Tôi trở lại ngôi nhà thờ lưu giữ xác thánh Phanxicô Xaviê lần thứ hai. Lần này tôi đi một mình, không đi Honda với Benedito nữa. Tôi muốn có thời gian thong thả, không bận tâm chụp hình, không quay phim. Tôi muốn có một khoảng trời cho riêng mình với chuyến đi thật dài đã tìm đến tận xứ này.
Ngồi bên bờ đá nhìn nắng ban mai đổ xống các góc cạnh đền thờ. Chung quanh ngôi vương cung thánh đường, những hàng dừa cao vút. Mấy gốc cổ thụ kia chắc có từ hồi Phanxicô qua truyền giáo chăng, to quá là to.
Tôi ngồi đây nhớ về kỷ niệm mười ba năm về trước. Năm 1988, tôi đã đứng bên ngôi mộ, nơi Phanxicô chết ở đảo Thượng Xuyên nhìn vào Hoa Lục. Ngày đó tôi hứa với lòng mình sẽ viết về chuyến đi ấy khi nào tới được Goa. Hôm nay tôi đang có mặt nơi mà mười ba năm trước ước mơ. Hôm nay tôi mới dâng lễ bên xác thánh mà hơn bốn trăm năm trước dân chúng đã nô nức đón về đây. Tôi miên man nghĩ về những bước chân. Nghĩ tới ngày xưa là cậu bé giúp lễ nhà thờ quê, một vùng sâu xa xôi. Ánh trăng chưa tan, trời con mù tối, cậu bé mười ba tuổi đứng đón xe lôi dọc đường lên Saigon lấy xe đò đi Long Xuyên nhập chủng viện. Lớn lên yêu con đường Văn Khoa, nhà sách Khai Trí. Rồi giã từ Saigon, bỏ nước đi. Một phần tư thế kỷ rồi. Nhìn lại những chặng đường, không ngờ bước chân tôi đi nhiều như thế. Những tối Bangkok, những quán chiều bên bãi biển Bali, Nam Dương, mấy năm trời bên Philippines, biển ngát xanh bên bờ Địa Trung Hải, Hy Lạp, những bữa cơm trên Tầu bên Đài Loan, những chuyến bay cất cánh ở Singapore, London, Bruxelles. Bây giờ đang ngồi đây trên đất phương đồng huyền bí, Ấn Độ. Tôi thả hồn tôi theo thời gian. Rồi ngày mai bước chân sẽ đi đâu nữa?
Nhớ mười ba năm trước ở đảo Thượng Xuyên, sau khi nhóm các cha Don Bosco trở về Macao, Paul và tôi, hai đứa tiếp tục cuộc phiêu lưu vào đất Quảng Đông. Tôi đã thấy những ngôi mộ người Việt Nam. Tên họ bằng Tiếng Việt còn ghi đó. Không biết có ai còn nhớ tới. Im lặng những mộ bia. Hồn họ đã xuôi về đâu? Tôi nhớ nhà thờ chính toà Quảng Đông, nơi linh mục vẫn làm lễ quay lên theo nghi thức trước Cộng Đồng Vaticanô II. Tất cả hình ảnh ấy sống lại, đưa tôi về dĩ vãng năm xưa. Tôi sắp giã từ Goa. Tôi sắp xa thành phố này. Sẽ vĩnh biệt Phanxicô Xaviê ở đây.
Mười ba năm trước tôi và Paul nói chuyện với ông già dẫn đường. Ông biết tôi là người Việt Nam, ông hỏi Paul rằng người Việt Nam cũng giống mình thế sao? Coi bộ người An Nam cũng hiền từ! Sau này Paul bảo tôi rằng ông chưa bao giờ thấy người An Nam, ông chỉ được tuyên truyền rằng người phương nam rất hung tợn độc ác. Khi quen rồi, ông hay bắt chuyện với tôi, nhờ Paul thông dịch. Ông hỏi tôi nghĩ gì về chuyến đi. Tôi tỏ vẻ tiếc nuối rằng thánh Phanxicô Xaviê không vào được đất liền Hoa Lục. Gía mà Phanxicô Xaviê không chết, ngài truyền giáo được cho các vua chúa Trung Hoa thì cả lục địa này theo đạo hết. Nghe vậy ông già chỉ nói với tôi, dáng điệu của một người đã rất kiên nhẫn bình thản:
– Chúa để thế chúng ta mới còn việc. Chúng ta phải tiếp nối những gì Phanxicô đang làm dở dang.
Tôi cứ nhớ mãi câu nói ấy của ông già. Ông ngồi trên thềm cửa, căn nhà thấp tối, nên đất ẩm lạnh. Vì thế tám năm sau gặp lại Paul Chen bên Đài Loan tự nhiên tôi hỏi anh ta là không biết ông già nói năm xưa là: “Chúng ta phải tiếp nối những gì Phanxicô đang làm dở dang”. Tôi không biết Paul Chen có để ý lời ông già nói không. Biết đâu anh ta cũng nhớ nhưng không nói ra. Cuộc đời, ai cũng có những kỷ niệm riêng tư. Có những hình ảnh tầm thường mà nó nhắc nhở ta cả một quãng đời.
Hôm nay ngồi bên xác thánh nhân, một trưa nắng trên đất Ấn xa xôi, tôi lại nhớ hình ảnh ông già năm đó. Biết đâu ông đã chết rồi. Trong những ngày thầm lặng nơi ngôi làng nhỏ ấy, là một Kitô hữu sống tháng ngày bách hại vì niềm tin. Ông đã làm những gì trong ý nghĩ “ta phải tiếp nối những gì Phanxicô đang làm dở dang”? Ngày mai tôi lên đường giã từ Goa. Rồi mười ba năm sau nữa, tôi sẽ ở đâu? Hôm nay không có ông già nói lời như năm xưa. Chỉ có tiếng vọng về:
– Chúa để vậy chúng ta mới còn việc. Chúng ta phải tiếp nối những gì Phanxicô đang làm dở dang.
Lm. Nguyễn Tầm Thường, sj.
Trích Những Trang Nhật Ký Của Một Linh Mục