Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và những làn khói

Media, truyền thông khắp thế giới quay ống kính vào làn khói. Không biết bao nhiêu nghìn phóng viên quốc tế chỉ chờ giây phút lịch sử ấy để mình là người đầu tiên loan tin về một làn khói. Không biết mấy trăm triệu người theo dõi truyền hình về một làn khói.
Một trong những lời căn dặn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trước khi chết là: Tiếng chuông và những làn khói.Họ đến Roma để chứng kiến giây phút lịch sử. Chờ công bố Giáo Hoàng mới.

Nếu không vỗ tay khi làn khói bay lên, lỡ là khói trắng, họ mất cơ hội là những người đầu tiên reo mừng vì chứng kiến làn khói lịch sử.

Nếu vỗ tay mừng mà là khói đen thì giây phút lịch sử ấy lầm lỡ quá.

Media, truyền thông khắp thế giới quay ống kính vào làn khói. Không biết bao nhiêu nghìn phóng viên quốc tế chỉ chờ giây phút lịch sử ấy để mình là người đầu tiên loan tin về một làn khói. Không biết mấy trăm triệu người theo dõi truyền hình về một làn khói.

Người ta bực mình về một làn khói. Không đen, không trắng.

Thế kỷ này, người ta chứng kiến, người ta sống một trời lịch sử về những làn khói.

Con người hôm nay đang khủng hoảng về những giá trị không rõ trắng, rõ đen.

Trước khi vĩnh biệt trần gian, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để lại tiếng chuông trước những làn khói.

*****

Khói ở công trường Roma không nhiều, hai mươi sáu năm nay mới lại xảy ra. Khói ở cuối sân nhà thờ thì nhiều.

– Nhóm quyên tiền giúp người nghèo.

– Nhóm quyên tiền bảo trì đền thờ.

– Giáo dân tổ chức raising fund.

– Linh mục tổ chức raising fund.

Nhóm nào cũng muốn khói mình bay cao, bay xa. Nhóm nào cũng muốn mọi người chú ý đến ống khói của mình. Lúc này cuối sân đền thờ rất nhiều thứ khói.

– Có khi giáo dân trách linh mục về raising fund. Cuộc đời họ là chạy theo nhu cầu để raising fund rồi, ít được học về Chúa, khi đến nhà thờ, họ xin các ngài hãy nói cho họ về Chúa.

– Có khi giáo dân lại xin các ngài raising fund. Họ rủ các ngài vào nhóm raising fund. Họ tập cho các ngài raising fund. Họ dựa vào các ngài mà raising fund.

– Có khi linh mục muốn raising fund nhiều hơn giáo dân.

Cuối sân giáo đường hôm nay, khói bay muôn hướng.

Rồi từ những làn khói bay. Có người cay mắt. Có tiếng kêu. Có người mắt cay mà không kêu. Có người kêu mà khói vẫn bay. Từ những làn khói, có người bỏ cuối nhà thờ đi chỗ khác. Thì cũng từ những làn khói, có những người bỏ nhà thờ từ lâu, nay lại tìm đến. Đó là kỳ diệu của những làn khói. Có làn khói làm người đi xa. Có làn khói đem kẻ khác lại gần.

LỜI KINH VÀ NHỮNG LÀN KHÓI.

Cha Nguyễn Văn Quang, một linh mục người Việt Nam, coi một họ đạo lớn người Mỹ ở Greeley, gần Denver, Colorado. Một ngày chúng tôi lên núi Rocky Mountains. Trong câu chuyện đời sống linh mục. Chúng tôi nói chuyện với nhau.

– Mình là linh mục mà 60 phần trăm thời gian phải lo administration mất rồi. Có cuối tuần mất hàng tiếng đồng hồ chỉ ký checks cho nhân viên. Thế này thì hỏng, phải xét lại.

Linh mục được huấn luyện để nói về Chúa. Vai trò quan trọng của linh mục là sứ ngôn. Công bố Lời Chúa. Chúng tôi không được huấn luyện để raising fund. Nếu có linh mục kém raising fund, xin giáo dân đừng trách, đừng đòi buộc và so sánh. Khi có những linh mục raising fund giỏi, giáo dân ca tụng. Họ nhờ, họ xin các linh mục đó raising fund. Ca tụng linh mục này raising fund giỏi, chê linh mục kia kém, từ đó, giáo dân đưa dần làn khói, rất tiếc, không đen, không trắng vào cuối giáo đường, và có thể làm cay mắt nhiều tâm hồn.

Linh mục mà phải lo administration, phải lo đối phó với nhóm này, nhóm kia, phải raising fund, phải lo trả lời phỏng vấn, phải lo nhiều thứ quá, làm sao có thời giờ soạn bài giảng, làm sao có thời giờ đọc văn kiện Giáo Hội, làm sao có thời giờ nhận định xem khói đang bay về đâu, khói luân lý, khói đức tin, khói văn hóa, khói xu hướng, khói trong Giáo Hội, khói ngoài cuộc đời.

Trong những cuộc raising fund, làm cách nào để tránh được khói cạnh tranh?

Khi linh mục có mặt trong các chương trình này, dù tốt đến đâu, nếu có sự cạnh tranh, sẽ có “triệu người vui, và triệu người buồn.” Khói sẽ làm kẻ này đến nhà thờ, khói cũng làm kẻ khác bỏ đi. Nếu một việc mà như thế, một mục tử có nên làm không? Hay là trở về với bục giảng, để an ủi kẻ này bị khói làm cay mắt đừng bỏ nhà thờ đi, và cảnh tỉnh kẻ kia đừng lấy khói làm ai cay mắt.

Đức tin không có lòng xót thương, nó không có địa chỉ để về.

Lòng xót thương dễ ngộp thở trong một thế giới cạnh tranh.

Muốn giết lòng xót thương, có lẽ không khó. Cứ khen cha kia tổ chức giỏi, chê cha này giảng dài. Khen ông chủ tịch cũ, nhờ ông mà cộng đoàn mua được miếng đất. Hỏi ông chủ tịch mới, khi nào hội đồng mục vụ mới xây tượng đài? Nói Rollo hay thế sao kỳ này họ không mời? Cứ so sánh, khen và chê, sẽ thấy sinh họat xứ đạo ngộp thở, nhiều tâm hồn khốn khổ và lòng xót thương có thể sẽ chết tự bao giờ.

Khi một đoàn thể Công giáo tiến hành mà chỉ mong đoàn thể mình thành công hơn đoàn thể kia, thì đâu là Công Giáo tiến hành? Khi một dòng tu mà chỉ muốn dòng mình phát triển. Thành công của Phúc Âm là gì? Đối với việc tông đồ, làm sao có thể cổ võ kẻ khác bỏ tiền vào quỹ người nghèo do mình lập nên, đừng bỏ tiền vào quỹ kia? Nếu thế, đâu là lý chứng biện minh cho lòng bác ái và hành động như vậy? Nếu không, cứ khuyến khích người ta bỏ tiền vào quỹ kẻ khác, thì đâu là quỹ do mình lập nên? Đó là thách thức của lời kinh và những làn khói.

 HỌC THUYẾT PHAOLÔ:

ĐƯỢC LÀM KHÁC VỚI NÊN LÀM

Trong cộng đoàn Côrintô đã xẩy ra những chuyện được làm nhưng không nên làm. Phaolô viết:

“Được phép làm mọi sự” nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Được phép làm mọi sự” nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng. Đừng ai tìm lợi ích riêng nhưng hãy tìm lợi ích chung. Tất cả những gì bán ngoài chợ anh em cứ việc ăn… Nhưng nếu có người bảo: “Đây là của cúng” thì đừng ăn. Tôi không có ý nói lương tâm anh em, nhưng vì lương tâm người khác.(1 Cor. 10:23-33 – Xem chú thích câu 29, bản dịch Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Phaolô cẩn thận cắt nghĩa là ăn của cúng không sao, nhưng nếu vì gương xấu cho người khác thì đừng ăn. Phaolô viết:

“Không phải của ăn làm chúng ta gần Thiên Chúa. Không ăn những thứ đó, chúng ta chẳng thiệt, mà có ăn cũng chẳng lợi gì. Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho người yếu đuối sa ngã.” (1 Cor.10:8-9).

Trường hợp cụ thể xẩy ra ở cộng đoàn Côrintô là vấn đề ăn thịt cúng. Nếu dựa vào hiểu biết của mình, cứ làm, không cần biết gương mù có thể gây ra, nghĩa là biết ăn của cúng không có tội, cứ ăn, còn ai nghĩ thế nào kệ họ, Phaolô viết rất rõ về thái độ đó như sau:

“Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc. Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô. Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã (1 Cor. 11-13)..

Không phải chỉ gởi cho cộng đoàn Corintô. Trong thơ gởi cộng đoàn Rôma, chúng ta cũng gặp những căn dặn tương tự:

“Nếu vì bạn ăn một thức ăn, mà bạn làm phiền lòng người anh em, thì bạn không còn sống theo đức ái nữa. Đừng vì chuyện ăn uống mà làm cho người anh em của bạn phải hư mất, vì Đức Ki-tô đã chết cho người ấy.

Vậy đừng để cho thiên hạ chê bai điều mà anh em cho là tốt.Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Ai phục vụ Đức Ki-tô như thế, thì đẹp lòng Thiên Chúa và được người ta quý trọng. Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau. Đừng vì một thức ăn mà phá huỷ công trình Thiên Chúa. Đã hẳn, mọi thức ăn đều thanh sạch; nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu” (Rom. 14:15-20).

Trong hoàn cảnh xã hội hôm nay. Các vấn đề raising fund cần thận trọng. Nhưng tìm đâu tiêu chuẩn thận trọng? Có nên tìm hiểu thêm trong học thuyết này của Phaolô như một tiếng chuông không?

NHỮNG NGUY CƠ

Trong hoàn cảnh đặc biệt của người Công Giáo Việt Nam hải ngoại, raising fund là chuyện rất thường. Có khi cần. Nhiều người muốn đóng góp để xây dựng. Vấn đề là để được tốt, phải nói đến những nguy cơ để bảo vệ điều tốt kia.

 1. Nguy cơ thứ nhất: Power.

Đằng sau công việc từ thiện. Tiền bạc ngấm ngầm cho người ta power. Power ở đây mang nhiều mầu sắc:

– Power thứ nhất là chứng tỏ tài năng. Ai raising fund được nhiều, càng chứng tỏ nhiều power. Nhóm nào raising fund được nhiều càng chứng tỏ uy tín. Vì xã hội khen như thế. Đây là tiêu chuẩn xã hội, chứ chưa hẳn là đúng vì có những giá trị thành hình là do sự lầm lẫn của kẻ khác. Có người thành công trong raising fund, rồi cho là mình có tài năng. Có kẻ thấy người khác raising fund giỏi rồi cho rằng người đó có uy tín. Có nhiều cách raising fund. Nếu khen nhóm này đóng tiền nhiều để khích cái tự ái của nhóm kia thì đấy có là do tài năng và uy tín không? Nếu vì sự dễ tin của những tâm hồn chân thành mà dẫn họ vào những con đường vòng quanh mập mờ thì đấy có là nhân đức không? Giáo Hội đã có từng thời kỳ nhân danh ân xá để kiếm tiền, và đấy là một trong những nguyên nhân lớn trong cuộc ly giáo do Luther khởi xướng. Có đường lối thật, có đường lối sai. Phúc Âm gọi những tài năng giả, đường lối sai đó là những ngôi mộ tô vôi.

– Power thứ hai là được có quyền chi tiền cho ai. Thứ power này êm dịu, kín đáo vô cùng. Nó kín đáo lẻn vào lòng người, nhưng nó lại tỏ lộ trong thái độ sống. Người ta kín đáo che đậy, nhưng nó lại êm dịu như ánh trăng chiếu ra, không giấu được.

– Power thứ ba là được người chịu ơn ca tụng. Ai cũng bảo mình không muốn kẻ khác cám ơn. Nhưng ít người chỉ raising fund mà lại không muốn “đích thân” mình về Việt Nam trao tiền thì mới chắc chắn. Có hai thứ “đích thân”. Một là đến từ lòng nhiệt thành. Hai là kín đáo đến từ thứ power này.

Những power này, nó thầm kín, nhưng người ta dễ nhận ra. Những thứ Power trên đây không loại bỏ ai, giáo dân cũng như tu sĩ.

Khi không ai cắt cử mình vào công việc raising fund mà cứ có động lực thúc đẩy, thì cần cẩn thận vì có thể đàng sau động lực bác ái, đang bị những power trên đây thúc đẩy.Và đối với người dâng cúng tiền bạc cũng nên khôn ngoan nhận định những động lực này.

Tiêu chuẩn để canh chừng chính hồn mình, hoặc để khám phá ra các thứ power trên đây, thánh Phaolô đã viết cho cộng đoàn Galát:

“Hoa trái của Chúa Thánh Thần là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Galát 5:22-23). Như thế, khi công việc dẫn tới những gì ngược với hoa trái trên đây, đấy là dấu chỉ cần thức tỉnh về những làn khói.

 2. Nguy cơ thứ hai: Power.

Đằng sau công việc từ thiện. Tiền ngấm ngầm lấy mất power của người ta. Nguy cơ thứ nhất, tiền cho người ta power có chất độc, nguy cơ thứ hai, trong power nó cho, nó lấy mất power nhân đức mình có. Power bị mất ở đây cũng mang nhiều mầu sắc.

– Power bị mất là không còn thời giờ cho đời thong thả, vì quá khắc khoải làm sao công trình của mình thành công. Với linh mục, thêm những mất mát khác, thiếu thời giờ thăm bệnh nhân, soạn bài giảng, học hỏi thêm. Và làm mình “chia trí”. Tại sao Đức Kitô quả quyết tiền bạc ở đâu thì lòng dạ ở đó. Nếu linh mục rơi vào tình trạng này thì lời giảng của linh mục mất nhiều power. Đây là mất mát rất lớn.

– Power bị mất là có thể mất lương tâm trong sáng. Tiền dễ đi tới gian lận. Lỗi đức công bình. Cắt nghĩa quá rộng cho lương tâm của mình vào vấn đề xử dụng quỹ bác ái. Ngày còn là các chú tiểu chủng viện Têrêsa, Long Xuyên. Cha giáo Vũ Sửu, bây giờ ngài vẫn còn sống, nhưng cha già yếu rồi, ngày đó, hơn ba mươi năm về trước, miền Tây thường lụt lội, ngài nhờ chúng tôi đi ủy lạo người nghèo bị lũ lụt. Tôi nhìn những thùng xà bông. Nhiều như thế kia, nghĩ làm công tác xong, thế nào cha chẳng cho mỗi đứa một bánh xà bông. Vậy mà ngài không cho một bánh nào. Lúc đó, đứa nào mà không buồn. Nhưng ngài dạy chúng tôi, dù một bánh xà bông, phải giữ tấm lòng trong sạch. Tôi vô vàn biết ơn những linh mục rất nhân đức trong đời tôi.

– Power bị mất là không còn trái tim bao dung. Họ sẽ cạnh tranh với kẻ khác, gây gương mù. Có thể đi đến phá đám nhau. Gây chia rẽ cộng đoàn vì cần các đoàn thể khác ủng hộ mình. Người ta có thể gây chia rẽ và kiếm được trăm ngàn dễ dàng. Nhưng không dễ dàng dù chi trăm ngàn để chữa được vết thương đã chia rẽ. Trái tim bao dung và sự hiệp nhất có là tiêu chuẩn thành công theo cách thế của Nước Trời không? Việc làm của họ không còn siêu thoát. Giáo dân cũng vậy, tu sĩ cũng thế. Không nói đến tiền bạc, cách đây hơn hai mươi năm, vào năm 1984 cha Julian Elizalde, người Tây Ban Nha, hiện nay còn sống, đang làm việc ở Roma, một mình lái xe khắp các tiểu bang nước Mỹ lo tĩnh tâm cho giới trẻ Việt Nam. Tôi còn làm thày, xin theo ngài để học hỏi. Một chuyến hai cha con lái xe xuyên bang, ngài tâm sự:

– Có cha Việt Nam bảo giới trẻ nằm trong tay ông cha người Tây! Họ sợ tôi ảnh hưởng. Là pastor tốt thì phải lo cho giáo dân, đáng lẽ họ nên nhờ tôi đến giúp họ, họ lại cho rằng cho tôi đến giảng là một ân huệ.

Tôi còn nhớ mãi lời này. Xã hội này phải cạnh tranh mới sinh tồn. Cạnh tranh lẻn chui vào cả vấn đề thánh thiện của tôn giáo. Có những cộng đoàn giáo dân thiệt thòi chỉ vì pastor của họ như thế.

NHỮNG LÀN KHÓI HOANG MANG

Khi giáo dân hoang mang về những làn khói, không biết đen hay trắng, giáo đường sẽ là nơi rất buồn. Thánh Phaolô bảo ăn của cúng không sao. Nhưng nếu gây gương mù thì đừng ăn. Nhiều giáo dân thắc mắc, tại sao linh mục cứ phải bỏ thời giờ vào những việc mà giáo dân làm được, hay vì họ thiếu khả năng? Mỗi người tự chọn cho mình một chọn lựa. Nhưng đây là nguyên tắc không thể thay thế: Dù tu sĩ hay giáo dân khi tham dự vào các raising fund thì công việc này phải là những làn khói trắng vô cùng rõ ràng, không thể xám.

Ơn gọi của người hướng dẫn tâm linh là phân biệt cho người ta khỏi lầm lẫn về những làn khói. Phân biệt cho người khác không lầm lẫn những làn khói đã khó. Chính mình làm làn khói thì phải rất trắng để người khác không thể lầm lẫn.

Mê ngủ nơi thiền sinh thì khác nơi thiền sư.

Tín đồ lầm lẫn, họ mong các vị linh hướng giúp họ phân biệt khói trắng hay đen. Khi người hướng dẫn tâm linh lầm lẫn, mong ai phân biệt dùm mình.

Đức Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II trước khi chết, Ngài thay đổi một nghi thức rất lạ. Để báo Tin Mừng cho thế giới là có Giáo Hoàng mới, đền thánh Roma không được để khói bay mà thôi. Trải qua nghìn năm lịch sử, thế mà bây giờ Ngài thêm vào: Khói trắng cũng phải có tiếng chuông kèm theo.

Công việc raising fund nhiều khi không rõ đen mà cũng không rõ trắng.

Khói bay ở sân nhà thờ hôm nay nhiều khi không rõ trắng, không rõ đen.

Đức Hồng Y Thuận đã phân biệt CHÚA và Công việc của chúa.

Để tránh lầm lẫn, mong ai phân biệt dùm mình?

– Phải có tiếng chuông!

Đối với giáo dân, làm sao linh mục giúp họ nhận ra tiếng chuông?

Đối với linh mục, đâu là tiếng chuông cho chính mình?

– Phải có tiếng chuông!

Đó là lời căn dặn của một con người đã làm xoay chiều lịch sử hôm nay.

Xin Đức Thánh Cha cầu bầu cho chúng con. Vì cuối sân giáo đường hôm nay có nhiều làn khói khác nhau.

 Phụ Chú.

Cần một tiếng chuông. Chính đời Đức Giáo Hoàng là một tiếng chuông rồi.

Có một phụ chú. Có thể chỉ là trùng hợp thôi, nhưng là trùng hợp rất đáng suy nghĩ. Ngôn ngữ Phúc Âm Gioan ở đây là tiếng chuông rất lạ, cho thấy kẻ đánh mất lý tưởng, phản bội Chúa và anh em mình là kẻ giữ túi tiền, chi tiền, quản lý tiền, là kẻ quan tâm đến người nghèo.

“Môt trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo.” Y nói thế không phải vì y lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: Y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” (Gioan 12: 4-6).

Power nào đã lẻn vào con người Giuđa?

Power nào Giuđa đã đánh mất?

Lm. Nguyễn Tầm Thường
Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment