Điều Giản Dị Cao Quí

Tôi xin ghi lại đôi dòng trích từ bài báo trên trạng mạng Tuổi Trẻ Online:

Chín năm và một mối tình

Theo giới truyền thông Mỹ, đám cưới của cặp đôi được tổ chức rất bình dị vào ngày 18.5.2012 vừa qua, ít ngày sau khi Priscilla Chan chính thức tốt nghiệp khoa y Đại Học California, thành phố San Francisco, Mỹ, đúng một ngày sau khi Facebook chính thức phát hành cổ phiếu lên sàn chứng khoán Nasdaq ( IPO ).

Mark Zuckerberg và Priscilla Chan gặp nhau cách đây chín năm, khi cả hai còn đang là sinh viên tại Đại Học Harvard. Năm 2005, khi Zuckerberg chuẩn bị rời khỏi nơi này, anh đã đặt câu hỏi với bạn gái mình là “có muốn làm việc tại Facebook không ?” Tuy nhiên, cô gái người Mỹ gốc Hoa tốt nghiệp Đại Học Harvard chuyên ngành sinh học năm 2007 chưa bao giờ hiện thực hóa lời đề nghị của Zuckerberg: trở thành nhân viên của Facebook. ….

Đám cưới bất ngờ và giản dị

Một ngày sau cú hích ra mắt thị trường chứng khoán được báo chí Mỹ mô tả “đi vào lịch sử” trên sàn chứng khoán của mạng xã hội Facebook, chú rể 28 tuổi Zuckerberg đã tiến hành đám cưới bình dị với cô dâu 27 tuổi, Priscilla Chan. Chàng tặng nàng một chiếc nhẫn hồng ngọc “vô cùng giản dị” – theo lời một vị khách có mặt tại buổi tiệc miêu tả, do chính tay Zuckerberg thiết kế mẫu.

Đám cưới được tổ chức tại nhà riêng của Zuckerberg ở Palo Alto, bang California. Tất cả 100 khách mời là họ hàng và bạn bè thân thiết trước đó còn tưởng đây chỉ là buổi tiệc ăn mừng… lễ tốt nghiệp đại học của Priscilla Chan, và dĩ nhiên ai cũng đều bị bất ngờ.

Một kết thúc có hậu từ một tình yêu đẹp và bình dị. Mark Zuckerberg hiện đang nắm giữ 503,6 triệu cổ phiếu và giữ quyền điều hành công ty.

PHONG VÂN – THÚY QUỲNH

Hẳn nhiều người trong chúng ta mấy ngày nay đều biết và xôn xao về thông tin này. Học và tốt nghiệp trường Đại Học Havard ( ước mơ của bao nhiêu người ), giàu có ( nắm quyền điều hành một trong những công ty giàu có nhất nước Mỹ ), sở hữu kiến thức ( chủ mạng thông tin ảnh hưởng nhất nhì thề giới ), nhưng tổ chức đám cưới với người yêu ( chin năm một mối tình ), tại nhà riêng ( không phải tại nhà hàng sang trọng ), khoảng 100 khách mời ( nói theo kiểu ta là 10 bàn ), quà cưới đơn giản ( Một chiếc nhẫn hồng ngọc “vô cùng giản dị” ).

Một người có rất nhiều thứ như thế mà lại tổ chức lễ cưới như vậy đáng cho chúng ta học hỏi. Ngược hẳn với bài học này, chúng ta đang chứng kiến những kiểu tiêu tiền như nước của một loại “công tử Bạc Liêu” mới, đám cưới “siêu sang” đầy mỉa mai của những kẻ mà xét trình độ, tài năng và của cải không đáng làm học trò của Mark Zuckerberg. Chạy đua với những kiểu ăn chơi cho có đẳng cấp, họ đang làm những chuyện lố bịch phù phiếm.

Cách đây hai năm tôi có được mời đi dự một đám cưới của một gia đình quen biết, hai anh chị là người có học, trước đây cả hai là nhà giáo, khi cơ cấu kinh tế thay đổi, anh có việc ở một công ty nước ngoài, vị trí khá cao nên thu nhập lớn, chị loay hoay làm từ thiện rồi ngẫu hứng mở “chuỗi” nhà hàng khá thành công, tiền lời từ các nhà hàng chị dành cho người nghèo, thu nhận nhân viên chị nhằm giáo dục thanh tiếu niên làm người.

Hai anh chị làm đám cưới cho con trai ở một nhà hàng khách sạn năm sao nổi tiếng ở thành phố Sàigòn. Anh con trai vừa đi du học ở nước ngoài về thương một cô bé… nhà quê ! Hai ông bà cha mẹ cô dâu chưa một lần biết đến chợ Bến Thành. Đám cưới diễn ra trong một bầu khí hết sức thân mật, khách trong nước lẫn ngoài nước khoảng… 10 bàn ( nên nhớ anh làm giám đốc bán hàng của một tập đoàn lớn, có cả ngàn đại lý ở khắp nơi trên đất nước ).

