệnh của mình với ngôi vị Đức Kitô Giêsu. Điều này cũng ẩn ý ngôi vị ấy sẳn sàng để được Thần Khí soi dẫn đi vào nhiệm hiệp với Thiên Chúa nhờ đức tin để đưa tới đức tin. Đó là kinh nghiệm của sự giải thoát khỏi nghiệp tội để hóa thân vào thế giới thiêng liêng, tìm an trú trong bình an thánh thiện. Tuy nhiên, dù đức tin rất tinh tế và hữu ích ủi an, vẫn cần khu biệt với tinh thần trốn lánh hiện thực tìm quên trong cõi hư không – hoàn toàn không có Thiên Chúa, một giả tượng của thuyết vô thần thời đại mới – vô thần cách tinh vi bằng tìm lánh vào hư không, tự khoác chiếc áo bình an trống rỗng. Trước sức hấp dẫn của vô thần bằng bình an của hư không, Kitô hữu làm thế nào để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa khi đại bộ phận thích bình an tự tại hơn đi tìm Thiên Chúa, nguồn bình an?
Người ta kể chuyện thế này: “Một người vô thần rất mê leo núi. Một lần ông bị trượt chân ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến giúp! Thế là lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: ‘Lạy Chúa!’ Tuy nhiên chỉ có bốn bề thinh lặng và ông chỉ nghe được những tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: ‘Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho mọi người cùng tin Chúa.’ Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: ‘Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế!’ ‘Không, lạy Chúa, ngàn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.’ Tiếng ấy trả lời: ‘Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi! Vậy, nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.’ Người vô thần thất vọng thốt lên: ‘Buông tay ra ư ? Bộ Chúa tưởng tôi điên sao!’”
Trong một bối cảnh với xu hướng xem cái có thể nắm bắt, chấp nhận điều có thể chứng minh mới đúng là cái có thật để tin, người ta chỉ chấp nhận những gì là hiện tượng và có thể nắm bắt được: cái gì thực nghiệm được, có hiệu năng, ứng dụng được, và có thể làm ra được mới là cái đáng tin. Sự kiện niềm tin bị chất vấn ngay tại tính thực tế.
Thế tục chỉ quý chuộng những gì thuộc về đời này, ngược với niềm tin đòi hỏi sự gắn bó với những giá trị thánh thiêng không gọi được bằng ngôn ngữ và diễn hình bằng đồ thị. Luận rằng: niềm tin thuộc về tương thuộc thiêng liêng với Thiên Chúa, khả tín thuộc về sự kiện vật thể và tính hiệu quả. Đòi hỏi về tính hiệu quả, thực tế và khả năng tương tác là khuynh hướng thế tục của niềm tin đơn thuần thuộc về hạ giới chứ không phải là ân sủng phát xuất từ sáng kiến của Thiên Chúa. Đức tin liên hệ với Thiên Chúa bất biến và tiến sâu trong mức độ nhiệm hiệp sâu sắc với Người.
Thiên Chúa chính là vận mệnh tất yếu của hành trình tìm kiếm bình an và hạnh phúc. Ai tin được điều đó? Nhân loại cố tập trung khả năng, tri thức, kỹ nghệ, công sức để vun đắp tương lai và đồng thời lại lo sợ tương lai, một tương lai đầy bất trắc trước biến động kinh hoàng, khó tiên liệu của thời tiết và thời cuộc. Nhân loại hãnh diện về tương lai bởi tiến bộ khoa học- kỹ thuật do mình tìm ra nhưng lại hoang mang lo âu và sợ hãi vì chính những công trình ấy tác hại khủng khiếp khi bị lạm dụng vô trách nhiệm và tham tàn. Chính sự bất trắc, bất ổn của kỹ nghệ và kinh tài đã đào sâu sự âu lo của con người. Trong khủng hoảng, tán loạn, náo động, Thiên Chúa và đức tin lại được đặt ra.
Trong dòng lịch sử luôn tồn tại một lực đẩy, xoáy hút vào thế tục, hiện vật và thể nghiệm. Động lực khổng lồ này cố đảo dòng chảy tư tưởng cho nhân loại thôi hướng về Chúa Kitô và Thiên Chúa. Một mặt, nó phủ nhận các giá trị Kitô giáo, mặt khác nó đẩy nhân loại vào cơn khủng hoảng hư không để náo loạn chạy tìm những mãnh lực khác khỏa lấp vào chỗ trống mà Thiên Chúa đã bị tước truất. Niềm tin luôn bị dồn ép bởi những ma lực từ chối hướng về thế giới của Thiên Chúa, phủ nhận các giá trị tâm linh và hướng hẳn về những điều thế tục.
Khoa học, kỹ thuật chú trọng tính thực nghiệm và lấy kinh nghiệm về vật chất làm thước đo niềm tin. Hệ quả tất yếu sẽ đưa tới một tân thuyết vô thần duy nghiệm. Để phản ứng lại, tín nhân cổ xúy mạnh hơn thực hành sùng kính Thiên Chúa, đề cao niềm tin và sự tín thác trước những chông chênh bất toàn của khoa học và duy nghiệm. Cơn khát kỹ nghệ và niềm đam mê thể nghiệm gây nên khủng hoảng đến chỗ mất hết lòng tin. Đạo tự nhiên hay các giáo phái thần bí nở rộ để giải tỏa cơn khát giá trị thiêng liêng như những lon nước giải khát uống nhanh chẳng những không giải quyết được cơn khát cách có lợi mà còn là xấu đi tình trạng sức khỏe tâm linh. Tình trạng này có thể còn bi đát hơn nơi giới trẻ vì cách diễn tả đức tin không phù hợp bằng não trạng khoa học duy thể nghiệm mà người đương thời đang hấp thụ mãnh liệt.
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI diễn tả: “Chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa, một sự mất ý thức tôn giáo là điều tiêu biểu cho một trong những thách thức lớn nhất đối với Giáo Hội ngày nay.” (Phát biểu tại Assisi nhân ngày cầu nguyện cho hòa bình 27-10-2011). Niềm tin là giải pháp sáng suốt nhất cho những khủng hoảng thời cuộc. Mọi sự rạn nứt đến từ thái độ phủ nhận Thiên Chúa và thiên kiến sai lệch về Thiên Chúa nơi những kẻ hiếu chiến, hiếu sát; nếu Thiên Chúa không được tin nhận bằng niềm tin chân thành nhờ sự tiếp cận với Lời Thiêng, trần gian sẽ biến thành hỏa ngục, một hỏa ngục tưởng mình đang sở hữu Thiên Chúa, tạo nên Thiên Chúa và có khả năng hủy diệt Thiên Chúa.
Trong xã hội bị ảnh hưởng mạnh của tính hiệu năng, thực tế trên căn bản là chiếm hữu vật chất, chìm hút trong đam mê, những gì là thiêng thánh, luân thường không còn được tin và hành cách dễ dàng nữa. Sự sa sút niềm tin vào Thiên Chúa và vào các mầu nhiệm ngày càng nặng nề, đời sống nội tâm cầu nguyện chưa hình thành hoặc chỉ dừng ở mức độ hời hợt bên ngoài, tất cả làm nên một bức tranh buổi hoàng hôn của nền văn minh sự sống.
Khi niềm tin vào Thiên Chúa và những “sự thánh” suy giảm thì đức tin sẽ dần dần sa sút, yếu kém, và nếu còn, thì cũng chỉ là “…một đức tin chết” (x.Gc 2,17). Thế giới tục hóa muốn gạt bỏ Thiên Chúa, nhưng tận sâu xa, đó lại là một sự trống rỗng to lớn khao khát được lấp đầy bằng chân lý và tình thương của Thiên Chúa.
Trả lời cho sự khủng hoảng đức tin không phải tìm và sống một đức tin hoàn toàn mới mẽ hay mang tính thỏa hiệp kiểu mới, cũng không phải là tìm một đức tin mới cho phù hợp với mọi lối sống, lỗi nghĩ “dễ dãi” của thời đại hôm nay. Nhưng quan sát cơn khủng hoảng đức tin suy yếu trước sức tàn phá của tính trọng hiệu quả, duy vật, duy nghiệm, duy lợi tức chính là để tái khám phá vẽ đẹp của đức tin Kitô giáo trong việc gặp gỡ Thiên Chúa đời sống thường ngày. Nhờ gặp gỡ Thiên Chúa, ân huệ lòng tin biến thành cung cách sống, xuất phát từ một sự hiểu biết đạo lý, xác tín, dẫn đến hành động. Sống đạo hiệu quả là tin có cội rễ sâu trong Thiên Chúa và thực hành với tác động vô bờ của Thần Khí thôi thúc.
Ngày nay, phải công nhận sự tiến bộ của khoa học đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, khoa học kiểm chứng và giúp con người nâng cao nhận thức. Thế nhưng khi đã đặt niềm tin vào khoa học thực nghiệm thì con người sẽ dần lãng quên Thiên Chúa. Dẫu khoa học có phát triển đến đâu chăng nữa thì cũng không thể cứu con người thoát khỏi những thảm họa và cái chết. Đây là một kinh nghiệm thực tiễn, một sự bế tắc mà ngay cả Thuyết Hiện Sinh ngày nay cũng không có lời giải đáp. Hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công giáo chúng ta cần được thể hiện cách cụ thể và mạnh mẽ. Bởi lẽ, “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống.” (x. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Cửa Đức Tin, số 14.)
Thiên Chúa đầy lòng thương xót muốn chúng ta có cả đức tin cho hôm nay và đức tin cho ngày mai. Đức tin hôm nay giúp chúng ta thấy Chúa ở cùng và đức tin ngày mai giúp chúng ta thấy Chúa lo liệu. Khiêm tốn trao mọi gánh nặng cho Chúa là đức tin cho hiện tại. Tín thác đường lối mình cho Chúa là đức tin cho ngày mai.
Đức tin dẫn dân Chúa đi trên đường đời hân hoan thư thái; bởi còn sống Chúa trong đức tin, ta có quyền tin rằng tương lai và mãi mãi chúng ta ở với Chúa.
“Kinh cầu nhẹ gõ cửa hồn,
Trần gian dục vọng bồn chồn tâm linh,
Bao nhiêu thệ ước ân tình,
Chúa thương xin để an bình tin yêu…”
(x. Các giờ kinh Phụng Vụ, Thánh Thi Kinh Sách, thứ Năm, tuần I.)
—
Viết tại nhà thờ Thới Sơn
Ngày 10/10/2016
Lm. P.X Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho