Hiền … BERNADETTE

(Gợi ý sau khi tham dự Thánh Lễ kỷ niệm 25 năm khấn trọn đời của Sơ Maria Kim Chi)

Ơn gọi nào cũng là ơn gọi. ơn gọi ‘Ði tu’ hay ơn gọi ‘Lập gia đình’, cả hai đều quan trọng và cao cả. Riêng trường hợp ‘Ðộc thân’ (không kể hàng Tu sĩ Công giáo), cả một số ‘Ðộc thân bất đắc dĩ’, không biết đây có phải là một ‘ơn gọi’ hay không? Nếu cũng là ơn gọi thì ‘Danh xưng’ là gì? Nhưng thôi, chuyện này xin hạ hồi phân giải.

Mấy tuần trước đây, tôi có dịp tham dự một tiệc cưới (ơn gọi lập gia đình) tại Houston, theo nhận xét rất tinh tế của vị Linh mục ‘Làm phép của ăn’ cho bữa tiệc hôm đó thì đây là một tiệc cưới đẹp va đông đảo, ít thấy. Ðúng vậy, suốt tiệc cưới, lúc nào cũng đầy ắp những tiếng cười bên những lời chúc tốt lành chung quanh bàn tiệc, nhất là lời mừng cho hai họ có được Dâu Hiền, Rể Thảo. Người chúc cũng tỏ ra khôn ngoan, thông minh, chỉ dùng một vài chữ mà nói lên được rất nhiều ý nghĩa. Người nghe: Cô dâu, chú rể, được xưng tụng là Hiền, Thảo, đẹp đôi, cũng cảm thấy sung sướng vô cùng; trong khi bố mẹ hai bên rất lấy làm hãnh diện vì hạnh phúc cuả con cái, của gia đình mình được mọi người chúc phúc. Lời chúc này rất quen thuộc, người chúc thì thành thực, người nghe mong được thế. Vậy… câu hỏi đặt ra….Thế nào là Hiền? Và thế nào là Thảo?

Ðể trả lời câu hỏi này, sau đây là những suy nghĩ về Hiền, còn Thảo…nếu có dịp, xin được luận sau.

Ðại cương: ‘ Hiền là người có những nhân đức như: Khiêm nhường, dịu dàng, nhân từ, ngay thẳng, nhẫn nhục và…vâng lời’.

Trong Giáo hội Công giáo, mỗi khi nói đến gương hiền lành và khiêm nhường, có lẽ không ai là không nghĩ tới Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng. Thánh là Ðấng được nhiều người nhắc tới, được người đời viết về đời sống của Thánh nhiều nhất. Tuy thế, còn có một người khác, thành tích ‘Hiền lành và khiêm nhường’ xem ra cũng đặc biệt lắm, nhưng lại ít được nói tới, người đó chính là cô Bernadette.

Bernadette (1844-1879), người có diễm phúc vô cùng lớn lao là được Ðức Mẹ hiện ra với cô, không phải một lần mà tới 18 lần chỉ trong vòng 5 tháng, từ 11 tháng 2 đến 16 tháng 7 năm 1858 tại Lộ Ðức thuộc miền Nam nước Pháp.

Trước sự việc lạ lùng và quan trọng như thế, Bernadette, từ hồi hộp, lo sợ đến vui mừng, thích thú, cô hăm hở đi loan báo cho mọi người, kể cả các Bề trên địa phương, Với ai cô cũng thành khẩn trình thuật đầu đuôi, tỏ tường, thế nhưng…thật là thất vọng và lo sợ, nghe Bernadette thuật lại, người tin thì ít mà kẻ nghi ngờ, không tin thì nhiều, khiến cô vô cùng bối rối, lo âu! Có người còn buộc tội cô là bịa đặt, láo lếu, thậm chí nhiều người còn chê bai, nạt nộ, ngay cả các đấng thẩm quyền Tôn giáo địa phương cũng chẳng ai tin cô! Người ta đã nói thẳng với cô là: ‘Chúng tôi không tin những chuyện hiện ra này đâu, đừng nói nhiều nữa’.

Nghe những lời cự tuyệt gần như phỉ báng, chống đối như vậy quá nhiều, Bernadette biết mình phải làm gì, cô chạy đến bắt đền và ăn vạ với Mẹ, cô liên tục cầu nguyện, xin Mẹ thêm sức mạnh chịu đưng cho cô, xin cho được can đảm hơn trong sứ mạng đem Tin Mừng này đến cho mọi người và nhất là xin Mẹ soi sáng để người ta nhận ra được đây là ơn đặc biệt mà Mẹ giành cho loài người.

Thế rồi, thời gian ngắn sau đó, thật ngạc nhiên, trước những thờ ơ, lạnh nhạt cũng như chống đối công khai diễn ra hằng ngày, người ta thấy, Bernadette chẳng những không còn tỏ ra thất vọng nữa, trái lại, cô sống rất hồn nhiên, bình thản. Ðể trả lời cho những người cô cho là cứng lòng này, cô vui vẻ nói:’ Ðức Mẹ hiện ra với cháu thì cháu kể cho qúi ông bà hay, cháu đâu có nhiệm vụ làm cho qúi ông bà Tin, cháu chỉ làm nhiệm vụ nói để qúi ông bà biết thôi mà’.

Qua câu trả lới trên đây, chúng ta thấy Bernadette, dù chỉ là một thiếu nữ đồng quê, tuy mới 14 tuổi, nhưng đã tỏ ra khôn ngoan, hiền lành và khiêm tốn tới mức nào!

Thời gian sống trong dòng tu, Bernadette được tất cả các chị em trong dòng thương mến và cảm phục. Một chị nữ tu đã nói: “Chị Bernadette rõ ràng là một tấm gương của mọi nhân đức mà tất cả chị em trong dòng chúng tôi phải noi theo”. Mẹ Bề trên thì bảo: “Bernadette là một Thiên Thần, Bernadette trong trắng như một đoá hoa. Trước khi nhận Bernadette vào dòng, tôi cũng nghe người ta đồn đãi rất nhiều về cô bé này, thoạt đầu, tôi không tin, nhưng về sau…rõ ràng là Mẹ Maria đã ban cho Bernadette Hồng Ân giữ được nét đơn sơ, trong sạch, hồn nhiên, hiền lành của một trẻ thơ, khi vào dòng rồi tôi mới nhận những lời đồn này là…thiệt”.

Bernadette được khấn vào dòng ngày 30 tháng 10 năm 1867.

Theo truyền thống sinh hoạt của dòng, trong ngày khấn, Ðức Giám mục điạ phương thường đến chủ tế. Ðiều khiến nhiều người thắc mắc là không hiểu tại sao, trong ngày vui mừng này, Mẹ Bề trên lại trình ngay với Ðức Cha là… ‘Bertnadette hiền lành, khiêm tốn thì có nhưng …thưa Ðức Cha, em vụng về lắm’! Bất ngờ nghe vậy, Ðức Cha ngạc nhiên vô cùng, Ngài không tin, để cho ra lẽ, Ngài liền gọi Bernadette lên hỏi: “Con quả thật không biết làm cái gì hết sao?” Bernadette cúi đầu, nghẹn ngào trả lời: “Thưa Ðức Cha, Mẹ Bề trên thật không sai, con không biết làm gì cả!” Ðức Cha nói tiếp: “Thật tội nghiệp con, Cha phải làm gì cho con bây giờ? Mà tại sao con lại xin vô dòng chứ?” Bernadette sững sờ, ngước mắt nhìn vị Giám Mục, hai tay đang đặt trên vai cô, trong cử chỉ âu yếm, đầy nhân từ, giây lát, Bernadette thổn thức thưa: “Hồi còn ở Lộ Ðức, con đã trình bày với Ðức Cha chuyện này mà, Ðức Cha bảo con là…không sao, con cứ xin vô dòng đi”. Nghe Bernedette nói thế, vị Giám Mục tỏ ra bối rối, hơi lung túng, không biết phải giải quyết ra sao, bỗng Ngài nói: “thì ít ra con cũng phải biết gọt khoai, nhặt rau chứ!” Bernadette đơn sơ thưa: “Con sẽ cố gắng Ðức Cha ạ”. Mỉm cười, Ðức Cha quay sang Mẹ Bề trên, chậm rãi nói: “Thôi được, nhà dòng nên giữ trẻ này ở lại thêm một thời gian nữa, theo dõi, nếu thấy là cô bé hữu ích trong vài công việc nhỏ nào đó thì gửi ngay đi giúp các xứ đạo cũng tốt vậy.”

Bất an trong xã hội ngày nay, căn nguyên là từ những rối loạn nơi tâm hồn con người. Chỉ có những tâm hồn biểu lộ những đức tính hiền lành và khiêm nhường mới hy vọng có được bình an thật sự. Bạn công nhận điều này không? Có phải khi con người đã nằm…xoài (không phải là nằm xuống đâu) trên đất mới không thể té phải không? Cũng thế, người hiền lành, khiêm nhường, có bao giờ sợ… mất danh thơm đâu. Người hiền và khiêm nhường luôn vui với những gì mình có, không mơ tưởng hão huyền, xa thực tế. Ngoài ra, người hiền vốn là người có lòng quảng đại, không đố kỵ, nhỏ nhen, không ghen, hờn, ấm ức, lại luôn chia sẻ, nâng đỡ tha nhân những gì cần thiết. Ðức Khổng Tử bảo: ‘Người hiền thường hay nhường nhịn mà nhường nhịn lại chính là hành động của kẻ Dũng’. Hiểu được thế, chúng ta rút ra được nhận xét: Khi người ta chấp nhận nhường và nhịn thì rõ ràng là người ta đã chấp nhận thua và thiệt. Khi người nào đã chấp nhận thua và thiệt, người đó chỉ có thể thêm bạn và nhất định bớt thù. Khi đã không sợ thiệt thì người ta có thể sống hoà thuận với mọi người.

Trong cuộc sống đầy bon chen, cám dỗ này, chỉ cần quan sát chung quanh chúng ta cũng dễ nhận ra một điều: Kẻ hung hăng, háo thắng, người không biết nhường nhịn, chính đó là kẻ… hèn! Người đã hèn thì còn trông mong chi nơi họ có được tinh thần mã thượng hay lòng bao dung, nhường nhịn, bởi bản chất của họ là loại người luôn từ chối hoặc lẩn trốn trách nhiệm và… hy sinh!

Qua sử sách (Ta và Tàu), thấy rõ: Chỉ những xứ sở nào có được những vị Vua Anh Minh, biết trọng người Hiền thì xứ sở, đất nước ấy mới có được bình an, thịnh vương mà thôi.

Vymainguyen

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment