Cầu nguyện là hành vi không thể thiếu trong đời sống tôn giáo. Người gọi là có đạo không cầu nguyện thì cũng giống như người đi trên đường mà không chịu cất bước. Có đi mới đến, không đi thì không thể đến. Ví cầu nguyện giống như việc cất bước để cho thấy đó là việc vô cùng hệ trọng không thể không làm. Tuy nhiên trong thời tục hóa này việc cầu nguyện nếu không nói là đã bị phế bỏ thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thực vậy tục hóa tức cũng là Giải Thiêng mà đã Giải Thiêng rồi thì còn cầu nguyện với ai ? Cầu để làm gì ? Việc cầu nguyện luôn bao gồm hai phần một là Cầu hai là Nguyện. Cầu là cầu xin với Đấng mà mình phụng thờ. Còn Nguyện là nguyện về nơi mình muốn đến. Chính bởi tính chất cầu nguyện là vậy nên trong tất cả các kinh nguyện trước đây đều thể hiện đầy đủ hai ý này. Cầu là cầu xin với Thiên Chúa để nói lên lòng Tin Cậy Mến với Ngài. Còn nguyện là nguyện cho Danh Cha cả sáng, nguyện vâng giữ mọi điều Chúa truyền dạy, mọi điều Hội Thánh truyền…Tất cả những lời cầu ấy đều được kết thúc với việc xin cho được về cõi Thiên Đàng hưởng vinh phúc đời đời.
Còn cầu nguyện thì còn đức tin, trái lại không cầu nguyện thì đức tin sẽ mất. Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội hiện nay trước hết là khủng hoảng đức tin vì không còn cầu nguyện cách xứng hợp. Đức cố hồng y Phan Xi Cô Xavie Nguyễn văn Thuận đặt câu hỏi và tự trả lời “ Tại sao HT khủng hoảng ? Vì đã hạ giá việc cầu nguyện” ( ĐHV 132 ).
Có hai hình thức hạ giá một là đánh đồng việc cầu nguyện với suy luận thần học. hai là cho đó chỉ là một thứ hình thức đạo đức …bình dân ( đọc kinh ). Đang khi đó cầu nguyện đích thực là hành vi tâm linh đòi hỏi cần phải xoay cái Tâm trở vào bên trong “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín, đóng cửa lại rồi cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6).
Cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật. Vậy nơi ẩn mật đó có thể là nơi nào nếu đó không phải là cõi lòng thâm sâu của mỗi người ? Cõi lòng thâm sâu ấy Đức Ki Tô có khi xưng tụng là Cha có khi gọi là Nước Trời. Chúa dạy chúng ta cầu nguyện bằng cách vào phòng kín đóng cửa lại có nghĩa phải xoay cái Tâm trở vào bên trong bằng cách đóng cửa giác quan ( mắt tai mũi lưỡi thân ý ) đừng để cho nó phóng túng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật. Chỉ khi nào cầu nguyện bằng cách hướng tâm như thế mới được Chúa báo đáp có nghĩa được ban cho ơn sủng dồi dào.
Để có thể kín múc ơn sủng bằng cách xoay tâm trở vào bên trong như thế đòi hỏi cần phải có phương pháp cùng với sự kiên trì trong thực hành. Phương pháp và lòng kiên trì luôn bổ túc cho nhau. Phương pháp giúp ta kiên trì, ngược lại kiên trì cho ta càng đi sâu vào phương pháp. Phương pháp được đề cập tới ở đây là môn Duy Thức, một pháp môn Đại Thừa Phật giáo do Bồ tát Thiên Thân ( Vasubandhu ) thế kỷ thứ V tạo lập. Duy Thức học là một môn rất khó tiếp thu bởi có rất nhiều danh từ chuyên môn ( Bách Pháp ) đồng thời cách phân tích lại chi li cho tới ngọn ngành. Tuy nhiên đó lại là môn vô cùng cần thiết cho tất cả những ai muốn đi sâu tìm hiểu về Tâm và về thế giới. Riêng trong lãnh vực tôn giáo Duy Thức Học giúp cho ta một cơ sở thực hành hết sức quý giá. Ngược lại không hiểu Duy Thức thì như cư sĩ Đường Đại Viên tác giả biên soạn Duy Thức Học nói “ Người học Phật vì không hiểu Duy Thức nên Phật Pháp suy đồi. Kẻ thế tục vì không học Duy Thức nên khinh báng Phật. Quốc gia vì không hiểu Duy Thức nên rối loạn. Nhân loại vì không học Duy Thức nên mới đảo điên”.
Bởi đâu không hiểu Duy Thức thì Phật Pháp suy đồi, nhân loại đảo điên ? Lý do là vì không biết muôn sự muôn vật đều không thật có chỉ là do Thức biến. Phàm phu ai cũng thấy cái nhà là…nhà nhưng theo Duy Thức Học thuần túy đó chỉ là cái tên xuông hoàn toàn không có thực chất. Sao nói không thực chất ? Bởi vì cái gọi là nhà ấy nếu phân tích ra thì gồm bởi nào là gạch ngói, xi măng sắt thép gỗ kính v.v..Tiếp tục đi sâu phân tích cho đến tận cùng bằng khoa vật lý sẽ thấy tất cả những cái gọi là gạch ngói xi măng sắt kính…đó chỉ là những nguyên tử. Theo thuyết vật lý cổ điển Newton thì nguyên tử là đơn vị nhỏ nhất và rắn chắc không thể phân chia. Thế nhưng với vật lý hiện đại thì nguyên tử chưa phải đơn vị nhỏ nhất bởi nó có thể bị phá vỡ. Thật sự thì trong không gian vật lý không hề có cái gọi là đơn vị biệt lập dù là nguyên tử mà chỉ là một thứ dạng năng lượng tức sóng và hạt. Nhà bác học A. Einstein đưa ra định nghĩa về vật chất bằng công thức E = mc2, trong đó C là vận tốc ánh sáng. E là năng lượng và m là khối lượng của vật. Công thức này cho thấy vật chất sẽ biến thành năng lượng khi nó đạt tới vận tốc ánh sáng. Ngược lại năng lượng cô đọng lại tối đa sẽ biến thành vật chất.
Phân tích như thế để cho thấy có sự khác biệt sâu xa giữa cái gọi là nhà của thường nghiệm và của khoa học. Người đời chỉ thấy cái nhà là…nhà để rồi từ đó khởi lên những ý niệm khen chê tốt xấu…mong cầu ghét bỏ này nọ. Đang khi ấy cái nhà theo vật lý học chỉ là một thứ khối lượng và nó sẽ biến đổi thành năng lưởng khi gặp điều kiện chẳng hạn cháy nhà, nước lụt, chiến tranh tàn phá v.v…Với khoa học thì vậy còn với Duy Thức thì nhà chỉ là cái tên xuông. Mặc dầu chỉ là cái tên xuông nhưng để nhà có thể là nhà, một nơi chốn cư ngụ thì nó không thể chỉ gồm bởi gạch ngói xi măng sắt thép….mà cần phải có các ông kiến trúc sư, các ông thợ xây thợ hồ v.v..Không có kiến trúc sư, thợ xây thợ hồ….thì gạch ngói xi măng vẫn mỗi thứ mỗi nơi làm sao có thể thành ra cái gọi là nhà được ?
Cần có kiến trúc sư, thợ xây thợ hồ…để làm ra cái nhà. Việc …làm ra ấy triết Phật gọi nó là Duyên Khởi. Gạch phải Duyên với xi măng qua bàn tay người thợ xây mới làm nên bức tường. Kính phải Duyên với khung cửa mới thành ra cánh cửa v.v..và v.v…Tính chất Duyên Khởi là trùng trùng bất tận, bởi đó cho nên không thể có bất cứ một đơn vị nào biệt lập dù …nhỏ như nguyên tử. Muôn sự muôn vật tồn tại là do Duyên Khởi và tính Duyên Khởi ấy thể hiện trong lãnh vực tâm linh chính là việc Huân Tập. Huân Tập nghĩa của nó là chứa nhóm. Hễ chứa nhóm cái gì thì sẽ có cái ấy, anh cứ tơ tưởng về quân bài quân bạc thì thế nào cũng sà vào sòng bài để ăn thua đủ. Anh cứ suốt ngày xem phim con heo, phim bạo lực đánh đấm súng nổ thì sẽ có ngày không phạm tội hiếp dâm thì cũng lạm dụng tình dục cách này cách khác. Trái lại nếu siêng năng đọc kinh, làm việc lành phúc đức tham dự Thánh Lễ hàng ngày thì tất sẽ có được cuộc sống an vui hạnh phúc đời này đời sau v.v.. Chứa nhóm cái gì sẽ có cái đó và sự chứa nhóm ấy chính là huân tập các chủng tử. Có ba loại chủng tử hay còn gọi là chủng tánh chính yếu =
1/- Vô chủng tánh: Đây là hạng người chỉ hay phát tâm làm những việc thiện ở thế gian như bắc cầu, làm đường, làm việc từ thiện cứu tế v.v.để hưởng phước báu thế gian. Hạng người này chỉ tạo nghiệp hữu lậu không có chủng tử vô lậu nên gọi là vô chủng tánh.
2/- Đại Thừa chủng tánh: Đây là hạng phát tâm Phật, rộng tu Lục Độ ( Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí Huệ ) Đoạn trừ cả ngã chấp và pháp chấp quyết định thành Phật nên gọi là Phật chủng tánh.
3/- Bất định chủng tánh. Đây là hạng người sẵn có cả chủng tử hữu lậu và vô lậu. Nếu gặp được Đại Thừa giáo hóa thì thành Phật. Còn gặp Nhị thừa giáo hóa thì thành Thinh Văn hoặc Duyên giác. Vì Tánh bất định như thế nên gọi là bất định chủng tánh.
Duy Thức Học đưa ra thuyết chủng tử huân tập mục đích cũng là để nói lên tính chất nhân quả trong việc tạo nghiệp. Nhân nào thì quả ấy. Chủng tử loại nào thì tạo ra nghiệp loại đó, chủng tử hữu lậu thì tạo nghiệp hữu lậu. Chủng tử vô lậu thì tạo nghiệp vô lậu. Tôn giáo suy cho cùng chỉ là vấn đề tạo nhân tối thượng để hưởng quả lành tối thượng. Cái nhân tối thượng của Đạo Phật là thành Phật. Còn của Đạo Chúa là nhận biết mình là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Nhận biết mình là Con Thiên Chúa cũng là nhận biết Sự Thật và chỉ khi nào nhận biết Sự Thật thì con người mới được giải thoát “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32).
Nhận biết Sự Thật Con Thiên Chúa ở nơi mình là con đường tạo lập nhân lành tối thượng và con đường ấy chỉ dành cho những người có tâm xuất thế tức hạng người có chủng tánh Đại Thừa. Đức Ki Tô đòi hỏi những ai muốn theo Ngài thì phải có tâm xuất thế. Ngược lại không có tâm ấy thì không thể theo. Trong câu chuyện chàng thanh niên giàu có cũng muốn theo Chúa để thực hiện con đường trọn lành nhưng khi nghe Ngài nói phải về bán hết nhà cửa ruộng vườn thì anh ta bèn thối lui. Sau khi anh ta đi khỏi Chúa nói với các môn đệ “ Ta nói cùng các ngươi, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Nước ĐCT. Các môn đệ nghe lời ấy thì kinh ngạc quá đỗi mà thưa rằng thế thì ai có thể được cứu. Chúa đáp = Đối với loài người thì việc ấy bất năng nhưng với ĐCT thì mọi sự đều khả năng” ( Mt 19, 16 -26).
ĐỐI VỚI Thiên Chúa mọi sự đều khả năng, vậy khả năng ấy là gì ? Xin thưa đó là cầu nguyện cùng với đức tin và lòng kiên trì “ Vậy bất cứ mọi điều gì các ngươi xin trong khi cầu nguyện hễ tin thì chắc chắn nhận được” ( Mt 21, 22). Có tin mới cầu, không tin thì không cầu. Tuy nhiên trong việc cầu xin này chẳng phải khi nào cũng được Chúa nhậm lời. Bệnh hoạn ốm đau mà cầu xin mãi có được đâu ? Làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng cầu xin cho khỏi nghèo đói mà có được đâu ? Lời Chúa là lời chân lý không hề dối. Vấn đề ở chỗ chúng ta cần có đức tin như thế nào trong khi cầu nguyện. Cầu nguyện và đức tin luôn phải đi đôi với nhau. Thế nhưng đức tin chỉ có thể nảy nở và trưởng thành nếu chúng ta có sự kiên trì trong cầu nguyện. Đức Ki Tô trong Vườn Cây Dầu nói với Phero “ Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ. Tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt thì yếu đuối” ( Mt 26, 41).
Tỉnh thức nghĩa của nó là Nhớ, trái với Tỉnh là Mê. Chúa nói tỉnh thức và cầu nguyện, điều ấy có nghĩa cốt yếu việc cầu nguyện là để cho ta được nhớ đến Chúa ở nơi mình. Nếu hiểu cầu nguyện mục đích để cho ta nhớ Chúa thì có thể chẳng cần nhiều lời. Đức cố hồng y FX Nguyễn Văn Thuận trong “ Năm chiếc bánh và hai con cá” có kể một mẩu chuyện rất ý vị về cầu nguyện.Có ông lão tên Jim hàng ngày cứ đúng 12 giờ trưa vào trong nhà thờ không quá hai phút rồi đi ra. Người trông coi nhà thờ thắc mắc hỏi vào nhà thờ làm gì mà lại ra nhanh thế. Ông nói = vừa già vừa dốt tôi đọc kinh theo kiểu của tôi. Giesu có Jim đây”.
Cái ông già Jim ấy chẳng biết có dốt thật không nhưng chắc một điều là ông ta tin và hết lòng yêu mến Chúa Giesu. Mặc dầu vậy đối với phần đông chúng ta không có được lòng tin yêu như ông nhưng cũng có thể nhớ Chúa bằng cách kiên trì trong việc đọc kinh lần chuỗi Mân Côi trong gia đình nơi Thánh đường cùng với cộng đoàn hoặc bất cứ nơi nào = khi đợi xe khi rảnh rỗi v.v…Làm sao để có thể kiên trì trong cầu nguyện, đó là việc khó trong mọi việc khó. Lý do như Chúa nói “ bởi vì tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt thì yếu đuối”. Con người do bởi Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt ( St 3,…) nên luôn xu hướng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật ( sắc thanh hương vị xúc pháp )Đọc kinh thì cứ chia lòng chia trí chuyện này việc kia đến nỗi chán nản bỏ cả đọc kinh. Thế nhưng nếu bỏ đọc kinh, lần hạt thì cũng chẳng còn phương thế nào để nhớ Chúa nữa. Sở dĩ việc đọc kinh làm cho ta được nhớ đến Chúa là bởi Kinh là Lời Chúa. Đọc kinh tức là huân tập Lời Chúa ghi khắc vào trong Tâm. Tâm là cái kho chứa ( Tạng Tâm ) nó có thể chứa đến vô tận đủ loại chủng tử kể cả vô lậu hữu lậu. Lời Chúa mang giác tánh tức cái biết sáng suốt chân thật, Thánh Phao lô ví Lời Chúa như gươm bén “ Vì lời ĐCT là lời sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tủy biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người” ( Dt 4, 12 ).
Cầu nguyện với sự kiên tâm bền chí tức là huân tập Lời Chúa để cho ta có thể Nhớ Chúa trong hết cả mọi thời mọi nơi. Có nhớ Chúa được như thế thì Chúa mới nhớ đến ta. Có đồng thanh mới tương ứng, có đồng khí mới tương cầu ./.
Phùng Văn Hóa