Hạnh Phúc Trong Cuộc Đời

“Hãy sống thân tình với Thiên Chúa và xây dựng bình an,
anh sẽ tìm lại được hạnh phúc” (G 22, 21).

Thiên Chúa dựng nên con người để con người được hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc? Đó có phải là thứ hạnh phúc mà con người ước mơ và say mê tìm kiếm, chinh phục không? Hạnh phúc đó có thể hình thành theo toan tính và cách thức của con người không? Hạnh phúc đó có trọn vẹn, bền vững và vĩnh viễn không? Trước tiên ta cần tìm hiểu quan niệm cách chung về hạnh phúc, và sau đó xác định từng bước để dần dần đạt tới đỉnh cao là hạnh phúc Kitô giáo.

Quan niệm về hạnh phúc

Có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc trong cuộc đời. Cách chung, người ta coi hạnh phúc như một cái gì bên ngoài mà mình phải có được, như tiền tài, danh lợi, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị, uy thế, quyền lực, thành công, thỏa mãn ước muốn,. v.v… Mỗi người theo góc độ của mình, tùy thuộc vào nhu cầu thiết yếu của thể chất và tâm linh mà hình thành một quan niệm về hạnh phúc. Nhưng nếu như thế thì hạnh phúc là một cái gì chủ quan, phiến diện, tạm thời, và cứ phải săn đuổi, tìm kiếm, chẳng biết bao giờ cho có, và cho cùng. Hạnh phúc như thế đồng nghĩa với sở hữu, sở hữu càng nhiều, hạnh phúc càng lớn, chiếm cứ càng lớn hạnh phúc càng nhiều. Kinh nghiệm thực tế cho thấy không phải thế, nhưng trái lại, sở hữu càng nhiều, càng khổ tâm; chiếm cứ càng lớn, càng khốn đốn. Không nên lẫn lộn phương tiện với mục đích: “Con dao và cái nĩa không làm cho người ta ngon miệng” (De Sirvy).

Có những phương tiện không cần thiết, không cách này thì cách khác. Hạnh phúc không phải là cái gì bên ngoài mà mình cần phải có, nhưng nhiều khi lại là điều mà mình không có, và không cần phải có. Hạnh phúc không lệ thuộc vào những gì ta có, cũng không nằm trong những gì ta được. Không thể luận bàn về hạnh phúc trên cái có hay không có, được hay không được. Nó nằm trên bình diện khác của đời sống con người, trong chính tâm hồn con người.

Hạnh phúc trong chính tâm hồn mỗi người

Hạnh phúc thật vốn sẵn có trong một tâm hồn mỗi người chúng ta. Đó là trạng thái hồn nhiên của các trẻ thơ, mà Nước Trời thuộc về chúng, cho tới khi chúng bị khuynh đảo và bị đầu độc bởi những ảnh hưởng xấu xa và tiêu cực của xã hội và văn hóa. Bởi vậy, hạnh phúc không phải là cái gì chúng ta đạt được, nhưng nó đã sẵn có. Nó chỉ bị thất lạc, bị chôn vùi, hoặc bị mai một:

Ta không cảm nghiệm được hạnh phúc trong mọi lúc là vì ta sai lạc và náo loạn trong tâm trí cũng như trong tính cách của mình, làm mất đi hạnh phúc.

Ta không cảm thấy hạnh phúc lan tỏa là vì ta còn chôn chặt hạnh phúc dưới nhiều tầng lớp của ham muốn, thèm khát, tham lam, ảo tưởng, tự hào, cao ngạo…

Nguyên nhân gây nên sai lạc và tạo nên những tầng lớp ngu muội đó là do ta muốn tự đồng hóa mình với những quan niệm, danh hiệu, tên tuổi, nghề nghiệp, chức tước, địa vị… được người ta gán cho, bằng những mỹ từ trọng vọng và có khi rất kiêu kỳ, không chỉ trong những hình thức sinh hoạt văn hóa và xã hội, mà còn ngay trong truyền thống của các tôn giáo. Chúng ta bị nhồi sọ vì những từ ngữ và quan niệm đó, và coi nó như là điều thiết yếu làm nên chính mình, hoặc làm nên giá trị của một con người.

Những sai lạc đó gây nên mù quáng, tạo nên một tình trạng an thân giả tạo, và ru ngủ mình trên những sở hữu tạm bợ, mà xã hội coi đó như một danh phận, hay một ý thức hệ hợp thời. Cần phải thức tỉnh để nhận ra chính mình trong những thứ bung xung và hỗn độn đó. Cần phải giũ bỏ những ảo tưởng để thoát ra khỏi “mê hồn trận”, tìm lại hạnh phúc đang bị phủ che; cũng như phá vở mọi tầng lớp dầy đặc của những thanh thế và danh hiệu mà người đời gán cho, để từ đó khơi lên nguồn hạnh phúc đang bị vùi lấp dưới bùn nhơ của dục vọng thấp hèn. Không dễ gì phá vỡ những rào cản hạnh phúc đó, vì ta đã thấm nhiễm với những kiểu cách đó trong đời thường. Chính R. Tagore cũng đã nói lên như vậy:

“Chướng ngại trong tôi thường dai dẳng, nhưng khi rắp tâm đập tan, tôi lại thấy lòng dạ nhói đau. Tôi chỉ muốn có tự do giải thoát, nhưng lại thấy hổ thẹn khi mong đợi ngóng chờ… Bao quanh tôi là khăn liệm bụi bặm và chết chóc; tôi ghét vô cùng, ấy thế mà vẫn cứ yêu thương ôm ấp vào lòng…”

Ý thức được những mâu thuẫn tự cõi lòng mình, R. Tagore đã dâng lời khẩn nguyện:

“Thượng Đế, đây lời tôi cầu nguyện: xin tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường. Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui. Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời. Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó hay cúi đầu khuất phục ngạo mạn, quyền uy. Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng hồn lên khỏi những ti tiện hằng ngày. Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.”

Thiên Chúa là nguồn hoan lạc cho mọi tâm hồn, là đích điểm và cội nguồn hạnh phúc trong ta. Chính Ngài yêu thương ta vô cùng, và cho ta sức mạnh để phá vỡ mọi tầng lớp hỗn độn đang bít kín tâm hồn, để làm sáng lên nguồn hạnh phúc cho đời mình là chính Ngài. Chỉ khi nào chúng ta biết quỳ xuống trước tôn nhan Chúa với một tâm hồn khao khát mãnh liệt, với một đức tin tới một mức độ sống còn, thì lúc đó tâm hồn mới bắt đầu biến chuyển và sáng lên. Với Chúa, mọi sự đều có thể. Bởi vậy, người hạnh phúc nhất trên đời là người tin rằng mình được Chúa yêu thương.

Hạnh phúc chính là ban phát hạnh phúc

Chắc chắn hạnh phúc không phải là cái gì từ bên ngoài đi vào trong ta, nhưng từ bên trong ta lan tỏa ra bên ngoài để gặp gỡ, chia sẻ với người khác. Hạnh phúc chỉ có thực khi được trao ban, chứ không thể chiếm đoạt, nó chỉ nảy sinh từ lòng vị tha. Khi biết để tâm làm cho người khác được hạnh phúc thì chính mình cũng hạnh phúc, nên người hạnh phúc nhất là người đã tạo được hạnh phúc cho nhiều người khác. Trái lại, sự bất hạnh sinh ra từ lòng vị kỷ.

Từ đó, ta mới xác tín rằng thời gian của hạnh phúc là ngay bây giờ, và nơi chốn của hạnh phúc là chính tại đây. Nó hệ tại ở nụ cười, với tâm hồn lạc quan yêu đời, và ở sự chia sẻ nồng thắm của ta với những người chung quanh. Tất cả những cái gì bên ngoài chỉ góp phần nẩy sinh hạnh phúc chứ không bao giờ là nguồn đem lại hạnh phúc cho ta, mà chính ta mới là nguồn hạnh phúc cho mình. Chỉ khi dần dần ý thức nội tâm lớn mạnh, ta mới nhận thấy ở nơi mình một thứ hạnh phúc đích thực, không lệ thuộc vào ngoại vật, cũng không lệ thuộc vào người khác, nhưng lệ thuộc vào chính mình. Để từ đó, ta biết chấp nhận mình, bằng lòng với mình, cảm thấy luôn đầy đủ cho mình: “Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc. Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” (Nguyễn Công Trứ).

Hạnh phúc là như thế, nó thuộc về những người biết tự đủ cho mình, chứ không phải nằm chờ ở những mơ ước xa xôi, cũng không trông đợi vào những hoạch định lớn lao hay những công trình sáng giá trước mặt người ta: “Xót xa biết bao khi tìm hạnh phúc qua đôi mắt của người khác” (Shakespeare). Hãy trở về với lòng mình, nơi khởi nguồn hạnh phúc.

Hạnh phúc là một tâm thái

Từ những xác định trên ta mới chân nhận rằng: “Hạnh phúc là một tâm thái, nảy sinh từ xác quyết đơn giản này: có thể hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hạnh phúc không nằm trong sự vật đổi dời, hay thành tựu bên ngoài. Đó là vàng ròng chôn vùi dưới bùn nhơ của dục vọng thấp hèn. Khi biết rằng chẳng có gì bên ngoài như thất vọng, thất bại, bị hiểu lầm… có thể khuynh đảo ta, là ta đã tìm thấy hạnh phúc đích thật”.

Cũng như trên, Thánh Têrêsa Giêsu Hài Đồng đã cho ta cái cảm nhận về hạnh phúc như sau:

“Hạnh phúc thật ở trong tâm hồn của mỗi người, và con người có thể luôn hưởng được nó, nơi huy hoàng tráng lệ của cung điện hoàng gia, hay trong tăm tối thâm u của chốn ngục tù”.

Lạ thay, những tư tưởng lớn lại thường gặp nhau. Trong Phật giáo cũng có câu: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Mục đích của thiền định là đem lại sự bình an sâu xa cho tâm hồn, nhưng điều đó không cần nữa khi mọi hoàn cảnh của cuộc sống không còn làm náo động và lung lạc tâm hồn. Một tâm hồn ung dung tự tại giữa những thăng trầm thay đổi, để không có gì và cũng không có ai có thể lôi kéo, chế ngự hay lèo lái những cảm nghĩ chân thật và trong sáng của mình. Đó mới thực là một tâm hồn chứa chan hạnh phúc trong mọi lúc, vì nó được bình an và vững vàng trong mọi sự.

Hạnh phúc là một tâm thái, nên hạnh phúc cũng là một lựa chọn: một sự lựa chọn sống yêu thương, hòa hợp, cởi mở, thoải mái với chính mình và mọi người, không bị cản trở bởi thái độ hay cái nhìn của người khác. Mỗi người đều có quan điểm và cách đánh giá riêng của họ. Điều quan trọng để sống hạnh phúc là ta biết lựa chọn một thái độ chân chính, một cái nhìn chân thật, phát xuất từ chính chân tâm của mình giữa những những ngổn ngang và phức tạp của lòng người, để làm đẹp cuộc sống từ chính sự hiện diện thân thiện của mình. Hạnh phúc không phải là ở trên mọi người, mà là ở tấm lòng thanh thản, gần gũi với mọi người. Không thể tránh được những người không chấp nhận mình, nhưng điều kiện cơ bản của hạnh phúc là mình biết chấp nhận họ, mà không đánh giá, không xếp loại.

Điều này xem ra có vẻ khó khăn, nhưng hãy nhớ rằng hạnh phúc là một sự lựa chọn, mà lựa chọn thì đòi hỏi phải từ bỏ, quên mình: “Bí ẩn của hạnh phúc con người không nằm trong sự tìm kiếm bản thân, nhưng trong sự quên mình” (Theodore Reik). Sự tiến triển trong đời sống tinh thần là phương sách hữu hiệu để khơi nguồn hạnh phúc. Nó đòi hỏi việc tu luyện và chỉnh đốn bản thân liên tục, chứ không phải muốn là được. Những chủ trương sống dễ dãi chỉ là trò đùa. Đâu thể lấy tiền giả để mua đồ thật. Hạnh phúc là điều cao quí phát xuất tự thâm tâm, nên nó cũng đòi một tính cách cao quí trong mọi hành động của con người.

Tập trung vào hiện tại

Có một nhà tư tưởng người Đức đã đưa một bí quyết sống hạnh phúc như sau:

“Người quan trọng nhất trong lúc này là người đối diện với ta; giờ phút quan trọng nhất trong lúc này là giây phút hiện tại; công việc quan trọng nhất là việc bổn phận ta đang làm. Chỉ chú ý vào người đối diện, vào giờ hiện tại, vào công việc ta đang làm, đó là bí quyết sống hạnh phúc”.

Người Nga cũng có một châm ngôn tương tự:

“Chỗ quan trọng nhất là chỗ bạn đang đứng lúc này; công việc quan trọng nhất là công việc bạn định làm lúc này; con người quan trọng nhất là con người đang đứng trước mặt bạn và đang cần bạn”.