Ông bố chú rể khai mạc tiệc rất giản đơn, anh lên nói vài lời về tiến trình “chúng nó” thương nhau, bổn phận làm cha làm mẹ phải lo cho con cái, cám ơn mọi người đã đến dự, cám ơn cha mẹ cô dâu đã vui lòng làm sui, “anh chị sui” đã làm cho anh nhớ lại thời gian khổ, ngồi bờ ruộng vấn điếu thuốc rê trong giờ nghỉ của thời phải đi lao động Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhớ lại hương đồng gió nội, nhớ mùi rạ mùi rơm, nhớ làn khói chiều làm cay mắt khi nấu bếp, nhớ củ khoai lang lùi trong bếp lửa thân thương…

Anh ngỏ vài câu tiếng Anh với bạn bè và đồng nghiệp, rồi bữa tiệc bắt đầu. Không văn nghệ, không MC, không hò hét, không vũ điệu nhảy nhót, không chân dài chân ngắn váy thấp váy cao, không đội hoa đội nến, không tháp ly rượu rót đầy tràn… bầu khí thân mật mọi người nói chuyện ăn uống thoải mái, chính bố mẹ chú rể chủ động làm cho thoải mái, anh chị sui ăn uống kiểu nông dân, không câu nệ muỗng nĩa, khăn ăn, ly tách…

Ngày nay có quá nhiều kiểu đua đòi “cho bằng em bằng chị”, tốn kém vô ích, thậm chí gây bất đồng cho cuộc sống hôn nhân mai hậu, người ta quá bận tâm vào những cái hào nhoáng bề ngoài mà bỏ quên những sự chuẩn bị cần thiết cho nội tâm là yếu tố quan trọng của cuộc sống. Sẽ là vô ích khi đám cưới thật to nhưng không tạo nên hạnh phúc. Điều quan trọng là sẽ sống ngày mai ra sao thì họ bỏ quên. Ích gì khi “nở mặt nở mày” nhưng “ba bẩy hăm mốt ngày” gia đình trở thành địa ngục. Giản đơn bình dị nhưng chân thành và yêu thương là sự khôn ngoan cần phải được tạo dựng.

Chúng ta bắt đầu chuẩn bị vào Hè, đối với Giáo Hội, chúng ta bước vào “mùa lễ lạc”, ngay sau kết thúc niên học, các Giáo Phận, các Dòng Tu vào “mùa chịu chức”, vào “mùa khấn hứa”, chúng ta sắp đối diện với những những điều nhức nhối như những nhức nhối của xã hội, dĩ nhiên với tư cách của Hội Thánh theo Chúa Kitô, Hội Thánh của người nghèo, vấn đề của chúng ta sẽ nhức nhối hơn gấp bội. Chúng ta sẽ tổ chức hay tham dự các Lễ Tạ Ơn của các tân Linh Mục như thế nào ? Đó là thách đố của chúng ta hôm nay.

Tôi nhớ lại vào tháng 8 năm 1999 , khi Giáo Phận Long Xuyên tổ chức lễ phong Giám Mục cho hai Linh Mục, Giuse Trần Xuân Tiếu và Giuse Ngô Quang Kiệt, tin tức được loan đi để xin cầu nguyện nhưng không đặt thiệp mời một ai, Ban Tổ Chức chuẩn bị cơm hộp cho bất cứ ai đến tham dự lễ phong chức, sau lễ đó, tiếng ra tiếng vào khá ồn ào, lắm người đã phê bình nặng lời, họ xem như “không bình thường” và không đúng cách.

Lễ phong chức giản dị như vậy, nhưng hai vị Giám Mục đó đã sống rất xứng đáng, cách riêng Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, người mà nay đã lui vào ẩn mình như đời đan tu, ngài đã hết lòng với Giáo Phận trong những ngày được đặt làm Giám Mục Lạng Sơn, một Giáo Phận có trăm ngàn khó khăn, ngài đã sống xứng đáng là một vị Tổng Giám Mục của Hội Thánh Công Giáo khi kiên cường lên tiếng cho Giáo Hội và cho con người.

Còn đó những tiếng nói của ngài dõng dạc cất lên ở hội trường UBND thành phố Hà Nội năm 2008, cất lên giữa những người đang “hằm hè nghiến lợi nghiến răng” như muốn cắn xé Giáo Hội. “Tôn giáo là quyền của con người, không phải là đặc ân xin – cho”, ngài đã nhận lấy trách nhiệm không chỉ là trách nhiệm tôn giáo, thứ tôn giáo quanh quẩn trong Nhà Thờ, nhưng còn là trách nhiệm với đất nước, dân tộc và lịch sử của đất nước này khi chỉ ra cái sai của sự lạm quyền, tham nhũng, bất minh.

Vị Tổng Giám Mục đó đã lãnh lấy sứ mạng mục tử trong một buổi lễ hết sức giản dị, không rềnh rang, không tiệc tùng, không “vinh qui bái tổ” hoành tráng… Nhưng 4 năm qua, những biến chuyển của xã hội đang tiếp tục chứng minh con người kiên cường bất khuất và yêu mến ấy đúng, đúng trong cả tầm nhìn và đúng trong cả cách ứng xử với xã hội.

Hãy học nơi những tấm gương giản dị nhưng tuyệt vời, hãy học cách sống cho đời và cho người, chúng ta cần giúp nhau sống cuộc đời ngắn ngủi ở trần gian này một cuộc sống có ý nghĩa.

27.5.2012 (Ephata 511)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment