Hy sinh dường như gắn liền với khổ đau, mất mát. Con người sợ hy sinh vì ngán đau khổ. Người ta rên la đau khổ; người ta tiếc xót mất mát. Rên la, tiếc xót làm chùn bước hy sinh, gây lưỡng lự, do dự nên dự tính thì nhiều mà thực hành chẳng bao nhiêu. Tính để đó, bàn định để đó, cơ hội đến; âm thầm ra đi. Nuối tiếc! vì thiếu hy sinh. Không hy sinh đừng mong tiến thân. Hy sinh là điều cần để tiến thân, thành nhân. Hy sinh cho tình yêu, đau khổ biến mất. Đam mê cũng giúp con người vượt qua nhiều trở ngại nhưng tình yêu mãnh liệt hơn nhiều. Tình yêu nhiệm mầu là thế. Khi yêu người ta dám hy sinh, từ bỏ, vượt qua tất cả để được yêu. Tình yêu làm cho hy sinh nên phong phú, kiên cường và cao quý.
Hy sinh đòi một yếu tố quan trọng khác là liều. Liều dấn thân vào công việc nhưng không mù quáng. Hy sinh gây hy vọng nhưng không bảo đảm sẽ đạt kết quả như ý nguyện. Sống hy sinh ít khi thất vọng. Hoa quả hy vọng thuộc về tương lai. Tương lai trong tầm tay có thể với được nhưng chưa nắm được. Hy vọng tô điểm cho ngày mai. Hy vọng là mầm sống của ngày mai. Không hy vọng con người sống cũng như chết. Chết trong tuyệt vọng đau khổ thê lương khôn tả.
Hy sinh cho ai hay với mục đích gì?
Hy sinh cho tương lai bản thân, cho gia đình, cho tổ quốc, cho lí tưởng, cho niềm tin. Bài này giới hạn hy sinh cho niềm tin của người Kitô hữu.Kitô hữu hy sinh sống Tin Mừng. Kitô hữu không sống cho riêng mình nhưng cho tập thể cộng đồng nhân loại vì mọi người đều là anh em.Người ta cứ dấu hiệu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương nhau (Jn 13,35).Tình yêu thực sự đòi hy sinh. Thiếu hy sinh là yêu trên đầu môi chóp lưỡi. Dân này thờ ta bằng môi bằng miệng còn lòng chúng thì xa ta (Mc 7,7).
Hy sinh trong Phúc âm nhắc đến tinh thần từ bỏ, dấn thân đến chết. Ngôn từ hy sinh trong Phúc âm mạnh đến độ phải liều lĩnh, đôi khi quá khích. Liều bỏ mạng để cứu mạng:‘Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy’(Mc 8,35).
Hy sinh đòi dấn thân, lao mình vào gian nan, thử thách. Đòi hỏi một tinh thần quyết tâm mãnh liệt và dứt khoát. Là một thách đố lớn, một chọn lựa táo bạo và dấn thân liều lĩnh vì phải thí mạng để cứu mạng, mất để lấy lại, từ bỏ để đi theo, liều mất để tìm thấy. Không phải đi theo tay trắng nhưng vác thập giá đi theo. Theo đã khó, vác thập giá theo khó hơn bội phần.
Hy sinh từ bỏ những gì dính bén ở bên ngoài con người đã khó. Như từ bỏ địa vị, của cải, đam mê và danh tiếng. Hy sinh trong tôn giáo đi xa hơn, đòi hỏi từ bỏ những gì thuộc về mình, thuộc đời sống bên trong, đòi thay tâm; đổi tánh. Thực sự và quyết tâm, dứt khoát từ bỏ những gì thuộc về bản thân, điều cản trở Tin Mừng, duyên cớ tác hại niềm tin. Đức Kitô diễn tả điều này bằng ngôn ngữ mạnh bạo nhưng rất gần. Ngài không nói Kitô hữu phải thành kẻ tật nguyền. Ngài muốn nói đến một thái độ dứt khoát từ bỏ, quyết tâm mà không liên quan gì đến việc hủy hoại một phần thân thể.
Thà mất một tay được vào cõi sống còn hơn là mất mạng. Mất một chân đi chậm mà chắc còn hơn cả hai chân đi lẹ nhưng trật đường. Thà mất một mắt mà nhìn chính xác còn hơn có hai mắt nhìn sai lối (Mc 9).
Hy sinh cho đức tin, Tin Mừng là một dấn thân khôn ngoan trong hy vọng. Một bảo đảm chắc chắn thu hoạch thành quả luôn lớn hơn những gì cho đi. Đây là sự khác biệt giữa hy sinh xã hội và hy sinh tôn giáo.
Ngòai xã hội thành quả của hy sinh tùy thuộc vào cơ may, vận hên. Tôn giáo thành quả hy sinh được xác định rõ ràng, chắc chắn.
Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng đong cho anh em bằng đấy ấy và còn cho anh em hơn nữa. Vì đã có thì được cho thêm. (Mc 4,24)
Hy sinh trong tôn giáo thu hoạch kết quả hai lần. Lần một ngay đời này và lần hai ở đời sau, kết quả cao quý hơn, vĩ đại hơn vì tính trường cửu.
‘Ai bỏ nhà cửa, anh em …. Vì Danh Thầy thì sẽ được gấp bội đời này và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp’ (Mc 10,30).
Thành quả đời sau nằm trong hy vọng nhưng thành quả đời này hiện hữu, cảm nghiệm được, nhìn thấy, bắt nắm được. Chối cãi sao được bình an tìm gặp khi cầu nguyện. Người nào không vui lây khi người mình giúp nở nụ cười. Bình an nội tâm, chia sẻ niềm vui chính là thành quả đời này.
Những khuyến khích hy sinh phục vụ làm việc cho Chúa, đời sau Chúa trả công. Lời khuyến khích trên là một hảo ý mà không diễn tả nổi tình Chúa yêu ta. Hy sinh vì tình yêu nhiệm mầu, cao cả công nào thưởng cho vừa. Thưởng công hiểu theo nghĩa đúng đắn là Chúa yêu ta trước; ta đáp lại tình yêu Chúa. Người yêu ta trước ngay cả khi ta còn là tội nhân. Vì đáp lại tình yêu Chúa nên ta cảm nghiệm được tình Chúa yêu ta thắm thiết hơn, nồng nhiệt hơn mà trước đây ta vì thiếu hiểu biết, kém hy sinh, cảm nghiệm chưa đủ. Hy sinh không phải để nhận công, lãnh thưởng mà là cảm nghiệm được tình Chúa dành sẵn cho. Chỉ những ai sống trong yêu thương chân thành mới nếm được hương vị tình yêu.
Nhận phần thưởng Chúa ban chính là ngụp lặn trong biển yêu thương Chúa dành cho nhân loại từ trước khi tạo thành thế gian.
Lm Vũ Ðình Tường
Vietcatholic