GIẢI THOÁT TRI KIẾN

          Mặc dầu ngày nay Thần Học Giải Phóng được khởi xướng và phát triển tại các nước  nghèo Châu Mỹ La Tinh vào những thập niên sáu mươi TK hai mươi không còn được mấy chú trọng nhưng sức hấp dẫn của nó vẫn còn, lý do là vì người ta cho rằng nó có cơ sở từ Kinh Thánh: “ Nhằm ngày Sabat, theo thói quen Chúa Giê Su vào hội đường. Có người trao cho Ngài sách tiên tri Isaia, Ngài giở ra và đọc: Thần khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu  tấn phong tôi để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Sai tôi rao giảng cho kẻ bị giam cầm được giải phóng, kẻ mù được sáng. Kẻ áp bức được tự do và rao giảng Năm Hồng Ân của Thiên Chúa. Đoạn Ngài gấp sách trao cho người giúp việc hội đường. Mọi người đều chăm chú nhìn. Ngài bèn phán với họ rằng: Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi vừa nghe” ( Lc 4, 17, 21 ).

          Những lời Chúa Giê Su trích sách tiên tri Isaia quả thật đã ứng nghiệm nơi Ngài. Tuy nhiên đây có phải là cơ sở của Thần Học Giải Phóng theo nghĩa Giải Phóng Chính Trị hay không ?

          Ai cũng biết Thần Học Giải Phóng chủ trương đường lối dấn thân ( Praxis ) ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Duy Vật Mác Xit và từ nơi ảnh hưởng này ta thấy họ giải nghĩa Thánh Kinh theo một chiều hướng hoàn toàn khác chẳng có liên quan gì đến Con Đường Sự Thật của Đức Ki Tô: “ Chúa Giê Su bèn phán với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

          Chúa nói Sự Thật sẽ giải thoát chứ không phải Ngài. Điều này hết sức quan trọng, bởi nếu nói Đức Ki Tô đến để giải thoát dù theo nghĩa vật chất hay tâm linh thì công cuộc Cứu Độ của Ngài suốt hai ngàn năm nay kể như…thất bại hoàn toàn ! Chẳng phải thực tế cho thấy nghèo đói, bất công xã hội ngày càng trầm trọng không thể cứu vãn đó ư ? Mặt khác, chẳng phải giáo hội do Ngài sáng lập thực tế đang chìm trong cơn khủng hoảng vì nạn Tục Hóa ( Se’cularisme ) đó sao ?

          Chính Sự Thật sẽ đem lại giải thoát cho con người thế nhưng để đi đến Sự Thật thì phải theo Chúa và bước đi trên Con Đường Từ Bỏ: “ Như vậy, hễ ai trong các ngươi không từ bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).

          Từ bỏ là điều kiện tiên quyết để theo Chúa. Người thanh niên giàu có, sau khi nói với Chúa Giê Su rằng anh đã giữ tốt các giới răn thì Ngài nói: “ Nếu ngươi muốn được trọn lành thì hãy về bán hết gia sản ngươi cho mà cho người nghèo rồi hãy đến theo Ta. Nhưng khi gã trai trẻ kia nghe lời ấy liền buồn rầu bỏ đi vì người có tài sản nhiều lắm” ( Mt 19, 20 -22 ).

          Người thanh niên ấy không thể theo Chúa vì còn bám giữ của cải. Tuy vậy dù có bán hết của cải, phân phát cho kẻ nghèo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Chúa. Tại sao ? Bởi vì bán hết của cải đó chỉ là bước đầu để có được phước báu trong đời sau, còn bước tiếp theo mới là quan trọng cho việc nhận biết Sự Thật.

I/- Giải thoát tri kiến mê lầm.

          Tri kiến tức cái thấy biết của con người và cái thấy biết ấy luôn bị bóp méo không đúng như sự thật …nó là. Cùng nhìn một bình hoa, người thì cho là nó đẹp, người thì cho là nó xấu. Sở dĩ có sự thấy biết dị biệt đó là vì cái “Tôi” của mỗi người. Hay nói cách khác chính vì có cái “Tôi” nên mới có những sai biệt như vậy.

          Đối với con người thì thế, còn với một con ong chẳng hạn thì nó không phân biệt …đẹp xấu gì hết, chỉ thấy những bông hoa như là một thứ thức ăn ngon ngọt…Do đó không có cái thấy biết nào gọi là khách quan, tất cả tùy theo sự phân biệt và sự phân biệt ấy đều không đúng như sự thật.

  • Hòa hợp giả.

Khi ta nhìn một ngôi nhà nhưng…nhà chỉ là một cái tên, một khái niệm

do hòa hợp bởi các…duyên gạch, ngói, sắt thép, công thợ v.v…nên quy ước gọi là nhà. Khi dời các duyên đó mỗi nơi mỗi ngả thì đâu còn cái chi là nhà ?

  • Tương tục giả.

Cái nhà ấy không phải năm nào cũng như năm nào mà năm nay, tháng này nó vậy, sang năm hoặc tháng sau nó cũ đi, tàn tạ đi v.v…nhưng ta lại ngỡ rằng nó cứ như vậy mãi không thay đổi. Với các sự vật đã vậy còn chính con người  cũng phải theo quy luật sinh, già, bệnh, chết nhưng ta lại cứ tưởng rằng  sẽ sống được  mãi ?

  • Quán đãi giả.

Cũng cái nhà đó, mình cho nó là lớn hay nhỏ là vì đã so sánh  với những căn nhà khác. Giả tỷ không có căn nhà nào khác thì lấy đâu để biết nó là lớn hay nhỏ ? Với một cái nhà đã vậy còn với núi, sông v.v…cũng vậy ta cho núi này cao hay sông này sâu là vì đã so sánh phân biệt nó với các núi, sông khác mà thôi. Với các sự vật đã vậy, còn với các giá trị luân lý, đạo đức cũng thế. Tất cả chẳng phải là do chấp chước, phân biệt hay sao ?

  • Phân biệt giả.

Tất cả sự vật như bình hoa, cái nhà, núi, sông v.v…sở dĩ có khác biệt là do sự phân biệt của Ý Thức. Nếu không có sự phân biệt, so sánh, đối đãi của Ý thức thì cũng chẳng làm gì có tốt xấu, hơn thua, thiện ác, lành dữ v.v…Ý thức là đầu mối của muôn giống tội và đây cũng chính là tri kiến mê lầm của con người không ai tránh khỏi.

          Những sai lầm ấy diễn ra ngay trong lãnh vực triết và thần học mà Emanuel Kant ( 1724 – 1804 ) gọi đích danh nó là “ Cái Tôi Tưởng”( Le je pence ). Theo ông “ Cái Tôi Tưởng” là văn kiện duy nhất của triết học Duy Lý Tây Phương để rồi đưa ra một định nghĩa xác đáng về lý trí thế này: “ Lý trí chỉ là khả năng kết luận ( La raison est le pouvoir de conclure ) mà kết luận là đi từ quan niệm này sang quan niệm khác không hề nhắm đến thực tại. Nói cách khác, kết luận chỉ nhắm đến cái…phải có mà thôi.

          Đặc biệt đối với thần học thì …cái phải có ấy chính là Đấng Tạo Hóa cũng gọi là Hữu Thể Tuyệt Đối. Theo  quan niệm này thì toàn bộ triết học đều phải truy nguyên tới…cùng kỳ lý tức nguyên nhân tối hậu. Đã chủ trương nguyên nhân tối hậu thì tất nhiên phải nhìn nhận…Cái Có tức Hữu Thể: “ Bất cứ cái gì có trong thiên nhiên cũng đều phải do Cái Có mà phát sinh chứ không thể do cái không mà có được.

          Bởi  quan niệm  tất cả phải do Cái Có mà phát sinh thế nên St Anselme mới cho rằng: Thiên Chúa là một thực tại hoàn hảo để đi đến kết luận: Một thực tại hoàn hảo  như thế thì làm sao mà không hiện hữu cho được ? ( L.T.Nghiêm LSTH quyển 2 ).

          Như vậy Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa thuần túy chỉ là một quan niệm được phát sinh từ…cái phải có chứ không phải là Thực Tại như Ngài là ( Ego sum qui sum – Xh 3, 16 ).

II/-  Trở về với Tri Kiến…Như Thật

          Tri kiến Như Thật ấy vẫn luôn hiện hữu ở nơi mỗi người khi Tâm không khởi phân biệt. Nhìn một bình hoa mà ta không khởi đẹp, xấu đó là Tri Kiến Như Thật. Ngay khi  vừa mới sinh ra  ta chưa hề có bất cứ một thứ tri kiến nào. Chỉ khi lớn lên, được dạy dỗ, học hành thì mới có hiểu biết này nọ. Như thế tất cả những tri kiến ấy là do người khác đưa đến chứ không phải tự mình mà có. Trong lãnh vực tôn giáo kể cả đức tin cũng vậy cũng do người khác truyền thụ mới có. Mặc dầu đức tin không  như tri kiến nhưng nó cũng cần phải…sống đạo  có nghĩa rèn luyện, tu tập thì đức tin mới có thể trưởng thành.

          Được đào luyện trong môi trường tôn giáo, con người có thể trở nên tốt mà cũng có thể xấu nhưng thường là xấu nếu cố chấp trong đường lối của tôn giáo mình. Lòng  tin cần cho tôn giáo nhưng nếu lòng tin ấy trở thành cố chấp thì thật tai hại. Người trong Do Thái giáo rất tin và tôn trọng lề luật  nhưng họ lại cố chấp đến nỗi đã  nhiều lần kết tội Chúa Giê Su vì chữa bệnh trong ngày Sa Bat ( Lc 13, 10 -12 ).

          Tri Kiến Như Thật ở đây chính là sự Khôn Ngoan Thiên Chúa  nó khác hẳn với khôn ngoan chỉ là mê lầm đảo điên: “ Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng do sự khôn ngoan Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa  cho nên Ngài vui lòng dùng sự ngu dại của đạo chúng ta rao giảng mà cứu rỗi những kẻ tin” ( 1C 1, 21 ).

          Thế gian  cậy sự khôn ngoan tức ỷ vào tri thức triết/thần học để tìm kiếm Thiên Chúa nhưng cái họ…tìm được  chỉ là một khái niệm nào đó chứ không phải là Đấng Thiên Chúa Chân Thật  là Cha của Đức Giê Su Ki Tô cũng là Cha của mỗi một người trong chúng ta.

          Nếu tri kiến phân biệt khiến con người ngày càng xa rời Thiên Chúa  thì Tri Kiến Như Thật lại khiến ta gần với Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình. Có nhiều phương thế khác nhau để trở về với Thiên Chúa là ha nhưng tất cả đều phải quy hướng về Tâm. Bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm. Yêu người thì phải yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình. Cầu nguyện thì phải xoay cái Tâm trở vào bên trong mà cầu: “ Còn ngươi, khi cầu nguyện hãy vào phòng kín, đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật  sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 2 -6 ).

          Để  yêu… cả kẻ thù nghịch cùng mình là điều khó, rất khó. Vả lại với những con người bình thường cũng chẳng mấy khi có kẻ thù nghịch…để yêu. Thế nhưng về kẻ…thù nghịch nếu hiểu là ba thứ độc hại ( Tam Độc ) Tham. Sân. Si thì ai mà chẳng có ? Chất chứa Tâm nào sẽ có quả báo đó. Tâm tham sẽ đưa đến cảnh giới Ngạ Quỷ, chịu đói khát, giá lạnh trong vô vàn đời kiếp. Chất chứa Tâm Sân sẽ đọa vào cảnh giới Địa Ngục, chịu thống khổ đớn đau cùng cực không có ngày thoát khỏi. Chất chứa Tâm Si sẽ phải chịu kiếp súc sinh, trí óc mờ mịt,  ăn nuốt, giết hại lẫn nhau mới có thể tồn tại !!!

          Tất cả những nỗi khổ thống đó đều là hậu quả của tri kiến lầm lạc. Bởi vậy, nhất thiết cần có một phương thế hữu hiệu do Đạo Giáo cung cấp hầu đưa đến  giải thoát  và sự giải thoát  ấy phải diễn ra ngay từ trong tư tưởng. Kinh  Mân Côi Truyền Thống do Đức Mẹ truyền thụ cho Thánh Đa Minh chính là phương thế vừa dễ lại vừa có năng lực giải thoát những tri kiến mê lầm  chỉ với  một điều kiện  đó là bền đỗ: “ Song ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” ( Mt 10, 22 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts