Hơn một tuần lễ hạt mướp bắt đầu nảy mầm. Từ lúc nảy mầm đến khi leo lên giàn chỉ mất vài tuần lễ. Từ hai chiến lá non hình trái tim xinh xinh nó vươn ra chào ánh bình minh vui đùa trước gió. Ngoại trừ chiếc lá con so những chiếc lá sau này vươn dài mãi và bắt đầu chia ra những cạnh tam giác của một lá mướp trưởng thành. Trong khi đó đọt mướp bắt đầu cho ra những râu mướp non dài. Dân miền quê gọi là tay mướp. Chúng như những cánh tay vươn dài cuốn chặt lấy các cành cây nhỏ giúp cho giây mướp vươn tới, vươn tới mãi.
Tay mướp
Giây mướp chia ra làm nhiều đoạn khá đều. Giống như những lóng tre, giây mướp cũng vậy từ đoạn này đến đoạn kia cách nhau một cái lá. Bắt đầu từ lá đầu tiên và cứ khoảng hai tấc lại mọc thêm cái lá khác. Cạnh cuống lá có mọc một tay như cái râu dài, đầu cái râu cuốn tròn quanh cành cây. Tay mướp dài ngắn rất uyển chuyển. Cành cây xa tay vươn xa; cành gần tay nắm gần. Khi vươn tới cành đầu tay cuộn tròn năm bảy vòng như sợi chỉ, rắn chắc, bám chặt cành cây. Những tay này mọc xen kẽ nghĩa là cứ cách một lá lại mọc một tay. Nếu tay trước đó mọc bên phải; tay kế tiếp sẽ mọc bên trái và ngược lại thật đều. Cây mướp có trăm tay, nhiều ít, dài ngắn tuỳ theo mức độ xa gần của cành chung quanh. Giây vươn tới đâu tay mọc tới đó.
Nhiệm vụ
Nhìn thoáng ai cũng nhận biết tay mướp có nhiệm vụ giúp cho giây mướp khỏi bị gió cuốn đi hoặc giúp giây leo cao khỏi mặt đất. Quan sát kĩ sẽ thấy kì công của tạo hoá, cái khôn ngoan của thiên nhiên và đáng ca tụng, khâm phục lẽ kì diệu của đất trời.
Lá có nhiệm vụ tạo chất bổ nuôi giây, ngoài ra chúng là những chiếc dù che nắng cho giây mướp. Giây mướp cần nắng và sương tôi luyện trở nên bền bỉ hơn nhưng nếu nắng quá giây sẽ héo vì thế lá mướp là chiếc dù che nắng, nhờ gió phe phảy giữ cho giây đủ nắng, đủ nước, mỗi ngày mỗi rắn chắc hơn, từ từ thích hợp với điều kiện khắc nghiệt và dẻo dai chịu sức nặng của trái. Trong ngày nắng to, hơi nước bốc nhanh lá thường héo rũ che cho giây an toàn và khi đủ nước lá hút nước no bung ra như cánh dù trước gió. Nhiệm vụ khiên thuẫn của lá là che chở bảo vệ tay mướp nhú ra dưới cánh lá và nhờ lá che chở khi còn non dại, từ đó tay lớn hơn, dài hơn, mạnh hơn đủ sức vươn ra khỏi lá để bám vào cành. Tay mướp được bảo vệ kĩ càng như thế vì chúng được trao phó một nhiệm vụ quan trọng trong tương lai. Nhiệm vụ bảo toàn nòi giống, nhiệm vụ bảo vệ trái mướp. Trước khi trao phó cho công việc này tất cả các tay mướp đều phải trải qua thời kì luyện tập khá gian nan. Những tay mướp không đủ sức chịu đựng trong thời gian luyện tập giây mướp nơi đó không cho trái. Chỉ những nơi nào tay mướp vững chắc nơi đó giây mới cho đậu trái, ngoài ra đều bị chết non, héo mòn trong giai đoạn đầu. Chính vì thế mà mướp leo trên giàn bao giờ cũng nhiều trái hơn mướp leo bờ, leo bụi. Hơn nữa những giây mướp leo bờ bụi lung lay trước gió hoặc bị gió lay liên tục những nơi đó không có trái.
Lá còn nhiệm vụ quan trọng khác là nơi cuống lá nếu không mọc ra tay mướp, nơi đó thường cho chùm nụ và bông. Bông đực luôn là một chùm trong khi bông cái lại luôn riêng lẻ một mình. Khi những bông này còn non chúng nhờ cuống lá che chở, bao bọc, che giấu tránh côn trùng phá hại. Cả bông lẫn tay mướp sống nhờ lá, tồn tại nhờ lá.
Luyện Tập
Những tay mướp bám chặt vào cành cây và nhờ sức gió lay động chúng trở nên giẻo dai hơn, vững chắc hơn. Sức đong đưa, giật đi, ghì lại của gió làm cho giây vững chắc hơn, bền bỉ hơn, dai bền đủ sức chịu đựng cho ngày mai khi những quả mướp nhú ra. Xem xét kĩ sẽ thấy những nơi có trái giây nơi đó sạm hơn nơi khác, cạnh cuống lá to hơn và ngay cả những tay mướp quanh đó cũng vững chắc hơn, mập hơn. Chúng to đủ giữ cho giây khỏi đứt do sức nặng của trái. Không phải chúng lớn đều với trái mà chúng lớn hơn trước khi trái trưởng thành. Thiên nhiên đã chuẩn bị sẵn an toàn cho trái bằng cách cho giây nơi đó vững chắc hơn, tay mạnh hơn, dài hơn và sẵn sàng chịu mọi thử thách để bảo vệ trái.
Một giây mướp sống khoảng mười sáu tuần lễ hay bốn tháng, phải mất gần ba tuần lễ chuẩn bị giây và tay trước khi trái ra đời. Nghĩa là từ lúc trái chớm thành trái cho đến khi nở hoa đậu trái cần một phần năm thời gian của cả cuộc đời giây mướp. Xem thế đủ biết thời gian chuẩn bị chiếm một phần khá quan trọng trong đời giây mướp.
Mướp sống chuẩn bị cho những thế hệ tương lai. Phần chuẩn bị bên trong không nhìn thấy nhưng nhất định có. Quan sát kĩ sẽ thấy những nơi có trái hay có nhánh thì giây chỗ đó bao giờ cũng to hơn những nơi khác, lúc còn non thì xanh và nếu bị thương xẻ da, rách thịt nơi đó chảy nhiều nhựa hơn, nhựa cũng đậm hơn và khi về già thì giây đổi sang màu vàng sẫm hơn, thon nhỏ, vững chắc hơn.
Đời người
Đời người cũng thế, cũng có thời gian luyện tập và thử thách gian truân. Trước khi trao phó cho ta một nhiệm vụ, một trách nhiệm hay sứ điệp Thiên Chúa luôn tạo cho ta điều kiện thuận lợi để trải qua những thử thách trước khi trao phó trách nhiệm. Đôi khi ta không nhận biết ý định thầm kín Thiên Chúa tin tưởng, thao luyện ta trước khi Ngài trao phó trách nhiệm. Chính vì thế khi gặp gian nan, thử thách chúng ta than phiền, xin Chúa cất khỏi những thử thách. Có khi còn xin khấn, cầu kinh xin Chúa cất đi. Một khi Ngài cất khỏi các thử thách Ngài cũng lấy đi trách nhiệm lúc đó lại có lời than đời buồn chán, đời vô nghĩa. Thái độ khôn ngoan xin Chúa thêm sức mạnh, tăng lòng tin và ân sủng giúp vượt qua khó khăn để làm sáng danh Chúa. Một số vượt qua chướng ngại thành công lại vỗ ngực, xưng danh cho là tài cán hơn người, từ đó biến thành cao ngạo, khinh thường người khác. Thái độ này cũng sai. Thái độ đúng đắn là dâng lời cảm tạ vì ơn Chúa ban, vì thành công đạt được không phải thuần tuý do tài cán cá nhân mà nhờ ơn Chúa ban.
Điều trái ngược là trốn chạy, đầu hàng, bỏ ngang cuộc đua xin Chúa cất khỏi những thử thách nhưng lại xin Chúa ban cho những thành quả to lớn. Không muốn thử thách, không thi đua, bỏ ngang trách nhiệm nhưng lại ước ao, khao khát huy chương, thành quả.
Mấy ai trong chúng ta tin và nhận biết những thử thách hiện tại mang ý nghĩa Chúa đang chuẩn bị cho một trách nhiệm quan trọng trong tương lai. Tương tự như những giây mướp nơi mọc quả và tay những nơi đó đang được chuẩn bị để đeo hoa trái cho tương lai. Cuộc đời cũng vậy những khó khăn thử thách hiện tại là việc Chúa làm chuẩn bị cho tương lai với những khó khăn hơn, cần phấn đấu hơn, cần ơn Chúa nhiều hơn, cần trung thành hơn và cần gắn bó với Chúa nhiều hơn. Hãy tâm niệm Thiên Chúa đang chuẩn bị cho ta mang hoa trái tốt lành nặng trữu trong tương lai.
Thật lạ
Tay mướp ở những nơi gió chướng, nguy hiểm, tự nó do bản tính thiên nhiên định sẵn, đầu tay mướp chia ra làm hai ba nhánh, cuốn chặt hơn vào các cành chung quanh quyết giữ không để thân mướp bị hại. Bởi đâu tay mướp nhận biết khi nào cần chia tay ra để nắm chắc hơn. Tôi không đủ kiến thức về khoa thực vật học, tôi chỉ quan sát và nhận biết một sự thật đó là khi gặp nguy hiểm, đứng trước phong ba, gió lớn, lay động nhiều, tay mướp nắm chắc hơn, kiên vững hơn. Con người trước phong ba, trước thử thách một số cũng giống tay mướp bám chặt Chúa hơn, đặt niềm cậy trông nhiều hơn, số khác lại buông tay, đầu hàng, buông lỏng lòng tin chiều theo xu hướng xã hội.
Tay mướp ở những nơi gió chướng như thế thường bị trầy da, tróc vảy, có tay bị nghiến đứt do cọ sát, gió giật. Giây mướp nơi đó cũng thon nhỏ hơn, da cũng sạm hơn, bị bầm dập nhiều hơn. Hy sinh, chịu đựng và đau khổ của đoạn giây mướp kia giúp cho những đoạn giây khác an toàn, lớn mạnh đủ sức nuôi nhiều trái mướp tốt lành. Đau khổ, bệnh tật, khó khăn ở đời cũng làm phiền tấm thân, héo mòn, què cụt, bất toại, đói khổ, thất học và u sầu. Điều khó giải thích ở đây là người ta không nhìn thấy thành quả tốt đẹp của cơn lốc cuộc đời. Hy vọng có đó nhưng để chứng minh đau khổ mang lại thành quả tốt đẹp hầu như không mấy ai tin. Thiếu lòng tin nên sau cơn mưa trời lại sáng. Đúng thế ánh sáng soi rõ cảnh tàn tạ, rã rời, đổ nát. Càng nhìn rõ càng sợ, càng đau lòng hơn.
Tự chủ
Chấp nhận khổ đau, không chạy trốn, chối bỏ mà đối diện. Đối diện với đau khổ không phải là sống thụ động. Chấp nhận đau khổ không phải là chấp nhận bi quan, yếm thế mà chính là sống tự chủ. Làm chủ đời mình ngay cả khi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, ngặt nghèo nhất. Người tự chủ nắm bắt hoàn cảnh, khắc phục hoàn cảnh để hoàn cảnh phục vụ cho mục đích cao cả. Tự chủ để nhìn thấy cái đẹp trong cái xấu, nhận ra chân tướng của đau khổ, nhìn thấy mầm sống trong cõi chết và hy vọng trong tuyệt vọng. Nói cách khác sống tự chủ để nhìn thấy ân sủng Chúa trong mọi trạng huống cuộc đời, dù may, dù rủi, dù buồn, dù bệnh tật. Mọi giây phút đều cảm nghiệm được có Chúa ở cùng.
Chúa ở cùng
Để làm được công việc này chỉ một điều cần là lúc nào trong đời cũng tâm niệm câu Thiên Chúa ở cùng con luôn mãi. Một khi chúng ta ý thức Thiên Chúa ở cùng chúng ta sẽ thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi lối sống, thay đổi cách đối xử với anh em, thay đổi cách đón nhận sự khó. Chúa ở cùng nên tôi không thể nghĩ bậy bạ như thế. Chúa ở cùng nên tôi không thể dẫn Thiên Chúa đến chỗ không xứng đáng với Ngài. Thiên Chúa ở cùng tôi không thể nói năng như thế. Thiên Chúa ở cùng tôi không chịu đong đưa trước gió trong đơn lẻ nhưng cùng Ngài chịu đong đưa.
Thiên Chúa ở cùng giúp thay đổi con người của ta.
Lm Vũđình Tường
Nguồn: Tiếng Chuông