Chúa Giêsu lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện (Lc 5,16).
Kể câu truyện, có một thầy giáo bước vào lớp học và viết ba số chữ lên bảng: 2-4-8. Thầy quay lại hỏi các học sinh trong lớp: “So, what’s the solution? Như vậy, giải đáp thế nào? Có vài học sinh nói: Cộng các số lại thành 14. Thầy giáo lắc đầu. Học sinh khác trả lời: Con số tiệm tiến, số kế là 16. Thầy vẫn lắc đầu. Nhóm ở cuối lớp nói: 64. Thầy giáo cứ lắc đầu. Sau cùng thầy nói: Không. Các em qúa vội vàng tìm giải đáp nhưng các em quên câu hỏi: What is the problem? Bài toán gì chứ? Trừ khi các em hỏi về căn cốt của vấn đề, các em không thể biết bài tính gì và cũng không thể tìm giải đáp. Thầy giáo nói đúng. Vấn đề thật là đơn giản nhưng chúng ta lại thường quên lãng. Hầu hết chúng ta vội tìm câu trả lời mà không tìm nguyên nhân căn cội của vấn nạn.
Chúng ta cùng nhau suy niệm một chút về đối tượng cầu nguyện. Nói chung, cầu nguyện là việc tốt. Cầu nguyện sẽ sinh ích cho chính đời sống của chúng ta trước. Có những tâm tình cầu nguyện chỉ để thỏa mãn những khát vọng thầm kín của con người. Chúng ta nhận biết có nhiều tượng thần do chính con người tạo nên và quay lại thờ phượng chúng. Giống như khi dân Do thái trên đường xuất hành ra khỏi Ai Cập, họ đã đúc tượng bò vàng để thờ lạy: Dân thấy ông Môsê lâu quá không xuống núi, bèn tụ họp bên ông Aaron và nói với ông: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môsê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập (Xh 32,1). Aaron đã nghe theo yêu cầu của dân chúng, ông còn nặng đầu óc đa thần giáo và thờ tôn thờ bụt thần: Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói: “Hỡi Ítraen, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.” Thấy vậy, ông Aaron dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi hô to: “Mai có lễ kính Đức Chúa! (Xh 4,5).
Chúng ta đọc câu truyện của tiên tri Êlia đã thách thức 450 ngôn sứ Baal dâng lời cầu nguyện nhân danh Thần mà họ tôn thờ. Các ngôn sứ và dân ngoại giáo chỉ tôn thờ thần tượng bằng gỗ đá vô hồn, vô cảm. Các ngôn sứ đã gào thét với thần minh của họ cả ngày: Đến trưa, ông Êlia chế nhạo họ rằng: “Kêu lớn tiếng lên, vì người là một vị thần mà! Người đang mải suy nghĩ, hay là đi vắng hoặc trẩy đường xa; có khi người đang ngủ, thì sẽ thức dậy thôi!(1Vua 18,27). Êlia lại càng nhạo cười sự sai trái và lầm lạc của các ngôn sứ giả. Họ càng kêu la và van nài, họ càng thất vọng. Thần bụt gỗ đá do chính họ dựng lên rồi họ bái phục tôn thờ. Họ cầu nguyện, nhưng chỉ cầu với khoảng không và tảng đá không hồn: Họ càng kêu lớn tiếng hơn và theo thói tục của họ, họ dùng gươm, giáo rạch mình đến chảy máu. Quá trưa rồi mà họ vẫn tiếp tục nói liên miên cho tới giờ dâng lễ; nhưng vẫn không một tiếng nói, không ai trả lời, không người để ý (1Vua 18,28-29).
