Khát vọng sâu xa và thầm kín nhất của con ngươì là hạnh phúc. Người ta sinh ra để được hạnh phúc, và cuộc đời của mỗi người trên trần gian này cũng là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc không ngừng,
Quan niệm về hạnh phúc của mỗi người một khác, nhưng hạnh phúc vẫn là một mối bận tâm lớn của con người.
Vi thế, có thể nói người ta sinh ra, lớn lên và ngay cả chết nữa cũng là để được hạnh phúc. Nhưng thử hỏi : mấy ai đã được hoàn toàn hạnh phúc trên cõi đời này ? Vậy hạnh phúc phải chăng là một điều viển vông hay một giấc mơ không bao giờ đạt tới ? Như thế bàn về hạnh phúc có phải là một điều không tưởng và một cách thế ru ngủ lòng mình hay không ?
Sau đây tôi xin lược giải về mấy loại hạnh phúc thông thường và phê phán về những thứ đó, rồi đối chiếu với tinh thần chân phúc để kết luận rằng hạnh phúc ở đời này là điều tương đối.
I. Phân loại hạnh phúc
Phải nhận rằng có hạnh phúc ở đơi này. Chẳng vậy, tại sao ngưòi ta vẫn cầu cho nhau Trăm năm hạnh phúc và thường bàn tán với nhau về hạnh phúc của người này người kia v.v… Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật thực tiễn vẫn luôn xưng tụng và cổ võ cho những hình thức hạnh phúc ngay trên cõi đời. Những người theo hai thuyết này muốn thiết lập những thiên đường ngay nơi hạ giới, chứ không phải đợi chờ một thiên đường nào khác ở bên kia thế giới. Hạnh phúc mà họ theo đưổi cũng như đang tìm cách thực hiện, diễn ra dưới mắt mọi người như là một cái gì vừa tầm tay, uyển chuyển và linh động, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện sinh sống của mỗi người. Đó là quan niệm thông thường của mỗi người và có thể tạm gọi là hạnh phúc khả giác.
1. Hạnh phúc khả giác
Gọi là khả giác tất cả những gì người ta có thể nếm cảm, nhìn xem, rung động hay vui thích. Bởi vậy, ăn thấy ngon là sướng, ngủ đẫy giấc là khoái, nhìn cho thỏa mắt là thú, được như điều ước nguyện là vui, kiếm được điều đang tìm là thích. Vui sướng, thỏa thích, khoái lạc,, mãn nguyện, thú vị, phỉ chí, sung sướng, đều là những từ ngữ tương đối đồng nghĩa để diễn tả hạnh phúc khả giác của con người. Phần đông khi nói đến hạnh phúc đều hình dung và diễn tả ra như thế.
Tuy hạnh phúc được bao gồm trong những chữ đó, nhưng mỗi chữ lại diễn tả một nét hạnh phúc khác nhau. Thí dụ bảo rằng người ấy sướng thật. Chữ sướng ở đây theo nghĩa thông thường là không phải khổ. Người ta vẫn cho là sướng những ai “ăn trắng mặc trơn” không phải chân lấm tay bùn, được thảnh thơi nhàn hạ, gặp may mắn về đường tình duyên hay của cải vật chất v.v… Hay bảo rằng di tu sướng thật. Người ta cho đi tu là sướng ở chỗ không phải lo ân lo mặc, tinh thần được thảnh thơi không phải bận tâm những chuyện như người trần gian và đuợc xã hội vị nể ưu đãi v.v… Xem thế, sướng ở đây được coi như một trạng thái an hưởng, một tình thế kéo dài lâu hay chóng, tùy theo những điều kiện vật chất nó đem lại cho người thụ hưởng. Vì thế, khi không còn được hưởng những điều kiện tạo ra cái sướng thì lúc đó con người lại hết sướng rồi. Thành ra nếu hiểu hạnh phúc theo nghĩa sướng thì hạnh phúc đó chỉ là một tình trạng khả giác mau qua. Khi nó qua rồi, người ta lại cho cảm thấy mình khổ.
Ngoài ra, nghe người ta cũng thường bảo : thích nhỉ, sướng nhỉ, mê ly chưa, mùi quá, sướng ghê ! Tất cả những chữ này đều bộc lộ những giờ phút sung sướng người ta đã trải qua. Tuy có sướng thật nhưng là cái sướng trong giây lát. Mà thường người ta lại ưa đi tìm những thứ này lắm, nhất là khi gặp khó khăn hay phải buồn rầu. Nếu có ai nói tới hạnh phúc ở ngoài phạm vi khả giác, thường người ta hay tỏ vẻ hoài nghi và coi đó là chuyện mơ hồ. Thông thường ai cũng cho rằng hạnh phúc phải là cái gì mình có thể hưởng thụ ngay được bằng giác quan. Vì thế, có thể định nghĩa hạnh phúc khả giác là một tình trạng mà trong đó mọi khát vọng và khuynh hướng của con người được thỏa mãn một cách đầy đủ và tức thời.
1.1. Hạnh phúc và hoàn cảnh bên ngoài
Cũng cần nói ngay là hạnh phúc khả giác tùy thuộc khá nhiều ở hoàn cảnh bên ngoài. Do sự tùy thuộc này mà hạnh phúc cũng trở nên hạn chế. Giữa hạnh phúc và hoàn cảnh bên ngoài luôn luôn xuất hiện một tình thế căng thẳng khiến con người như bị giằng co xâu xé. Đang được bình yên mạnh khoẻ, đôi khi tự nhiên lại băn khoăn lo lắng không biết tình trạng này kéo dài bao lâu. Thường chính những lúc được đầy đủ sung sướng nhất, người ta lại hoài nghi lo lắng không biết có được mãi như thế này chăng. Bởi vậy, trong hạnh phúc dường như bao giờ cũng có một bóng mây chập chờn, trừ ra khi người ta nghĩ rằng gió mát mặt lúc này hay lúc ấy, sự gì phải đến sẽ đến, hơi sức đâu mà bận tâm. Vì thế có người nói rằng : “Hưởng hạnh phúc thì luôn luôn làm cho hạnh phúc bớt đi”. hay bi quan hơn một chút; “Hạnh phúc là một câu nói láo. Vì theo đuổi nó mà sinh ra không biết bao nhiêu tai họa cho cuộc đời”. Bởi vậy, nhiều khi trong chính lúc thịnh sự may mắn nhất, có người lại trưởng như mình dang sống trong mơ. Tình trạng căng thẳng này càng thấy rõ, khi con người phải đối mặt với gian nan thử thách, thí dụ khi đau mới biết sức khoẻ là quí, khi bị bom đạn mới thấy hòa bình là một đặc ân.
Thành ra nói được rằng hoàn cảnh bên ngoài chi phối con người trong vấn đề quan niệm và hưởng thụ hạnh phúc. Hạnh phúc không hoàn toàn tùy thuộc con người, tuy con người có thể tạo điều kiện để tìm ra nó. Nhưng những điều kiện đó nhiều khi lại như ẩn hiện và thoát khỏi bàn tay con người. Là người, ai chả muốn tạo ra những điều kiện để được hạnh phúc, nhưng vẫn có người cố tạo ra mà không được. Đó là khi người ta muốn tình thế, sự đời diễn ra theo ý mình nhưng lại không như thế. Nếu xoay hướng được hoàn cảnh bên ngoài thì nhiều người đã không phải khổ. Chính vì thế mà hạnh phúc tùy thuộc một phần ở hoàn cảnh bên ngoài. Khi hoàn cảnh thuận lợi thì người ta bảo là may. May rủi là khi hoàn cảnh bên ngoài xảy ra thuận hợp hay không thuận hợp với điều người ta mong ước. Phúc hoạ của con người cũng một phần tùy thuộc ở may rủi đó. Bởi vậy, con người khó chủ động trong hạnh phúc khả giác, tuy vẫn có thể thụ hưởng nhưng là một thứ thụ hưởng nhất thời.
1.2. Hạnh phúc và khuynh hướng vị kỷ
Ngoài những hoàn cảnh bên ngoài có thể ảnh hưởng đến con người trong vấn đề hạnh phúc, người ta lại còn thấy hạnh phúc khả giác phải đối phó với một khuynh hướng khá quan trọng, đó là khuynh hướng vị kỷ. Điều này rất dễ hiểu vì tự nhiên ai cũng muốn được sung sướng hạnh phúc. Chính khuynh hướng này thu hút mọi khả năng và cố gắng của con người trong việc kiếm tìm hạnh phúc. Người ta mong được hạnh phúc để thoả mãn lòng mình. Mà lòng người lại thích những gì dễ cảm. Thành ra trong phạm vi khả giác, khuynh hướng vị kỷ tỏ ra rất mạnh mẽ như khi đói ai cũng muốn ăn, và khi ăn rồi thì cảm thấy dễ chịu vì không còn bị cơn đói dày vò, và có khi còn thú vị nữa vì đã được ăn ngon. Không ai cấm người ta cảm thấy cái thú vị đó. Có điều nếu ăn chỉ để tìm cái thú vị đó chứ không phải vì cần thiết thì vấn đề lại khác. Tìm vui để tạo ra khoan khoái dễ chịu cho mình, từ xưa đến nay vẫn được xem như một hình thức hạnh phúc thông thường. Hạnh phúc mà không chứa đựng vui thích bên trong đối với phần đông vẫn chưa phải là hạnh phúc. Bởi vậy, khuynh hướng vị kỷ dưới như hình thức gắn liền với việc theo đuổi hạnh phúc khả giác.
Ngoài ra như trên đã nói, hạnh phúc tùy thuộc một phần ở điều kiện bên ngoài. Mà những điều kiện ấy nhiều khi lại không diễn ra như ý người ta muốn. Khi người ta càng muốn kéo sự vật bên ngoài phục vụ mình thì chúng lại như tìm cách lẩn trốn.
2. Hạnh phúc tinh thần hay chân lý
Ngoài hạnh phúc khả giác ra lại còn một loại khác không tùy thuộc ở điều kiện vật chất bên ngoài bao nhiêu, đó là hạnh phúc tinh thần hay luân lý phát xuất từ hoạt động nhân đức. Thuộc loại này là những ai làm việc thiện hay có khả năng thắng vượt khó khăn và chịu đựng hoàn cảnh. Thật vậy, mỗi khi làm xong một việc thiện, tự nhiên ai cũng thấy vui vui. Đây là một niềm vui thanh thoát, vượt lên trên những điều kiện vật chất, Vì là một niềm vui tinh thần nên nhiều khi không hiện ra náo nhiệt bên ngoài và cũng ít tùy thuộc ở điều kiện vật chất hơn. Đó là niềm vui và hạnh phúc của các bậc hiền nhân có thể chấp nhận cái nghèo vật chất hay không cần nhiều thứ vật chất bên ngoài mà vẫn nếm cảm được hạnh phúc bên trong. Vì thế, có những người bên ngoài xem ra chẳng bằng ai, nhưng bên trong lại có một tâm hồn rất phong phú và một sức chịu đựng phi thường. Do đấy, hạnh phúc tinh thần là phần thưởng chính đáng cho những tấm lòng ngay thẳng, nghèo tiền nhưng giầu lòng nhân ái. Xem thế thì hạnh phúc ở đây khác với hạnh phúc do may rủi, vì may rủi không thuộc quyền định đoạt của con người, còn hạnh phúc tinh thần là do con người tạo ra bằng lòng nhân nghĩa và đạo đức của mình. Nó không tùy thuộc ở hoàn cảnh bên ngoài cho bằng xu hướng bên trong, đành rằng phải có hoàn cảnh phù hợp như khung cảnh, bầu khí, lòng người, thời cuộc v.v… con người mới dễ dàng hoạt động cho đạo đức hơn. Đây là một thứ hạnh phúc phát sinh từ lòng người, là kết quả do sự lựa chọn với nhiều hy sinh phấn đấu. Phải chăng vì vậy mới có những người tìm được niềm vui trong đau thương và bằng lòng chấp nhận cực khổ ngoài thân xác để đổi lấy niềm vui trong tinh thần. Đó là trường hợp của những vị anh hùng hay những bậc thánh nhân.
Nhưng phải công nhận rằng hạnh phúc thuộc loại này không phải là thứ nhiều người ưa chuộng, vì nó không hợp với khuynh hướng thích nhẹ nhàng êm ái của bản tính con người tự nhiên.
3. Mối xung khắc giữa khuynh hướng vị kỷ và giá trị tinh thần
Tinh thần thường đối chọi với vật chất. Giữa hai phạm vi đó, xung khắc là điều tất nhiên, vì một bên chủ trương lướt thắng, một bên tìm cách thỏa mãn. Vì vậy hạnh phúc tinh thần là kết quả của sự phấn đấu đối với mình và đối với hoàn cảnh và do đấy đi ngược lại với khuynh hướng vị kỷ. Nhưng vị kỷ là một khuynh hướng rất mạnh nơi mỗi người nên thắng được nó quả là gay go.
4. Hạnh phúc nào cũng pha lộn đôi chút vị kỷ
Hạnh phúc tinh thần tuy cao đẹp nhưng vẫn không thoát khỏi pha lộn đôi chút vị kỷ, vì bản chất của hạnh phúc là thỏa mãn lòng mình, dù bất dưới hình thức nào, như Delacroix đã xác định : “Bạn hỏi tôi đâu là hạnh phúc ở trần gian này ? Sau nhiều kinh nghiệm, tôi dám chắc nó hệ tại ở chỗ làm vừa ý mình”.
Thật thế, trong mọi việc lớn nhỏ, ai cũng mong tìm được sự mãn nguyện. Vì vậy, ngay trong sinh hoạt đạo đức, khi làm được một việc thiện, tự nhiên người ta thấyvui như nói ở trên. Niềm vui đó là một ước muốn sống vị tha của mình. Cho nên, dù không tìm kiếm, đôi khi ước muốn đó vẫn lẻn vào. Đó là những cám dỗ thường xuất hiện để làm giảm giá những hành vi đạo đức. Tuy vậy không phải bao giờ những cơn cám dỗ ấy cũng dập tắt được động lực siêu nhiên xui khiến làm việc nhân nghĩa. Trong phần sâu thẳm của lòng người, vẫn còn một nơi dành riêng cho sự cao cả. Đó là những hành động người ta làm do một sức mạnh bên trong thúc đẩy khiến con người bằng lòng chấp nhận khó khăn nguy hiểm. Nhưng bởi đâu lại có động lực mạnh mẽ cao đẹp đó ? Chắc là phải do một lý tưởng nhân ái hay một ý thức hệ nào tốt đẹp lôi cuốn. Đối với người tin Chúa thì đó là do tiếng gọi thúc bách của lòng yêu mến Chúa Ki-tô như thánh Phao-lô nói : “Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách tôi.”
II. Hạnh phúc theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật
Đây là một thứ hạnh phúc lạ đời không thể nào hiểu nổi ngoài tinh thần đức tin. Thật thế, bài giảng trên núi (Mt 5,3-12; Lc 6,20b-26) là một bản văn khó chấp nhận vì tính chất dường như ngược đời của nó. Trái hẳn với thói thường của người trần gian bao giờ cũng đặt căn cứ hạnh phúc trên sự giầu sang phú quí, danh giá thế lực hay vui thú, Chúa Cứu Thế lại đặt hạnh phúc thật trên tinh thần nghèo khó, khiêm nhường, thanh tịnh, trên sự cố gắng giải thoát lòng mình cho khỏi những sự ràng buộc quá nặng nề của vật chất.
Người rao giảng tinh thần nghèo khó, khuyên người ta tìm sự công chính, an ủi kẻ buồn phiền, đau khổ vì bị bách hại. Hạnh phúc mà Người hứa cho trần gian thuộc nội giới nhiều hơn. Đó là sự an vui của tâm hồn thắng vượt được những đam mê bất chính, thản nhiên trước sự vật lộn quay cuồng của nhân thế để chiếm hữu và hưởng thụ, khi những hoạt động như thế làm cho lòng mình trở nên u mê mờ tối và khát vọng không cùng. Mà không phải hạnh phúc đó ngày sau mới đến, nó đến ngay từ đời này, khi người ta rập khuôn đời mình theo lời dạy của Chúa Cứu Thế. Đối với những ai không tin nhận Người thì chẳng thể nói gì hơn với họ được nữa. Vì thế, nếu muốn bàn luận về hạnh phúc theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật thì điều kiện cần thiết là phải có đức tin. Vậy theo người công giáo thì hạnh phúc là sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật ngay ở đời này, bằng cách noi theo đời sống gương mẫu của Chúa Cứu Thế. Tùy theo sự rập khuôn với cuộc đời đó mà con người đạt tới sự trường sinh vĩnh cửu.
Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế, OP
VietCatholic News