Những ai đang thao thức làm đẹp cuộc đời mình thì đều có những quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện những điều mình đã đưa ra. Nhưng sức người có hạn, “lực bất tòng tâm”, nếu cố sức bằng mọi giá có khi lại thành người duy ý chí, đè nén chỗ này thì lại bung chỗ nọ, có thể sinh ra chán nản rồi bỏ cuộc, thế là đâu lại hoàn đó.

Hãy sống giây phút hiện tại với tất cả tinh thần lạc quan và phó thác, đó mới chính là quyết tâm hiện thực mà ta có thể làm ngay trong giờ phút này một cách hữu hiệu. Hãy đón nhận từng giây phút đang đến như từng viên ngọc quí mà Chúa trao ban cho ta. Hãy hưởng nếm những niềm vui nho nhỏ ngay trong từng giây phút sống của mình, và trao vào tay Chúa mọi lo lắng muộn phiền: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5, 5). Với lòng tin tưởng như thế, ta hãy buông xuống mọi lo âu. Đừng hát nữa bài ca than vãn, chỉ gây chán chường thôi, mà hãy cất lên lời tri ân ca ngợi vì giây phút hiện tại này.

Hạnh phúc trong một cuộc sống tương đối

Đời sống mỗi người đều có những chỗ khuyết, chỗ hụt, những mất mát, yếu kém không thể bù đắp, nên ở đời có vẻ chẳng có ai được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc hạnh phúc nhất, cũng có điều làm ta bận lòng. Cuộc sống hiện thế có những tương đối của nó. Hạnh phúc nào mà chẳng phải mua với ít nhiều đau khổ. An vui nào mà lại không phải đổi chác với ít nhiều công khó. Sách Sử Ký đã ghi: “Họa hề phúc sở ỷ, phúc hề họa sở phục; ưu hỉ tụ môn hề, cát hung đồng vực” (Họa thì phúc nương theo đó, phúc thì họa nằm sẵn trong đó; buồn và vui cùng nhóm một cửa; may với rủi cùng ở một nơi).

Câu chuyện “Tái ông thất mã” cũng cho chúng ta thấy như thế. Tuy nhiên, hạnh phúc đích thực luôn nằm trong trạng thái ung dung giữa mọi cảnh đời thuận lợi hay bất lợi, ngang trái hay êm xuôi. Dù trái nghịch nhau về hình thức và hậu quả bên ngoài nhưng lại hòa hợp nhau về ý nghĩa và giá trị bên trong để hoàn thiện hóa cuộc sống, giúp con người biết tương đối hóa mọi sự kiện để biết nuôi dưỡng đời sống tinh thần, hướng đến một chiều kích siêu việt.

Do đó, hạnh phúc không có nghĩa là không có đau khổ trong đời. Đó là điều không tưởng, và cũng thật là phi lý và vô nghĩa. Con người phải lớn lên trong cuộc sống về mọi phương diện để kiện toàn chính mình, thì đau khổ, nghịch cảnh, trái ngang… và những giới hạn của kiếp sống phải là điều đương nhiên, như một phương cách để thanh luyện và triển nở, và cũng là một kiểm nghiệm tối cần để để cảm nếm hạnh phúc một cách sâu xa hơn. Vì thế, Diêu Thuấn Mục có viết: Sự tình ngổn ngang và phức tạp để kiểm nghiệm ta thực sự có tài năng không? Xã hội không tốt để kiểm nghiệm ta có thực sự tiết tháo hay không? Gian nan khốn khó để kiểm nghiệm tư tưởng của ta có vững vàng kiên định không? Đấu tranh xung đột để kiểm nghiệm con người của ta có bản lãnh không? Nhục nhằn oan khiên để kiểm nghiệm ta có phải là người khoan dung không?”.

Hơn nữa, đối những ai có lý tưởng sống siêu nhiên, dù gặp đau khổ, họ vẫn có thể nói như Thánh Phaolô: Tôi tràn ngập hân hoan giữa những cơn hoạn nạn, bắt bớ (x. 2Cor 12, 10). Đối với Phaolô, nỗi khổ không xung khắc với niềm vui, do nó được chịu “vì” Chúa Giêsu, để trở nên cơ hội cho ta liên kết mật thiết hơn và giống hơn với Bạn Tình. Tân Ước sẽ cho chúng ta thấy rõ ràng hơn về bản chất của hạnh phúc mang tính cách biện chứng trong cuộc sống sống này.

Hạnh phúc đời Kitô hữu

Bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu (Mt 5, 3-12) đã cống hiến chương trình hạnh phúc Kitô giáo. Khi mở đầu sứ điệp bằng các mối phúc, Chúa Giêsu không muốn phác họa một con đường đưa đến hạnh phúc, một lộ trình buộc ta phải theo, nhưng Ngài hứa một quà tặng mà chỉ có Ngài mới có thể ban. Ngài không bảo ta đi tìm hạnh phúc hay chờ đợi nó. Đó chỉ là hạnh phúc theo sự mơ ước và tính toán của ta, nó không ăn nhằm gì với hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đây chính là sự sống của Thiên Chúa ban tặng cho con người, nhưng con người cần phải sống tích cực để đón nhận.

Bản văn của Thánh Matthêu nói trên 9 lần làm nổi bật từ ngữ “Phúc cho”. Sứ điệp của Chúa Giêsu muốn tập trung vào “hạnh phúc thật”: hạnh phúc theo nghĩa tôn giáo, đó là hạnh phúc đặt con người trong tương quan đích thực với Thiên Chúa, và do đó, với toàn thể thực tại. Tất cả các mối phúc đều hướng đến đích điểm là được sống thân tình với Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài mới có hạnh phúc trọn vẹn, vững bền. Con người chỉ hạnh phúc khi gắn bó với Nguồn cội, với Đấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả. Nói cho cùng, người hạnh phúc là người biết mở ra, mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.

Mọi người đều khao khát hạnh phúc. Chúa Giêsu đã đến để thỏa mãn khát vọng hạnh phúc ấy đang dầy vò trong tâm hồn con người. Ngài cho chúng ta biết ai là người hạnh phúc đích thực trên trần gian. Đó không phải là người giàu sang, nổi tiếng, quyền thế, danh nhân hay thiên tài, song là kẻ có tinh thần nghèo khó, khiêm nhu, chính trực, nhân ái, xây dựng hòa bình, chịu bách hại vì đức tin… Ngài có thể nói những điều đó, bởi vì Ngài đem đến hạnh phúc đó, bởi vì chính bản thân Ngài là niềm vui và hạnh phúc của Thiên Chúa.

Chính vì vậy mà Bát Phúc đều qui về một mối: phúc cho ai nên giống Chúa Giêsu. Vì nếu Chúa Giêsu đã tuyên bố Bát Phúc, thì trước tiên Ngài đã sống những điều đó trong cuộc đời Ngài: chẳng ai từ bỏ bản thân, hiểu rõ nỗi khốn cùng nhân thế, rộng lòng xót thương, hết lòng thi hành thiên ý, thẳng thắn và đơn sơ, hiền lành và khiêm nhượng, xây dựng hòa bình và cam chịu bắt bớ bằng Ngài. Do đó, Ngài đã có thể nói vào lúc cuối đời: “Lạy Cha, chớ gì niềm vui của con được tràn đầy nơi chúng, để niềm vui chúng nên trọn vẹn” (Ga 17, 13).

Thật sự, chỉ có Chúa Giêsu mới biết hạnh phúc là gì; chỉ có Ngài mới có thể ban hạnh phúc, vì hạnh phúc là quà tặng của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, con muốn mượn lời nguyện cầu của R. Tagore để thân thưa với Chúa rằng:

“Chỉ mong con chẳng còn gì, để nhờ thế con được gọi Chúa là tất cả của con.

Chỉ mong ý muốn trong con chẳng còn gì, để nhờ thế con cảm thấy Chúa ở mọi chốn, mọi nơi; để con có thể đến với Chúa qua mọi thứ, mọi điều, và dâng Chúa tình con lúc nào cũng được.

Chỉ mong con chẳng còn gì, để nhờ thế chẳng bao giờ con lẩn tránh được Ngài.

Chỉ mong những ràng buộc trong con chẳng còn gì, để nhờ thế con trói buộc thân mình vào ý Chúa muốn, và nhờ thế, con thực hiện ý muốn của Chúa trong suốt đời con. Ý muốn đó chính là tình yêu của Chúa ràng buộc trái tim con”.

Lạy Chúa là suối nguồn hạnh phúc của cuộc đời con, ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc? Xin cho con đừng giây phút nào rời xa Chúa. Xin thanh tẩy tâm con khỏi mọi bợn nhơ, và cho con được liên lỉ kết hiệp làm một với Chúa trong mọi sự. Amen.

LM Thái Nguyên

VietCatholic

Chia sẻ Bài này:

Related posts