Sống trên đời này, ai cũng đã từng nếm đủ mùi: chua, cay, ngọt, bùi…đôi khi cảm thấy đau khổ cùng cực, ta bỗng thèm chết đi cho rảnh nợ đời. Nhưng bình thường, ai cũng tham sống, sợ chết. Thêm vào đó, chuyến đí vào cõi vĩnh hằng vẫn còn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Ngày xưa chúng ta đã từng rên lên trong các thánh lễ Cầu hồn: Ngày thịnh nộ và cay đắng, lúc trời đất chuyển rung, lúc Chúa đến lấy lửa hồng xét xử gian trần.
May sao, từ sau Công Đồng Vaticano II, Mùa Chay bớt thương khó hơn, Thánh Lễ An Táng bớt u buồn hơn, cái chết cũng giảm bớt tang thương. Tuy nhiên, cuộc sống mai sau sẽ như thế nào vẫn là một khung trời bí mật và gây cho chúng ta nhiều nỗi bối rối hoang mang khi mỗi người trong chúng ta cô đơn một mình bước vào vùng trời thênh thang mịt mùng ấy.
Chúng ta ai mà chẳng biết rằng đời sau mở ra ba hướng đi: Thiên Đàng, luyện ngục, hoả ngục.
Trong bài chia sẻ này, chúng ta chỉ tập trung vào một hướng đi hấp dẫn: Thiên Đàng.
I. Quan niệm nhân loại
1. Nơi chốn
Tuy không ai xác định rõ vị trí nó nằm ở đâu, nhưng người ta thường hiểu Thiên Đàng ỏ trên thượng giới. Sách Công vụ kể lại chuyện Đức Giêsu qua các tầng mây bay về trời đã khiến người dễ tưởng tượng Thiên Đàng ở trên ngàn tầng trời cao vút…
2. Thời gian
Người ta chỉ có thể hưởng Thiên Đàng sau khi chết.
Có một chuyện vui kể rằng: Một hôm, cha xứ tụ họp các ông bà trong hội đồng giáo xứ và kể về Thiên Đàng vui vẻ tưng bừng, rồi lớn tiếng hỏi:
Ông bà nào muốn lên Thiên Đàng thì đứng sang bên tay phải của tôi.
Mọi người líu ríu bước qua. Còn một ông đứng như trời trồng, mặt tỏ vẻ đăm chiêu.
Cha xứ đầy ngạc nhiên: Ông không muốn lên Thiên Đàng sao?
Ông ta ấp úng: Chắc chắn là con muốn lên trời sau khi con chết chứ, nhưng con cứ tưởng phải đi tới đó ngay bây giờ!! (Ông ta tưởng phải chết cả đám ngay lúc đó, khiếp quá! Bước đi không nổi).
3. Điều kiện vào Thiên Đàng
Phải hoàn toàn sạch tội mới mong bước vào Thiên Đàng.
Lại một chuyện vui nổi tiếng – hầu như ai cũng biết – Xin lỗi các Cha xứ. Từ vực sâu tối tăm, trong ánh lửa chập chờn và ánh sáng mờ mờ ảo ảo, có một cầu thang cao chót vót vươn tới cửa Thiên Đàng. Mỗi người cầm viên phấn ghi những tội của mình trên từng bậc thang. Cha xứ và ông chánh trương cùng chết một lúc. Cha xứ hăm hở lên trước, chẳng mấy chốc ngài đã vội xuống.
Ông chánh trương ngạc nhiên hỏi: Cha còn xuống đây làm gì?
Cha xứ e thẹn trả lời: Tôi phải lấy thêm cục phấn nữa và e rằng cả một hộp phấn cũng chưa chắc đã đủ!!!
Ông chánh trương há hốc mồm: Giêsu Ma!! Lậy Chúa tôi! Với đầu óc ngu muội của con, con cứ tưởng cha có chức thánh thì cùng lắm, chỉ mất nửa viên phấn là cha đã bay vút lên tới cửa Thiên Đàng rồi chứ!!!
Một anh giáo dân nghĩ rằng: Khi giờ chết điểm, chắc chắn anh ta sẽ phải lê lết tới trình diện trước toà uy nghiêm của thẩm phán chí công. Anh ta hy vọng Chúa giàu lòng thương xót chẳng nỡ quẳng anh xuống hoả ngục đầy lửa sinh diêm. Nhưng còn Thiên Đàng thì sao? Không một chút hy vọng nào khi nhìn thấy tấm linh hồn nhớp nhúa đầy vết nhơ tội lỗi của mình – dù toàn là tội nhẹ – và anh ta nắm chắc rằng mình bị giam cầm nơi luyện ngục lâu lắm! rất lâu!! Các thánh mỗi ngày còn lỗi 7 lần cơ mà, huống chi là anh ta chỉ là một người phàm tục, thấp hèn.
Anh ta còn nhớ như in lời cảnh cáo của Đức Giêsu: Anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng. (Lc 12:59). Tất nhiên đâu chỉ là những đồng xu tính bằng tiền gian lận mà còn hàng ngàn đồng xu khác tính bằng những bê bối, lỗi lầm,những ghen tươnng thù oán, những vu khống ác ý… không làm tròn bổn phận với Chúa với người khác, với chính mình… Lâu lâu anh phải đi xưng tội để giặt lại tấm áo cháo lòng linh hồn của mình. Nhưng rồi vẫn chứng nào tật ấy, anh tiếp tục phạm tội như một tay nghiền ma túy trong tâm tưởng Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa rằng thân con bởi tro bụi và được cưu mang trong tội lỗi.
Anh ta đã tham gia vào các đoàn thể thiếu nhi, giúp lễ. Lớn lên anh hát trong ca đoàn, làm giáo lý viên, thậm chí là thành viên hội đồng giáo xứ. Nhìn bề ngoài anh ta có vẻ rất nhiệt tình, hăng say, đạo đức, nhưng thực chất con người nội tâm của anh vẫn không trở nên vững mạnh nổi. Không tin bạn thử hỏi anh ta mà xem:
Khi chết đi, anh có tin chắc là mình lập tức được vào Thiên Đàng không?
Chắc chắc anh ta sẽ khựng lại một chút, vội lướt qua đống tội của mình nhanh như ánh chớp, rồi buồn bã trả lời:
Điều ấy tuỳ thuộc vào lòng nhân lành của Chúa.
Thật tội nghiệp!! công khó theo Chúa từ tấm bé, hy sinh thời gian, tiền bạc, sức lực, lăn xả vào làm việc cho công trình của Chúa bao nhiêu năm trời… có mỗi một chuyện vào Thiên Đàng thôi mà không nắm chắc trong tay thì thật là phí công phí sức biết bao!!
Thế thì làm cách nào để nắm vững hoàn toàn mình được vào Thiên Đàng ngay khi giờ chết điểm? Điều kiện quan trọng đầu tiên là phải chuyển từ lối nhìn nhân loại sang lối nhìn theo ánh mắt tâm linh.
II. Theo ánh mắt tâm linh
Thiên Đàng theo ánh mắt tâm linh chính là nước Thiên Chúa.
1. Đặc điểm căn bản của nước Thiên Chúa
Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. (Rm 14:17).
Bình an và hoan lạc là niềm hạnh phúc mà ai cũng mơ ước kiếm tìm suốt cả đời nhưng không làm cách nào nắm giữ được. Họ cảm thấy hạnh phúc như bong bóng xà bông rực rỡ muôn màu huyền ảo. Nếu ngắm nhìn thì đẹp tuyệt vời, nhưng vừa đụng vào, nó lập tức vỡ tan, chỉ còn để lại một chút bọt vô vị, nhạt nhẽo. Tại sao vậy? Vì họ lầm tưởng hạnh phúc được xây dựng trên những gì thuộc về thế gian này như tiền tài, danh vọng, đam mê … mà những lạc thú chốn hồng trần này vốn nó luôn luôn biến đổi, nay còn, mai mất. Kể cả bản thân con người, nay sum vầy vui sướng, mai vĩnh biệt xót xa… Hạnh phúc trần gian quả là:
Phù hoa nối tiếp phù hoa
Ở đời hết thảy chỉ là phù hoa. (Gs 1:1)
Vậy bình an va hoan lạc đích thực ở đâu?
Chắc chắn không ở những gì mang hình tướng nơi trần gian nay, nó cũng không ở nơi bồng lai tiên cảnh hão huyền, xa xôi. Nhưng nó chính là “Bình an và Hoan lạc TRONG THÁNH THẦN”.
Ai đã một lần thử sống trong Thánh Thần, lập tức sẽ cảm nghiệm được thế nào là hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc ở đây không đổi thay như hạnh phúc trần gian lúc hứng khởi, khoái chí như bồng bềnh trên mây trời, lúc đau khổ, tủi nhục như chìm dưới vực sâu; nhưng hạnh phúc thực sự rất sâu lắng, bình an với niềm vui nhẹ nhàng, thanh thoát.
2. Nơi chốn
Khi người Do thái hỏi Đức Giêsu về nước Thiên Chúa, Đức Giêsu khẳng định: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! hay “Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17:20-21). Ở giữa là ở đâu? Chắc chắn không những chỉ ở trên chốn trời cao vô vàn hạnh phúc, mà còn ở ngay tại dưới thế trần này dù phải đối đầu với muôn nỗi khó khăn, cơ cực, đắng cay. Hay nói chính xác và cụ thể hơn: Nước Thiên Chúa ở ngay trong tâm mỗi người chúng ta. Làm sao biết? Bởi vì đặc điểm căn bản của nước Thiên Chúa là công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. (1 Cr 6:19). Như vậy chứng tỏ nước Thiên Chúa ở ngay trong lòng mình. Nói cách khác, dù bất cứ nơi đâu ta sống trong Thánh Thần thì ở đó ta được vui hưởng hoan lạc Thiên Đàng.
3. Thời gian
Đức Giêsu đã xác định: Đang ở giữa các ông. Thì ra nước Thiên Chúa đã được khai mạc cách minh nhiên – từ thời Đức Giêsu còn tại trần gian này. Nước Chúa luôn mang tính hiện tại vĩnh cửu – ĐANG – chứ không phải trông chờ một nước Thiên Đàng mai sau – nơi thế giới bên kia – ở mãi tận phương trời vô định xa xăm nào đó, với những mơ ước mong manh diệu vợi.
4. Điều kiện hưởng nước Chúa
Vẫn dựa trên nền tảng: Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Như vậy, một trong những điều kiện quan trọng để hưởng nước Chúa chính là sống và lớn lên trong Thánh Thần. Chúng ta phải tin rằng Thánh Thần đang thực sự sống trong tâm hồn mình, từ đó tập sống trong Ngài ngày này qua ngày khác. Nhờ Thánh Thần là nguồn sống, nguồn sức mạnh nâng đỡ, dìu dắt ta bước đi trong đới sống mới – một cuộc sống dối dào bình an, hoan lạc. Chính lúc này chúng ta cảm nhận được rằng chúng ta đang thực sự vui hưởng Thiên Đàng ngay tại trần gian này với hương vị ngọt ngào của niềm hạnh phúc nhẹ nhàng thanh thoát.
Điều kiện nghe có vẻ rất dễ, nhưng cũng rất khó. Dễ đối với ai mở lòng lắng nghe và đón nhận Lời Chúa vào lòng mình như một mảnh đất tốt, rồi thực tập sống. Nếu có gì khó khăn – mà chắc chắn là gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu – đừng ngại, chúng ta chỉ cần viết thơ chia sẻ trên một trang web nào đó, bảo đảm sẽ có hàng chục email bay về góp ý, nhờ đó ta sẽ tìm được cách lớn lên trong Thần Khí Thiên Chúa một cách tương đối dễ dàng. Nếu xem xong, nghe xong, ta dẹp sang một bên, thì không ai có thể sống thay cho mình, kể cả Đức Giêsu cũng đành chịu!! chỉ còn biết nhẹ nhàng nhắn nhủ: Ai có tai thì nghe.
Xin lưu ý
Vì chủ đề của bài này là Thiên Đàng, nên chúng ta có cảm tưởng rằng Thiên Đàng là mục đích cuối cùng của cuộc sống đời Kitô hữu. Thực ra, không phải vậy. Thiên Đàng chỉ là kết quả đương nhiên của cuộc sống kết hợp nên một với Chúa trong Thánh Thần. Đây mới chính là mục đích của đời sống tâm linh. Chính vì thế, điều khiến tâm đắc nhất, mối bận tâm nhất của chúng ta lúc này là sống trong Thánh Thần – Sống trong Chúa – Tất nhiên đây cũng chỉ là MỘT TRONG NHỮNG PHƯƠNG THẾ, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ PHƯƠNG THẾ DUY NHẤT – để cuộc đời kết hợp nên một với Chúa ngày càng hoàn hảo hơn, viên mãn hơn, trọn vẹn hơn. Và chính những giây phút ngọt ngào đó là lúc chúng ta đang hưởng Thiên Đàng ngay tại thế gian đầy vất vả, khó nguy với chông gai lởm chởm trên đường.
Michael Nguyên