Khi thánh Phaolô đi rao giảng Tin mừng ở thành Athena, Ngài thấy có bàn thờ kính thần Vô Danh. Có nghĩa là họ tôn thờ và cầu khẩn một vị thần mà họ không biết: Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị (Tđcv 17,23). Chúng ta thấy tất cả mọi tôn giáo đều có nghi thức cầu nguyện với thần linh. Đạo Tự Nhiên thờ lạy và khấn cầu với các quyền lực bên ngoài như Thần Hoàng, thần Mặt Trời, Mặt Trăng, thần Gió, thần Bão, thần Lửa, thần Địa, thần Sông, thần Núi, thần Tài…khi gặp tai ương họan nạn thì cầu Trời khấn Phật và hữu sự thì vái tứ phương.
Người Phật Giáo có những giờ cầu kinh Phật, xá lạy, vái nhang, xin ơn, xin xâm và thiền niệm. Người Hồi Giáo quỳ sấp mình cầu nguyện nhiều lần mỗi ngày qui về hướng mặt trời với Đấng Allah. Đạo thờ Thiên Chúa bao gồm nhiều giáo phái khác nhau, mỗi giáo phái có những cách thế cầu nguyện khác nhau tùy theo nghi lễ và truyền thống văn hóa. Người Kitô hữu cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi vô hình. Người Công Giáo có truyền thống cầu nguyện thâm trầm và sâu lắng với Thiên Chúa, đặc biệt trước Bí tích Thánh Thể, dưới chân Đức Mẹ Maria, các Thánh và có thể cầu nguyện mọi nơi mọi lúc. Kinh Thánh Cựu Ước là một bản kinh cầu nguyện trường kỳ từ đời này trải qua đời kia. Một trăm năm mươi Thánh Vịnh là lời cầu nguyện tha thiết và sâu đậm tâm tình nhất. Những tâm tình cầu nguyện của ông Job hay của vua Đavít cho chúng ta thấy sự nhiệt tâm cầu nguyện.
Các đạo giáo và các giáo phái Tin Lành đều có nghi thức thờ phượng, học hỏi chia sẻ lời Chúa và cầu nguyện theo nhịp điệu ca hát. Tại sao các tín hữu lại chia ra làm nhiều bè phái và nhóm hội riêng, trong khi tôn thờ cùng một Thiên Chúa? Ngay tại Đất Thánh, nơi đã in ghi những dấu chân của Chúa Giêsu đi qua, đã và đang có biết bao nhiêu sự tranh chấp, phân biệt, hận thù và chia rẽ. Có lẽ chỉ vì đức tin. Đức tin làm tâm hồn con người trở nên khác lạ. Trên phần Đất Thánh tại nước Israel và Palestine đều có mặt các Đạo giáo: Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Chính Thống Giáo, nhiều giáo hội thuộc Công Giáo Đông Phương và Công Giáo Rôma. Nơi nào cũng có đền thờ tưởng niệm những sự cố đã xảy ra cho Chúa Giêsu và các thánh thời Giáo Hội sơ khai. Các tôn giáo cùng tin nhận một Thiên Chúa. Ai cũng muốn tôn thờ Thiên Chúa cao cả, nhưng mọi nơi đều có bao tường phân biệt. Mọi tín hữu đều muốn cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ai cũng muốn được hưởng ơn cứu độ. Vậy đâu là con đường dẫn chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa đây?
Chúa Giêsu xuống trần mặc khải cho chúng ta hiểu biết về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu là con người cầu nguyện. Chúa nêu gương cầu nguyện trong tin tưởng và khiêm hạ. Chúa dạy các tông đồ cầu nguyện. Chúa Giêsu dẫn dụ những cách thế mà con người thường dùng khi cầu nguyện. Có những cách cầu nguyện trống rỗng khoe khoang và hình thức: “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi (Mt 5,5). Có những lời cầu khinh dể, cao ngạo, giả dối, trách móc và so sánh hơn thua với người khác: Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con (Lc 18,11-12)
Có khi những lời nguyện sáo ngữ và xin xỏ đủ điều. Họ nghĩ Chúa như ông chủ giầu có, ngồi sẵn đó chờ lời van xin để phân phát: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin (Mt 5,7-8). Chúa dạy chúng ta đừng bắt chước những kẻ cứ lải nhải xin hết ơn này tới ơn khác theo ý muốn của riêng mình. Chúng ta biết rằng Chúa thấu tỏ mọi sự kín nhiệm trong lòng ta, Chúa cần chính tấm lòng biết phó thác và trông cậy vào Chúa hơn là những lời nói môi miệng dài dòng. Chúa là Cha đầy lòng thương xót. Chúa Giêsu dậy chúng ta cầu nguyện: Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh (Mt 5,6).
Là loài thụ tạo, chúng ta có những nhu cầu thể xác và tâm linh cần được thỏa mãn. Cầu nguyện là để thờ phượng, tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa và cầu xin ơn phù trợ. Thiên Chúa đã ban cho con người có khả năng và trí tuệ để làm chủ mọi loài. Chúa cũng trao ban cho con người vốn liếng tình yêu cần thiết để sinh lợi. Sự sống sự chết ở trong sự quan phòng và quyền phép của Chúa. Chúa thương xót thân phận loài người, nhưng Chúa không luôn can thiệp để cất khỏi tiến trình của luật tự nhiên. Chúng ta phải sử dụng hết khả năng và hết sức mình để khắc phục, phần còn lại phó dâng lên Chúa. Chúng ta đừng ỷ lại và phó mặc mọi việc cho Chúa. Đau bệnh thì phải uống thuốc. Yếu nhược thì phải đi khám bác sĩ. Bệnh họan thì phải chữa trị. Cầu nguyện để được thêm sức chịu đựng và may mắn gặp thầy gặp thuốc.
Câu truyện, có một em học sinh lười biếng, chú ý thấy một bạn học gái trả bài tiếng Tây rất thông thạo. Một ngày, em bé trai tò mò hỏi bạn: Làm sao bạn có thể trả lời bài học một cách trôi chảy thế? Em gái trả lời: Trước khi học, tôi luôn luôn cầu nguyện để được nhớ và trả bài tốt. Bé trai ngạc nhiên và thích thú: Thật thế hả? Bé trai nghĩ đây là bí quyết của cô bé. Và rồi bé trai suy nghĩ: Vậy, tôi cũng cầu nguyện. Tối hôm đó, bé trai cầu nguyện hết mình với tất cả những lời cầu xin chân thành. Tuy nhiên, sáng hôm sau, bé trai không thể nhớ được một câu bài nào cả. Lo lắng, bé trai tìm đến gặp bé gái và trách cứ là đã lừa dối. Bé trai nói: Tôi đã cầu nguyện nhưng không thể lập lại được bài học. Cô bé nói: Có lẽ bạn đã không chịu khó học bài. Dĩ nhiên là không, bé trai nói, tôi không học tí nào cả và không có lý do gì phải học. Bạn nói với tôi rằng hãy cầu nguyện và có thể nhớ được bài mà. Cô bé gái nói: Đó là vấn đề của bạn. Tôi nói cầu nguyện trước khi học, chứ không thay thế việc học.
Khi cầu nguyện chúng ta đừng gào thét hay la hét. Chúa đầy lòng từ ái khoan nhân và êm ái dịu dàng. Chúa không phải là gỗ đá vô tâm. Lời cầu của chúng ta phải chân tình và khẩn khoản. Chúa thấu tỏ mọi sự trong hồn ta và Ngài sẽ ban cho chúng ta như thánh ý của Ngài. Có những trường hợp ngoại lệ, Chúa ban ơn cách riêng qua lời cầu bầu của các thánh hoặc những ơn lộc đặc biệt qua những người Chúa chọn. Nguồn ơn thiêng của Chúa vẫn tuôn đổ trên thân phận con người.
Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện luôn và đừng chán nản. Hãy cậy trông trong sự khiêm nhu và phó thác. Chúa dạy rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho”(Mt 7,7). Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng