Mỗi ngày, cuộc sống của ta đều liên hệ tới ba mối tương quan:
– Với thế giới vật chất chung quanh
– Với tha nhân
– Và với Chúa
Thế giới chung quanh là nhà cửa của ta ở, công việc làm ăn, quần áo, tiền bạc, xe cộ… Liên hệ kế tiếp là ngày nào ta cũng phải tiếp xúc với người này kẻ kia, nhờ tới người gần, kẻ xa. Không ngày nào mà cuộc sống ta không có liên quan tới kẻ khác, người trong gia đình, bạn bè, kẻ quan người lạ. Và liên hệ sau cùng là những thao thức về bình an, hạnh phúc, lương tâm, một thế giới siêu nhiên, đó là liên hệ với Chúa. Không có cách nào tránh được ba liên hệ này. Còn sống là con giằng co trong những ràng buộc đó.
Câu Chuyện Hàng Ngày
Tối ấy chúng tôi đi chợ. Tôi đang đứng với anh chờ chất đồ lên xe. Trong lúc de xe, chị không nhìn thấy cột đền trong bãi đậu. Điều không nên xẩy ra đã xẩy ra. Chiếc xe giật lùi phía sau đập vào chân cột điện, bể chiếc đèn báo hiệu, móp một vế dài. Chiếc xe dường như mới mua. Đau xót làm sao! Chị xuống xe, bối rối, có lẽ chị cũng biết những gì sắp xẩy đến khi chị nhìn anh. Cái xe đẹp chưa kịp thưởng thức, nay đã bị móp. Anh đặt bịch đồ xuống đất, nói chị những lời nặng lắm. Rồi như chợt nhận ra tôi là khách, anh cố cầm lòng lại. Ai cũng ngại ngùng cả. Một buổi chiều ngột ngạt, mất vui.
Nếu bình tâm một giây phút nhìn lại thì ai cũng vậy, gia đình nào cũng thế, và có khi xẩy ra hàng ngày. Ta phản ứng thế nào khi chiếc đĩa nhạc bị trầy, ta nói gì với con khi nó đánh bể chiếc ly pha lê? Bao nhiêu là chuyện tương tự. Nó làm ta bực bội bẳn gắt, mất vui. Nó tô lên một ngày sống những màu xám kỳ quái làm ta cay cú.
Dĩ nhiên, giáo dục để tránh lầm lỡ là điều cần. Nhưng vấn đề là ta hay dựa vào lý do giáo dục ấy mà đay nghiễn kẻ lỗi phạm. Bằng chứng là ta cứ tiếc xót mãi khi mất một đồ vật. Cái tiếc xót nó làm ta đay nghiến chứ yếu tố giáo dục không thể làm ta đay nghiến được. Ta đay nghiến người phạm lỗi, và có khi không tha thứ cho cả chính mình, nếu mình là kẻ gây nên.
Sự mất mát ấy làm ta mất thú vui. Có thú vui và khoái lạc cũng chưa là hạnh phúc. Hạnh phúc là một sự sung mãn nội tâm. Khoái lạc, thú vui là một sung mãn cảm giác. Là cảm xúc, nên nó ồn ào mãnh liệt. Vì thế, khi một biến cố trái ý xẩy ra bất ngờ là ta nổi nóng không làm chủ được. Bằng chứng là có những lúc ta phản ứng quá mức, rồi sau đó hối hận. Tại sao có hiện tượng đó?
Tạo Dựng Thủa Ban Đầu
Thiên Chúa đã dựng nên thế giới vật chất và dựng nên con người. Vậy, giũa vật chất và dựng nên con người phải có những tương quan. Để xét những tương quan này, ta hãy nhìn xem cách mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng.
- Tạo dựng vũ trụ. Để tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa chỉ dùng có ánh sáng, có cỏ cây thì cỏ cây xanh tươi. Cả thế giới huyền bí bao la, Ngài chỉ dùng lời nói mà dựng nên. Thật đơn sơ không ngờ! (Stk 1:1-25).
- Tạo dựng con người. Để tạo dựng con người, Kinh Thánh kể rằng: “Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta” (Stk 1:26). Nói vậy xong mà vẫn chưa có con người. Thiên Chúa tiến thêm một bước nữa là lấy đất mà nặn nên nó. Qua hai giai đoạn rồi mà con người vẫn chưa hoàn thành. Đất trơ đất. Con người là một sự vật vô tri. Rồi Ngài phải thở hơi và khối đất nó mới thành người (Stk 2:7). Như thế, một cái nhìn đơn giản ta cũng thấy để dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa không vất vả như dựng nên con người. Thiên Chúa dựng nên con người cầu kỳ phức tạp hơn vũ trụ nhiều lắm.
Sau khi vũ trụ thành hình, từ ngìn xưa đến nay, bốn mùa cứ về rồi đi. Trăng lên cho lúa đồng nên thờ. Chiều cứ gió và sương đêm cứ thong thả cho đất ẩm lên mầm xanh tươi. Vũ trụ chuyển mình qua hàng triệu thế kỷ cứ đẹp mãi. Bướm bay và mây hong nắng. Thiên Chúa hài lòng với công trình tạo dựng. Vũ trụ là lời kinh, là bóng dáng vẻ tốt lành của Chúa. Tuần tự theo thời gian biển không lỗi hẹn, sao đêm không thờ ơ. Vũ trụ tiếp tục đẹp mãi .
Trong công trình tạo dựng, chỉ có con người làm sai thánh ý của Chúa. Adam, Evà đã phạm tội. lỗi cung đàn, buông nhịp ngang âm. Thiên đàng thành lỗi phạm. Trong liên hệ với con người, ta thấy Thiên Chúa đưa ta vào ba giai đoạn liên hệ.
- Tạo dựng. Khi tạo dựng Ađam, Thiên Chúa thở hơi vào khối đất. Đấy là hình ảnh Chúa cho con người một phần sự sống của Chúa. Không như vũ trụ chỉ là sáng tạo ngoài Ngài. Con người có một liên hệ mật thiết là phần hơi thở của Ngài, là mảnh đời của Ngài. Như Kinh Thánh diễn tả: “Ta hãy làm ra con người giống hình ảnh Ta, như hoạ ảnh Ta” (Stk 1:26).
- Cứu chuộc. Sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa chưa được “nghỉ ngơi”, vì con người phạm tội. Công việc kế tiếp là cứu chuộc. Tái tạo dựng con người khỏi án chết bằng thập giá trên đồi chiều tử nạn cho ta thấy một liên hệ sâu hơn nữa. Trong vườn địa đàng Thiên Chúa chỉ cho một phần hơi thở vào khối đất Ađam. Nhưng trên đồi tử nạn, Ngài chết. Nghĩa là Ngài khồn cho một phần mà là cho hết hơi thở. “Đoạn gục đầu xuống, Ngài phó thác thần khí” (Yn 19:30). Ngài đã cho đến hơi thở sau cùng, cho hết đên độ không còn thở nữa. Cho đến tận cùng của mối liên hệ.
- Thánh hoá. Liên hệ giữa con người và Thiên Chúa chưa chấm dứt ở đồi thánh giá bên thành Jêrusalem. Sau khi cho hết hơi thở của mình, Thiên Chúa lập bí tích Thánh Thể để ở với con người. Và cho đến mãi mãi, chúng ta có Thiên Chúa ở cùng, như lời Cựu Ước loan báo: Ngôi Lời thành xác phàm và ở giữa chúng tôi (Is: 7:14). Mỗi lần dâng lễ, mỗi lần ngang qua giáo đường là một nhắc nhở thâm thuý câu chuyện liên quan từ vườn địa đàng mịt mùng thời xa xưa đến.
Xét như thế, ta thấy mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa đặc biệt quá. So sánh với vũ trụ, thì như là Thiên Chúa bỏ quên, còn với con người, Ngài cứ loay hoay bận tâm hoài. Thấm thía lời thánh vịnh: “Phàm nhân là gì để Người nhớ tới, con người là chi mà Ngài cứ phải bận tâm” (Tv 8:5)
Ngài không tạo dựng con người từ hư vô mà bằng sự sống Ngài. Không phải một phần hơi thở của Ngài mà là trọn vẹn con người với cái chết. Không phải là một giai đoạn xong là thôi, nhưng tiếp tục mãi. Bởi đó, con người đáng quý, con người đáng mến, con người quá giá trị.
Liên Hệ Giữa Con Người Và Vũ Trụ
Nếu so sánh và cho Thiên Chúa một chọn lựa giữa con người với vũ trụ. Ngài phải chọn con người. Trên hai cán cân chọn lựa, con người và vũ trụ, cán cân vũ trụ nhẹ tênh. Thiên Chúa không đổ máu chính mình cho vũ trụ, nhưng cho con người. Ngay trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã nói với con người, hãy làm chủ vũ trụ (Stk 1:26). Nghĩa là vũ trụ được tạo dựng cho con người. Nếu đem tất cả vàng bạc của Tokyo mà so với nước Mỹ thì có vào đâu. Nhưng đem tiền bạc của nước Mỹ so với trái đất thì nhỏ bé quá. Nhưng trái đất này là gì so với vũ trụ mênh mông. Ấy vậy mà giữa những của cải đó với một linh hồn. Ngài vẫn chọn linh hồn con người.
Lạy Chúa, xét tương quan giữa con người với của cái vật chất, con người với nhau, con người với Chúa, con thấy vũ trụ này đảo ngược mất rồi. Hôm nay, con quý vật chất hơn con người. Người ta có thể làm nhục nhau vì một số tiền nhỏ. Người ta gây hận thù, chia rẽ trong gia tộc, trong xứ đạo vì vài cây vàng. Bình tâm xét kỹ, con thấy mình không hiểu được chính mình trong những thái độ con xử dụng của cái vật chất.
Chúa bảo hãy làm chủ của cải, nhưng thật sự của cải đã làm chủ con. Thay vì chiếc xe để chở con đi, nó chỉ là phương tiện phục vụ thì con lại bị nó làm chủ hồn mình với những xót xa nuối tiếc. Tại sao có thể kỳ lạ như vậy? Tình yêu, nhân phẩm, ơn cứu độ, nỗi đau trong tim một con người xương thịt không quý hơn chiếc xe sao. Vật chất không biết vui buồn, nhưng con người có nước mắt. Của cải không có tiếng nói, nhưng con người biết thổn thức, biết tủi nhục.
Lạy Chúa, nếu mỗi tối con biết xét mình về những tương quan và thái độ sống này, định lại những giá trị, hồn con sẽ tự do nhiều lắm, con sẽ làm chủ vật chất chứ không bị khổ sở dằn vặt khi mất một món đồ.
Nếu mọi người trong gia đình đều nhìn những liên hệ với nhau, với của cải theo Kinh Thánh, thì gia đình sẽ biết sống một đời sống trên những giá trị thật, biết quý mến con người là trái tim có thao thức chứ không bắt con người phải ở dưới giá trị của xe cộ, nhà cửa là những đồ vật cô tri vô giác.
Và, với cái nhìn đặt giá trị theo tiêu chuẩn như Kinh Thánh giữa liên hệ với con người, thái độ đối với vật chất thì tình thương sẽ đến, hoà bình sẽ xuống, tâm hồn tự do hơn và cuộc đời sẽ đẹp hơn.
Lm. Nguyễn Tầm Thường, sj.